Khai thông luồng Soài Rạp - chìa khoá mở cửa tương lai
Sông Soài Rạp là một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, dài 42 km. Dòng sông bắt đầu được tính từ vị trí xã Phú Xuân (Nhà Bè) và xã Bình Khánh (Cần Giờ) theo hướng nam đổ ra biển qua cửa Soài Rạp, làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Cần Giờ và Nhà Bè, giữa Cần Giờ và huyện Cần Giuộc (Long An), giữa Cần Giờ và huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Vị trí hẹp nhất của đoạn sông này là 750 mét, nơi rộng nhất lên đến 3 km. Trong quá khứ, đoạn sông này có một số điểm cạn, phù sa bồi lắng nhiều nên không được chọn làm luồng sông cho tàu biển vào ra hệ thống cảng nằm trong nội vùng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Do đó, sông Lòng Tàu có độ sâu tối đa -8,5 mét đã trở thành"con đường sông nước độc nhất" cho tàu biển vào ra cảng Sài Gòn trong hơn một thế kỷ qua.
Sông Lòng Tàu đã được cha ông ta sử dụng từ xa xưa và cho đến nay vẫn là luồng hàng hải chính, cho phép tàu trọng tải 20.000 DWT (đầy tải) hoặc 30.000 (giảm tải) ra vào cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh. Song, những năm gần đây, mật độ tàu thuyền lưu thông trên luồng sông Lòng Tàu ngày một gia tăng và trên luồng còn tồn tại nhiều khúc cong có bán kính nhỏ khó có khả năng cải tạo. Vì vậy, khả năng đáp ứng yêu cầu lưu thông tàu thuyền phục vụ
cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí
Minh - Đồng Nai - Bình Dương của
luồng sông Lòng Tàu khi nhu cầu lượng hàng qua cảng tăng cao, đặc biệt là xu hướng tăng tải trọng tàu trong vận tải biển quốc tế hiện nay, quả là một bài toán khó.
Trong khi đó, Soài Rạp là sông tự nhiên nằm ở phía nam sông Lòng Tàu từ biển vào và hợp lưu với sông Lòng Tàu thành sông Nhà Bè đi ngược về thượng lưu vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Soài Rạp là sông tự nhiên có lòng sông rất rộng, ít đoạn cong. Các khúc cong đều có bán kính lớn, chiều dài hàng hải từ cửa biển vào đến cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương lại ngắn hơn nhiều so với sông Lòng Tàu. Các tàu biển từ phao số 0 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) theo luồng Soài Rạp về Cát Lái sẽ rút ngắn được gần 10 km và về Hiệp Phước rút ngắn hơn 20 km so với luồng Lòng Tàu. Vì vậy, nếu được nạo vét, nâng cấp làm cửa ngõ chính thông ra biển thì luồng Soài Rạp rất thuận lợi cho tàu có trọng tải lớn trên 20.000 DWT ra vào cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, trong mối quan hệ với đồng bằng sông Cửu Long, từ sông Soài Rạp có thể kết nối dễ dàng với cung đầu của tuyến đường thuỷ nội địa có tầm quan trọng quốc gia, đó là hệ thống kênh Chợ Gạo, kênh Nước Mặn và sông Vàm Cỏ.
Trong gần một thập kỷ qua, lượng hàng hoá thông qua cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh tăng lên không ngừng khiến cho những con số dự báo về chỉ số phát triển lượng hàng qua cảng hàng năm trở nên "lỗi thời". Cùng với lượng hàng hoá thông qua cảng gia tăng trong thời gian tới và xu hướng phát triển đội tàu vận tải biển về số lượng và tải trọng, tuyến luồng Lòng Tàu sẽ không đáp ứng được yêu cầu vận tải cũng như các điều kiện đảm bảo an toàn hàng hải. Vì vậy, việc mở tuyến luồng tàu qua cửa Soài Rạp để khắc phục các điểm yếu trên của luồng sông Lòng Tàu là việc làm cần thiết và tất yếu.
Dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp để đạt độ sâu -12 mét được chia thành các giai đoạn được tính toán dựa vào tốc độ và khả năng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phụ cận, phù hợp với lộ trình tăng trưởng của lượng hàng qua cảng và phân kỳ đầu tư xây dựng cảng Hiệp Phước. Theo đó:
- Giai đoạn 2009 - 2010, mục đích nạo vét lòng sông đạt độ sâu -9,5 mét, cho phép tàu trọng tải từ 30.000 - 50.000 tấn (tàu container đến 4.000 TEU) cập cảng với công suất 140 triệu tấn/năm. Để đạt được mục tiêu trên, khối lượng nạo vét giai đoạn này lên tới 14 triệu m3/năm.
- Giai đoạn 2: Từ năm 2012 - 2013, việc nạo vét lòng sông Soài Rạp sẽ được tiếp tục để sông đạt độ sâu -12 mét (hệ hải đồ) nhằm phục vụ cho tàu trọng tải tới 50.000 - 70.000 DWT (giảm tải) ra vào khu vực cảng thành phố Hồ Chí Minh với lượng hàng qua cảng đạt 180 triệu tấn/năm. ở giai đoạn này, khối lượng nạo vét sẽ tăng lên 15,5 triệu m 3/năm.
Việc đầu tư nạo vét sông Soài Rạp sẽ biến dòng sông này thành cửa ngõ mới cho tàu biển vào cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ bớt mật độ tàu thuyền cho luồng Lòng Tàu và tạo cơ hội phát triển cho khu đô thị cảng Hiệp Phước nằm ngay trên bờ sông Soài Rạp.
Khi dự án khai thông luồng Soài Rạp hoàn thành, nó sẽ mang lại ý nghĩa to lớn cho nhu cầu phát triển cảng nước sâu, cảng container khu vực thành phố Hồ Chí Minh, hơn thế nữa dự án này còn là bước đột phá quan trọng cho tiến trình di dời các cảng biển nằm sâu trong nội địa thành phố Hồ Chí Minh ra ngoài - nhằm giải quyết tình trạng tàu ùn tắc thường xuyên tại cảng và tình hình tắc nghẽn giao thông trên các trục đường chính vào cảng đang ngày một trầm trọng.
Việc thông luồng sông Soài Rạp còn kích thích sự phát triển cụm cảng Cái Mép, Thị Vải phía Vũng Tàu, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển Khu Kinh tế Trọng điểm phía Nam và hướng ra Biển Đông. Luồng Soài Rạp thông tuyến sẽ đánh dấu bước chuyển biến mới và quan trọng trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển tại Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam. Không những thế, việc khai thông luồng Soài Rạp chính là điều kiện giúp thành phố Hồ Chí Minh giữ vững ngôi vị thành phố cảng trong vài trăm năm tới và trở thành thành phố có cảng biển lớn nhất Việt Nam với vị trí là đầu mối giao thông hàng hải tương lai, không thua kém gì các cảng trong khu vực Đông Nam á hiện nay.
Xa hơn nữa, khi thông luồng Soài Rạp, các địa phương nằm dọc 2 bên bờ sông thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang sẽ có thêm điều kiện phát triển hệ thống cảng mới và các dịch vụ cảng biển. Đồng thời, tuyến sông này sẽ kết nối với hệ thống sông rạch tự nhiên, đưa hàng hoá từ cảng biển thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Luồng Soài Rạp đã mở, đó chính là chìa khoá mở cửa tương lai cho ngành vận tải đường biển và các dịch vụ cảng biển khu vực phía Nam Tổ quốc.