Năm loài hoa Cúc họ Chrysanthemum sử dụng làm dược liệu
Theo Wikipedia, hoa Cúc được gọi chung bằng Chrysanthemum (hoặc mums hay chrysanths) hoặc Pyrethrum hoặc Dendranthema. Tancetum, là loại cây lâu năm trong họ Asteraceae – tên tiếng Việt là Cúc, Đại cúc Cúc hay Cúc đóa.
Loài này có phân bổ rộng lớn: Châu Âu, Bắc Phi, Trung Cận Đông sang tới Trung Quốc, Việt Nam . Tại nước ta, Cúc được trồng quanh năm. Hoa cúc ngoài giá trị thưởng ngoạn, cúc còn có giá trị thực dụng như dùng để ăn, pha trà, ướp trà hương cúc hoặc chế thành trà cúc hay được pha chế thành rượu cúc. Hoa cúc vừa có ý nghĩa về cả mặt nghệ thuật và y học. Hoa có thể cắm bình, lọ, bát hoặc trồng trong bồn chậu để trang trí. Dược liệu từ hoa Cúc chữa bệnh nhức đầu, đau mắt, bệnh ban đỏ ngoài da… Các loài hoa Cúc quý nhất trong khoảng 4000 loài Cúc có tác dụng hữu ích làm dược liệu trong cuộc sống con người là 5 loài Cúc: Cúc trừ trùng; Cúc hoa vàng; Cúc hoa trắng; Cúc hạ sốt và Cúc ngải.
1. Cúc trừ trùng, Cúc trừ sâu
Tên khoa học: Chrysanthemum cinerariifolium (Trevir.) Vis. hoặc Tanacetum cinerariifolium (Trevir.) Sch. Bip . thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Mô tả: Cây thảo sống dai (6-12 năm), cao 50 – 60 cm, mọc thẳng, hóa gỗ ở phần dưới, tròn, có khía dọc, có lông măng mềm trông như bông; thân phân cành đơn chủ yếu là ở phía dưới. Lá mọc so le; các lá phía dưới to, có thể dài tới 20cm, rộng 6cm, có cuống dài ôm thân; phiến lá chia ra thành 7 – 9 đoạn so le, thon hẹp về phía gốc, chia thùy sâu có răng. Lá bắc của bao chung màu nâu, hình dải, dài dần từ ngoài vào trong, các lá bắc ngoài nhọn, các lá bắc trong tù hay cụt. Để hoa trần, lồi, gần như hình bán cầu. Hoa cánh hợp; các hoa phía ngoài hình lưỡi, màu trắng; các hoa ở giữa hình ống, màu vàng. Quả bế, hơi cong, hình lăng trụ, với 5 cạnh và 5 mặt; Hạt không có nội nhũ, mầm thẳng.
Hoa có nguồn gốc ở Châu Âu được trồng ở nhiều nước Châu Âu, ở Úc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện nay, Kenya là nước trồng và thu hoạch hoa Cúc trừ trùng lớn nhất thế giới. Ta cũng nhập trồng tại Đà Lạt.
![]() |
Thành phần hóa học: Có sáp, paraffin, cholin, phytosterol, tinh dầu, dầu nguyên, pyrethrin I và pyrethrin II, có hàm lượng từ 0,2 – 1,2%; tỷ lệ giữa pyrethrin I và II là 2/3.Còn có chrysanthin và chrysanthen.
Các lipophilic flavonoida tìm thấy trong cây; (1) 6-hydroxykeampferol 3,6-dimethyl ether; (3) querc-etagetin 3,6-dimethyl ether; (5) apigenin; (8) scutellarein 6-methyl ether; (9) scutellarein 6,4-dimethyl ether;
Công dụng: Cúc trừ sâu có hoạt chất pyrethrin được dùng chủ yếu để tạo thuốc trừ sâu thiên nhiên. Tại Việt Nam , dịch chiết Pyrethrin từ hoa Cúc được bán ở dạng thương phẩm thuốc trừ sâu với tên Vân Cúc (5EC), Mativex (1.5EW), Nixatop (30CS). Thuốc ít độc đối với người và động vật có máu nóng nhưng lại độc đối với động vật có máu lạnh, côn trùng và động vật không xương sống khác. Các chất hỗ trợ như piperonyl butoxide, dầu lạnh, dầu vừng, dầu bông… là những chất có tác dụng tăng cường hoạt tính của pyrethrin, giúp thuốc bền vững trong môi trường và làm giảm lượng thuốc cần dùng để đạt hiệu quả trừ sâu mong muốn.
Thuốc pyrethrin viên dùng uống trong trị giun đũa, sán xơ mít, giun tóc, giun móc, giun kim; còn dùng ngoài diệt chấy rận ghẻ. Bột hoa hay rễ hoặc cồn chiết dùng làm thuốc đuổi muỗi và bôi da để trừ chấy rận. Pha 20g bột hoa, bột rễ Cúc trừ sâu vào 3 lít nước, đun cho hơi nóng rồi phun lên cây trồng có sâu, vào khu chăn nuôi gà vịt để trừ mạt cho gà vịt… Tại Mỹ, dịch chiết hoa cúc còn được chế làm thuốc gọi đầu để trị chấy cho người, làm thuốc tắm để trị rận, bọ chét… cho thú nuôi trong nhà, làm chế phẩm phun hoặc làm hương đốt để diệt muỗi và côn trùng. Dịch chiết hoa cúc còn được cho vào cá và thịt khô để bảo quản chống lại các loài như ruồi, Dermestes và Calliphora. Người ta còn tạo xà phòng cúc trừ trùng: Từ nguyên liệu ban đầu gồm dầu o-liu khô (200g), dầu o-liu lỏng (220g), 10g tinh dầu hoa cúc đem trộn đều, nấu cho nóng chảy, để nguội. Từ từ đổ dung dịch nước kiềm 1N vào hỗn hợp dầu đã tan chảy. Khuấy kỹ cho đến khi hỗn hợp bắt đầu xuất hiện những lớp trắng mỏng. Đổ hỗn hợp vào khuôn xà phòng để chuẩn bị sẵn. Sau khoảng 7 ngày thì lấy ra và bạn đã có bánh xà bông có mùi thơm dịu, kháng khuẩn, trừ trùng.
TLTK: 1. Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi – NXB Y học 1996. 2.www.caythuocquy.vn. 3.Nguồn internet.
2. Cúc hoa vàng; Cúc hoa, Cúc vàng, Kim cúc, Hoàng cúc
Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L. = Dendranthema indicum (L.) Des Muol. Họ Cúc Asteraceae, Chi CHRYSANTHEMUM
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm hay lưu niên. Thân cứng cao tới 1m, phân cành ở ngọn. Lá mọc sole, có thùy sâu, mép có nhiều răng, không cuống. Cụm hoa hình đầu, ở nách lá hay ở đỉnh cành, đường kính 1 – 1,5cm, cuống dài 2 – 5cm. Lá bắc xếp 3 – 4 hàng. Các hoa vòng ngoài hình lưỡi, xếp hai vòng; các hoa ở trong hình ống, màu vàng. Quả bế, có mào lông.
Cây phân bổ chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam . Cây được nhập trồng làm cảnh lấy hoa ướp trà chứa dầu bán khô 15,8%.
![]() |
Thành phần chính tìm thấy trong tinh dầu hoa là 1,8-cineole, camphor, borneol và bornyl acetate. Ngoài ra trong dầu cũng tìm thấy asterpineol, cis-sabinol, thujone, terpinen-4-ol, Đ-cymene, và linalool. Thành phần tìm thấy trong hoa làm khô trong không khí cũng tương tự như trong tinh dầu, chỉ khác về hàm lượng 1,8-cineole (30,41%) và camphor (23,52%) còn trong hoa khô có hàm lượng camphor cao. Các Sesquiterpene hydrocarbons acopaene, b-elemene, b-caryophyl-lene, b-farrnesene, b-humulene và germacrene-D, a-selinene, ar-cur-cumene, calamenene, y-cadinene và calacorene. T-muurololol là sesquiterpenoid oxy hóa cũng tìm thấy trong Ch.indicum. Dịch chiết methanol hoa chứa glavone và flavone glycosides, và 3 sesquiterpene kiểu eudesmane, kikkanols A, B, C và một trans-sesquiter-pene, chrysanthemol. Hoa cũng chứa sesquiterpenes kiểu germacrane, kikkanols D, D monoacetate, E, F, và F (5), flavanone glycosides, (2S)-and (2R)-eriodictyol 7-O-beta-D-Glucopyranosiduronic acids, và một phenybutanoid glycoside, (2S, 3S)-1-phenyl-2,3-butanediol 3-O-beta-D-glucopyranoside và tám flavonoids (6).
Một lượng lớn calcium (230mg/100g) phosphorus (158mg/100g) và sulphur (146mg/100g) cũng tìm thấy trong hoa chrysanthemum.
Các phân đoạn chiết hoa có hoạt tính nhanh chống viêm, kháng gout và kháng huyết khối. Phân đoạn chiết Ch.indicum từ hoa hoặc chồi bằng dung môi butanol thể hiện hoạt tính chống viêm cao hơn các phân đoạn khác. Các hoạt tính chống viêm, miễn dịch thể dịch và tế bào và thực bào đơn nhân là do sự có mặt của glavonoids trong cây. Liều dùng 150mg/kg thể trọng chuột cho thấy hiệu ứng ức chế đáng kể phù nề tai ngoài ở chuột. Phân đoạn chiết methanol của hoa có tính ức chế oxy hóa xanthine (extract IC50, 22 Mg/mL; allpurinol kiểm tra dương IC50, 1.06mg/mL) nên đây là hướng điều trị bệnh gout trong y khoa. Phân đoạn chiết Ch.indicum bắng nước có hoạt tính chống huyết khối, giúp điều trị chứng tụ huyết nghẽn mạch.
Tinh dầu cây có hoạt tính kháng khuẩn (tụ cầu vàng Staphylococcus aureus và E.Coli) chứa nhiều camphor và borneol và một lượng nhỏ of á-terpineol, terpinen-4-ol, Đ-cymene and linalool. Tinh dầu hoa tươi có chứa 1,8-cineole (30,41%) and camphor (23,52%)
Sesquiterpene lactones từ dịch chiết hoa khô có thể gây dị ứng. Trong đó đã phát hiện ra một chất gây dị ứng sesquiterpene lactone kiểu guaianolide tương tự như arteglasin A chiết từ loài Artemisia douglasiana Bess.
Công dung: Cả cụm hoa và cành lá đều được dùng để làm thuốc.
Y học cổ truyền Trung Quốc, thường dùng hoa Cúc để chữa mụm nhọt sưng lở (đinh sang ung thũng), mắt đỏ sưng đau, đau đầu chóng mặt, các bệnh hô hấp. Các bộ phận phía trên của cây (thân, lá, hoa) làm thuốc uống hoặc dùng ngoài trị các bệnh chứng viên nhiễm: viêm phổi, viêm đại tràng, viêm miệng, viêm amidan, cúm, viêm phế quản.Viêm ruột thừa, viêm da, da liễu, phát ban và sốt (1).
Ta thường dùng trong các trường hợp: 1. Phòng cảm lạnh, cúm, viêm não; 2. Viêm mủ da, viêm vú; 3. hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao; 4. Đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt; 5. Viêm gan, kiết lỵ.
Người ta cũng thường chọn thứ cúc vàng có hoa dầu nhỏ để pha trà cho thơm và ngâm rượu uống cho bổ. Công thức chế biến một vài loại trà và rượu Hoa Cúc như sau:
Trà Cúc hoa: 5-12g Chrysanthemum được pha với 200ml nước nóng. Uống 3 lần/ngày. Trà có mùi thơm dịu, thanh nhiệt, bổ mắt, để điều trị một số bệnh mắt…
![]() |
Trà Hoa Cúc – Táo gai: mỗi vị 10g, pha như trà, có công dụng hạ huyết áp, giảm cân, giảm mỡ cho người béo phì, mắc bệnh cao cholesterol/cholesterin trong máu. Trà ba loại hoa: kết hợp hoa cúc vàng, hoa bạch cúc và hoa nhài để pha trà có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, phong hàn, đầy hơi, mụn nhọt, hạ hỏa.
Trà cúc mật ong: Hoa cúc 50g, thêm 20ml nước,đun sôi một phút, giữ nhiệt trong 30 phút, lọc lấy nước, thêm lượng mật ong vừa phải, khuấy đều, đem uống có tác dụng bổ gan, giải khát, tĩnh tâm, sáng trí và mát ruột.
Rượu Cúc hoa: trong y học cổ truyền Trung Hoa, gạo nếp trộn với hoa cúc rồi lên men sẽ tạo thành rượu Cúc hoa có vị ngọt, mát, giúp măt sáng, trí tuệ minh mẫn, bổ gan, kéo dài tuổi thọ.
Các món ăn chế biến với Hoa Cúc
Cháo cúc hoa: 100g gạo tẻ nấu cháo chín, thêm 10 -15g cúc hoa bỏ đế hoa đã tán bột, đun sôi thêm một chút là được. Cũng có thể để nguyên bông hoa đem nấu cháo. Tác dụng: tán phong nhiệt, thanh can hỏa, giảm huyết áp, phù hợp với những người mắc bệnh mạch vành, cao huyết áp, hay có các chứng hoa mắt chóng mặt do can thận âm hư; can hỏa vượng… Tuy nhiên, thuốc hoa cúc không nên dùng cho người mắc bệnh tiêu chảy.
Bánh Hoa Cúc: Hoa cúc Chrysanthemum, kết hợp với bột đậu, sữa gạo để làm thành bánh giải nhiệt: 20 – 30 chiếc hoa Cúc khô đem gói thành túi, đun sôi trong 10 phút. Đến khi chuyển thành màu vàng nhạt thì ngừng đun. Không nên đun hoa quá lâu vì khi uống sẽ có vị đắng. Bỏ túi hoa ra ngoài, thêm đường phèn đến vị ngọt cần thiết. Khuấy 200g nước bột hạt dẻ và 1 bông hoa cúc tươi với rượu trắng, quậy cho tan rồi đổ vào dung dịch trên. Đun nhẹ 15 – 20 phút. Dừng đun khi dung dịch trở nên trong suốt. Có thể ăn nóng hoặc lạnh. Có thể cho thêm các nguyên liệu khác như nho khô, mơ, đào… để tăng thêm hương vị. Bánh có tác dụng thanh nhiệt cho cơ thể. Món Gà om Hoa Cúc: Hoa Cúc 100g, Thịt gà 250g, 2 lòng trắng trứng, Nước soup gà 150g, muối, rượu vang, hành, gừng, bột ngô, mỗi vị 20g, bột tiêu đen 2g, đường trắng, dầu mè 3g, hồ bột 50g.
Luộc gà, bỏ tĩnh mạch, cắt thành miếng. Rửa hoa Cúc bằng rượu. Rửa sạch gừng và hẹ, cắt thành miếng nhỏ bằng ngón tay. Thêm lòng trắng trứng, muối, vang, bột tiêu, bột ngô trộn với gà. Thêm muối, đường trắng, soups gà, tiêu đen, dịch hồ bột, dầu mè vào bát và trộn đều. Làm nóng chảo rán, cho mỡ (hoặc dầu) vào, khi mỡ sôi thì cho gà vào rán, bở mỡ dư đi. Cho gừng, hành và vang vào gà. Cho hoa cúc vào, rán và đảo kỹ.
Món gà thơm, ngon mùi hướng hoa cúc, giải độc cơ thể, thanh nhiệt, sáng mắt, bổ máu, ăn rất ngon vào mùa thu. Có thể làm tương tự với cá, thịt ếch, rắn…
Chè Hoa Cúc: hoa cúc, nấm trắng và hạt sen đem nấu chè, thêm ít đường phèn, thanh nhiệt, giải độc
Các đơn thuốc chữa bệnh từ hoa Cúc
Cảm mạo phong nhiệt: Cúc hoa 12g, Củ sắn dây 12g, lá dâu tằm 12g, rễ Lau 12g, Bạc Hà 5g, Cam thảo 5 g, sắc uống, ngày một thang.
Phong cảm cúm: Cúc hoa (cành, lá) , Diếp cá, Kim ngân dây, mỗi vị 30g, đun sôi với 600ml nước còn 200ml. Lọc lấy nước, uống mỗi lần 20ml, ngày uống 3 lần.
Đinh nhọt: Cúc hoa, Bồ công anh, Tử hoa địa đinh 30g, Kim ngân 60g, sắc uống.
Các loại mụn nhọt, viêm tuyến vú, mụn nhọt, sưng, nóng đỏ đau chưa lên mủ: Cúc hoa (hoa, lá, cành) 20g khô hoặc 60 -80 g tươi. Kim ngân (hoa hoặc dây) 12g. Bồ công anh 12g, Cam thảo 12g. Sắc kỹ, uống nóng, ngày một thang. Bên ngoài, dùng một nắm lá cúc hoa tươi và 3 cây hành tươi rửa sạch, giã nhỏ, thêm vài hạt muối đắp ngày một lần.
Dùng ngoài trị đinh nhọt, rắn cắn, chấn thương bầm giập. Cách dùng: ngày uống 8-12g hoa hoặc 15- 20g cành lá sắc uống. Dùng ngoài giã tươi đắp không kể liều lượng.