Khám phá quá trình tạo ra quả tim đập "thình thịch" trong phòng thí nghiệm
Quá trình tạo ra một quả tim nhân tạo
Giới khoa học luôn tìm tòi, mở ra nhiều phương thức mới nhằm chế tạo các loại nội tạng hiến tặng người bệnh. Cũng với mục tiêu này, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu tạo ra quả tim đập trong phòng thí nghiệm.
Theo các chuyên gia đến từ ĐH Minnesota, với việc thực hiện thành công thí nghiệm này, đây sẽ là hi vọng mới giúp chúng ta có thể tạo ra những nội tạng phù hợp với người bệnh mà không quá phụ thuộc vào nội tạng được hiến tặng. Cụ thể, các chuyên gia đã tiến hành các bước như sau.
Đầu tiên, bác sĩ Doris Taylor thuộc ĐH Minnesota cùng cộng sự đã lựa chọn những trái tim của chú chuột khỏe mạnh nhưng đã mất để thực hiện thí nghiệm.
Sau đó, bà cùng đồng nghiệp tiến hành quá trình có tên gọi decellularization để lọc rửa hết các tế bào sẵn có trong trái tim này và chỉ giữ lại cấu trúc collagen cơ bản còn nguyên vẹn.
Tiếp đó, họ tiêm vào "bộ khung" này những tế bào tim từ chuột mới sinh, nuôi chúng bằng dung dịch giàu chất dinh dưỡng và để chúng "lớn" trong phòng thí nghiệm.
Thật bất ngờ, bốn ngày sau khi tiến hành thí nghiệm, các quả tim bắt đầu co bóp.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục dùng một thiết bị điều phối sự co bóp này. Cụ thể, họ gắn một cái bơm vào quả tim và bơm đầy vào đó chất lỏng, rồi nén nhẹ để "đánh lừa" quả tim đó là áp suất máu.
Và rồi 8 ngày sau đó, các quả tim nhân tạo này bắt đầu tự bơm.
Các quả tim này đập với tốc độ 40 - 50 nhịp/phút. Theo các chuyên gia, thành công này sẽ mở ra hướng đi mới để họ tiếp tục nghiên cứu chế tạo trái tim con người và theo dõi kỹ hơn phản ứng của trái tim với thuốc.