Lấy độc trị độc - Chế tạo thành công huyết thanh kháng nọc rắn
Theo kết luận của Tổ chức y tế thế giới, HTKNR ViệtNamđạt tiêu chuẩn qui định quốc tế, ứng dụng thành công trên lâm sàng. Đặc biệt, giá thành rẻ hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/20 so với HTKNR được sản xuất ở các nước khác.
"Bất kể bị rắn độc cắn từ khi nào, bệnh nhân nhập viện chừng nào tim vẫn chưa ngừng đập chừng đó chúng tôi vẫn có thể cứu họ sống". Đó là lời khẳng định của Tiến sỹ - Bác sỹ Trịnh Xuân Kiếm, Trung tâm chống độc bệnh viện Bệnh Mai khi tôi đến gặp ông sau một ngày làm việc được kết thúc rất muộn.
Người bệnh ngay lập tức sẽ được truyền một loại huyết thanh kháng độc cực mạnh chiết xuất từ chính nọc rắn. Bác sỹ Kiếm kể lại, vào ngày24/11/1991bệnh nhân Lê Quang Trường (Đồng Nai) nhập viện Chợ Rẫy trong tình trạng bất tỉnh do bị rắn hổ mang cắn. Trường được đặt nội khí quản là phương pháp "tốt nhất" mà bệnh viện vẫn áp dụng từ trước đến nay đối với các ca bệnh bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, với phương pháp này khả năng bệnh nhân được chữa khỏi là rất ít.
Khi đó gia đình cháu Trường có được thông tin về bác sỹ Trịnh Xuân Kiếm (lúc đó là Trưởng Khoa huyết học truyền máu, Bệnh viện chợ Rẫy) đang nghiên cứu và chế tạo huyết thanh kháng nọc rắn (HTKNR). Gia đình đã nài nỉ xin được truyền huyết thanh cho cháu mặc dù biết huyết thanh này vẫn chưa chính thức được phép đưa vào điều trị và chưa rõ hiệu quả điều trị ra sao. Chỉ đến khi có trong tay quyết định của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Trịnh Kim ảnh, "đồng ý cho sử dụng huyết thanh do bác sỹ Kiếm chế tạo", ông Kiếm mới mạnh dạn pha thuốc và truyền qua đường tĩnh mạch cho Trường. Thuốc được truyền từ 12 giờ đến 3 giờ sáng, 5 giờ sáng cùng ngày Trường mở được mắt, đến 6 giờ Trường đã tỉnh táo và khoẻ mạnh, có thể tự rút nội khí quản ra. Vết thương ở đầu gối xẹp hẳn xuống. Cơn nguy kịch đã qua, Trường đã được cứu sống.
Từ những thông tin gợi mở
Vào những năm 80, khi đang công tác tại Khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Kiếm được tận mắt chứng kiến và trực tiếp tiếp xúc với rất nhiều ca bệnh bị rắn độc cắn, song không thể làm gì để cứu họ. Bệnh nhân thường bị rối loạn đông máu, nhập viện trong tình trạng chảy máu đa hình thái, đa phủ tạng trên da, niêm mạc miệng, mắt, nôn và đi tiểu ra máu... Cũng có khi người bệnh bị nhiễm độc thần kinh, gây liệt thần kinh - cơ, ngừng thở. Vào thời gian này, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa tìm được phương thuốc điều trị có hiệu quả nhất mà chỉ áp dụng phương pháp đặt nội khí quản. Tuy nhiên, với phương pháp này, khả năng bệnh nhân được cứu chữa là rất thấp. Nhiều bệnh nhân đã tử vong sau một vài ngày hoặc để lại biến chứng nặng như hoại tử tại chỗ, phải cắt cụt tay chân do hoại tử sâu và lan rộng...
Trong điều kiện kinh tế còn quá khó khăn cộng với đặc điểm khí hậu và địa lý của Việt Nam, số người dân vùng nông thôn, vùng chiêm trũng và đồi núi bị rắn độc cắn mỗi năm ước tính lên đến hàng chục nghìn người. Ông Kiếm cảm thấy đau lòng khi chứng kiến những bệnh nhân bị rắn độc cắn đang từng giờ phải đối mặt với cái chết trong khi nền y học nước nhà vẫn chưa tìm ra được một loại thuốc đặc trị nào. Ông cho rằng đây là một "vấn đề y khoa bị lãng quên" ở ViệtNam. Do HTKNR đặc trưng cho từng khu vực địa lý, từng quốc gia nên mỗi nước cần phải tự sản xuất HTKNR riêng.
Điều này đã khiến ông phải trăn trở trong thời gian rất lâu. Cho đến một lần, với nhiệm vụ là phiên dịch viên cho một đoàn các giáo sư của Tổ chức y tế thế giới đi thăm trại nuôi rắn ở Bình Quới, ông đã được giáo sư David Warrell gợi mở một số thông tin có thể điều trị vết rắn độc cắn bằng huyết thanh kháng nọc. Sau này, ông gọi giáo sư David là "người mở đường cho việc điều trị bằng HTKNR đặc hiệu tại ViệtNam". Từ đó, bác sỹ Kiếm ngày đêm nghiên cứu các tài liệu, sách báo để tìm những thông tin liên quan đến điều trị rắn độc cắn.
Ứng dụng thành công trên lâm sàng
Cần phải bào chế các kháng thể có khả năng trung hoà nọc độc trong cơ thể dựa trên chính các loại rắn sống ở lãnh thổ ViệtNam. Quên đi mọi nỗi nguy hiểm, ông Kiếm đã đích thân đi bắt, nhận diện từng loại rắn và tận tay lấy nọc độc rắn. Trên cơ sở khoa học đã được nghiên cứu, các bước cần thiết để chế tạo HTKNR là: lấy nọc độc của rắn, chế tạo ra kháng nguyên, rồi tiêm kháng nguyên đó vào cơ thể động vật (tốt nhất là ngựa), kích thích hệ miễn dịch của ngựa tạo ra kháng thể ngựa chống nọc rắn. Sau thời gian khoảng 7 đến 8 tháng, lấy máu ngựa để tinh chế thành huyết thanh kháng nọc rắn.
Tiếng lành đồn xa, sau khi Trường được chữa khỏi, số lượng bệnh nhân bị rắn độc cắn đến viện Chợ Rẫy điều trị ngày một đông hơn. Do thấy hết được hiệu quả và tính cần thiết trong việc điều trị rắn độc cắn của HTKNR, đến năm 1993 Bộ y tế đã cấp phép cho Bệnh viện Chợ Rẫy, mà đích danh là bác sỹ Trịnh Xuân Kiếm tiến hành nghiên cứu và chế tạo HTKNR. Năm 1995 HTKNR được phép sử dụng lâm sàng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tháng 7 năm 2003, nhóm bác sỹ Kiếm đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế về quy trình công nghệ HTKNR. Hiện HTKNR đang được thử lâm sàng đa trung tâm (được sử dụng tại các bệnh viện trên toàn quốc). Đến nay bác sỹ Kiếm và các cộng sự đã bào chế thành công huyết thanh kháng nọc 7 loại rắn độc nhất ViệtNam: rắn hổ chúa, hổ đất, hổ mèo, hổ mang, choàm quạp, lục xanh, cạp nia.
Đặc biệt, nhóm của bác sỹ là nhóm đầu tiên trên thế giới chế tạo thành công HTKNR cạp nia. Tại các hội nghị độc học quốc tế, nhiều chuyên gia hàng đầu đã xác nhận chất lượng, tính an toàn và hiệu qủa của HTKNR được chế tạo tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn qui định quốc tế, ứng dụng thành công trên lâm sàng. Đặc biệt, giá thành rẻ hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/20 so với HTKNR được sản xuất ở các nước khác. Thông thường, sau 12 đến 24 giờ điều trị bằng HTKNR đặc hiệu, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
Nguồn: Tư vấn Tiêu dùng - Số.8,20/04/2006