Hướng tạo đàn bò lai hướng sữa Việt Nam
1. Cố định đàn bò lai với một tỷ lệ máu HF và LS nào đó (thí dụ F2 với 3/4 máu bò HF và 1/4 máu bò LS hoặc F3 với 7/8 máu bò HF và 1/8 máu bò LS…)
Căn cứ khoa học và thực tiễn của ý kiến này là: tỷ lệ máu bò HF càng cao thì khả năng thích ứng của bò lai càng kém, hiệu quả kinh tế không cao.
Các nghiên cứu gần đây cho biết:
- Sản lượng sữa của bò F3 có xu hướng cao hơn bò F2. Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ của bò F2 có xu hướng dài hơn bò F2. Tỷ lệ mỡ sữa của bò lai có xu hướng giảm khi máu bò HF tăng và máu bò LS giảm (Báo cáo: “Kết quả bước đầu nghiên cứu chọn lọc bò cái 3/4 và 7/8 HF hạt nhân lai với bò đực cao sản để tạo đàn bò lai hướng sữa đạt trên 4.000 kg sữa/chu kỳ” của Vũ Chí Cương và cộng sự (2005)).
- Thể tích tinh dịch của bò đực giống lai 3/4 (8,18ml) cao hơn rõ rệt thể tích tinh dịch của bò đực lai 7/8 (5,98ml) Nồng độ tinh trùng của bò đực lai 3/4 (1,17 tỷ/ml) cao hơn rõ rệt nồng độ tinh dịch của bò đực lai 7/8 (1,08 tỷml). Tỷ lệ phối giống có chửa của bò đực lai 3/4 (62%) cũng cao hơn rõ rệt tỷ lệ phối giống có chửa của bò đực lai 7/8 (56,3%) (Báo cáo: “Khả năng sinh trưởng, phát triển, chất lượng tinh dịch và tỷ lệ phối có chửa của bò đực lai hướng sữa 3/4 HF và 7/8 HF” của Phạm Văn Giới và cộng sự (2005)).
Do đó cần phải gây tạo các bò đực lai F2 (3/4 HF và 1/4 LS) hoặc F3 (7/8 HF và 1/8 LS) để phối giống với bò cái cùng loại và cố định đàn bò lai ở mức độ 3/4 HF và 1/4 LS hoặc 7/8 HF và 1/8 LS. Tuy nhiên, khó khăn của việc gây tạo các loại bò đực này là đàn bò cái lai hướng sữa còn ít, không đồng nhất, do đó việc chọn lọc được bò đực lai hướng sữa không dễ dàng.
2. Tiếp tục lai cấp tiến bằng bò đực HF (tỷ lệ máu bò HF trong đàn bò lai ngày càng tăng lên)
Căn cứ khoa học và thực tiễn của ý kiến này là: Ngoài các vùng có khí hậu mát mẻ (bình quân nhiệt độ dưới 21°C) như Mộc Châu - Đức Trọng… các vùng nóng ẩm khác như Hà Tây, TP. Hồ Chí Minh… cũng có thể nuôi được bò HF thuần chủng (tuy phải đầu tư nhiều hơn về vốn và kỹ thuật).
Các nghiên cứu gần đây cho biết:
- Đàn bò HF thuần chủng đã dần dần ổn định, bước đầu có thể nuôi được tại Ba Vì (Hà Tây) với điều kiện phải có hệ thống chống nóng và chuồng trại phù hợp (Báo cáo: “Kết quả bước đầu đánh giá khả năng sinh trưởng, sinh sản và sản xuất sữa của đàn bò HF và Jersey nhập nội tại Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì” của Ngô Thành Vinh và cộng sự (2005)).
- Nhìn chung có thể nuôi bò HF thuần nhập nội từ các vùng có khí hậu nóng ẩm như TP Hồ Chí Minh, bò HF thuần nhập từ bang Queensland Australia bước đầu đã tỏ ra thích nghi và cho năng suất sữa ở mức trung bình (Báo cáo: “Khả năng sinh sản và sản xuất của bò HF thuần nhập nội nuôi tại khu vực TP Hồ Chí Minh” của Nguyễn Quốc Đạt và cộng sự (2005)).
Do đó có thể dùng bò đực HF thuần (đặc biệt là bò đực HF có nguồn gốc nhiệt đới hoặc được tạo ra ở Việt Nam) để tiếp tục phối giống với các loại bò cái lai, tạo ra đàn bò lai có tỷ lệ máu bò HF cao (15/16 HF và 1/16 LS…). Lai tạo theo hướng này thì không phải gây tạo bò đực lai (là một việc làm rất khó khăn, khi đàn bò cái lai không nhiều và mức độ máu không thuần nhất).
Theo chúng tôi, tỷ lệ máu bò HF trong đàn bò lai của Việt Nam thấp hay cao là phụ thuộc vào điều kiện môi nuôi dưỡng đàn bò: điều kiện nuôi dưỡng kém thì tỷ lệ máu bò HF thấy, còn điều kiện nuôi dưỡng khá thì tỷ lệ máu bò HF có thể cao hơn.
Thực tế cho biết: điều kiện nuôi dưỡng bò sữa của ta là không đồng đều, có nơi kém có nơi khá. Do đó, có nơi chỉ nên nuôi bò F2 (3/4 HF và 1/4 LS) hoặc F3 (7/8 HF và 1/8 LS); có nơi có thể nuôi bò F4 (15/16 HF và 1/16 LS) hoặc F5…
Điều đó có nghĩa là trong một thời gian dài nữa, đàn bò lai hướng sữa Việt Nam sẽ có nhiều chủng loại khác nhau F1, F2, F3, F4, F5… và đòi hỏi chúng ta phải tiến hành công tác quản lý giống một cách chặt chẽ. Cuối cùng, người trực tiếp chăn nuôi bò sẽ là người quyết định việc nuôi giống bò thích hợp và có hiệu quả nhất đối với họ.
Nguồn: T/C Chăn nuôi 11/05