Lò xử lý rác y tế của lão nông đa tài
Lão nông đa tài
Ông Nguyễn Nam Quân trú tại phố Giỏ, xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang. Đang học lớp 10/10 trường huyện, năm 1971, Quân quyết rời bỏ ghế nhà trường lên đường nhập ngũ. Trước đó, nhắc đến Quân, nhiều thầy cô trong trường vẫn nhớ như in gương mặt cậu học trò thông minh, từng đoạt giải Ba toán toàn tỉnh nhưng cũng rất giỏi các môn khoa học xã hội.
Trong một trận đánh ác liệt, ông Quân trúng đạn, phải trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 1/4. Sau khi lấy vợ, ông đành lòng với cuộc sống của một lão nông chính hiệu hàng ngày giúp vợ những công việc gia đình, đồng áng. Nhưng theo lời người vợ, ông “giúp thì ít mà khách khứa thì nhiều”.
Bởi ông quảng giao, thích nói chuyện và rất ham “xía” vào chuyện người khác. Một lần thấy con cháu đi học về than phiền chiếc bảng trên tường phòng học bị lóa, khó đọc chữ, ông đã mày mò, phát hiện ra những thành phần gây loá.
Vốn yêu thích môn hoá học từ ngày còn học phổ thông, ông tìm cách vô hiệu và loại trừ các thành phần này. Sau đó, bảng chống loá của ông được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ở tỉnh Bắc Giang áp dụng. Khi những tấm bảng từ được đưa vào trường học, người ta cũng quên luôn bảng chống loá của ông và quên luôn cả tên ông.
Ông Quân cũng là “cha đẻ” của nhiều loại phương tiện độc đáo do ông tự sáng tạo mà đáng chú ý là chiếc máy mài sắn dây với công suất khoảng 1 tạ/giờ vẫn đang được nhiều người dân Tân Dĩnh áp dụng, góp phần làm giảm hẳn sức lao động cho người nông dân. Không chỉ thích mày mò, sáng tạo “những thứ chẳng giống ai” như lời ông nói, lão nông Nguyễn Nam Quân còn xuất bản hai tập thơ, vài truyện ngắn và đang chuẩn bị cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay.
Lò xử lý rác thải y tế độc nhất vô nhị
Vốn là bệnh nhân quen mặt của trạm y tế xã, ông nhận thấy việc thu gom, xử lý rác thải y tế là công việc “cực chẳng đã”.
Có hôm, đang ở trạm xá thấy người lao công kêu ầm ĩ. Bước ra mới thấy, dù đi ủng cao su dày, chị lao công vẫn bị chiếc kim tiêm đã sử dụng đâm vào chân. Chị này đùng đùng bỏ về không quên kèm theo một câu chua chát: “Cạch đến già không bao giờ đi làm công việc này nữa”.
Kiểm tra lại hệ thống xử lý của trạm xá lúc ấy chỉ có một bể chứa rác thải y tế ngoài trời, hàng tháng thuê người thu gom rồi lại thuê người mang đi chôn. Mấy bác chuyên chạy công nông trong xã cũng ngán chở đồ phế thải của trạm đi chôn.
Tiền thì chả được là bao mà kim tiêm cứ xiên tứ tung, động đâu cũng thấy máu me, bẩn thỉu rồi chả biết có nguồn bệnh nào theo về nhà không? Có vài thứ rác thải y tế đốt được thì người dân xung quanh phàn nàn vì khói toả khắp nơi, mùi khét không chịu được. Chưa kể trời mưa, nước từ trong bể thấm ra ngoài. Ai có thể khẳng định dịch bệnh không truyền qua đó?
Vậy là về nhà ông mất ngủ nhiều đêm vẽ vẽ, xoá xoá. Hơn một tháng sau tác phẩm hoàn thành. Đem bản thảo ra bàn với Trạm trưởng y tế xã Tân Dĩnh Ngô Duy Thế, ông Thế đồng ý liền và ngay lập tức làm tờ trình lên UBND xã để… xin kinh phí.
Tin tưởng ở lão nông đa tài, xã cũng cố gắng, tiết kiệm kinh phí eo hẹp cấp 14 triệu đồng để làm chiếc lò. Với phương châm “có đến đâu, làm đến đấy”, ông Quân tận dụng những vật liệu với giá cả phù hợp nhất, chọn những người thợ xây, thợ hàn xì giỏi nhất trong xã cùng làm.
Đến tháng 7-2010, chiếc lò xử lý rác thải y tế đã hoàn thành và đi vào hoạt động, hiệu quả bất ngờ. Với việc bố trí theo hình phễu, dưới có đặt một lớp ghi bằng kim loại, rác thải được đưa vào và tự động đốt cháy chỉ bằng một mồi lửa mà không cần sử dụng điện hay bất kỳ loại chất đốt nào khác đồng thời tạo cho nhiệt độ trong lò đạt 300-400oC, cháy hết hoàn toàn các loại rác thải y tế được đưa vào.
Thân lò hình vuông hoặc tròn là buồng chính chứa rác thải, được thiết kế có 2 lớp vỏ, ở giữa có khoảng trống để chứa bột chịu lửa hoặc sợi thuỷ tinh chịu nhiệt nhằm ngăn không cho vỏ ngoài của thân lò bị nóng, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Khoảng 2 mét khối rác thải bao gồm cả bông, băng, gạc, kim tiêm, chai lọ đựng thuốc bằng nhựa… cho mỗi lần đốt, lượng tro còn lại chỉ khoảng vài trăm gram.
Toàn bộ vỏ lò làm bằng kim loại, cột khói cao và có bộ phận lọc trước nên lượng khói thải ra rất ít. “Dù chưa có những kiểm chứng khoa học nhưng trên thực tế chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của mô hình lò xử lý rác thải y tế này. Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ sớm có biện pháp nghiên cứu, đánh giá và nhân rộng ra các cơ sở y tế khác” - Ông Ngô Duy Thế, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Dĩnh cho biết.
Ngoài ưu điểm về việc giảm chi phí nhân công cho việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chiếc lò còn xử lý được khoảng 2 m3 rác thải mỗi ngày. Chi phí để xây dựng chiếc lò này, nếu sử dụng các vật liệu tốt nhất trên thị trường hiện nay, cũng chỉ khoảng 50-70 triệu đồng. Trong khi nhiều cơ sở y tế trong nước đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua công nghệ, máy móc của nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Quân, hiện mới có duy nhất xã Tân Dĩnh áp dụng mô hình lò xử lý rác thải của ông và chưa cơ quan nào ngó ngàng tới. Trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông gần đây của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, sản phẩm của ông đã giành giải Ba với phần thưởng hơn 1 triệu đồng.
Ông không bao giờ nghĩ tới việc đòi tiền thù lao thiết kế từ xã Tân Dĩnh, và coi đây như món quà tặng cho cơ sở gắn bó, giúp đỡ ông trong cuộc sống hàng ngày. Ông cũng chưa nghĩ tới việc đăng ký bản quyền. Điều ông đau đáu hơn cả là mong có một sản phẩm hoàn thiện hơn với sự quan tâm của cộng đồng và được nhiều cơ sở y tế áp dụng trong thời gian tới.