Liên hiệp Hội Việt Nam cần đổi mới hơn nữa trong hoạt động khoa học công nghệ môi trường
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là lĩnh vực chuyên môn trong nhiệm kỳ VII (2015 – 2020) được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) quan tâm, chú trọng triển khai. Đây cũng là lĩnh vực chuyên môn có tiềm năng lớn, có thế mạnh để thu hút, tập hợp đông đảo trí thức khoa học và công nghệ để phát huy trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của họ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch LHHVN Khóa VII đánh giá cao việc nghiên cứu các sản phẩm KHCN cuả các tổ chức KHCN LHHVN
Mặc dù, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các dự án bảo vệ môi trường (BVMT) của Liên hiệp Hội Việt Nam không nhiều, nhưng với tinh thần năng động sáng tạo của các cá nhân, tổ chức thành viên, các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trực thuộc trong hệ thống đã huy động các nguồn tài chính khác nhau, tập hợp các nhà khoa tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Thời gian qua tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, BVMT và phát triển bền vững nông thôn. Trong nhiệm kỳ này, hoạt động này đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ.
Các hội thành viên gồm các Liên hiệp hội tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Liên hiệp hội địa phương) và các hội ngành toàn quốc đã thực hiện trên 2.000 đề tài/dự án cấp cơ sở, trên 300 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh, hàng chục đề tài/dự án cấp nhà nước.
Các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng tích cực tham gia thực hiện và đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống ở các lĩnh vực khác nhau, phổ biến nhất là lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, các tổ chức KH&CN hoạt động theo hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học hoặc nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực cần ít kinh phí và không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất như: khoa học xã hội, tâm lý - giáo dục, các vấn đề giới, trẻ em, xã hội, các chính sách cho quyền con người, hoặc các vấn đề bức thiết với người dân như lâm - nông nghiệp, giao đất, giao rừng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm KHCN tại đại hội VII LHHVN
Hiện nay có một số ít tổ chức KH&CN rất mạnh mới tham gia nghiên cứu về môi trường, thích ứng biến đối khi hậu (BĐKH), Phát triển bền vững (PTBV), … Các tổ chức KHCN cũng đã liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để có thể đưa nhanh các sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh thương mại phục vụ cuộc sống.
Ngoài việc nghiên cứu thực hiện đề tài, dự án, công tác tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học cũng được chú trọng, đã tổ chức được hàng trăm hội thảo, hội nghị khoa học ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, có những hội thảo, hội nghị khoa học hoặc các sự kiện lớn của các hội ngành toàn quốc được tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp độ quốc gia, các hội nghị, hội thảo đã thu hút được hàng trăm nhà khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước tham dự... Đây cũng là hoạt động có tác động tích cực đến công tác tập hợp trí thức tham gia góp phần vào sự phát triển KH&CN và hoạt động bảo vệ môi trường của đất nước.
Về công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN, BVMT, thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương, địa phương cùng với các hội ngành toàn quốc và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã có nhiều đóng góp tích cực. Đã thực hiện nhiều dự án điều tra tài nguyên và đánh giá tác động môi trường, các dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật, thực vật; trực tiếp tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường với hàng ngàn pano, áp phích, băng rôn; xây dựng và triển khai hàng trăm mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước, mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…).
Hoạt động BVMT là sự nghiệp của toàn dân do đó việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng là một hoạt động quan trọng của hệ thống, đã thực hiện được một số nhiệm vụ nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân và các tổ chức liên quan như: Nâng cao nhận thức về BVMT và phát triển bền vững cho các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, nâng cao nhận thức cho người bản địa về việc bảo tồn đa dạng sinh học và cây thuốc bản địa, tuyên truyền và tổ chức các chiến dịch xanh sạch, triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến Môi trường Việt Nam,…
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, BVMT và phát triển bền vững của Liên hiệp Hội Việt Nam vừa qua đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, bắt đầu có sự mở rộng liên kết, kết nối với các doanh nghiệp để đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế đất nước và phát triển hệ thống, tuy nhiên hoạt động này chưa đạt được như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng của đông đảo gần 2,2 triệu trí thức hiện nay của hệ thống ở 152 hội thành viên và trên 500 tổ chức KH&CN trực thuộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm KHCN tại đại hội VII LHHVN
Trong thời gian tới, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng tới mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển thì vai trò, vị trí nòng cốt và sự đóng góp trí tuệ, sức lực của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội là vô cùng quan trọng.
Nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam hơn nữa thời gian tới cần phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, đó là: Liên hiệp Hội Việt Nam phải được phê chuẩn Đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị xã hội, đại diện của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.
Cần tiếp tục thúc đẩy việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan ở Trung ương, cũng như ở các tổ chức thành viên, thu hút nhiều cán bộ trẻ, có nhiệt huyết và năng lực, am hiểu hoạt động hội tham gia vào hệ thống, Đề xuất các cơ chế, chính sách về tài chính cho trí thức; Không ngừng nâng cao năng lực của tổ chức để có thể đảm đương và nhận được những đề tài, dự án, công trình với quy mô lớn từ nhà nước và doanh nghiệp.
Liên hiệp Hội Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ và chỉ đạo các sở ngành có liên quan giúp đỡ, phối hợp với các liên hiệp hội địa phương thực hiện các nhiệm vụ về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội Việt Nam phải thường xuyên đổi mới các hình thức hoạt động, tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống theo từng lĩnh vực chuyên môn, tích cực gắn kết với các doanh nghiệp, nhất là các Tập đoàn lớn để triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới góp phần phát triển thị trường công nghệ; Cơ quan trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam phải thể hiện là cơ quan đầu mối, kết nối, phối hợp, điều hòa giữa các thành viên, tổ chức trong hệ thống, thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hoạt động sáng tạo KH&CN và hoạt động tôn vinh trí thức…
PV.