Lực hướng tâm
Xã hội loài người cũng vậy, một dân tộc, một quốc gia không có tâm và hướng tâm thì không thể gọi là dân tộc hay quốc gia được. Cấu trúc và cơ chế vận hành của nó phụ thuộc vào tâm và lực hướng tâm. Thành công hay thất bại trong lịch sử phần lớn là do có tạo được lực hướng tâm hay không.
Không ai phủ nhân Hồ Quý Ly là nhà cải cách cả. Hồ Quý Ly, nếu không phải là đầu tiên thì cũng là nhà cải cách tài ba trong lịch sử Việt Nam ở cuối đời Trần. Ông đã cải cách toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục… Chính sách hạn điền, hạn nô, ban hành tiền giấy tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Tích trữ lương thực, đóng thuyền bè, xây thành đắp luỹ, mộ thêm quân lính tăng cường quốc phòng. Phát triển giáo dục, tổ chức thi cử, bổ sung khoa thi toán pháp… Chẳng phải là xu hướng tiến bộ hay sao? Nhưng vì sao Hồ Quý Ly lại không thể trở thành lực hướng tâm của dân tộc? Trong khi quân xâm lược nhà Minh áp cảnh, quần thần bàn bạc nên đánh hay nên hoà, Hồ Nguyên Trừng phân vân nhất không phải về quân sự mà về “lòng dân”: “không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi” (1).
Vì sao lòng dân lại không theo? Hầu hết sử gia đều cho rằng do hành vi gọi là thoán nghịch của Hồ Quý Ly. Trần Trọng Kim cũng vậy, ông lấy làm tiếc cho Hồ Quý Ly:
“Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thuỷ có chung, thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu” (2).
Thực ra không phải chỉ Hồ Quý Ly mới bị xem là thoán nghịch, cả triều đình nhà Lý và nhà Trần cũng bị xem là thoán nghịch! Có lẽ triều đại Hồ Quý Ly không thể trở thành lực hướng tâm được chủ yếu là do cải cách kinh tế không vì mục đích dân sinh mà vì quân sự, vì sự tồn tại của chính mình. Cho nên có thể nói Hồ Quý Ly cũng là bài học lịch sử sâu sắc nhất đối với Nguyễn Trãi. Chủ trương “công tâm” (tranh thủ lòng người) làm cho Lê Lợi trở thành lực hướng tâm, để có thể “dựng gậy làm cờ tập hợp bốn phương manh lệ”. Mục tiêu rất rõ ràng: “yêu dân” là sức mạnh vô địch để “khử bạo”:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phát trước lo khử bạo.
Bí quyết tạo ra sức mạnh của quân dân nhà Trần trước đó cũng chỉ như vậy mà thôi. Nếu nhà Trần không phải là lực hướng tâm thì Hịch tướng sĩcủa Trần Hưng Đạo có hay mấy cũng không thể có được đội quân “Sát Thát”, không thể có được quyết tâm sắt thép của các bô lão ở Diên Hồng. Ba lần quân Nguyên, đội quân thiện chiến nhất thế giới lúc bấy giờ, sang xâm lược đều bị đánh cho tan tác, chẳng phải do sức mạnh thần kỳ của lực hướng tâm đó sao?
Đoàn kết hay biểu hiện của lực hướng tâm, là việc quan trọng hàng đầu mà Hồ Chí Minh quan tâm, tiền đề của mọi thắng lợi. Đương nhiên do nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công vang dội của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà ở thế kỷ XX, nhưng quan trọng nhất vẫn là lực hướng tâm. Hai ngọn cờ giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội xác định rất rõ mục tiêu và mục đích của dân tộc. Những phong trào yêu nước khác không tạo ra được lực hướng tâm cũng chính bởi vì điều đó.
Tuy nhiên, điểm mạnh trong thời gian chiến tranh bảo vệ đất nước hình như lại đang có phần suy giảm trong thời kỳ xây dựng, phát triển kinh tế hiện nay. Lòng tin giảm sút hay suy thoái đạo đức, mờ nhạt lý tưởng chính trị của một bộ phận không nhỏ nào đó, chính là biểu hiện sự suy giảm của lực hướng tâm. Cũng như cơ thể con người, nếu sức khoẻ kém thì bệnh tật thường xuất hiện, xã hội cũng vậy, hiện tượng tiêu cực phát triển, nguyên nhân tự nó đã đành nhưng xét đến cùng ít nhiều đều có liên quan đến nguyên nhân suy giảm về lực hướng tâm.
Nếu đúng vậy thì điều gì đã làm cho lực hướng tâm bị suy giảm? Nghiên cứu lý luận hiện nay được đánh giá là lạc hậu, không giải quyết được nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra. Có lẽ một trong những vấn đề quan trọng nhất của lý luận là chưa giải thích đầy đủ, hoặc lý luận chưa có tính thuyết phục về quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Một nền kinh tế được công nhận là kinh tế thị trường chắc chắn không thể cùng một tiêu chuẩn với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được. Nếu không thì thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” có ích gì? Thế nào là xã hội chủ nghĩa cũng đã phải thật rõ đâu. Định hướng bằng cái không thật rõ thì làm sao định hướng được? Thực ra chủ nghĩa xã hội là cái gì đâu phải là vấn đề khép kín. Nếu chưa phải là vấn đề khép kín mà lại đối xử như vấn đề khép kín thì lý luận không lạc hậu sao được? Gần dây người ta vẫn tiếp tục làm rõ thế nào là chủ nghĩa xã hội. Liệu mô hình xã hội chủ nghĩa của Mác đề xuất và mô hình xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trong thời gian qua và hiện nay có phù hợp nhau không? Cũng có ý kiến cho rằng chủ nghĩa xã hội không phải là “chế độ” mà là “giá trị”. Nếu xem chủ nghĩa xã hội là một “chế độ” thì thường thiên về giai cấp và đấu tranh giai cấp, nếu xem chủ nghĩa xã hội là một “giá tị” thì thiên về tính phổ biến, tính nhân loại, tính dân tộc. Cũng có ý kiến cho rằng cần phải xem lại hai nguyên tắc cơ bản để xác định chủ nghĩa xã hội là công hữu và phân phối theo lao động… Những ý kiến đó đúng sai chưa biết nhưng chân lý là một quá trình kia mà! Không có đa dạng thì làm sao có thống nhất được? Không có thống nhất thì lấy đâu ra lực hướng tâm.
Đó là nguyên nhân về lý luận, về hệ tư tưởng. Nguyên nhân dẫn đến suy giảm lực hướng tâm quan trọng không kém đó là cơ cấu, cơ chế vận hành của Nhà nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét:
“Hiện nay, những điều người ta kêu về bộ máy của Đảng, bộ máy của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đều có căn cứ, có khi rất sáng tỏ, chỉ có nhắm mắt mới không thấy. Đã thấy vấn đề thì phải giải quyết vấn đề, và theo ý tôi, cái hiệu quả và kết quả trong việc giải quyết chưa tốt là vì hai lẽ chủ yếu:một là không nghiêm, hai là có vướng một cách nào đó” (3).
“Thế mà sự thật hằng ngày đang diễn ra trước mắt chúng ta là gì? Tình hình khá phổ biến là nhiều công chức, dùng cái chức, cái quyền của mình để sách nhiễu người dân chứ không phải để phục vụ người dân. Hai cách khác nhau như ánh sáng và bóng tối. Sách nhiễu ở đây là dùng mọi thủ đoạn nhằm lòi ra cái “phong bì”, nếu cái “phong bì” đó khá nặng thì việc bất hợp pháp cũng được giải quyết thuận lợi, còn nếu không thì việc chính đáng, việc hợp pháp đến bao nhiêu cũng có thể không bao giờ được giải quyết. Điều đáng sợ hơn nữa là khi đương sự kêu lên cấp trên thì thường cấp trên lại gửi đơn xuống cho kẻ sách nhiễu, như vậy hãy coi chừng, người khiếu nại hoặc tố cáo sẽ bị trả thù và đây là một sự bất công không hiếm thấy ở nước ta hiện nay” (4).
“Ở đây tôi muốn làm sáng tỏ một điều mà các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương cũng như ở cơ sở cần đặc biệt quan tâm: đó là cái khoảng cách giữa người lãnh đạo và người dân. Theo tôi biết, người lãnh đạo có ý thức đầy đủ thì khoảng cách này dần dần hẹp lại, đến lúc không còn nữa. Trái lại, thì khoảng cách đó sẽ dần dần rộng ra, dẫn tới có khi không gặp nhau được. Phải chăng đây là một nguy cơ đáng quan tâm hàng đầu. Tôi nhấn mạnh điều này để mọi người thấy tính nghiêm trọng của nó” (5).
Trích dẫn hơi nhiều nhưng hình như vẫn chưa đủ. Một xã hội mà có nhiều điều “khó nói”, hoặc im lặng không nói, không phải là một xã hội hướng tâm mà ngược lại là đằng khác. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng thừa nhận rằng “đây là điều đáng sợ nhất” và cho rằng sở dĩ có như vậy là do “Cán bộ lãnh đạo không quen nghe hoặc không chịu nghe những lời nói thẳng” (6). Thực ra những điều mà mình “không quen” hay “không chịu” cũng là cái “tật” chung trong thiên hạ, Đông sang Tây gì cũng vậy mà thôi. John Stuart Mill từ lâu đã phê phán điều đó:
“Cái xấu xa đặc biệt của việc bắt một ý kiến không được trình bày ra là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau hay hiện nay, thiệt hai cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó” (7).
Mill còn nhận xét rằng: “khi một bộ phận lớn của trí thức tích cực và ham hiểu biết nhất thấy rằng nên khôn ngoan giữ kín trong lòng các nguyên lý tổng quát và căn cứ của những gì họ xác tín” thì “trong tình trạng đó, chỉ có loại người hoặc là uốn mình nói những điều nhàm chán cũ rích, hoặc là làm người xu thời phụ hoạ theo chân lý, luận bàn mọi thứ thiên kinh địa nghĩa cốt sao cho vừa tai người nghe, chứ không phải nói ra những điều đó thì chỉ còn cách thu hẹp tư duy vào sự quan tâm vào những chuyện có thể nói ra mà không mạo hiểm đụng vào lĩnh vực nguyên lý; tức là chỉ đề cập đến những vấn đề thực hành nhỏ nhoi, tự nó cũng hiển nhiên là đúng đắn, chứ chẳng cần phải là những vấn đề mà nếu các trí tuệ của nhân loại không được đào sâu và mở rộng, thì sẽ chẳng bao giờ thấu hiểu nổi; những gì có thể đào sâu và mở rộng trí tuệ của nhiều người, sự tư duy tự do và dũng cảm về các chủ đề cao cả đều bị dẹp bỏ” (8).
Có lẽ những điều mà mình “không chịu” hoặc “không quen” đó, thiên hạ từ lâu “đã chịu” và cũng “đã quen” rồi bởi vì những điều đó đã được họ “đào sâu và mở rộng”. Ngay triều đại Hồ Quý Ly, tuy không được xem là chính thống nhưng khi chính quyền mới thành lập, hãy còn chân ướt chân ráo, vào năm Ất Dậu (1405), đã “hạ chiếu trưng cầu lời nói thẳng” (9). Có lẽ Hồ Quý Ly đã thừa hưởng không khí tự do thời Lý Trần chăng? Nếu không phải vậy, tại sao Hồ Quý Ly lại dám kịch liệt phê phán Tống Nho và còn “hoài nghi” cả Khổng Tử. Đáng lẽ xã hội càng ngày càng đi lên nhưng khi ở thời nhà Lê, lúc đã có phần “ăn nên làm ra”, hình như những lời hoa mỹ, nào là “tay ngọc”, “gót vàng”, nào là “thoi nhật nguyệt”, “máy âm dương”… có phần hơi nhiều, cho nên Nguyễn Trãi đã phải ngậm ngùi:
“ Ai ai cũng biết câu hết.
Cả nước không còn só Sử Ngư”.
Cho dù Nguyễn Trãi buồn tình lui về Côn Sơn cũng đâu có được yên thân. Bài học “Lệ chi viên” làm cho Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này không những phải lui về Bạch Vân Anh đã đành mà lúc cần nói ra những điều thì toan là những câu thiếu … chủ ngữ!
Không “nói” bởi vì không “nghe”. Thực ra “nghe” cũng chỉ là yêu cầu tối thiểu chứ không phải yêu cầu tối đa. “Nghe” là yêu cầu tối thiểu của lực hướng tâm. Từ “nghe” đến “làm” khoảng cách hãy còn lớn lắm! “Nghe” và “làm” lại phụ thuộc vào đạo đức và trí tuệ. Đảng ta là đạo đức là trí tuệ, không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần về điều đó. Đúng là chỉ có đạo đức và trí tuệ mới có thể tạo thành lực hướng tâm mạnh trong thời đại hiện nay. Đạo đức và trí tuệ cùng là nguyên nhân và kết quả cho nhau. Chừng nào tính thiếu trung thực và chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa bao bì còn ngự trị thì chừng đó chỉ có thể có cái gọi là đạo đức, cái gọi là trí tuệ mà thôi.
Hãy làm cho đạo đức trở thành đạo đức thực sự, hãy làm cho trí tuệ trở thành trí tuệ thực sự. Hãy làm cho dân tộc Việt Nammãi mãi là cái Tâm là lực hướng tâm của tất cả mọi người Việt Nam , không phân biệt quá khứ hay hiện tại.
Chú thích
(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, 1998, tr 1, tr 723.
(2) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Tân Việt xuất bản, 1958, tr 189 - 190.
(3) Phạm Văn Đồng, Văn hoá và đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 108.
(4) Sđd, tr 104.
(5) Sđd, tr 72.
(6) Xem Sài Gòn giải phóng số Xuân 2004.
(7) John Stuart Mill, bàn về tự do, Nxb Tri thức, 2006, tr 50
(8) Sđd, tr 82 - 83.
(9) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, 1998, tr 1, tr 721.