Kỹ sư Hoàng Khắc Hải – Người say mê nghiên cứu khoa học
Anh cùng với các cộng sự luôn trăn trở nghiên cứu nhiều đề tài khoa học về lĩnh vực chăn nuôi với mong muốn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Những ai từng có dịp tiếp xúc với anh Hải đều nhận thầy điều đặc biệt ở anh chính là niềm say mê nghiên cứu KHKT.
Từ những kiến thức chuyên ngành được trang bị ở đại học, những kinh nghiệm được chắt lọc từ thực tiễn công tác ở trạm thú y, ở các đơn vị liên quan đến dịch vụ kỹ thuật con nuôi, đến khi chuyển về Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KHKT chăn nuôi tỉnh, có nhiều cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi, anh Hải đã có điều kiện thực hiện nhiều dự định trăn trở của mình.
Anh đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài, dự án cấp tỉnh như: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh” (thực hiện điểm tại huyện Yên Định và Hoằng Hóa), “Ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi tạo giống bò sữa cao sản” (tại trang trại bò sữa Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân)... và các đề tài cấp bộ như: “Nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn bò đực giống tại Moncada để sản xuất tinh đông lạnh phục vụ công tác tạo giống bò Việt Nam”, “Nghiên cứu sản xuất tinh đông lạnh cọng rạ phục vụ công tác giống trâu Việt Nam”, “Ủ bã dứa lên men làm thức ăn cho trâu bò tại huyện Như Thanh”, “Chọn lọc và du nhập trâu đực giống năng suất cao để cải tạo nâng cao tầm vóc và năng suất thịt của đàn trâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”...
Những đề tài do anh làm chủ nhiệm đều gắn liền với lợi ích của người nông dân, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển. Cụ thể, trong ba năm (2008-2010), anh Hải thực hiện đề tài: “Chọn lọc và du nhập trâu đực giống năng suất cao để cải tạo nâng cao tầm vóc và năng suất thịt của đàn trâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KHKT chăn nuôi tỉnh đã cung cấp 3.500 liều tinh đông lạnh giống trâu Murrah để thụ tinh nhân tạo cho trâu cái nội tại các huyện: Thọ Xuân, Yên Định, thị xã Bỉm Sơn.
Qua theo dõi, tỷ lệ thụ thai của trâu cái nội đạt khoảng 50%, một số địa phương đã có nghé lai Murrah phát triển và thích nghi tốt với môi trường chăn nuôi tại địa phương; trọng lượng cơ thể nghé lai Murrah tăng từ 10% đến 12%, tỷ lệ thịt xẻ tăng từ 3% đến 5% so với trâu nội.
Chi phí để phối giống thụ tinh nhân tạo cho trâu cái nội bằng tinh đông lạnh thấp hơn so với chi phí nuôi trâu đực giống và có thể triển khai trên diện rộng cùng một thời điểm; giảm tỷ lệ cận huyết, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, đồng thời, cải tạo được chất lượng và tăng số lượng đàn trâu nội trong tương lai. Kết quả thực hiện đề tài đang mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi tỉnh phát triển. Qua thực hiện đề tài này, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nitơ, dụng cụ phối giống, công phối giống để thực hiện cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh.
Những cố gắng nỗ lực của anh đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Với đề tài “Sử dụng công nghệ lai tạo và một số giải pháp kỹ thuật để nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất trâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, anh và các cộng sự đã vinh dự được trao giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 (2010-2011).
Anh đã được UBND tỉnh Thanh Hóa, Hội Chăn nuôi quốc gia Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen. Năm 2011, anh Hải được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...