Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học về Chiến lược phát triển bền vững đất nước
Sáng 1/7, tại Thành Phố Đà Nẵng Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn khoa học "Hướng tới một chiến lược phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cảnh trạng thái bình thường mới và biến đổi khí hậu toàn cầu".
Ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tp. Đà Nẵng
Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam, ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tp. Đà Nẵng và ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII đồng chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam, ĐBQH khóa XIV đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới. Mới đây, Bộ Kế hoạch- Đầu tư công bố kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81%, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020. Dẫu vậy, trong tình hình thế giới đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch toàn cầu thì mức tăng này vẫn là thành tựu rất lớn cho thấy Việt Nam có sự thích ứng kịp thời, hiệu quả. "Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, đưa đất nước ta đến những cơ hội và thách thức mới. Đây là thời điểm quan trọng của đất nước, là giai đoạn kết thúc chiến lược phát triển kinh tế 10 năm 2011-2020, kết thúc chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, giai đoạn phát triển 10 năm tiếp theo của đất nước, tiến tới chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu của Đảng toàn quốc lần thứ XIII" - TSKH. Nghiêm Vũ Khải nhận định.
Ông Khải bày tỏ tin tưởng các chuyên gia, nhà khoa học sẽ mang đến thông tin mới, luận cứ khoa học và chứng cứ thực tiễn để góp ý xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới theo xu thế phát triển bền vững.
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
Dự báo năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao
Tại Diễn đàn, ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII đã trình bày về Những vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Thắng, việc xây dựng chiến lược được xác định trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động. Đó là tính khó lường của các sự kiện quốc tế có thể xảy ra như cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung, xu hướng bảo hộ, tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng như tình hình an ninh khu vực diễn biến phức tạp, đe dọa đến ổn định khu vực và môi trường đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh vấn đề khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn của các quốc gia trong đó có Việt Nam thời kỳ tới.
Về mặt chủ quan, sau gần 35 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều nhưng chưa đạt được mục tiêu đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là điều đã được nhận thấy từ năm 2016 và đến nay chúng ta thực sự phải thừa nhận.
"Trong chiến lược phát triển mới, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Về các mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD/người; Tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50%; Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; Lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm xuống dưới 20% trong tổng lao động nền kinh tế", ông Thắng thông tin.
Chiến lược phát triển bền vững cũng đặt ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường được các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Trong đó, tỉ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Chiến lược 2021-2030 đưa ra 3 đột phá, với các nội dung mới: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ; Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu.
Đà Nẵng đặt kế hoạch chú trọng phát triển du lịch
Đại diện tới từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cũng đã tham gia trình bày về thiết kế chiến lược phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, đặt mục tiêu là một đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo, đô thị đáng sống hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo bà Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Tổng hợp, (Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng), thành phố đặt mục tiêu tận dụng và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tận dụng được phát triển liên kết vùng sẽ giúp Đà Nẵng hóa giải được các khó khăn và hạn chế, đồng thời thúc đẩy được tiềm năng của vị trí địa kinh tế và địa chiến lược, tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển của thành phố.
Trong chiến lược mới, Đà Nẵng chú trọng phát triển du lịch, đồng thời phát triển thêm cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics trong ngành dịch vụ. Đây vốn là lợi thế đặc biệt của thành phố tại khu vực miền Trung, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung, trong đó lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Du lịch chiếm trên 60% hoạt động kinh tế của Thành phố, thời gian qua đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu. Tác động của đại dịch này có khả năng còn kéo dài trong những năm đầu nhiệm kỳ 2020-2050 là rào cản thách thức của Thành phố thời gian tới.
Bà Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Tổng hợp, Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng
Khơi dậy khát vọng thịnh vượng
Phát biểu góp ý tại Diễn đàn, bà Bùi Thị An - Phó Chủ tịch LHH KH-KT TP Hà Nội cho rằng, nhìn nhận vấn đề chính xác là điều quan trọng đầu tiên trong việc đưa ra các giải pháp cần thiết nhằm giải quyết các tồn đọng, khó khăn, các nguyên nhân dẫn tới việc không thể hoàn thành các mục tiêu.
Rút kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược những năm qua, bà An cho rằng, đặt khoa học là cốt lõi nhưng chiến lược chưa được lựa chọn giải pháp chủ lực cho từng địa phương.
"Đúng là cần phải tập trung vào khoa học công nghệ nhưng chọn khoa học nào, mũi nhọn nào để phát triển cho từng địa phương để phát triển thực sự bền vững, không chồng chéo" - bà An nhấn mạnh.
Theo bà An, vấn đề thể chế quan trọng nhưng vấn đề lựa chọn con người lãnh đạo là đặc biệt quan trọng và quan trọng hơn cả. Cần có các tiêu chí để xây dựng lực lượng cán bộ chiến lược "chuẩn". Bên cạnh đó, sự kiên quyết của người lãnh đạo, tầm nhìn người đứng đầu đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chiến lược này.
Phó Chủ tịch LHH KH-KT TP. Hà Nội cũng đặt câu hỏi, thực tế vì sao Việt Nam chưa thể có kinh tế bền vững? Một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế- xã hội là môi trường thì hiện nay chưa thể giải quyết. Đó là vấn đề cần phải xem xét.
Đồng tình vấn đề con người là trung tâm của các chiến lược phát triển, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch LHH KH-KT TP.HCM đề cập thêm đến tình trạng đạo đức suy thoái trong xã hội hiện nay, đồng thời đặt ra câu hỏi về sự phát triển kinh tế và phát triển con người.
"Một trong những nguy cơ làm mất bền vững là cổ vũ tập trung cho kinh tế mà không chú ý tới môi trường. Chúng ta luôn nhấn mạnh không hy sinh môi trường cho kinh tế nhưng thực tế môi trường đã xuống cấp, từ rừng tới biển. Cùng với đó, đạo đức xã hội đi xuống. Chưa bao giờ tình trạng giết người lại phức tạp như vậy. Tại sao kinh tế đi lên, tình trạng giết người lại phức tạp hơn, ngay cả lý do dẫn tới việc sát hại một con người cũng "lãng xẹt". Phát triển bền vững để làm gì nếu giá trị con người đi xuống?" - PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa đặt vấn đề.
Ông Nghĩa cho rằng, cần xem lại về chiến lược "khơi dậy khát vọng thịnh vượng" của Việt Nam trong thời gian tới.
Khoa học công nghệ là động lực
Đóng góp về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới, đặc biệt là chiến lược khoa học- công nghệ, ông Lê Duy Tiến - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường của LHHVN cho biết, đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng và cần thiết, là động lực chính cho phát triển bền vững.
"Khoa học và Công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là động lực chính để phát triển bền vững đất nước, phải đóng vai trò chủ đạo tạo ra giá trị gia tăng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp và là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ là đầu tư phát triển, ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN, Nhà nước và các thành phần kinh tế cùng có trách nhiệm tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN" - ông Tiến cho hay.
Lãnh đạo ban Khoa học- công nghệ và môi trường của LHHVN nhấn mạnh, đề xuất của LHHVN là cần đặc biệt hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững.
Quang cảnh diễn đàn
Cúc Phương