Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 27/06/2013 21:25 (GMT+7)

Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản

Lãng phí tài nguyên

Khoáng sản là tài nguyên hầu hết không tái tạo được. Do vậy, tài nguyên khoáng sản phải được quản lý và bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Tuy nhiên, sản phẩm khai thác, chế biến khoáng sản ở nước ta phần lớn chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, tuyển tinh, nhất là đối với sản phẩm xuất khẩu, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra đánh giá, khả năng chế biến đối với một số khoáng sản. Cụ thể, đối với than, chỉ qua công đoạn sàng, tuyển để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Như vậy, giá trị than không cao nguồn thu giảm, không tương xứng so với giá trị thế giới. Quặng titan sản xuất thành xỉ titan giá trị gấp 2,5 lần, sản xuất được pigment giá trị tăng khoảng 10 lần, sản xuất được titan kim loại giá trị sản phẩm tăng 80 lần so với quặng tinh. Điều này cho thấy, việc chưa làm chủ được công nghệ sẽ hạn chế đến giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản bị thua thiệt khi xuất khẩu sản phẩm. Một nguyên nhân khác, do các doanh nghiệp chú ý việc khai thác khoáng sản có chất lượng tốt, hàm lượng giàu mà ít chú ý đến việc khai thác khoáng sản có chất lượng thấp, hàm lượng nghèo, thu hồi tối đa thành phần có ích, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản lạc hậu cũng là nguyên nhân gây tổn thất, lãng phí tài nguyên do không thu hồi tối đa quặng nghèo, khoáng sản đi kèm. Một tổn thất khác là trong quá trình khai thác bằng phương pháp lộ thiên, trong chế biến do không thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm.

Việc khai thác, kinh doanh vận chuyển khoáng sản trái phép không những gây mất trật tự an toàn xã hội mà còn gây tổn thất nguồn tài nguyên. Qua điều tra, nghiên cứu, tổn thất khai thác than hầm lò 30-40%, khai thác apatit 26-43%, quặng kim loại 15-20%, khai thác lộ thiên 15-20%. Trong nhiều năm qua việc khai thác cát, sỏi lòng sông, vật liệu san lấp… diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương gây xói lở bờ sông, ô nhiễm nguồn nước đã tạo dư luận và bức xúc trong nhân dân.

Công nghệ khai thác, chế biến lạc hậu

Trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản công nghệ chiếm vị trí hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các mỏ khoáng sản kim loại về kỹ thuật, công nghệ chưa được đầu tư tương xứng, đa số áp dụng hệ thống khai thác lộ thiên đơn giản. Đây là loại hình công nghệ cổ điển, giá thành cao, các thông số kỹ thuật của hệ thống khai thác và vận tải không bảo đảm. Từ năm 2005, có chủ trương khai thác mỏ nhỏ, các công trường khai thác thủ công tăng lên như khai thác vàng, đá quý, thiếc, mangan, sắt, ilmenit. Nhiều xí nghiệp khai thác cơ giới chuyển sang khai thác thủ công do cạn kiệt tài nguyên hoặc do quy mô khai thác thủ công và bán cơ giới đã tác động đến môi trường, sinh thái và gây lãng phí tài nguyên. Nhiều cơ sở sử dụng phương pháp tuyển nổi các loại quặng đồng, quặng sunphua kẽm chì, apatit, graphit… với sơ đồ và thiết bị tuyển đơn giản, hệ số thu hồi thấp, giá thành cao và chưa thu hồi được khoáng sản có ích kèm theo.

Hiện nay, một số loại như thiếc, antimon, vàng, kẽm, chì và gang, thép đã được luyện nhưng chỉ có gang, thép và thiếc được luyện ở quy mô công nghiệp. Nhiều dự án đã áp dụng công nghệ mới, hiện đại tận thu nguồn tài nguyên và thân thiện với môi trường như dự án sử dụng công nghệ hoàn nguyên quặng sắt không dùng tới than cốc như công nghệ lò cao truyền thống mà chỉ dùng quặng sắt và than gầy (than Quảng Ninh) nên tận thu được nguồn tài nguyên sẵn có mà không phát thải khí CO 2ra môi trường.

Một số giải pháp

Trong thực tế, nếu đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp sẽ phần nào hạn chế lãng phí và thất thoát tài nguyên như hiện nay. Theo các nhà khoa học, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản phải dựa trên một số nguyên tắc nhất định: Các doanh nghiệp phải xác định việc đổi mới công nghệ là trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhà nước sẽ tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ tư vấn, nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong hoạt động đầu tư.

Các doanh nghiệp đổi mới trên cơ sở khả năng tài chính, tận dụng năng lực thiết bị hiện có, từng bước đổi mới trang thiết bị, công nghệ theo hướng tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến trên thế giới. Trong đó, ưu tiên lựa chọn thiết bị, công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch với các tiêu chí năng suất cao, tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng thấp, đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường sinh thái.

Coi trọng, đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong sản xuất để vừa nâng cao hiệu quả khai thác vừa cải thiện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với các mỏ mới, nhà máy tuyển mới và các công trình mới xây dựng thì áp dụng ngay từ đầu các thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại. Đối với các mỏ, nhà máy tuyển, chế biến hiện có thì cải tạo theo hướng thay thế dần các thiết bị cũ bằng các thiết bị mới tiên tiến đi đôi với đổi mới, hiện đại hóa công nghệ cho phù hợp, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành sản xuất, nâng cao mức độ tự động hóa ở các mỏ có quy mô công suất lớn, giảm lao động thủ công trong các công đoạn sản xuất ở các mỏ, xưởng tuyển quy mô nhỏ. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phát hu tối đa nội lực và hợp tác quốc tế. Đối với những khoáng sản nhiên liệu truyền thống như than, cần có định hướng giảm dần, cho phép xuất khẩu trong phạm vi bảo đảm nhu cầu cân đối ngoại tệ cho đầu tư phát triển sản xuất ngành hoặc trao đổi than coke phục vụ ngành luyện kim trong nước.

Một giải pháp hết sức quan trọng, đó là từng bước hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng đòi hỏi từ thực tế khách quan, tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ưu tiên quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản, thu hút tối đa mọi nguồn lực xã hội nhằm mục tiêu phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước. Luật Khoáng sản đã có hiệu lực từ tháng 7/2011, ngoài việc hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về hoạt động khoáng sản cần rà soát các quy định còn chồng chéo, vướng mắc chưa đi vào cuộc sống của các luật có liên quan để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Hoàn thiện chính sách về thuế, ưu tiên về thuế hợp lý đối với sản phẩm đã qua chế biến có giá trị và hiệu quả kinh tế-xã hội cao, các sản phẩm đã khai thác, chế biến bằng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Phải coi việc không cải tạo phục hồi môi trường như là vi phạm các quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện và các yêu cầu về BVMT. Xây dựng chiến lược BVMT trong khai thác, chế biến khoáng sản, lập quy hoạch BVMT đối với vùng mỏ, khu vực khai thác quy mô lớn, khu công nghiệp chế biến. Xây dựng hệ thống thanh tra, kiểm tra khoáng sản từ trung ương đến địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo đảm hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật./.


Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...