Kỹ thuật trồng vải
I- ĐIỀU KIỆN SINH SỐNG
Vải là cây lâu năm, thích ứng rộng, từ Nghệ An, Thanh Hoá trở ra, đều trồng được. Vải có bộ rễ mạnh, chịu hạn, không chịu được úng.
Vải không kén đất lắm: Đất tốt năng suất, chất lượng cao, đất xấu, đất đồi, đất chua, nếu được bón nhiều phân hữu cơ, vải vẫn phát triển tốt.
Vải yêu cầu thời tiết mát lạnh, khô, nắng vào lúc ra nụ và nở hoa.
II- CÁC GIỐNG VẢI
Có 4 giống chính:
1. Vải chua: Là giống vải được trồng lâu đời ở nước ta, chất lượng vải không đều, hạt to, vị chua, nên hiện nay không phát triển.
2. Vải nhỡ: Do nguồn gốc lai và hiện tượng biến dị của vải thiều gieo bằng hạt. Quả to, chất lượng tốt hơn vải chua, kém vải thiều, chín sau vải chua, trồng rải rác ở vùng đồi Trung du.
3. Vải phú hộ: Chín trước vải thiều độ 5 ngày, quả to, trung bình nặng 20 - 25 g, tỷ lệ cùi trên 70%. Quả chín màu đỏ sẫm, hình trái tim, vị ngọt đậm, cùi bóc không dính tay phù hợp để làm đồ hộp. Chịu hạn và đất chua, có thể mở rộng diện tích ở Trung du, vùng núi, trên đồi dốc. Nhược điểm là đòi hỏi lạnh (nhiệt độ thấp) vào các tháng 11, 12, cây mới ra hoa được.
4. Vải thiều Thanh Hà: Được chọn lọc và nhân giống ở Thanh Hà - Hải Dương cách đây 100 năm. Do năng suất và chất lượng cao, nên là giống vải chính đang được phát triển mạnh ở đồng bằng và Trung du Bắc bộ. Quả nặng 18 - 20 g, tỷ lệ cùi 72 - 80% thịt hơi nhão, khi bóc vỏ dễ vỡ nước, mùi thơm. Từ 10 tuổi trở lên, cây ra hoa đều và năng suất ổn định hơn. Trồng trên đất đồi vùng Trung du, nếu chăm bón tốt, nhất là bón thêm lân và phân hữu cơ, có thể cho năng suất cao.
III- NHÂN GIỐNG
Có thể nhân giống bằng hạt, ghép và chiết cành. Chiết cành là phương pháp phổ biến nhất: Chọn cây vải mẹ hàng năm sai quả, có chất lượng cao, tuổi từ 8 - 15 năm. Chọn cành khoẻ, đường kính 1 - 1,5 cm, mọc hơi xiên ở phía ánh sáng. Bóc khoanh, cắt một đoạn vỏ dài 2 - 3 cm dùng dao cạo sạch, để khô độ 3 - 4 ngày, rồi dùng đất mầu đã trộn sẵn với phân mục, rơm mục, bao quanh chỗ cắt, ngoài bầu đất bọc giấy Pôliêtilen, trên đầu buộc hơi lỏng, phía dưới buộc chặt. Mùa chiết cành tốt nhất là tháng 3 - 4 hoặc tháng 7 - 8. Sau 3 tháng bầu có rễ, cắt đem giâm trong vườn ươm. (Hạ thổ), 4 - 6 tháng sau trồng ra vườn. Nếu gặp hạn cần tưới cho bầu đủ ẩm.
IV- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM BÓN
1. Trồng: Thời vụ trồng vào các tháng 2 - 3 - 4 và 8 - 9. ở đồng bằng, đất trồng phải đào mương, lên líp cao. Khoảng cách trồng ở đồng bằng: 10m x 10m, đất đồi gò: 8m x 8m . Hố đào trước vài ba tháng theo kích thước 1m x 1m, mỗi hố bón 30 - 50kg phân chuồng trước khi trồng.
2. Chăm sóc: Cần tưới nước sau khi trồng và lúc cây còn nhỏ. Khi cây lớn nếu trời hạn tưới đủ ẩm mới có năng suất cao, phẩm chất tốt.
Bón phân:
Bón phân cho vải
Hố trồng vải nên đào trước vài tháng, kích thước 1m x 1m, mỗi hố bón 30 - 50kg phân chuồng trước khi trồng.
3 - 5 năm trước khi cây ra hoa để quả, mỗi năm bón 200g N, 100g P2O5 cho mỗi gốc cây.
Khi cây ra quả, mỗi cây bón tới 1kg N và hơn nữa, tỷ lệ NPK từ 2 : 1 : 1 đến 3 : 2 : 2, ngoài ra mỗi hécta bón thêm 10 tấn phân hữu cơ. Bón phân vào tháng 6 và tháng 9, phân hữu cơ tập trung bón vào tháng 6.
Để hạn chế rụng hoa quả, bạn cần áp dụng một số biện pháp :
- Sau khi thu hoạch quả xong vào khoảng tháng 6 bón phân thúc đầy đủ, nhất là những năm được mùa sai quả, nếu có điều kiện nên bón thêm phân hữu cơ vào đợt này, mục đích để cây đủ dinh dưỡng có sức nuôi hoa quả vụ sau.
- Khoảng tháng 9-10 khi cây ra lộc mùa thu cần bón phân tiếp, lúc này nên bón nhiều lân và kali để thúc đẩy phân hóa mầm hoa và nuôi hoa, quả non ít bị rụng.
-. Khoảng cuối tháng 3 khi vải đã đậu quả non nên bón thêm một đợt phân nữa, chủ yếu là đạm và kali để nuôi quả, nhất là với những vụ sai quả.
- Có thể sử dụng thêm phân bón lá, chứa các chất đa lượng NPK và cả các chất vi lượng cũng là những nguyên tố dinh dưỡng cần cho cây vải như kẽm, sắt, đồng, magiê, mangan.
* Bón phân thúc hoa:
Lượng bón 0,15kg đạm urê + 1–2kg Supe lân + 0,1–0,2kg Kali clorua cho 10m2 diện tích bóng tán. Bón vào rãnh quanh bóng tán đã cuốc lật từ đầu mùa đông. Mỗi loại phân thả thành 3 – 5 điểm. Sau đó tiến hành bơm xả nước xả trực tiếp vào cho tan phân và ngấm xuống phần rễ đang hoạt động bên dưới.
3. Trừ sâu bệnh: Bọ xít vải hay bọ xít nhãn dùng vòi chích đọt cuống hoa non hoặc những quả chưa chín làm héo đọt, héo từng chùm hoa, rụng quả non hoặc quả bị thối.
* Cách trừ: Về mùa đông chọn những ngày tốt trời, thời tiết lạnh, rung các cây ký chủ như nhãn, vải, mít, bưởi ..., để bọ xít rơi xuống, rồi bắt.
Để bọ xít không trốn mất, có thể quét sạch mặt đất hoặc trải những tấm ni-lông dưới tán cây trước khi rung.
Phun thuốc: Vào tháng tư, phần lớn trứng bọ xít đã nở thành sâu non, hoa vải đã nở xong không sợ chết ong lấy mật. Tháng 8 - 9 cũng có thể phun thuốc để diệt bọ xít trưởng thành. Có thể dùng các loại thuốc: Basuđin,Ofatôc 0,1 - 0,2%, Diclovo 0,05 %, Diazinin 0,04 %.
Ngoài bọ xít ra, còn sâu đục thân vỏ, sâu cuốn lá, nhện 4 chân, dơi hại vải...
V- THU HOẠCH VÀ CHẾ BIẾN
Thu hoạch khi quả chín, vỏ mầu nâu sẫm, nên bẻ cả chùm quả, không bẻ đau để năm sau cây không chột, tốt nhất là cắt bằng kéo (xêcatơ).
Cách làm vải khô:
Vải buộc thành từng chùm nhỏ treo trong nhà kín, đốt than giữ nhiệt độ khoảng 35 - 400 C liên tiếp ngày lẫn đêm, khi nào hạt long ra lắc nghe lọc cọc là được. Nếu không sấy, phơi nắng cũng được. Quả vải khô, vỏ căng đều, không bị óp là đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mỗi kilôgam vải khô có từ 160 đến 190 quả./.