Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông 1947: Đánh bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của giặc Pháp
Tiến hành hai cuộc hành binh này, Pháp đặt các mục tiêu: “Bịt kín biên giới, loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào; bắt sống Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh; tiêu diệt bộ đội chủ lực Việt Nam; phá tan mọi tiềm lực kháng chiến” hòng kết thúc chiến tranh. Để “đập tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”, phía Việt Nam chủ trương: “ Phát động rộng rãi du kích chiến”, đồng thời kiên quyết tập trung để đánh vận động bằng các tiểu đoàn chủ lực lưu động; “ Đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên các chiến trường khác và hoạt động vũ trang tuyên truyền, đấu tranh chính trị trong vùng địch tạm chiếm” nhằm chi viện cho Việt Bắc.
Các khu 1, 10, 12 đã tổ chức đến 30 đại đội độc lập và 18 tiểu đoàn cơ động. Từ đầu tháng 7 - 1947, các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên, đồng bằng Bắc Bộ… đã đẩy mạnh các hoạt động tác chiến nhằm tiêu diệt và giam chân một bộ phận lực lượng cơ động Pháp, trực tiếp đánh vào nỗ lực “ chơi ván bài cuối cùng” của Valuy.
Pháp huy động hơn 12 nghìn quân cơ động (dự kiến ban đầu trên 20 nghìn) của 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 3 đại đội bộ binh cơ giới hoá (800 xe) và nhiều đơn vị binh chủng khác. Cuộc tiến công khởi đầu từ ngày 7/10/1947. Lúc đầu, phía Việt Nam bị bất ngờ, lúng túng do chưa phán đoán được hướng chính, đặc biệt là cuộc nhảy dù chiếm Bắc Cạn (8 giờ 15 phút), Chợ Mới (4 giờ 30 phút) của Pháp (7/10). Nhưng từ 9/10 và đặc biệt sau khi bắn rơi chiếc máy bay chở bộ tham mưu chiến dịch của pháp ở xã Đề Thám, thu toàn bộ tài liệu về kế hoạch của cuộc hành binh, phía Việt Nam đã phát hiện hướng chính, hướng phụ, nơi sơ hở, những điểm yếu của đối phương và tổ chức lực lượng, chỉ huy tác chiến ngày càng chủ động. Trên hướng Bắc Cạn, vừa di chuyển cơ quan, kho tàng an toàn vừa tổ chức đánh địch, diệt hàng trăm lính Pháp tại Chợ Đồn, Phủ Thông, Chợ Mới… Trên hướng đường 4, do đường, cầu bị phá hỏng, địch bị chặn đánh liên tục, quân Pháp tiến rất chậm và buộc phải nhảy dù chiếm thị xã Cao Bằng. Trên hướng đường thuỷ dọc sông Hồng, sông Lô, sông Gâm, các đoàn tàu Pháp (ở Bình Ca, Đoan Hùng, Phan Dư), liên tục bị pháo binh Việt Nam phục kích nên chậm mất 7 ngày so với kế hoạch (13/10), vì vậy không đến được địa điểm hội quân (Bản Thi) với cánh quân phía đông và cánh quân đổ bộ đường không. Không đạt được mục đích, bị đánh khắp nơi và để tránh tổn thất nặng hơn, quân Pháp buộc phải rút lui cục bộ ngày 28/10, rút khỏi Bản Thi; ngày 13/11, rút khỏi Chợ Đồn; ngày 16/10, rút khỏi Chợ Rã, Ngân Sơn; ngày 22/11, rút khỏi Tuyên Quang…. Quân Pháp chuyển sang thực hiện cuộc hành binh “Xanh Tuya” mà thực chất là một cuộc càn quét trên đường rút lui vào khu tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Việt Trì - Phủ Lạng Thương. Cuộc hành binh “Xanh Tuya kết thúc ngày 19/12/1947. Qua 75 ngày đêm chiến đấu, phía Việt Nam loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn địch, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến, phá huỷ hàng trăm xe quân sự và gần 100 khẩu pháo, súng côi… đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” bằng “đòn quyết định”, buộc nhà cầm quyền Pháp theo đuổi một cách bị động cuộc chiến tranh kéo dài ngoài ý muốn. Đây là chiến dịch đầu tiên của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, là chiến dịch phản công và giành được thắng lợi, đập tan âm mưu chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch.
Nguồn: Từ điển bách khoa Việt Nam , tập 1, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2000, tr 459.