Mang hạnh phúc, tiếng cười đến hàng nghìn gia đình
Công trình "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam" của anh không chỉ khẳng định tay nghề của thầy thuốc Việt Nam, mà có ý nghĩa hơn khi nó giúp hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn tìm thấy niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ.
Tuy đã liên hệ trước vài ngày, nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và PGS.TS Nguyễn Viết Tiến xoay quanh thành công của công trình đoạt giải thưởng đó vẫn phải bắt đầu lúc bảy giờ tối, khi vài cuộc họp trên bộ đã kết thúc và tập hồ sơ, bệnh án đã được xem xong.
Anh mở đầu câu chuyện về lý do nghiên cứu, học tập và triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Khi đó, đã là bác sĩ có tiếng, là "bàn tay vàng" chuyên ngành sản khoa, trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh anh thấy hiện tượng vô sinh khá nhiều, nhu cầu có con là khát vọng cháy bỏng của không biết bao cặp vợ chồng. Chính vì vậy, bác sĩ Nguyễn Viết Tiến quyết định đi sâu vào lĩnh vực hẹp hơn, khó hơn đó là chuyên khoa hiếm muộn. Sau khi trải qua khóa học tại Mỹ, năm 2000, anh bắt đầu triển khai thực hiện những ca TTTON đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Đợt thử nghiệm đó, 32 cặp vợ chồng hiếm muộn được lựa chọn, trong đó cặp lâu có con nhất là 13 năm, còn lại trung bình từ hai đến 10 năm. Thật bất ngờ, tỷ lệ thành công đạt khá cao (30%), tương đương với các nước trong khu vực.
Sau hơn mười năm thực hiện kỹ thuật TTTON, đến bây giờ anh không thể nhớ được con số những ca hiếm muộn mà mình điều trị thành công.
Nhưng có lẽ những ca "đặc biệt" thì thật khó quên, như trường hợp kiên trì hơn 20 năm chạy chữa đến khi tóc đã chuyển mầu thì hạnh phúc mới mỉm cười. Rồi có cặp vợ chồng chạy chữa trong nước, nước ngoài mãi không đạt kết quả, đang tính chuyện chia tay thì gặp thầy, gặp thuốc, cậu con trai được sinh ra bằng kỹ thuật TTTON đã kéo cha, mẹ lại với nhau...
Hiện nay Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản T.Ư trở thành đơn vị lớn nhất cả nước về số lượng người bệnh thực hiện TTTON (khoảng 2.000 đến 3.000 ca/năm) và tỷ lệ thành công cũng cao nhất, luôn duy trì mức hơn 50%, có tháng lên tới 60% số ca áp dụng kỹ thuật này.
Trong khi đó, tỷ lệ thành công của kỹ thuật này tại các nước trong khu vực: Thái-lan, Xin-ga-po cũng chỉ đạt trung bình khoảng 40%.
Không chỉ thành công với kỹ thuật TTTON mà nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, phẫu thuật nối vòi tử cung đều được thực hiện rất hiệu quả tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật Việt Nam làm được nhưng các nước khác chưa thực hiện được, như: nuôi phôi dài ngày, phôi thoát màng, sinh thiết để chẩn đoán phôi trước khi làm tổ (phát hiện phôi tốt hay phôi có gen bệnh lý)... Đáng chú ý, tỷ lệ thành công cao, nhưng chi phí lại thấp hơn rất nhiều, điều đó sẽ tạo điều kiện cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn của Việt Nam có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, mong ngóng một mụn con. "Không độc quyền", sau khi triển khai thành công tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, kỹ thuật TTTON được PGS.TS Nguyễn Viết Tiến và các đồng nghiệp ở đây chuyển giao cho nhiều đơn vị khác như: Trung tâm công nghệ phôi của Học viện Quân y, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh)...và đào tạo cho nhiều đoàn bác sĩ của các nước trong khu vực như In-đô-nê-xi-a, Lào... Việc chuyển giao đó vừa tạo điều kiện cho nhiều gia đình được sử dụng kỹ thuật này, vừa tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến khẳng định, đến nay tay nghề, trình độ, kỹ thuật, sự sáng tạo của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước, chúng ta chỉ khó khăn hơn các nước về điều kiện, trang thiết bị. Nhưng trong TTTON, quan trọng nhất là người thầy thuốc cần xác định đúng nguyên nhân để lựa chọn phương pháp có lợi và hiệu quả nhất cho người bệnh. Thực tế đã chứng minh điều đó, nhiều người Việt Nam ra nước ngoài chữa trị, nhưng vì nhiều lý do đã quay về điều trị trong nước và đã thành công. Vì vậy, người bệnh hãy tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ Việt Nam. Anh cũng khuyên những người làm công tác y tế của Việt Nam nói chung và lĩnh vực sản khoa nói riêng cần không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, biết cách giải thích cặn kẽ và lựa chọn kỹ thuật nào phù hợp nhất, tốt nhất với người bệnh chứ không phải áp dụng kỹ thuật thế mạnh của mình. Khổ luyện thành tài kết hợp niềm đam mê, chắc chắn sẽ thành công.
Như con ong chăm chỉ, cần mẫn, ngoài công việc quản lý, TS Nguyễn Viết Tiến vẫn dành khá nhiều thời gian cho chuyên môn. Nó dường như đã thành cái nghiệp. Chả thế mà rất nhiều ngày anh về đến nhà đã là 11, 12 giờ đêm, khi thành phố đang dần êm vào giấc ngủ. Mỗi khi thấy anh bước ra từ thang máy là người bệnh lại nhào theo, nhìn cảnh đó chắc chẳng người thầy thuốc nào để họ thất vọng. Chuyện hàng chục người bệnh chờ anh trước cửa phòng làm việc cả ngày, thậm chí đến bảy, tám giờ tối không phải là hiếm gặp.
Anh tâm sự: khi hằng ngày, vẫn có rất nhiều người bệnh đang chờ được mình khám, chữa bệnh, tư vấn thì đó là niềm hạnh phúc lớn. Thật vui, những kiến thức, công việc chuyên môn của mình vẫn có thể giúp đỡ được người bệnh và đem lại hạnh phúc, tiếng cười cho nhiều gia đình người Việt Nam.