Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 15/08/2007 22:44 (GMT+7)

Lá lằng và vỏ ngũ gia bì chân chim

Đôi nét về cây chân chim

Chân chim là một cây cao 5-10m, có khi hơn. Lá kép chân vịt mọc so le, gồm 6-8 lá chét hình mác hoặc trái xoan, dài 6-15cm, rộng 3-6cm. Cụm hoa là một chùm tán mọc ở đầu cành; hoa nhỏ màu trắng thơm, 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu có 6-8 ô. Quả mọng, hình cầu, đường kính 3-4mm, có núm nhọn, khi chín màu tím đen. Mùa hoa quả tháng 2-7.

Cây mọc khá nhiều, thường mọc hoang ở ven rừng, ở đồi núi, chân núi, sườn đồi, với độ cao từ 600m trở xuống. Vào những tháng hè nắng nóng, gió Lào, ai đã qua vùng Quỳnh Lưu, Nghệ An và được thưởng thức món canh lằng, dù chỉ một lần, đều không thể quên được huơng vị đăng đắng, mùi thơm nhẹ và lạ miệng của một món canh độc đáo của vùng này. Nhiều người ăn quen dần trở nên ghiền. Người dân nơi đây coi lá lằng là loại thực phẩm rất quý và vị thuốc mát, giải nhiệt, chống nóng, háo khát, kích thích tiêu hóa và nhuận gan. Để chuẩn bị luôn có nguyên liệu, vào khoảng tháng 5, người ta hái những lá bánh tẻ của cây lằng, đem về, rửa sạch, thái nhỏ, phơi nắng to cho khô (càng được nắng càng tốt), rồi bảo quản trong lọ kín. Khi dùng, nấu canh bằng các loại rau như: Rau đay, rau giền, rau mồng tơi hoặc tôm, tép, cua. Khi rau chín, bỏ vào canh một dúm lá lằng khoảng 5-10g (tùy khẩu vị thích đắng ít hay đắng nhiều) và thêm gia vị cho đủ độ đậm, ngọt. Ăn trong ngày.

Ở những địa phương khác, người ta lại dùng vỏ thân làm thuốc với tên gọi là ngũ gia bì chân chim (vì cây có tác dụng bổ, mạnh gân xương như cây ngũ gia bì chính tên - Acanthopanax trifoliatus (L) Merr).

Vỏ thân chân chim được thu hái vào mùa xuân - thu, đem về cạo sạch lớp vỏ ngoài, phơi hoặc sấy khô. Đó là những mảnh vỏ hơi cong, dài 20cm, rộng 5cm, dày 0,5-1cm, màu nâu nhạt, lốm đốm những vết xám, mặt cắt màu vàng nâu nhạt, chất nhẹ và giòn. Khi dùng làm ẩm dược liệu rồi ủ cho đến khi có mùi thơm (khoảng 7 ngày), cắt thành miếng nhỏ, để sống hoặc tẩm rượu hay nước gừng, sao qua.

Những bài thuốc từ cây chân chim

Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ chân chim được dùng chữa suy nhược, thấp khớp, lưng gối đau mỏi, đàn ông dương sự kém, đàn bà âm suy, trẻ em chậm biết đi. Dược liệu có vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát, được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa bệnh cước khí, chân sưng đau:Vỏ chân chim, lõi cây thông, hạt cau, hương phụ, hạt tía tô, chỉ xác, ké đầu ngựa (mỗi thứ 8-16g) sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).

Chữa tê thấp:Vỏ chân chim (2kg), vỏ cây gạo, dây đau xương, thân cây bọt ếch (mỗi thứ 1kg). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, nấu với nước được 200ml cao lỏng, hòa 200ml rượu và 100ml xi-rô vào cao để được nửa lít thành phẩm. Ngày uống 50ml chia làm 2 lần.

Chữa thiếu máu, xanh xao, kém ăn(viên ngũ gia kim): Cao vỏ chân chim 0,05g, cao kim anh 0,05g, oxalat sắt 0,05g, sulfat đồng 0,005g, sulfat magiê 0,002g, cho 1 viên. Ngày uống 4-6 viên chia làm 2 lần.

Chữa suy nhược cơ thể sau khi ốm khỏi, lao lực(viên tăng lực): Cao vỏ chân chim 0,05g, cao ban long 0,02g, mật ong 0,02g, phosphat canxi 0,07g cho 1 viên. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-4 viên (người lớn), 2-3 viên (trẻ em tùy tuổi).

Chữa suy nhược thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, đau dây thần kinh, đau lưng, đau vai gáy(viên Hy đan): Bột mịn vỏ chân chim 0,035g, cao vỏ chân chim 0,005g, cao đặc hy thiêm 0,03g, bột mịn mã tiền chế 0,013g cho 1 viên. Liều tối đa an toàn 1 lần là 30 viên và một ngày là 80 viên. Thuốc đã có bán ở các hiệu thuốc trong cả nước.

Viện Dược liệu - Bộ y tế cũng bào chế từ vỏ chân chim dạng rượu ngọt Langtonic và viê n bao Langosin và ứng dụng trên lâm sàng thấy ăn ngon, ngủ tốt, không có biểu hiện độc hại. Có người còn thấy khả năng làm việc bằng trí não tốt hơn, minh mẫn hơn. Liều dùng: Ngày uống hai lần, mỗi lần 15ml (rượu ngọt Langtonic) và 3-5 viên (viên bao Langosin). Dùng ngoài, vỏ hoặc lá chân chim 30g, phối hợp với lá dâu tằm 30g, lá mía tía 20g, củ nghệ đen 20g. Tất cả để tươi, rửa sạch, giã nát, tẩm rượu 300 cho xâm xấp, xào nóng, đắp băng và cố định bằng nẹp tre, chữa gãy xương (kinh nghiệm của dân tộc Tày ở Lạng Sơn).

Lưu ý: Hiện nay, cây chân chim đã và đang bị phá hoại nghiêm trọng. Ở Hà Tây, nhân dân thường chặt cây lấy gỗ làm củi để sấy thuốc lá. Ở Nghệ An, tệ nạn phá rừng làm nương rẫy cũng đã xóa đi hàng trăm ha cây thuốc quý này.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.