Một số giải pháp phát triển khoa học - công nghệ biển
Hoạt động khoa học công nghệ biển ở nước ta đã đạt được một số thành tựu và có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc xây dựng và phát triển khoa học - công nghệ biển Việt Nam là điều cần thiết, tuy nhiên cần bảo đảm một số yêu cầu trong thời gian tới, như duy trì nguồn vốn tự nhiên biển; bảo tồn biển và các khu bảo tồn biển; bảo vệ môi trường và tài nguyên biển; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực thi chính sách, pháp luật hiệu quả trong khai thác, sử dụng biển; truyền thông môi trường và tài nguyên biển.
Thời gian tới, khoa học và công nghệ biển Việt Nam cần chú trọng một số định hướng nghiên cứu, bảo đảm thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chủ trương, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, như: Phát triển và đánh giá tài nguyên biển còn chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ để mở rộng khai thác toàn diện tài nguyên biển, nhất là ở vùng biển sâu và xa bờ; Nghiên cứu sinh học biển ở mức độ sinh học phân tử, tìm hiểu sự sống trong các vùng biển khác nhau. Phát triển công nghệ sinh học biển nhằm tăng sản lượng và chất lượng hải sản bằng biện pháp nuôi, trồng thâm canh trình độ cao, khai thác nguồn hợp chất thiên nhiên có giá trị cao trong sinh vật biển, phục hồi nguồn lợi sinh vật biển; Nghiên cứu phát triển lĩnh vực nuôi biển công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến, dựa trên quy hoạch chặt chẽ và phương thức quản lý hiện đại; Nghiên cứu các quá trình vật lý, hải dương học và động lực biển, biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, các chu trình sinh địa hóa, địa động lực,... nhằm hiểu biết đầy đủ quy luật hoạt động và quan hệ tương tác, nhất là tương tác biển - khí quyển, làm cơ sở cho việc dự báo biển (dự báo khí tượng, thủy văn, động lực, nguồn lợi sinh vật và môi trường biển,...); Nghiên cứu tương tác biển - lục địa và các vấn đề về tài nguyên, sinh thái, môi trường, động lực, kinh tế - xã hội ở vùng bờ biển, làm cơ sở cho phát triển kinh tế, quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý và bảo vệ vùng bờ; Nghiên cứu các vấn đề khoa học liên quan tới kỹ thuật truyền tin trong môi trường biển, đặc biệt là âm học biển và từ học biển; Nghiên cứu các vấn đề môi trường và công nghệ môi trường biển, dự báo và phòng, chống ô nhiễm biển, tai biến địa chất biển; Ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu công nghệ tiên tiến trong các ngành kinh tế biển, các khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân...
Để khoa học - công nghệ thực sự có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển.
Hai là , ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Đánh giá tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, như hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm... Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế. Đầu tư đội tàu nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu.
Ba là , tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhằm bảo đảm sự thông suốt trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế biển cũng như vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của kinh tế biển, từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến người dân và các doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Bốn là, cấu trúc lại hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học; đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ biển; tiếp tục đào tạo và xây dựng, phát triển tiềm lực nghiên cứu, triển khai và ứng dụng; xây dựng các quy chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập và áp dụng kinh nghiệm đầu tư, quản lý công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển của các nước tiên tiến; công bố rộng rãi các kết quả điều tra, nghiên cứu để khẳng định với bạn bè quốc tế về chủ quyền các vùng biển của Việt Nam; cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ làm công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và có chính sách đãi ngộ thích hợp theo mô hình các nước tiên tiến; tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các tỉnh, thành phố của cả nước trong các hoạt động phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ cho phát triển bền vững kinh tế biển của vùng.
Đây là những giải pháp quan trọng góp phần tạo ra đột phá và “thương hiệu biển Việt Nam” với các “sản phẩm biển Việt Nam”, từng bước bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới trong phát triển khoa học và công nghệ biển và công tác điều tra, nghiên cứu biển, đảo thời gian tới. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò không thể thay thế của khoa học - công nghệ biển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của nước ta. Với cách xác định đúng mục tiêu, đường lối cũng như nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện, khoa học và công nghệ biển sẽ giúp nâng tầm giá trị của biển Việt Nam, góp phần sớm đưa nước ta trở thành quốc gia giàu từ biển, mạnh về biển.
HT.