Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 30/05/2014 20:35 (GMT+7)

KHUNG MẪU HỌC [PARADIGMATOLOGY] - TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN VẬN DỤNG

  Trong Từ điển - tra cứu logic học [2], thuật ngữ "Khung mẫu" được định nghĩa như sau: "Paradigma (gốc chữ Hy lạp: Paradeigma = ví dụ mẫu, hình mẫu) - ví dụ mẫu từ trong lịch sử dùng để chứng minh cho một cái gì đó, hoặc để so sánh; trong Ngôn ngữ học - hệ thống các hình thức của cùng một từ; tập hợp các từ cùng một loại, có cơ sở chung và tất cả các phụ tố khả dĩ; trong ngôn ngữ toán học thì các phương tiện dùng làm mẫu là những phương tiện thể hiện các liên kết ý nghĩa giữa các từ khoá; các phương tiện dùng làm mẫu đều đã cho một cách tiên nghiệm khi người ta kiến tạo các ngôn ngữ tìm kiếm thông tin" (N.I. Kondakov, 1975: 431).

Theo hướng khảo cổ học tri thức (Archaeology of Knowledge) người ta phát hiện được rằng trong Triết học của Plato (429-347 trước CN),  "Paradigma" có nghĩa là một kiểu mẫu hay một quy tắc. Đối với Aristotle (384-322 trước CN) thì  "Paradigma" có nghĩa là luận chứng xây dựng trên một thí dụ nhằm hướng đích khái quát hoá.

Nhà nghiên cứu lịch sử khoa học người Mỹ T. Kuhn [3] đã có công hiện đại hoá khái niệm  "Paradigm" và sử dụng nó để miêu tả các Khung mẫu tư duy và hoạt động của các cộng đồng khoa học, với ít nhất là 3 ý nghĩa chủ yếu sau đây: 1- Theo ý nghĩa trừu tượng và bao trùm nhất thì  "Paradigm" ( Khung mẫu) trong Khoa học là tập hợp những định đề không có tính nghi vấn, đóng vai trò nền tảng siêu hình học và cơ sở triết học của hoạt động khoa học;  2-  Paradigm có thể hiểu là  Ma trận bộ môn  (disciplinary matrix), tức là một hệ thống bao gồm các giả định, lý thuyết, ý tưởng, mô hình, các trường hợp kiểm chứng và các giá trị cùng chia sẻ giữa các thành viên của một cộng đồng khoa học trong một lĩnh vực chuyên ngành nhất định;  3-  Paradigm còn có ý nghĩa là những Ví dụ mẫu (Examplar), tức là những thành tựu nghiên cứu khoa học mang tính kinh điển làm bài tập mẫu cho các sinh viên và nhà khoa học trẻ, mới vào nghề, mới tham gia vào cộng đồng khoa học. Đóng góp quan trọng hơn là ở chỗ, lịch sử khoa học được T. Kuhn hình dung không phải là sự tích luỹ giản đơn tri thức khoa học như trường phái thực chứng mới (neopositivism) đã quan niệm theo nguyên tắc chủ nghĩa luỹ tích (cummulativism) của họ mà thực sự là quá trình thay thế khung mẫu khoa học cũ bằng khung mẫu khoa học mới, tức là quá trình cách mạng khung mẫu khoa học (scientific paradigm revolution). Lược đồ quá trình cách mạng khung mẫu khoa học có dạng như sau: Khung mẫu I (Paradigm I)   →  Khoa học chuẩn định (Normal Science)     Những dị thường (Anomalies)     Khủng hoảng (Crisis)     Cách mạng (Revolution)   →   Khung mẫu II (Paradigm II) . Nhà xã hội học người Mỹ G. Ritzer [4]  khi đưa ra quan điểm cho rằng  Xã hội học đương đại là  Khoa học đa khung mẫu (a multiple - paradigm science), đã xác định  "Paradigm" có 4 đặc trưng chủ yếu sau: 1-  Exemplar = Hình mẫu (tức là các tác phẩm kinh điển làm khuôn mẫu cho trường phái khoa học); 2-  Image of the Subject Matter = Hình dung đối tượng; 3-  Methods = Các phương pháp; 4-  Theories = Các lý thuyết. Trên cơ sở đó, ông cho rằng Xã hội học đương đại có 4 khung mẫu (KM): 1- KM các sự kiện xã hội (Social Facts) với tác giả kinh điển là E. Durkheim, 2- KM ý nghĩa xã hội (Social Definition) với tác giả kinh điển là M. Weber, 3- KM hành vi xã hội (Social Behavior) với tác giả kinh điển là B.F. Skinner, và 4- KM xã hội học tích hợp (Integrated Sociological Paradigm) do chính G. Ritzer đề xuất cần được xây dựng. Chuyên gia hệ thống học người Ấn độ, Jamshid Gharajedaghi [5]  cho rằng nếu hình dung công cuộc kinh doanh như trò chơi hệ thống thì cách thức diễn tiến của cuộc chơi đó sẽ đi từ cấp độ mô phỏng đến quán tính, tối ưu hoá dưới mức, thay đổi cuộc chơi, và đến cấp độ  chuyển đổi khung mẫu (paradigm change). Sự chuyển đổi khung mẫu có thể xuất hiện ở  2 loại:  thay đổi trong bản chất của hiện thực hoặc/và thay đổi trong phương pháp điều tra (inquiry). Sự thay đổi khung mẫu trong bản chất của tổ chức có thể đi từ  hệ không trí tuệ (như mô hình máy móc) chuyển sang  hệ đơn - trí tuệ (như mô hình sinh học) và sang  hệ đa - trí tuệ (như mô hình xã hội). Còn sự thay đổi khung mẫu trong bản chất của điều tra thì có thể đi từ  tiếp cận phân tích thuần tuý (của Tư duy chủ biệt, chỉ quan tâm đến các biến lượng độc lập) đến  tiếp cận hệ thống (của Tư duy chủ toàn [6] , chú trọng các biến lượng phụ thuộc lẫn nhau). Nhà bác học nổi tiếng người Pháp, Edgar Morin [7]  đã bàn về  Paradigmatologie trong cuốn sách  "Phương pháp 4. Tư Tưởng. Nơi cư trú, cuộc sống, tập tính, tổ chức của tư tưởng" (1991). Trong sách đó người ta dịch thuật ngữ Paradigmatologie  (hay Paradigmologie) là  Chuẩn thức học (tức là Khung mẫu học). Theo E. Morin thì Chuẩn thức học là tiếng nói mới nhất của tư duy đương đại mà tư duy đương đại thì có bản chất là tư duy phức hợp (pensée complexe). Ông định nghĩa khái nhiệm Chuẩn thức (tức là Khung mẫu) như sau:  "Chuẩn thức chứa đựng, đối với mọi diễn ngôn thực hiện dưới sự chi phối của nó, những khái niệm cơ bản hay những phạm trù chủ đạo của tính nhận thức, trí tuệ cùng với loại hình những quan hệ logic về hút/đẩy (phép hội, phép tuyển, kéo theo hay các phép tính khác) giữa những khái niệm hay phạm trù ấy"(Edgar Morin, 2007: 441). Nói khác đi, bản chất của Chuẩn thức bao gồm:  1- Xúc tiến/lựa chọn những phạm trù chủ đạo của tính nhận thức trí tuệ2- Xác định những phép tính logic chủ đạo (Edgar Morin, 2007: 442-443). Đóng góp rất quan trọng của Edgar Morin là xây dựng lý thuyết hiện đại về  tư duy phức hợp và dự báo về  cuộc cách mạng khung mẫu mà thực chất của nó, theo ông, là  sự chuyển đổi khung mẫu từ khung mẫu tách rời/quy giản sang khung mẫu phức hợp.

Tổng - Tích hợp hạt nhân hợp lý của tất cả các quan niệm nêu trên về khung mẫu ta có thể đi đến một định nghĩa về khái niệm "Khung mẫu" như sau:

Khung mẫu là hệ khái niệm chủ chốt, nguyên lý nền tảng, phép tính logic chủ đạo, tác phẩm kinh điển; được cộng đồng chia sẻ và sử dụng, bảo tồn và phát triển trong quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Quan niệm về Khung mẫu học của E. Morin

Trong công trình  "Phương pháp 4. Tư tưởng. Nơi cư trú, cuộc sống, tập tính, tổ chức của tư tưởng" (1991) đã trích dẫn ở trên, E. Morin đã bàn luận về Sinh thái học tư tưởng, Cuộc sống của tư tưởng (Trí quyển),và Tổ chức của tư tưởng (Trí học). Trí học bao gồm 3 bộ phận: 1- Ngôn ngữ, 2- Lý‎ tính với Logic học, và 3- Tư duy hậu kỳ (Chuẩn thức học). Chuẩn thức học (tức là Khung mẫu học) trong quan niệm của E. Morin bao gồm hai nội dung cơ bản sau đây (Edgar Morin, 2007: 436-499):  1- Chuẩn thức là vị chúa tể ở nền tảng ngầm, vì Chuẩn thức nằm trong hạt nhân và đóng vai trò nền tảng của mọi Lý thuyết, Học thuyết, Ý thức hệ; ngay cả Logic học cũng phải chịu sự kiểm soát của Chuẩn thức, bao gồm các nội dung cụ thể sau: 1.1- Nhận dạng khái niệm chuẩn thức, 1.2- Xác lập nội hàm khái niệm chuẩn thức, 1.3- Tính chất của Chuẩn thức.  2- Cái nút Gordien  (tức là mớ bòng bong), bao gồm các nội dung cụ thể như: 2.1- Những Chuẩn thức "chủ", 2.2- Chuẩn thức lớn của phương Tây, 2.3- Nút Gordien, 2.4- Chuẩn thức của Khoa học cổ điển, 2.5- Khoa học - Kỹ thuật - Xã hội, 2.6- Tấm bàn quay, 2.7- Về cuộc cách mạng chuẩn thức, 2.8- Khủng hoảng, 2.9- Trận hải chiến trên biển Corail.…Trong kết luận tiết 3: Tư duy hậu kỳ (Chuẩn thức học), ông đưa ra nhận định cho rằng "Chúng ta đang phát biểu "bập bẹ" về một Chuẩn thức học và cái Chuẩn thức học này thì chỉ soi sáng được cho Trí học, Logic học, Ngôn ngữ học cũng như những Khoa học xã hội - nhân văn nếu các môn đó có thể soi sáng trở lại cho nó. Như vậy tức là nói rằng chúng ta cần thành lập môn Trí học và phức hợp hoá các Khoa học khác sao cho chúng có thể tiến bước bằng cách kết hợp chặt chẽ lẫn nhau và cho phép hình dung rõ cái mớ bòng bong kiểu "nút Gordien" là Chuẩn thức. Chúng ta đang ở những bước khởi đầu của việc cấu tạo một Chuẩn thức về tính phức hợp, bản thân nó là tất yếu đối với việc cấu tạo một Chuẩn thức học, và đây quyết không phải là công việc cá nhân của một nhà tư tưởng mà chính là sự nghiệp lịch sử của cả một xu hướng hội tụ các tư duy....Việc thoát khỏi "thời đại đồ sắt toàn hành tinh" và "giai đoạn tiền sử của tinh thần con người" đòi hỏi chúng ta phải tư duy theo cách phức hợp thật căn bản" (Edgar Morin, 2007: 498).

 Khung mẫu học từ hướng tiếp cận lý thuyết khinh - trọng [8]

Đối tượng nghiên cứu của Khung mẫu học là khung mẫu. Kết cấu của Khung mẫu học theo hướng tiếp cận lý thuyết khinh - trọng sẽ bao gồm 3 bộ phận chính:  1- Nhập môn: 1.1- Tổng quan đặc điểm khung mẫu, bao gồm:1.1.1- Định nghĩa khái niệm "Khung mẫu", 1.1.2- Khái lược lịch sử khung mẫu, 1.1.3- Đặc điểm hiện trạng khung mẫu; 1.2- Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu khung mẫu, bao gồm: 1.2.1- Cơ sở lý luận, 1.2.2- Các phương pháp nghiên cứu khung mẫu.  2- Khung mẫu khinh - trọng, bao gồm: 2.1- đối/hợp cấu trúc khung mẫu, 2.2- đối/hợp chức năng khung mẫu, 2.3- đối/hợp quá trình khung mẫu, 2.4- đối/hợp bản chất khung mẫu.  3- Khinh - Trọng khung mẫu, bao gồm: 3.1- đối/hợp giữa khung mẫu hoặc/và phi khung mẫu, 3.2- đối/hợp giữa các loại hình khung mẫu, 3.3- đối/hợp đánh giá khung mẫu, 3.4- đối/hợp sử dụng khung mẫu, 3.5- đối/hợp dự báo khung mẫu, 3.6- đối/hợp tạo khung mẫu.Lược đồ thao tác nguyên tắc khinh - trọng khung mẫu (KM) có dạng như sau:  1- Thao tác theo loại hình KM phân biệt khinh - trọng: 1.1- theo KM phân biệt K-T thái quá (KM1 hoặc KM2), 1.2- theo KM phân biệt K-T có mức độ vừa phải (KM3 hoặc KM4).  2-  Thao tác theo loại hình KM bất phân khinh - trọng: 2.1- theo KM hỗn hợp cân bằng, bất phân K-T (KM5), 2.2- theo KM lưỡng cực, bình đẳng bất phân K-T (KM6), 2.3- theo KM dung hoà, bất phân K-T (KM7), 2.4- theo KM dung hợp, bất phân K-T (KM8).  3- Thao tác theo PT điều chỉnh hoặc thay đổi khinh - trọng: 3.1- điều chỉnh khinh - trọng (PT1, PT2, PT3), 3.2- thay đổi khinh - trọng (PT4, PT5, PT6).

Trước hết ta sẽ thao tác nguyên tắc khinh - trọng khung mẫu đối với  cặp đối/hợp "khung mẫu hoặc/và phi khung mẫu". Theo các KM phân biệt K-T thái quá, ta có sự tương phản, loại trừ lẫn nhau giữa khung mẫu và phi khung mẫu. Dưới đây là bảng so sánh, đối chiếu các đặc trưng tương phản giữa khung mẫu và phi khung mẫu:

khung mẫu

phi khung mẫu

1. thuộc phạm trù lý‎ tính

1. thuộc phạm trù cảm tính

2. thuộc phạm trù lý trí

2. thuộc phạm trù tình cảm

3. thuộc phạm trù logic

3. thuộc phạm trù trực giác

4. thuộc phạm trù kinh nghiệm

4. thuộc phạm trù thử nghiệm

5. thuộc phạm trù lý thuyết

5. thuộc phạm trù quan sát

6. nguyên tắc

6. vô nguyên tắc

7. chuẩn mực

7. phi chuẩn mực

8. kỷ luật

8. vô kỷ luật

9. trật tự

9. vô trật tự

10. cấu trúc

10. phi cấu trúc

Người theo đường lối  nhất nguyên  (Monism) hay  quy giản  (Reductionism) thì thực hành  nguyên tắc "được cái này, mất cái kia", nghĩa là phân biệt khinh - trọng thái quá: học chấp nhận chỉ có khung mẫu (tức là chỉ có lý tính, lý trí, logic, kinh nghiệm, lý thuyết,…) hoặc là chỉ có phi khung mẫu  (tức là chỉ có cảm tính, tình cảm, trực giác, thử nghiệm, quan sát,…). Tuy nhiên, những người theo đường lối  chiết trung (Eclecticism) thì tìm cách kết nối, tổng hợp, kết hợp giữa các đặc trưng được coi là hợp lý của‎ khung mẫu và phi khung mẫu với những mức độ khác nhau. Nếu hỗn hợp  theo nguyên tắc "hơn cái này, thiệt cái kia", nghĩa là phân biệt khinh - trọng có mức độ, vừa phải thì người ta sẽ có ít nhất là 2 kết quả: hoặc là, hỗn hợp giữa khung mẫu và phi khung mẫu, coi trọng khung mẫu hơn phi khung mẫu; hoặc là, hỗn hợp khung mẫu và phi khung mẫu, đề cao phi khung mẫu hơn khung mẫu. Ngoài ra, có thể hỗn hợp  theo  nguyên tắc cân bằng (quân bình), bất phân khinh - trọng, chấp nhận nửa khung mẫu/nửa phi khung mẫu. Có thể tích hợp, bất phân khinh - trọng, như dung hoà giữa khung mẫu và phi khung mẫu  theo nguyên tắc "hoà nhi bất đồng"; hoặc dung hợp giữa khung mẫu và phi khung mẫu theo  nguyên tắc "lưỡng vị nhất thể". Người theo đường lối  nhị nguyên  thì sao? Nếu theo nhị nguyên cực đoan thì họ tuyệt đối hoá tình trạng tương phản giữa khung mẫu và phi khung mẫu. Tuy nhiên, nếu theo nhị nguyên không cực đoan thì họ chấp nhận tình trạng lưỡng cực, phân biệt có mức độ vừa phải giữa khung mẫu và phi khung mẫu, chẳng hạn như đặt khung mẫu trên hoặc trước phi khung mẫu  theo nguyên tắc bất bình đẳng. Có thể chấp nhận tình trạng lưỡng cực, bất phân khinh - trọng  theo  nguyên tắc bình đẳng giữa khung mẫu và phi khung mẫu. Sự lựa chọn khung mẫu hoặc/và phi khung mẫu không nhất thành bất biến mà có thể điều chỉnh hoặc thay đổi khinh - trọng theo các phương thức mà Lý thuyết khinh - trọng đã tổng kết (PT1, PT2, PT3, PT4, PT5, PT6). Chẳng hạn như người ta có thể  tái cấu trúc, tức là thực hành PT3 để hoàn thiện khung mẫu, hoặc nếu cần thiết thì phải  giải cấu trúc, nghĩa là xoá bỏ khung mẫu cũ để thay thế bằng khung mẫu mới, và có thể diễn tiến liên tục hoặc gián đoạn (PT4), tuyến tính hoặc phi tuyến tính (PT5), thuận nghịch hoặc bất thuận nghịch (PT6).

Vấn đề chuyển đổi khung mẫu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Đương nhiên là trong công cuộc đổi mới tư duy nói riêng, đổi mới kinh tế - xã hội nói chung,  ít nhiều đã có đổi mới khung mẫu trong nhận thức và hành động thực tiễn. Thực trạng đổi mới ở Việt Nam hơn 25 năm qua khá phức tạp, cần phải có công trình nghiên cứu công phu để làm rõ đặc điểm của dòng chủ lưu cũng như của các dòng phụ lưu quan trọng trong chuyển đổi khung mẫu. Dưới đây là nhận định khái quát.  Thế giới sống (Life World) [9]của con người Việt Nam trên thực tế bị phân đôi thành 2 thế giớicó đặc trưng đối lập nhau:  1- quan phương - phi quan phương, 2- chính chính thống - phi chính thống, 3- chính thức - phi chính thức. Đối với thế giới thứ nhất, là thế giới quan phương, chính thống, chính thức do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý cho đến nay  chỉ có điều chỉnh  khung mẫu chủ đạo mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn[10] , nhưng không có thay đổi khung mẫu chủ đạo đó, nghĩa là  không có vấn đề cách mạng khung mẫu. Thực chất của sự điều chỉnh đó là đổi mới theo các phương thức như kế thừa - cải tiến, phục hồi - cách tân [11] , và đang  chấp nhận khung mẫu hỗn hợp, tiếp tục đề cao nền tảng hệ tư tưởng và thể chế chính thống đã lựa chọn hơn các yếu tố bổ sung được du nhập từ các KM khác. Tuy nhiên, đối với thế giới thứ hai, là thế giới phi quan phương, phi chính thống, phi chính thức của các cá nhân tự chủ và của các tổ chức xã hội dân sự tự nguyện thì ngoài yêu sách cải cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa, còn có cả  đề xuất chuyển đổi  khung mẫu. Thông qua hoạt động sáng tác và phản biện hàng ngày hàng giờ của "Dân mạng" Internet, "Thông tấn xã vỉa hè" (chứ không phải Thông tấn xã quan phương), "Lý luận vỉa hè" (chứ không phải Lý luận hàn lâm), "Triết học chính cống" (chứ không phải Triết học chính thống), "Chính trị hàng ngày" phi quan phương (chứ không phải Chính trị quan phương) đang có nhiều sự lựa chọn khác nhau, như: 1- Lựa chọn loại khung mẫu hỗn hợp coi trọng tính phức hợp hơn tách rời/quy giản, loại khung mẫu này đối lập với loại khung mẫu mà Đảng và Nhà nước đang ra sức cách tân hiện nay, tức là đối lập với loại khung mẫu hỗn hợp đề cao tách rời/quy giản hơn phức hợp. Hai loại khung mẫu này sẽ không đối kháng, loại trừ lẫn nhau mà vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau để cùng phát triển lành mạnh. 2- Lựa chọn  loại  khung mẫu cực đoan, phù hợp với các nhóm xã hội xung đột nhau về lợi ích, quyền lực, và giá trị, như xu hướng tuyệt đối hoá chủ biệt đối kháng với xu hướng tôn vinh thái quá chủ toàn. 3- Lựa chọn  loại khung mẫu nhị nguyên bình đẳng, hoặc  loại khung mẫu dung hoà, ...

Đa dạng hoá khung mẫu tư duy và hành động thực tiễn đổi mới là xu hướng tất yếu, không một thế lực nào có thể ngăn cản được! Bởi vì nó phù hợp với bản chất của đời sống là đa dạng, cũng như của phát triển, đó là sự biến đổi theo hướng tiến bộ kinh tế - xã hội và đa dạng hoá văn hoá - văn minh. Vấn đề đặt ra là  có khung mẫu hợp lý, hợp tình nhất hay không?Theo quan điểm lý‎ thuyết khinh - trọng thì không có khung mẫu duy nhất hợp lý, hợp tình; việc lựa chọn khung mẫu hợp lý, hợp tình nhất không phải là vấn đề lý thuyết thuần tuý mà là vấn đề lý luận - thực tiễn nan giải. Tôi cho rằng trong xu thế đa dạng hoá khung mẫu đang tiếp diễn thì  sự cạnh tranh và hợp tác giữa 2 loại khung mẫu hỗn hợp phân biệt khinh - trọng với mức độ vừa phải là hợp lý, hợp tình nhất vì nó tạo ra động lực cho phát triển vừa hợp Lòng Dân (làm chủ) cũng vừa Ý Đảng (lãnh đạo). Tuy nhiên, trong một viễn cảnh lâu dài hơn thì  định hướng hoà hợp (tức là hoà bình và hợp tác, hướng tới l‎ý tưởng dung hoà và dung hợp) giữa các khung mẫu đối lập sẽ phù hợp với mục tiêu sinh kế và phát triển bền vững toàn diện kinh tế - xã hội trong tiến trình đẩy mạnh HĐH đất nước cũng như phù hợp với bối cảnh gia tăng hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá toàn diện và sâu sắc./.



[1]Xem, chẳng hạn: Tô Duy Hợp, 2005. Lý‎ thuyếtvà Khung mẫu lý thuyết trong Xã hội học đương đại. Tạp chí xã hội học, số 4/2005.

[2]N.I. Kondakov, 1975.  Từ điển tra cứu logic học. Nxb Khoa học. Moskva (tiếng Nga).

[3]Thomas S. Kuhn, 2008.  Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học (The Structure of Scientific Revolutions, 1962), Nxb Tri thức.

[4]George Ritzer, 2000.  Sociological Theory (Lý thuyết xã hội học), Fifth Edition, McGraw-Hill International Editions, Sociological Series, New York.

[5]Jamshid Gharajedaghi, 2005.  Tư duy hệ thống. Quản lý hỗn độn và phức hợp. Một cơ sở cho thiết kế kiến trúc kinh doanh (Systems Thinking. Managing chaos and complexity. A platform for designing business architechture, 1999), Nxb KHXH.

[6]Đối chiếu với Cao Xuân Huy, 1994.  Tư tưởng phương Đông- gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nxb Văn học.

[7]Edgar Morin, 2007.  Phương pháp 4. Tư tưởng. Nơi cư trú, cuộc sống, tập tính, tổ chức của tư tưởng. (La Mesthode 4. Les Idées. Leur habitat, leur vie, leurs moeurs, leur organisation, 1991), Nxb ĐHQG HN.

[8]Xem, chẳng hạn: Tô Duy Hợp, 2007.  Khinh - Trọng, một quan điểm lý‎ thuyết trong nghiên cứu triết học và xã hội họcQ I. Nxb Thế giới. Cùng tác giả, 2012.  Khinh - Trọng. Q II. Cơ sở lý thuyết. Nxb Thế giới.  

[9]Đây là khái niệm cơ bản trong Hiện tượng luận triết học (Philosophical Phenomenology) của E. Husserl và Hiện tượng luận xã hội học (Sociological Phenomenology) của A. Schutz.

[10]Thực chất của Khung mẫu chủ đạo đó là loại hình khung mẫu phân lập/quy giản dựa trên nền tảng triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.         

[11]Xem, chẳng hạn: Nguyễn Ngọc Hà (chủ biên), 2011.  Đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay. Một số vấn đề lý‎ luận và thực tiễn. Nxb KHXH.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.