Mạc Công Du
Năm 1799, ông theo người chú là Mạc Tử Thiêm về Hà Tiên. Tử Thiêm được cử giữ chức Trấn thủ. Năm 1807, Công Du làm Cai đội. Cũng năm này, Mạc Tử Thiên được lệnh đi Xiêm, Mạc Công Du quyền lãnh việc trấn.
Năm 1809, Tử Thiêm chết, Công Du mắc tội bắt vợ hầu của Thống chế Phạm Văn Triệu bán cho người Xiêm phải làm binh đao dịch, năm 1911 được tha. Năm 1813, Công Du lãnh chức Ất phó sứ trong phái bộ đi Xiêm. Năm 1816, ông được thăng Hiệp trấn Hà Tiên.
Năm 1818, vào mùa thu, Mạc Công Du thực thụ Trấn thủ Hà Tiên.
Năm 1829, vì già yếu Công Du được cho hưu trí.
Năm 1833, vào tháng 5 năm Quí Tỵ, tại Gia Định có biến cố lớn. Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An, con Mạc Công Du là Mạc Hầu Hi theo phe Lê Văn Khôi, chống lại vua Minh Mệnh. Mạc Công Du cùng em là Mạc Công Tài và con là Mạc Hầu Hi, Mạc Hầu Diệu đều lãnh chức tước của họ Lê. Nhưng chỉ vài tháng sau, phó tướng của Lê Văn Khôi là Thái Công Triều lại phản bội họ Lê, cha con Mạc Công Du bị bắt giải giao về Huế tống giao chờ xét xử. Theo sách sử nhà Nguyễn, vào tháng 10 năm Quí Tỵ (1833), trước khi lên đường Mạc Công Du đã bị bệnh chết (xem Đại Nam thực lục chánh biên- Đệ nhị kỷ, T.4, Nxb KH, HN, 1965, tr. 159). Trong khi đó tình hình ở địa phương vô cùng lộn xộn. Tháng Chạp năm Quý Tỵ, quân Xiêm tấn công và chiếm cứ Hà Tiên. Đại binh vua Minh Mệnh đánh đuổi được quân Xiêm, tái chiếm Hà Tiên vào mùa xuân năm Giáp Ngọ (1834). Họ Mạc đã bị án tru di. Người sống phải thay đổi họ tên trốn đi nơi khác.
Đến năm 1845, tức là 11 năm sau – vua Thiệu Trị xuống lệnh ân xá cho con cháu họ Mạc. Năm 1846, vua cho dời đền Mạc Công về tại triền núi Bình San, thờ Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh. Nhà vua cấp cho một sở đất nuôi ong ở Núi Mây (xã Dương Hoà) để họ Mạc khai thác dùng vào việc hương hoả, đồng thời chu cấp cho 50 người phục vụ việc thờ cúng tại đền.
Năm 1848, vua Tự Đức phong cho Mạc Văn Phong - tức Hầu Phong – con út Mạc Công Du chức Cai đội. Từ đó con cháu họ Mạc được cải chánh lai lịch, phục hồi gia thế và lấy lại uy tín trong xã hội, đó quả là ân huệ lớn của triều đình. Nhưng năm ấy bia mộ Mạc Công Du, Mạc Công Tài vẫn chưa khắc chữ. Bằng cớ là đến năm 1873, mộ Mạc Công Tài mới được con gái là Mạc Ngọc Mai lập bia, với chức danh Ấm thụ xuất Đội. Khi còn sống Công Tài giữ chức Cai đội, mặc dù trước vụ Lê Văn Khôi, một thời Công Tài làm quản thủ Hà Tiên (xem Nghiên cứu Hà Tiên,Trương Minh Đạt – Nxb Trẻ), Tạp chí Xưa & Nay, Tp. HCM, 2008, tr 413 – 424, bài viết số 27).
Sự kiện Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An, Gia Định (1833)
Lê Văn Khôi là con nuôi của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Sau khi Lê Văn Duyệt chết không lâu, đêm 18 – 5 năm Quí Tỵ (1833) Lê Văn Khôi chiếm giữ thành Phiên An, bắn giết Bạch Xuân Nguyên lấy mỡ làm đèn để tế Lê Văn Duyệt. Đồng thời Lê Văn Khôi phá cửa nhà lao thả hết tù phạm, trong số này có Mạc Hầu Hi là con trai lớn của Mạc Công Du. Mạc Hầu Hi bị giam trong ngục Phiên An, với tội danh chở gạo lậu. Sách Đại Nam thực lục chánh biên- Đệ nhị kỷ, T.8, Nxb KH, HN, 1965, tr 336) chép: “Mạc Hầu Hi con Mạc Công Du, nguỵ xưng là thuỷ quân kiêm lãnh ngũ dinh, trước can án chở lậu gạo, bị giam ở ngục Phiên An”. Còn sách Bản triều bạn nghịch liệt truyệncủa Giá Sơn Kiều Oánh Mậu tường thuật: “Ngay đêm ấy, Khôi phái các chiến thuyền tấn công và hạ được 2 tỉnh Biên Hoà và Định Tường; không đầy 3 ngày, đã lần lượt đánh lấy An Giang, Hà Tiên và Vĩnh Long; 6 tỉnh ở Nam kỳ đều bị hắn chiếm cứ hết”. Chỉ trong vòng mấy ngày sau đó, Mạc Công Du, Mạc Công Tài và 2 con của Công Du là Hầu Hi, Hầu Diệu đều nhận chức quan của Lê Văn Khôi (xem Đại Nam liệt truyện tiền biên, Nxb Thuận Hoá, 1993, tr 183). Sự kiện Hà Tiên rơi vào tay Lê Văn Khôi được Đại Nam liệt truyện chánh biên(ĐNLTCB) tường thuật: “Giặc (tức phe Lê Văn Khôi) thẳng tới Hà Tiên, thự phủ là Phạm Xuân Bích, án sát là Trần Văn Quản đã bị đội Hồi lương, Biên lương thuộc tỉnh hại trước rồi. Giặc bèn đặt nguyên trấn thủ hưu trí là Mạc Công Du làm trấn phủ, mà đảng phái là Trần Hiệu Trung làm tuyên phủ, em Du là Công Tài và con là Hầu Diệu đều làm thống lĩnh sứ…” (xem ĐNLTCB, Nxb Thuận Hoá, T. 4, Q.45, tr 481). Đội Hồi lương và Biên lương, lính của họ Mạc, làm chủ tình hình ở Hà Tiên. Họ bắt trói Phạm Xuân Bích và Trần Văn Quản là 2 quan viên triều Minh Mạng. Phạm Xuân Bích không đầu hàng và tự tử.
Thái Công Triều phản bội Lê Văn khôi
Thái Công Triều phó tướng của Lê Văn Khôi, là một trong 4 người cầm đầu vụ gây biến tại thành Phiên An. Lê Văn Khôi giao cho Thái Công Triều sắp xếp việc cai trị ở các tỉnh. Thái Công Triều kéo binh khống chế luôn Định Tường, Vĩnh Long, An Giang. Riêng tại Hà Tiên, Mạc Hầu Hi sớm là người của Lê Văn khôi, nên Mạc Công Du, Mạc Công Tài và Mạc Hầu Diệu được giao chức vụ mới.
Nhưng chẳng bao lâu, vua Minh Mạng tăng cường quân binh chống trả. Lê Văn Khôi bị thua, chạy vào cố thủ trong thành Phiên An. Thái Công Triều đang ở Định Tường, Vĩnh Long và An Giang. Được tin Lê Văn Khôi bị vây, y liền sang lòng phản bội. Tháng 7 năm Quí Tỵ, tức 2 tháng sau, Thái Công Triều gửi thư cho người cầm đầu cơ binh triều đình, xin đánh Lê Văn Khôi lập công chuộc tội, Thế là Lê Văn khôi mất quyền kiểm soát các tỉnh phía Nam. Gió đổi chiều, Hà Tiên rơi vào hỗn loạn, họ Mạc mất chỗ dựa.
Tình trạng mồ mả của Mạc Công Du sau năm 1833
Án sát tỉnh An Giang là Bùi Văn Lý lấy lại được An Giang và Hà Tiên, đồng thời bắt được Nguyễn Văn Mân là người của Mạc Công Du sai liên lạc với người Xiêm in viện binh tiếp Lê Văn Khôi. Việc này tâu lên, vua Minh Mệnh ra lệnh dẫn Mạc Công Du, Mạc Công Tài, Mạc Hầu Hi và Mạc Hầu Diệu về Huế để xét hỏi. Sách sử Triều Nguyễn chép: Mạc Công Du bệnh chết trước khi lên đường. Tức là ông chết tại Hà Tiên, mộ ông nhất định phải ở Hà Tiên. Hơn nữa, mặc dù sử không chép rõ Mạc Công Tài chết như thế nào, nhưng sách Hoàn Vũ Ký đời Thiệu Trị cho biết họ Mạc bị tội tru di:
“Mạc Hầu Hi, Mạc Hầu Diệu đẳng đồ dĩ thất... nhân Phiên An Thành chi biến, trụ tòng Lê Văn Khôi chi nghịch, trí duy xích tộc chi tội” (Mạc Hầu Hi, Mạc Hầu Diệu cùng với đồng bọn đều bị mất… lý do vụ binh biến tại thành Phiên An, bọn này theo Lê Văn Khôi làm phản triều đình, cho đến nỗi cả nhà bị tru di). Bốn chữ xích tộc chi tội là tội chém hết cả họ, hay là tội tru di (xem Hoàn Vũ ký,Thư viện Viện Hán Nội, HN, 1986, tờ 97b, dòng thứ 1 – 3, mục Mạc Thiên Tứ từ).
Như vậy hai anh em Mạc Công Du, Mạc Công Tài đều chết ở Hà Tiên. Bằng cớ là mộ Mạc Công Tài vẫn còn đó, và bà Mạc Công Tài được chôn cất kế bên. Có nhiều khả năng hai ông bà chết một lượt. Mạc Ngọc Mai làm bia cho cha mẹ năm Quý Dậu (1873), tức 40 năm sau biến cố Gia Định. Có thể khi ấy cô gái này còn bé, không bị giết.
Thời Mạc Công Du đang làm Trấn thủ Hà Tiên, ông đã chuẩn bị cho mình một sinh phần - tức mộ cho người sống, tục gọi mả gió – khá bề thế. Nhìn sơ kích thước, sinh phần này lớn xấp xỉ mộ Mạc Thiên Tích hoặc mộ Mạc Tử Hoàng. Chỉ có Trấn thủ Mạc Công Du có khả năng lập sinh phần như thế. Vì chính ông đã lập mộ cho Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Hoàng, trên bia của hai người này còn khắc rõ. Còn Mạc Tử Thiêm thì không có khả năng này, lý do Mạc Tử Thiêm làm Trấn thủ chỉ có 2 năm. Còn Mạc Công Du vừa làm Hiệp trấn rồi Trấn thủ là 13 năm (1816 – 1829). Sau khi lập mộ cho cha và ông, rồi lập đền Mạc Công Từ ở phía trái chùa Tam Bảo, ông ấy có tham vọng lập sinh phần cho mình. Dưới tay ông có sẵn 2 Đội lính Hồi lương và Biên lương là nhân công ăn lương triều đình.
Ngày nay, nếu ai tinh ý sẽ thấy phía dưới thềm mộ Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Hoàng có một khu đất bằng khá rộng, đào khuyết lõm vào triền núi, đường kính hình bán nguyệt trên 20m. Phía sau là chỗ cao, lưng vách dốc đứng, triền dốc đo gần 2m. Khu đất được dọn để làm huynh mộ, nhưng bên trong chẳng có mộ nào, chỗ ấy nay vẫn còn. Chúng tôi biết chắc khu sinh phần còn bỏ trống này là của Mạc Công Du, vì có ngôi mộ của Vũ Thế Dinh đặt cạnh phía tay phải, bên ngoài dùng đất hình bán nguyệt. Tác giả sách Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc thị Gia phảchết năm 1821. Năm đó Mạc Công Du đang làm trấn thủ Hà Tiên, chưa về hưu. Người gia nhân già trong nhà họ Mạc cũng là cố vấn của quan Hiệp trấn, tác giả Mạc thị Gia phảcó giãi bài trong sách: “Quan Hiệp trấn Hà Tiên là ân chủ của Vi, mọi sự sống chết sau này của Vi, đều ký thác ở ông cả” (Sđd, tờ 35b, dòng 1). Tên “Vi” là cách Vũ Thế Dinh tự xưng, ông muốn được gửi gắm nắm xương tàn. Mạc Công Du đã cho an táng ông cạnh sinh phần của mình. Chứng tỏ dòng họ Mạc và họ Vũ luôn luôn khăng khít với nhau. Đó là cách Mạc Công Du trả công cho họ Vũ.
Thế mà đến khi Mạc Công Du chết, tại sao người ta không đem chôn ông ấy vào nơi mả gió? Có lẽ thời ấy người ta còn đợi lệnh vua Minh Mệnh, ước mong có được sự ân xá nào chăng? Không khắc bia cho Mạc Công Du chỉ vì chôn tạm. Nếu được lệnh ân xá, cải táng vào nơi sinh phần, lập bia luôn thì đâu có khó.
Nhưng rồi thời thế đổi thay. Sau khi quân binh tái chiếm lại thành Phiên An, vua Minh Mệnh xuống lệnh xử tội thật năng những người có tham dự vào vụ Lê Văn Khôi. Thái Công Triều dù có lập công nhưng không chuộc được tội, vẫn bị xử tử. Cả nhà họ Mạc bị án tru di nên hi vọng cải táng Mạc Công Du vào sinh phần của ông bị tiêu tan, Con cái chẳng còn ai nên Mạc Công Du không được cải táng, sinh phần của ông cũng chẳng ai sử dụng. Cả cái bia mộ của ông cũng chẳng có người lo viết và khắc. Lẽ nào con cháu đời sau chẳng biết chuyện này, đừng nói là không có người nghĩ đến ông!
Ngày nay chúng ta có thể lý giải việc Mạc Công Du chết chẳng ai lập mộ: Sau sự kiện Lê Văn Khôi, hai người con lớn của Mạc Công Du là Mạc Hầu Hi và Mạc Hầu Diệu đều bị đưa về Huế. Mạc Hầu Diệu sau được sai đi Xiêm do thám, chết trên đường đi. Còn Mạc Hầu Hi trinh thám vùng thượng đạo tỉnh Nghệ An, cũng không xong, đành quay về chết trong ngục Nghệ An (xem Đại Nam liệt truyện tiền biên, Nxb Thuận Hoá, 1998, tr 183). Cả hai anh em đều chết biệt xứ. Mạc Công Tài cũng đã chết. Chúng ta không biết lệnh vua Minh Mệnh xử tội tru di họ Mạc vào năm nào. Nhưng đến năm 1846, vua Thiệu Trị mới xây lại Mạc Công Miếu dưới chân núi Bình San. Nghĩa là 12 năm sau, vua Thiệu Trị mới ân xá cho họ Mạc và tìm người lo việc thờ cúng Mạc Thiên Tích tại đền. Nhưng đến năm 1848, vua Tự Đức cho người tìm gặp Mạc Hầu Phong và cho người này hưởng chức Cai đội. Những người đã chết từ đó mới gọi Ấm thụ xuất Đội.
Nhưng thời ấy, bia mộ Mạc Công Du và Mạc Công Tài chỉ là tấm đá không khắc chữ. Bằng cớ là bia Mạc Công Tài đến năm 1873 mới được khắc “Ấm thụ xuất Đội huý Công Tài Mạc Công chi mộ”. Cũng như mộ “Phụng nghị Đại phu Mạc tiên sinh”. Vị Phụng nghị Đại phu này lấy tên họ giả là Trần Nghị Đông để đi thi, đậu Cử nhân năm Quý Mão (1843), đến năm 1857 mới xin cải chánh, được bổ làm Đốc học tỉnh Định Tường năm 1859 - 1860 (xem Nghiên cứu Hà Tiên, Trương Minh Đạt, sđd. Tr 413 - 424). Mạc Công Du không ai khắc bia, có lẽ họ Mạc bị sa sút.