Một số kết quả của các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hệp Hội Việt Nam thời gian qua
Tham gia huy động các nguồn lực của xã hội, tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Với đặc điểm là các tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự trang trải kinh phí hoạt động vì vậy huy động kinh phí để duy trì hoạt động của đơn vị là yếu tố rất quan trọng. Các tổ chức KH&CN huy động kinh phí từ rất nhiều nguồn khác nhau như thông qua các khoản viện trợ phi chính phủ, viện trợ ODA, từ ngân sách nhà nước thông qua các đề tài, dự án đấu thầu được, các hợp đồng từ doanh nghiệp, bán các sản phẩm, kinh phí ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân…
Trong giai đoạn 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức này đã huy động được khoảng 1.230 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị, tính trung bình mỗi tổ chức huy động được khoảng 2,4 tỷ đồng/năm để hoạt động, tuy nhiên số kinh phí này tập trung ở một số tổ chức có kinh nghiệm và uy tín với các đối tác quốc tế và dễ dàng huy động được viện trợ với kinh phí khá lớn so với quy mô một tổ chức ngoài công lập. Liên hiệp Hội Việt Nam đã phê duyệt tiếp nhận: 213 dự án viện trợ phi chính phủ, 11 dự án ODA với tổng kinh phí là 32.802.037 USD trong đó:
Bên cạnh những tổ chức có thế mạnh huy động từ viện trợ nước ngoài cũng có tổ chức KH&CN chủ yếu tập trung huy động kinh phí từ các đề tài, dự án từ ngân sách, hoạt động cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và cá nhân trong nước.
Các tổ chức KH&CN trực thuộc không có thiên hướng về hoạt động sản xuất kinh doanh nên số lượng đóng thuế cho NSNN là không lớn, tuy nhiên, thông qua các hợp đồng viện trợ và hoạt động dịch vụ tư vấn, các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng đóng góp khoảng 53 tỷ đồng qua các nghĩa vụ thuế VAT, thuế TNCN, trong đó có khoảng 30 tổ chức đóng thuế từ 100tr/năm trở lên, cá biệt có một số tổ chức nộp thuế trên 1 tỷ/năm.
Về nhân lực, khác với các Hội chuyên ngành toàn quốc, các tổ chức KH&CN trực thuộc phần lớn có đội ngũ nhân sự trẻ hơn, năng động hơn. Qua số liệu báo cáo của 200 tổ chức KH&CN trực thuộc tính đến 15/11/2018, hiện nay có 3.256 lao động đang làm tại các tổ chức KH&CN, trong đó có 2.029 lao động đang làm việc chính thức và 1.351 lao động chính thức có đóng bảo hiểm xã hội, số còn lại là các lao động đã hết thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc đã nghỉ hưu tham gia vào các tổ chức này. Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN cũng huy động 1.213 lao động kiêm nhiệm. Như vậy, trung bình một tổ chức KH&CN có khoảng 10 lao động chính thức và khoảng 6-7 lao động kiêm nhiệm, một số tổ chức có quy mô nhân lực từ 20-50 lao động chính thức, gần tương đương với một tổ chức KH&CN công lập quy mô trung bình.
Thu nhập trung bình của các nhân lực làm việc tại các tổ chức này thường không cao như mặt bằng các doanh nghiệp, dao động từ 3-6 tr/tháng/người, cá biệt có một số tổ chức trả được lương khá cao so với mặt bằng chung, chủ yếu vẫn tập trung ở các tổ chức huy động được viện trợ nhiều.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng
Mặc dù các tổ chức KH&CN trực thuộc có số lượng tương đối lớn, tuy nhiên so sánh về quy mô nhân lực thì thấp hơn rất nhiều so với các tổ chức KH&CN công lập vốn vẫn được hỗ trợ bởi ngân sách nhà nước (cả ngân sách hoạt động, cơ sở vật chất và nhân sự). Theo số liệu do Bộ KH&CN công bố, tính đến 31/5/2016, cả nước có 1.432 tổ chức KH&CN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người (trong tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước là 164.744 người). Cũng theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ KH&CN, nước chỉ có 3 tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (0,5%); 59 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên (10%); 281 tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (48,3%); 239 tổ chức do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (41,2%).
Chính vì vậy, với số lượng nhân lực trung bình như trong một tổ chức KH&CN trực thuộc vào khoảng 10 người và kinh phí hạn hẹp như đề cập ở mục trên thì rất khó để các tổ chức này tổ chức được các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng hay chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy mô lớn.
Qua theo dõi thực tế, rất ít tổ chức KH&CN có đủ năng lực đấu thầu các đề tài cấp nhà nước, một số tổ chức có những kết quả nghiên cứu được ứng dụng ngay trong lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, số ít tổ chức khác có những công trình nghiên sâu về các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, còn lại phần lớn số tổ chức đi theo hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cho các hoạt động của đơn vị hoặc nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực cần ít kinh phí và không đòi hỏi đầu tư về cơ sở vật chất nhiều như: khoa học xã hội, tâm lý-giáo dục, các vấn đề giới, trẻ em, xã hội, các chính sách cho quyền con người, hoặc các vấn đề bức thiết với người dân như lâm-nông nghiệp, giao đất-giao rừng, trong đó có một số tổ chức KH&CN rất mạnh trong nghiên cứu về môi trường, thích ứng BĐKH, PTBV, y-xã hội học…
Rất ít tổ chức KH&CN trực thuộc có các giải pháp hữu ích độc quyền hay bằng sáng chế đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp. Các tổ chức trong thuộc cũng đã đăng được trên 1.000 bài báo, trong đó chủ yếu là đăng tại các tạp chí trong nước, tuy nhiên cũng có một số tổ chức cá biệt có số lượng bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế với số lượng tương đương hoặc cao hơn cả những tổ chức KH&CN công lập hoạt động cùng lĩnh vực.
Liên hiệp Hội Việt Nam có 8 tổ chức KH&CN hoạt động cung cấp dịch vụ KH&CN về tiêu chuẩn, chất lượng. Qua số liệu báo cáo của các tổ chức này, trong giai đoạn 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018 các tổ chức này đã cấp 2.417 chứng nhận chất lượng, cung cấp trên 100 hợp đồng tư vấn về lĩnh vực tiêu chuẩn và ISO.
Trên thực tế đây là dịch vụ công về KH&CN đang được các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ KH&CN cho phép xã hội hóa rất mạnh nhưng cũng khó tránh khỏi sự cạnh tranh trên thị trường cũng như các bài báo, đơn thư, khiếu nại về chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức hoạt động thuộc lĩnh vực này, trong đó có cả những tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng như căn cứ vào kết quả công tác thanh tra gần đây nhất của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường-Chất lượng, chưa phát hiện được tổ chức nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn, chất lượng.
Hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn, tham gia xây dựng chính sách…
Bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học
Đây là những lĩnh vực mà các tổ chức KH&CN trực thuộc tham gia rất tích cực trong thời gian vừa qua. Bên cạnh những công trình, dự án lớn của nhà nước, các bộ/ngành thì trong thời gian vừa qua các tổ chức này cũng xây dựng được hàng trăm mô hình, treo hàng nghì pano, áp phích để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững.
Cụ thể, qua số liệu báo cáo, trong giai đoạn 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đã làm một số hoạt động sau:
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển: Trực tiếp xây dựng và triển khai 301 mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng; Triển khai 158 mô hình ứng phó BĐKH có sự tham gia của người dân; Xây dựng 53 mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước; Treo 2.609 pano, áp phích, băng rôn các loại.
Về các hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học: Thực hiện 413 hoạt động bảo tồn động vật các loại;151 hoạt động bảo tồn thực vật các loại;40 mô hình bảo tồn đa dạng sinh học; 32 chiến dịch truyền thông; 5.606 pano, áp phích, băng rôn các loại.
Một số tổ chức trực thuộc rất có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động thực vật hoang dã và được các đối tác quốc tế rất quan tâm, hỗ trợ như Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (VietNature), Trung tâm con người và thiên nhiên (PAN), Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), cá biệt có đơn vị còn bước đầu kết hợp giữa các hoạt động bảo tồn với các hoạt động mang tính chất dịch vụ như Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (WRCC). Thực hiện tư vấn, thiết kế, xây dựng 35 công trình/mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…).
Kết quả hoạt động của một số tổ chức KH&CN trực thuộc cho thấy, nếu có phương pháp phù hợp, một số ít những trí thức, nhà khoa học, thậm chí chỉ là những cán bộ được đào tạo bài bản nhưng còn trẻ cũng có thể có những đóng góp cho cộng đồng rất lớn thông qua các nhiệm vụ, dự án, mô hình, tập huấn, truyền thông mà họ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp
Với những đóng góp, nỗ lực của các trí thức đã và đang hoạt động trong thời gian qua của các tổ chức xã hội nói chung, các tổ chức KH&CN trực thuộc nói riêng trong lĩnh vực BVMT, bảo tồn ĐDSH, ứng phó BĐKH, các tổ chức này đã được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao và có sự ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế là một trong những lĩnh vực rất được các tổ chức KH&CN trực thuộc quan tâm. Có nhiều hình thức tham gia vào lĩnh vực này, có đơn vị tự nghiên cứu, thiết kế các chương trình đào tạo-dạy nghề và trực tiếp tuyển sinh, đào tạo-dạy nghề, có đơn vị thực hiện liên kết, hợp tác đào tạo-dạy nghề với các cơ sở đào tạo-dạy nghề của cơ quan nhà nước.
Theo số liệu báo cáo, các tổ chức trực thuộc đã tổ chức dạy nghề cho 12.863 thanh niên, trong đó có những đơn vị rất có uy tín và chỉ tập trung vào thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí cho 1.303 trẻ em, tổ chức đào tạo về các kỹ năng mềm khác cho 16.005 trẻ em.
Hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Đây là lĩnh vực mà các tổ chức trực thuộc thể hiện rất rõ tính chất của các tổ chức KH&CN. Thông qua việc nghiên cứu ứng dụng, tìm tòi các sản phẩm nghiên cứu đã có, các kỹ thuật đã được công nhận, đồng thời bằng sự năng động nhiệt tình của các tổ chức để tìm các nguồn kinh phí từ trong nước thông qua các đề tài, dự án hoặc viện trợ nước ngoài, nhiều mô hình tự quản, phát triển cộng đồng, mô hình về kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững đã được các tổ chức KH&CN trực thuộc triển khai trong thời gian qua.
Số liệu báo cáo cho thấy, trong thời gian 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức này đã trực tiếp xây dựng 561 mô hình về lĩnh cộng đồng tự quả, phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Đồng thời cũng tổ chức tập huấn, trực tiếp tập huấn cho 22.458 người dân hoặc cán bộ kỹ thuật về kiến thức canh tác, chăn nuôi, bảo quản, chế biến, phát triển nông nghiệp bền vững.
Các tổ chức KH&CN trực thuộc đã coi việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.
Qua thống kê sơ bộ, trong thời gian 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức này đã tổ chức thăm, khám bệnh cho 166.855 lượt người và số bệnh nhân phải can thiệp là 34.879 lượt bệnh nhân. Số lượng này tuy không lớn nhưng cũng thể hiện rằng, nếu cơ chế đủ thông thoáng, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân hoàn toàn tiếp tục nên được xã hội hóa mạnh mẽ hơn.
Tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng xã hội, hiện nay phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng, ngoài ra trong xã hội vẫn còn có sự phân biệt đối xử với những nhóm yếu thế, chính vì vậy trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có một số tổ chức KH&CN coi những đối tượng này là chủ thể của quá trình nghiên cứu, đồng thời cũng thực hiện một số hoạt động dự án như hỗ trợ, tư vấn, thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng cho nhóm yếu thế như là những tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng xã hội, trong thời gian qua các tổ chức này đã có nhiều hoạt động rất thiết thực, hiệu quả như: Tư vấn, can thiệp cho gần 16.935 phụ nữ, người yếu thế; Tổ chức hơn 406 lớp tập huấn nâng cao các loại kiến thức, kỹ năng khác nhau cho phụ nữ và người yếu thế; Tổ chức gần 251 đợt truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng nói chung liên quan đến bình đẳng giới, bình đẳng cho nhóm người yếu thế.
Trong số nhiều tổ chức trực thuộc có thế mạnh về lĩnh vực này thì Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh là một trong những tổ chức có những kết quả hoạt động nổi bật nhất thời gian qua.
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên hiệp Hội Việt Nam đã được thể chế trong Điều lệ đã được Thủ tướng phê chuẩn. Trong thực tế, các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng tham gia nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng chính sách, trong đó có đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng có thể dùng với nhiều cụm từ khác nhau như “tư vấn chính sách”, “vận động chính sách”, “phản biện xã hội”. Có thể nói đây là hoạt động thể hiện rõ nhất vai trò của các trí thức trong hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, với sự nhiệt tình, tâm huyết của các trí thức đang hoạt động tại các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu, luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách đã được các tổ chức này đưa ra và kiến nghị lên Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ/ngành
Bên cạnh một số đơn vị có năng lực nghiên cứu sâu về chính sách được các nhà khoa học công nhận, có những hoạt động nghiên cứu, đánh giá bài bản để đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp với thực tế thì phần lớn các tổ chức trực thuộc chủ yếu trực tiếp đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sau khi cơ quan quản lý nhà nước đã có dự thảo đầu tiên. Số liệu thống kê cho thấy có 63 dự thảo luật, 64 dự thảo nghị định và 128 dự thảo thông tư đã được các tổ chức KH&CN trực thuộc đóng góp ý kiến, bên cạnh đó các tổ chức này cũng đề xuất 33 sáng kiến luật, nghị định, thông tư để các nhà quản lý, lập pháp xem xét…