Một vài suy nghĩ từ việc nghiên cứu quan hệ Việt - Mỹ (1939 - 1954)
1. Trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX đến 1884: Quan hệ Việt - Mỹ là quan hệ giữa một nước tư bản với một nước phong kiến, giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền. Do sự khác nhau về trình độ phát triển, về chế độ chính trị, với hai nền văn minh văn hoá khác nhau lại quá cách biệt nhau về mặt địa lý nên hai bên đã bỏ qua những cơ hội có thể đi đến thiết lập quan hệ bang giao. Cụ thể trong những năm 1832, 1836, trong khi Hoa Kỳ muốn đặt quan hệ giao thương buôn bán với Việt Nam thì triều Nguyễn từ Gia Long đến Thiệu Trị lại theo đuổi chính sách “đóng cửa”, “bế quan toả cảng”. Cho đến khi nguy cơ mất nước ngày càng đến gần. Hoàng đế Tự Đức có một chút “thức tỉnh” chủ động muốn đặt quan hệ với Mỹ thì khi đó với những mối quan tâm khác phía Mỹ lại bỏ qua cơ hội thiết lập quan hệ bang giao giữa hai nước.
2. Từ 1884 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, mặc dù về danh nghĩa triều Nguyễn vẫn tồn tại đến năm 1945, nhưng thực chất sự điều hành đất nước nằm trong tay chính phủ thuộc địa. Quan hệ của Mỹ với Việt Nam giai đoạn này, là quan hệ giữa chính quyền Pháp với Mỹ - vừa với tư cách là đồng minh trong chiếc tranh chống phát xít, đồng thời với tư cách là đối thủ cạnh tranh với Mỹ về địa vị, quyền lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề thị trường và thuộc địa. Chính điều này đã lý giải vấn đề tại sao đã có lúc chính quyền F. Roosevelt chủ trương dành cho Việt Nam (và Đông Dương) chế độ “uỷ trị quốc tế”. Nhưng rồi với “thái độ lừng chừng”, “thiếu nhất quán” (do bị chi phối bởi việc giải quyết quan hệ với 2 đồng minh Anh, Pháp)… đã làm cho “nhiệt kế uỷ trị” ở trạng thái thăng trầm. Cuối cùng, theo nhiều nhà quan sát và bình luận Mỹ, cái chết của F. Roosevelt ở tuổi 63 là “một cơ hội không thể bù đắp được” để thay đổi lịch sử, từ đó thuyết uỷ trị quốc tế “bất thành” bị vùi sâu vào dĩ vãng. Tuy gần đây, nhiều nguồn tư liệu mới được công bố trong và ngoài nước đã soi rọi thêm một điểm khá rõ về vấn đề này như tác phẩm của nhà nghiên cứu sử học Na Uy - Stei Tonnesson - xuất bản 1991 [1], đặc biệt đã chú ý đến vai trò Tổng thống Rooseveltvà chính sách của ông. S. Tonnesson nhấn mạnh rằng: “một lý do tốt để xem xét nghiêm chỉnh chính sách của cá nhân Tổng thống là nó đã làm thay đổi diễn biến của lịch sử Đông Dương…” [1, 220]. Theo như cách đánh giá của S. Tonnesson thì có thể đánh giá rằng với tư tưởng “khoáng đạt” của mình, Roosevelt đã để lại một hình ảnh nổi bật trong lịch sử nước Mỹ và lịch sử thế giới với chủ trương chống thực dân (cũ) của ông, những dự kiến về chính sách uỷ trị quốc tế. Vì thế đã có lúc Hồ Chủ tịch từng phát biểu về Tổng thống Roosevelt rằng: “Đó là một bậc vĩ nhân có dũng khi” [2], nhưng suy đến cùng, Rooseveltkhông thể suy nghĩ và hành động ngoài lợi ích của chế độ xã hội - chính trị mà ông có trách nhiệm bảo vệ và phát triển nó.
Mặc dù vậy, thời kỳ chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (1939 -1945) đã đánh dấu một sự hợp tác đáng chú ý giữa cá nhân Chủ tịch Hồ Chí minh nói riêng và Mặt trận Việt Minh với phía Hoa Kỳ, khi mà cả Việt Minh và Hoa Kỳ đều là những thành viên trong lực lượng đồng minh chống phát xít. Đứng trên bình diện của công pháp quốc tế, đây chính là quan hệ giữa một chủ thể đặc biệt (Mặt trận Việt Minh) với chủ thể chủ yếu (Hoa Kỳ) trong quan hệ quốc tế hiện đại, không phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ có công nhận Việt Minh hay không. Có lẽ trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ từ 1954 trở về trước, giai đoạn 1939 -1945 là giai đoạn có nhiều mảng sáng hơn cả, khi mà cả hai bên đều có mẫu số chung để gặp gỡ là hợp tác chống Nhật.
3. Với sự kế nhiệm của Truman, một chính sách thời hậu chiến được thực thi, cuộc chiến tranh lạnh do Hoa Kỳ phát động thực sự bắt đầu chĩa mũi nhọn của nó vào Liên Xô. Chính sách của Mỹ đối với các khu vực có sự thay đổi.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, từ đây quan hệ Việt - Mỹ được xem xét trên bình diện là quan hệ giữa hai quốc gia, hai nhà nước độc lập có chủ quyền, thế nhưng những vấn đề diễn ra trong thực tế lịch sử lại không hề đơn giản:
Với việc thực hiện chính sách hai mặt của Truman: Vừa công khai tuyên bố lập trường tổng quát của Hoa Kỳ là chống chủ nghĩa thực dân (cũ), nhưng mặt khác (những hành động thực tế) lại ủng hộ người Pháp ở Đông Dương bằng việc tăng dần viện trợ cho Pháp, thì những cố gắng bày tỏ thiện chí sẵn sàng thiết lập quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ của Việt Nam đều không đem lại kết quả. Cụ thể, Hoa Kỳ đã im lặng trước việc chủ động gửi thư, công hàm, điện văn của phía Việt Nam, nhưng nếu vấn đề chỉ dừng lại ở đó, thì quan hệ Việt - Mỹ chưa hẳn đã dẫn đến quan hệ đối kháng, thù địch mà vẫn là quan hệ “bình thường” giữa 2 quốc gia với tư cách là 2 chủ thể chủ yếu trong quan hệ quốc tế hiện đại.
Chỉ sau đó, bằng việc chính quyền Truman dần ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương, đặc biệt là từ khi Thuyết “Domino” ra đời (1949) và sự dính líu đi đến can thiệp sau đó (1950 -1954) vào vấn đề Đông Dương thì quan hệ Việt - Mỹ mới chuyển sang căng thẳng đi đến đối đầu với tất cả sự phức tạp của nó.
Năm 1954, với sự thất bại của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 - 1954), Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ở Geneve (7 - 1954). Nhưng sau dó Mỹ công nhiên xé bỏ Hiệp định Geneve nhằm thực hiện ý muốn “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” thì sự đối kháng trong quan hệ Việt - Mỹ đã chuyển thành một cuộc chiến tranh công khai thực sự giữa 2 quốc gia khác nhau về mục đích chính trị và hệ tư tưởng…
Như vậy, nguồn gốc của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 của Mỹ (1954 - 1975) đã có mầm mống từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất của Pháp (1946 - 1954).
Hội nghị Geneve 1954, không chỉ đánh dấu thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ (1946 - 1954) mà còn có ý nghĩa lớn trên bình diện quan hệ quốc tế. Đó chính là sự xác nhận địa vị của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và trong quan hệ với Mỹ nói riêng. Vì với Hội nghị này, Mỹ buộc phải chấp nhận đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với tư cách là một trong những bên hữu quan tham gia đàm phán. Tuy sau đó, Mỹ không ký vào văn bản chính thức, nhưng đại diện của Mỹ cũng đã ra một bản tuyên bố riêng cam kết tôn trọng Hiệp định. Nếu sự việc chỉ dừng lại ở mức độ này và Mỹ thực hiện theo cam kết của họ tại Hội nghị Geneve thì có lẽ quan hệ Việt - Mỹ sẽ không phát triển thành chiến tranh. Nhưng thực tế Hoa Kỳ đã không có được bước dừng như vậy. Một lần nữa Mỹ lại bỏ qua cơ hội thiết lập quan hệ hữu hảo giữa hai nước, bằng việc thiết lập chính quyền tai sai Ngô Đình Diệm (7 - 1954), phá vỡ kế hoạch hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam và từng bước thay thế Pháp bằng việc thiết lập chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, thực hiện chia cắt lâu dài Việt Nam nhằm thực hiện cho những ý đồ chiến lược của Mỹ.
Thực chất của quan hệ Việt - Mỹ (từ 1939 -1954) là vừa hợp tác vừa đấu tranh:
![]() |
Những người lính của lực lượng Việt - Mỹ |
Thực tế lịch sử đã cho thấy điều đó, tuy hai nước Việt - Mỹ với tư cách là hai chủ thể trong mối quan hệ, có hệ tư tưởng và chính trị khác nhau, nhưng đều có “mẫu số chung” là nguyện vọng hoà bình của nhân dân hai nước Việt - Mỹ. Đây cũng chính là nguyện vọng của các dân tộc yêu chuộng tự do và sự tiến bộ trên thế giới. “Mẫu số chung” đó có nôi dung là sự tự do dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân, hoà bình hữu nghị và sự bình đẳng giữa nhân dân các dân tộc. Chính sự phù hợp đó đã dẫn tới sự hợp tác trong quan hệ Việt - Mỹ (trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai và hiện nay), nhưng tiếc thay mối quan hệ đó đã có thời kỳ không tìm được một “hằng số”. Tuy không mơ hồ, ảo tưởng gì vào bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nhưng phía Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn làm hết sức mình cho sự hợp tác hoàn toàn với Mỹ thì ngược lại phía Mỹ như đã thấy, từ năm 1946 đến 1954 với mục tiêu “ngăn chặn sự lan toả của Chủ nghĩa Cộng sản”, Mỹ đã dính líu đi đến can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh, coi Việt Nam là kẻ thù, là nguy cơ của Chủ nghĩa Cộng sản đe doạ khu vực Đông Nam A. Khi dó, để bảo đảm mục tiêu “bất biến” của dân tộc mình, Việt Nam buộc phải xác định: cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam không chỉ nhằm để chống đế quốc Pháp mà còn chống cả “can thiệp Mỹ” và là một bộ phận của phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới [4, 29 - 30].
Từ sự nghiên cứu quan hệ Việt - Mỹ (từ 1939 - 1954), đối chiếu với thực tiễn tiến trình bình thường hoá và phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong giai đoạn hiện nay giúp ta hiểu rõ hơn nhiều vấn đề quan trọng.
Một là: Cũng như các quốc gia, các dân tộc khác, khởi đầu quan hệ Việt - Mỹ là quan hệ bình thường, nhưng trong thực tế do bị chi phối bởi điều kiện hoàn toàn lịch sử cụ thể, nên quan hệ đó đã trải qua những bước thăng trầm với nhiều cơ hội để có thể đi đến thiết lập quan hệ ngoại thương giữa hai nước, nhưng rồi hai bên đã không thiết lập được quan hệ ngoại giao chính thức; song không phải vì thế mà quan hệ Việt - Mỹ trở nên hoàn toàn thù địch và đối kháng. Cho đến năm đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945, quan hệ Việt - Mỹ vẫn là quan hệ “bình thường” giữa hai chủ thể chủ yếu của quan hệ quốc tế hiện đại. Chỉ từ những năm cuối 40 đầu những năm 50, với những việc làm sai lầm của Mỹ trong suốt 2 thập kỷ sau [3, 28 - 36]. Từ đó Mỹ ngày càng lao sâu vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nửa sau thế kỷ XX [3]. Vì vậy, cần tránh một cái nhìn phiến diện theo kiểu tính chất đối đầu thù địch đã chi phối toàn bộ quan hệ Việt - Mỹ từ 1939 - 1954.
Hai là: Từ việc bỏ lỡ nhiều cơ hội đi đến quan hệ thù địch đối kháng giữa hai nước Việt - Mỹ, song cũng cần phải nhìn nhận rõ ràng trong mối quan hệ quốc tế không nhất thiết chế độ chính trị khác nhau, tư tưởng khác nhau thì đối đầu nhau mà có thể vẫn cùng tồn tại trong hoà bình; đối đầu và chiến tranh không phải là một định mệnh đó. Vậy nên sự đối đầu trong quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian dài không phải là định mệnh mà đó chỉ là sản phẩm nhất định của quan điểm, đường lối và chính sách, chiến lược của Mỹ.
Do theo đuổi mục tiêu, chính sách khác nhau nên Mỹ và Việt Nam thuộc về 2 cực đối lập nhau trong trật tự thế giới 2 cực Yalta trên bình diện quốc tế vì mối quan hệ thù địch đã dần phát triển thành cuộc “đụng đầu lịch sử”, lúc này mỗi bên đều coi phía bên kia là thù địch. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam luôn phân biệt rõ bạn, thù, giữa đế quốc Mỹ với nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đại diện mẫu mực cho tư tưởng này của Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, tư tưởng đó luôn soi rọi trực tiếp cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sau này trong việc giải quyết mối quan hệ với Mỹ sau khi kết thúc chiến tranh (sau 1975).
Ba là: Với việc dính líu đi đến can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam , người Mỹ đã và đang rút ra những bài học cần thiết cho mình. Đúng như Robert Mc. Namara đã rút ra kết luận “bài học cơ bản là hiểu được đối thủ của mình” [6, 31] và “… chúng ta sai lầm, sai lầm khủng khiếp, chúng ta nợ các thế hệ tương lai việc giải thích lý do tại sao” [6, 29].
Chính nhà hoạch định chính sách cao cấp của Mỹ - nhận rằng cuộc chiến tranh này đáng ra không nên tiến hành. Vì thế ông tuyên bố “nhân loại phải xem xét những thất bại của mình. Chúng ta phải cho mọi người biết mức độ nguy hiểm đối với các nhà lãnh đạo chính trị nếu họ cư xử theo cách họ đã làm…” [6, 28 - 29]. Mc. Namara đã rút ra “11 nguyên nhân chính gây ra thảm hoạ” [3,316] trong đó có nguyên nhân Mỹ “… đánh giá thấp sức mạnh của Chủ nghĩa Dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng), đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc nhiều nơi trên thế giới” [3, 316]. Đúng vậy, thực tế thì tình hình diễn ra những năm gần đây cho thấy các Tổng thống Mỹ sau cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn chưa rút ra được bài học “đánh giá thấp Chủ nghĩa Dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”, nên tiếp tục bị lên án mạnh mẽ vì sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nhiều nước. R. Mc. Namara hay chính xác hơn là Mỹ đã không lường hết sức mạnh truyền thống của cả dân tộc Việt Namđã được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam .
Còn đối với Việt nam qua quan hệ Việt - Mỹ (1939 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975, nếu có bài học cần rút ra, thì đó là bài học về quan hệ với nước lớn. Kinh nghiệm đã cho thấy: “coi thường nước lớn hay lệ thuộc vào nước lớn đều không có lợi cho một quốc gia không thuộc loại lớn như Việt Nam ” [5,156].
Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ từ năm 1939 đến nay, chúng ta thấy tuy trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng từ thập niêm 90 trở lại đây quan hệ này đã được bình thường hoá và đang diễn ra ngày càng tốt đẹp hơn. Với “bản chất nhân văn của trường phái ngoại giao Việt Nam ” [8, 431] và truyền thống:
Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Đem chí nhân để thay cường bạo
Hiện nay, chúng ta đã và đang sẵn sàng “khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” để cùng hợp tác và phát triển với Hoa Kỳ cũng như tất cả các nước đã từng có quan hệ thù địch với Việt Nam trong quá khứ, theo phương châm Việt nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.
Tài liệu tham khảo
1. Robert Shaplen (1988), The lost revolution,Andre Deutch, London .
2. Tạp chí Lịch sử Đảng(số 2 - 1989).
3. Robert, Namara (1995), Nhìn lại quá khứ tấm thảm kịch và những bài học Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Trường Chinh (1976), Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dântập 2, nxb Sự thật, Hà Nội.
5. Trần Quang Cơ (1995), Thế giới sau chiến tranh lạnh và châu Á - Thái Bình Dương - Hội nhập Quốc tế và giữ vững bản sắc,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Robert, Namara và những bóng ma Việt Nam (1998), tài liệu tham khảo - phụ bản Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng,tháng 3.
7. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (1995), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia.
8. Vũ Khoan (1995), Trường phái ngoại giao Việt Nam - Hội nhập và giữ vững bản sắc,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.