Minh triết về nhân tài và thời thế
Hồng Lĩnh sơn cao
Song Ngư hải khoát
Nhược ngộ minh thời
Nhân tài tú phát
Nghĩa là:
Hồng Lĩnh núi cao
Song Ngư biển rộng
Nếu gặp thời sáng
Nhân tài nở bừng
Câu ca ấy nêu ra một qui luật cơ bản và quan trọng về mối quan hệ xã hội và nhân tài. Ở đây có hai thuật ngữ, hai khái niệm: nhân tài và minh thời cần biện giải.
![]() |
Bàn đến thiên tài, nên tìm hiểu về tố chất của người Việt. Có một số người nhận xét rằng người Việt ta kém năng động – sáng tạo. Nói thế không thật thoả đáng. Từ thời tiền sử xa xôi, ông bà ta đã để lại dấu ấn tài hoa, sáng tạo, có thể thấy rõ trong 4 lĩnh vực.
Thứ nhất, họ đã sáng tạo nên nền văn minh lúa nước, cho đến bây giờ vẫn được coi như một đặc sắc của văn minh nhân loại. Từ hai, ba ngàn năm trước chữ Việt, danh xưng của tộc người đã được ghi bằng bộ mễ. Mễ là lúa gạo. Ở Hà Nội nay còn có tên làng Mễ Trì, Mễ Sở. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trà, hay chè là sản phẩm và cả tên gọi là sáng tạo Việt. Người Tàu xưa họ gọi là mính. Chính Khổng Tử cũng nói người Bách Việt biết vào rừng hái một thứ lá gọi là trà để uống. Cả một hệ thống bộ giống, kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi và cả nghệ thuật chế biến để ăn uống tiêu dùng được sáng tạo ra còn được ghi chép lại bằng thơ ca để truyền dạy. Cả hệ thống công cụ và cơ sở hạ tầng, bằng chứng là con đê và con kênh. Nói đến những con kênh ở Nam kỳ lục tỉnh xưa phải nhớ đến cuộc mở cõi. Huỳnh Văn Nghệ có câu thơ: Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.Nhưng nhà thơ Huy Cận vốn là kỹ sư nông nghiệp, nhiều lần nói với tôi, tớ chứng minh cho cậu, ông cha ta thật sự là mang cày đi mở cõi. Có thể họ đã mang đi cả hai. Nhưng câu ca dao hào hùng: Làm trai cho đáng nên trai – Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng,thì đã mỹ hoá cái tinh thần năng động – sáng tạo ấy.
Thứ hai, là nghề thủ công. Phải cộng thêm một từ nữa mới rõ ý mỹ nghệ. Tây họ chỉ có một chữ là artisamat, có sẵn từ tố art là khái niệm mỹ thuật rồi. Ông bà ta đã sáng tạo kỹ thuật và mỹ thuật đúc đồng (trống) gốm sứ, chạm khắc (gỗ, đá, đất nung) kiến trúc. Gốm sứ thời Mạc nổi tiếng thế giới. Trong kiến trúc không chỉ có thợ giỏi còn có cả công trình sư như Nguyễn An thời Hồ, như Vũ Như Tố thời Lê Tương Dực.
Ngược dòng lịch sử lên tận bảy tám ngàn năm trước Công nguyên, người Việt đã sáng tạo nền văn hoá đồ đá Hoà Bình được coi là một cái nôi văn hoá đồ đá của nhân loại. Tài năng sáng tạo qua bàn tay khéo léo dường như đã in dấu được di truyền trong gen. Ngày nay chúng ta cần có chiến lược để khai thác, sử dụng, nâng cao.
Thứ ba, là tinh thần năng động, sáng tạo trong quân sự. Chẳng những cha ông ta có tài thao lược, điều binh khiển tướng mà có cả những sáng tạo về vũ khí. Từ thời nhà Tần, Lý Ông Trọng người Từ Liêm đã là danh tướng. Khi ông mất rồi, Tần Thuỷ Hoàng còn cho đúc tượng ông to lớn để trấn ngự quân Hung nô. Cái nỏ liên châu bắn một phát nhiều tên là sáng tạo Việt, phương Bắc (Triệu Đà) phải dùng mẹo gián tiếp mới đoạt được bí quyết. Đời Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng là nhà sáng chế súng đồng dùng thuốc nổ. Loại binh khí có tên là hoả hổ (súng phun lửa) mà quân Tây Sơn dùng đã khiến quân nhà Thanh kinh hồn vỡ mật. Chúng ta cắt nghĩa thế nào hiện tượng một Võ Nguyên Giáp, bạch diện thư sinh, rời bục giảng trường trung học, ngay lập tức trở nên vị tướng lĩnh tài ba, đức độ? Trong lớp đàn anh của tôi ở trường Quốc học Huế có một người có thể coi là nhà quân sư bẩm sinh. Đó là Đặng Văn Việt. Từ cuộc cầm quân đầu tiên năm 1946, cậu Tú Việt được phong ngay Trung đoàn trưởng, sau đó trăm trận trăm thắng nổi danh là Hùm xám đường số 4 (người Pháp xưng tụng ông) mấy chục năm chiến chinh xuất ngũ vẫn là Trung đoàn trưởng (nhưng đấy là câu chuyện khác của chính sách dùng người). Lịch sử buộc dân tộc Việt phải biết đánh giặc, giỏi đánh giặc. Cái tinh thần năng động sáng tạo về quân sự là một giá trị nhân văn Việt.
Thứ tư, là cha ông ta đã sáng tạo nên một hệ thống triết lý lối sống. Nhiều người đã có nhận xét mọi triết thuyết, mọi trào lưu tôn giáo, trào lưu tư tưởng của thiên hạ khi nhập cư Việt Nam đều bị khúc xạ, nhào nặn lại. Xu hướng chủ đạo là không thiên về luận giải những lẽ siêu hình, trừu tượng, thuần tuý triết lý. Mà dung nạp, chế biến để trở thành những minh triết, đạo lý của lối sống, của mọi mối quan hệ nhân sinh. Vì thế có nhiều người chê là người Việt không có triêt học (!?) Cả cái hệ thống triết thuyết Mác – Lê cũng không là ngoại lệ. Vì thế mà Hồ Chí Minh mới có câu định nghĩa Tài tình chủ nghĩa Mác – Lê là gì, là phải biết sống đoàn kết yêu thương lẫn nhau.Đáng tiếc là nhiều người không hiểu được điều đó, không thể hiện nỗi cái năng động sáng tạo này của người Việt nên đã rơi vào giáo điều tệ hại.
Bốn lĩnh vực thể hiện tính năng động – sáng tạo của người Việt phải được nghiên cứu học hỏi, phải được nâng cao. Đó là cái gen ưu trội mà chúng ta có được qua cả những ngàn năm. Không được quên nó, không được để nó thoái hoá đi. Rất mừng là đã có những con người tâm huyết, có tài hoa đang biết đem ứng dụng vào cuộc sống làm ăn kinh doanh,góp phần chấn hưng Đất nước.
Khi bước vào thời kỳ văn minh tin học, tố chất Việt cũng đã thể hiện năng lực sáng tạo tiềm tàng của nó. Chiếc máy tính điện tử đầu tiên ở Pháp là sáng tạo của một tài năng Việt. Sự cảm thụ và biểu diễn tinh tế bằng dương cầm nhạc của Chopin vào bậc nhất thế giới cũng là tố chất Việt. Tuy nhiên để cho nhân tài không chỉ xuất hiện lác đác như “sao buổi sớm” mà hiện thân những chòm “nhịp thập bát tú” mới, thì phải bàn, phải làm nhiều điều mới mong có sự “bùng nổ”. Vào tháng 11 – 1945 Hồ Chí Minh viết bài Nhân tài và Kiến Quốc, chỉ ra bốn lĩnh vực cấp bách cần nhân tài. Ngày nay có cả trăm, cả ngàn lĩnh vực đòi hỏi phải có nhân tài. Những nỗ lực của từng cá nhân, ở cấp gia đình ở cấp chính sách quốc gia là phải gấp gáp tính toán với những đầu tư mà bia đá ở Quốc Tử Giám khẳng định “không biết đến đâu là cùng”.
![]() |
Cần lưu ý đến mấy sự thật lịch sử sau: Đó là cuối thời cận đại kể cả khi đã tiếp xúc với chân trời văn hoá Tây phương (thế kỷ XIX) ở nước ta vẫn còn tình trạng trượt dài theo mô hình tư tưởng coi Hoa hạ là trung tâm văn minh. Tàu họ muốn nghĩ sao tuỳ họ - còn mình là Việt lại phải cái bã Tống Nho cũng coi mình là văn hiến, kẻ khác là mọi, là man di. Vì thế mà từ chối năm lần bảy lượt những đề án cải cách, nào là của Nguyễn Trường Tộ, nào là của Nguyễn Lộ Trạch, của Bùi Viện, Phạm Phú Thứ… Tưởng rằng vào thời hiện đại, cuối thế kỷ XX, bài học ấy sẽ được thấm thía. Nhưng đã nảy sinh một kiểu giáo điều khác, tự tôn, tự đại coi mình là “đỉnh cao muôn trượng”, là “một triệu lần hơn”, là “vô địch”, là “duy nhất”. Khiến cho vào đầu thế kỷ XX đã có những trí thức vốn đã có dấu hiệu là tài năng lớn nhưng đã không phát triển được thành những trí giả của khu vực, của thế giới, họ bị mài mòn, tự hạ thấp mình xuống cố gắng cho vừa với khuôn khổ chiếc giày đã trở nên lạc hậu nhỏ hẹp! Không thể không nghĩ tới một môi trường trong đó những thiết chế xã hội, chính trị tựa như mảnh đất vừa nghèo dinh dưỡng vừa nhiều yếu tố tác hại khiến cây con, mầm hạt không thể nảy nở tươi tốt, là một tác nhân quan trọng cho sự “tú phát” nhân tài. Người ta có thể bảo ai cấm anh sáng tạo, vươn tới tài năng! Nhưng đó vừa là lời nguỵ biện, vừa là sự bào chữa vụng về.
- Minh thời có nghĩa là thời sáng suốt. Đem ứng dụng khái niệm đó cho hôm nay có thể hiểu đó là một thời kỳ - xã hội có những yếu tố văn minh và văn hiến như sau:
- Một là đường lối chính trị của giới cầm quyền là nhân văn và tiến bộ phản ánh xu thế phát triển của dân tộc và nhân loại. Những hệ thống chính trị xã hội cường điệu giáo điều, biệt phái, cường điệu ý chí chủ quan của một học thuyết duy nhất đều trước sau phá sản. Vì thí nghiệm chủ quan của nó hao tổn quá nhiều nhân tài vật lực. Có thể kể ra hàng loạt ví dụ mà các dân tộc phải gánh chịu trong lịch sử của thế kỷ XX.
- Hai là một nền dân chủ phát triển để có thể dẫn tới sự bừng nở các giá trị công dân và xã hội công dân. Từ trong thế kỷ XIX, Các – Mác đã mơ tưởng tới một Liên hiệp xã hội kiểu mới mà tự do cá nhân là tiền đề tự do của toàn xã hội. Đáng tiếc là những tư tưởng tiên tiến như thế đã không có được một thiết chế chính trị xã hội đủ văn hoá tương thích để thực hiện. Chỉ trong điều kiện phát triển dân chủ, tính chủ động sáng tạo của con người mới được phát huy. Điều ấy rất quan trọng để đảm bảo cho nhân tài nảy nở.
- Thứ ba là những yếu tố kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục phát triển. Khiến con được sống, phát triển tài năng, nhân cách trong một trạng thái xã hội phát triển theo tinh thần của đạo đức tự do để đạt tới sự giàu có về vật chất, văn hoá, tinh thần của từng người và của toàn xã hội.
- Thứ tư là hệ thống cầm quyền và quản lý đất nước, xã hội, bao gồm cả tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân lực, quan chức và công chức, vừa văn minh vừa tài trí, vừa đức hạnh, dân chủ, tinh gọn. Mà nhân dân và xã hội giám sát được, điều chỉnh được. Một hệ thống trì trệ, quan liêu lộng quyền nào cũng là bất hạnh của dân tộc. Ngày xưa Nguyễn Trãi từng ước mơ:
Rày mừng thiên hạ hai của
Tể tướng hiền tài, chúa thánh minh
Hai của quí báu của quốc gia đó là người lãnh đạo sáng suốt và người cai quản hiền tài.
Để cho nhân tài bừng nở, nguyên khí của quốc gia hùng hậu, thế nước lên có được tự do hạnh phúc trong thời đại mới không thể không bồi đắp cho những yếu tố kể trên, hình thành một “minh thời” của dân tộc trong thế kỷ mới này. Nếu như quan niệm của C. Mác về con người là đúng khi ông nói “Bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội” thì phải nói rằng cha ông ta trong một nhận thức rất tổng hoà, rất trực cảm đã khẳng định vai trò của “Các quan hệ xã hội” trong ý niệm “Minh Thời”. Chỉ cần có một chút khách quan tỉnh táo, chúng ta cũng thấy rằng nhiều học sinh Việt chỉ có một ít tố chất tài năng khi ra nước ngoài, nhiều người đã vươn tới đỉnh cao trong khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp. Vì thế cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục phải coi trọng rất nhiều đến đổi mới xã hối, trước hết là những thuyết chế chính trị, xã hội, giải phóng con người khỏi những rằng buộc quan liêu, giáo điều. Khiến cho cái lý tưởng của C. Mác tự do của cá nhân là tiền đề của Tự do toàn xã hội, không bị coi là sáo rỗng.