Lĩnh vực đa dạng sinh học thành tựu và thách thức
Sau Cách mạng tháng 8/1945, công tác về ĐDSH với sự tham gia của các ngành khoa học tự nhiên về địa lý, sinh học, tài nguyên môi trường, khoa học & công nghệ, về nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT) thủy sản nhằm vào các mục tiêu chủ yếu như kiểm kê đánh giá hiện trạng ĐDSH của Việt Nam; Phát hiện các thành phần ĐDSH có giá trị kinh tế có giá trị bảo tồn; Đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của ĐDSH tới phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; Đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý, quy hoạch phục hồi bảo tồn tài nguyên ĐDSH trong các vùng miền của cả nước; Giới thiệu, phổ biến rộng rãi tài nguyên ĐDSH phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo nhân lực, cho phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác quốc tế.
Hiện nay đã hình thành các cơ quan, đội ngũ cán bộ khoa học về ĐDSH trong các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực ĐDSH; các Viện nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực ĐDSH thuộc Viện KHVN trước đây, nay là Viện Hàn lâm KHVN; các vụ, viện, cục thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, các khoa sinh học thuộc ĐHQG Hà Nội, Thành phố HCM, các vùng miền trong cả nước và một số địa phương.
Đã thu thập, lưu trữ một khối lượng khổng lồ dẫn liệu khoa học, bản đồ về tài nguyên ĐDSH của Việt Nam, cung cấp dệt thảm một bức tranh tổng thể về ĐDSH Việt Nam; (các HST, loài TV, ĐV, Nấm, VSV…) các nguồn gen hoang dã và nuôi trồng (danh mục loài ĐV, TV…) phân bố, hiện trạng, giá trị sử dụng, bảo tồn…
Các tư liệu về ĐDSH đã đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường qua các thời kỳ của 70 năm cách mạng Việt Nam, cụ thể như làm luận cứ cho quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, dược học, công nghiệp trong các vùng miền của đất nước. Là cơ sở khoa học để Quốc tế ghi nhận Việt Nam là 1/16 quốc gia trên thế giới có tính ĐDSH cao và là cơ sở khoa học góp phần hình thành nên các bộ luật có liên quan ...
Hiện nay các tài liệu ĐDSH còn lẻ tẻ nhiều cơ quan khoa học quản lý thậm chí ở từng cá nhân, các nhà khoa học – Rõ ràng rằng việc chưa có cơ chế văn bản pháp quy đủ mạnh để thu thập, khai thác sử dụng tài liệu điều tra cơ bản ĐDSH dẫn đến hiệu quả sử dụng còn thấp. Từ đó có thể thấy Nhà nước đã tốn nhiều tiền bạc, các nhà khoa học và quản lý tốn nhiều công sức cho công tác ĐDSH nhưng việc tập hợp, xử lý, bảo quản, khai thác, sử dụng những thành quả của công tác điều tra cơ bản ĐDSH chưa cao, chưa hiệu quả. Nếu tình trạng này không được khắc phục khẩn cấp thì các nguồn tư liệu này sẽ bị mai một dần, thậm chí mất mát. Khi cần sử dụng lại phải tiến hành điều tra lại từ đầu rất tốn kém, mặt khác đây là một khối lượng chất xám khổng lồ được tích lũy qua nhiều thế hệ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Số người làm công tác ĐDSH ngày càng lớn tuổi – đều ở tuổi về hưu, nếu không đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết, có năng lực kế cận thì là một hẫng hụt đáng báo động, nhất là lĩnh vực đi dã ngoại thu thập tài liệu, lĩnh vực phân loại học, sinh thái học, di truyền học, quan trắc giám sát sự diễn biến ĐDSH, kinh tế sinh học.
Đã đến lúc các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ĐDSH, các Bộ ngành cần có chủ trương chính sách phù hợp nhằm thu thập, bảo quản, khai thác các tài liệu ĐDSH đang còn nằm rải rác các cơ quan, các cá nhân nhà khoa học.Tổ chức kiểm kê đánh giá một cách chính xác số lượng và chất lượng các tài liệu điều tra cơ bản về ĐDSH chưa được sử dụng chính thức trong thời gian qua. Nhà nước cần coi trọng vai trò, chức năng của các hoạt động ĐDSH trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ưu tiên các vấn đề nóng của Quốc gia và toàn cầu. Củng cố, tăng cường nguồn lực trong lĩnh vực ĐDSH bằng cách tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, lực lượng kế cận trong các Viện nghiên cứu chuyên ngành, trong các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, trong các khu BTTN kể cả địa phương. Tăng cường nguồn vốn đầu tư thích đáng cho các hoạt động ĐDSH đổi mới các trang thiết bị cũng như tạo lập được hệ thống thiết bị đồng bộ cho công tác quan trắc ĐDSH trong một số cơ quan, một số các vùng quốc gia và khubảo tồn thiên nhiên; Khuyến khích việc huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức nước ngoài đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phát triển theo phương châm bền vững.
Chúng ta thấy rằng, trước đây, hiện nay và trong tương lai của thế kỷ 21, thế kỷ của công nghệ tin học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ điện tử và công nghệ sinh học sẽ là một động lực quan trọng trong quá trình CNH HĐH đất nước. Tuy vậy lĩnh vực nghiên cứu ĐDSH vẫn phải có chỗ đứng nhất định, vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình tìm hiểu, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên ĐDSH phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Vì vậy cần có chính sách đối với vấn đề ĐDSH nhằm động viên nguồn lực cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý đã được đào tạo, đồng thời quan tâm hơn nữa việc đào tạo cán bộ trẻ có năng lực cùng với đầu tư trang thiết bị và nguồn tài chính cho nhiệm vụ ĐDSH để phục vụ thiết thực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước../