Hội chứng ống cổ tay
Chúng em đang bối rối: “Hội chứng ống cổ tay” thuộc bệnh nội khoa hay ngoại khoa?...
Cần nói qua “ống cổ tay” là gì trước đã! Là một đường hầm hình thành như sau: hai bên và phía sau là khối xương cổ tay, phía trước là dây chằng trước của khớp cổ tay giăng ngang qua. Dây thần kinh giữa chui theo một rãnh kèm với các gân gấp nông và sâu các ngón tay dài và gân cơ gấp dài ngón tay cái. Tất cả là chín gân, mỗi sợi đều nằm trong bao hoạt dịch riêng. Kỹ thuật mổ khá đơn giản: cắt đứt dây chằng trước của khớp để giảm áp dây thần kinh giữa.
![]() |
Y văn xưa thường dùng từ “bệnh nội khoa”, “bệnh ngoại khoa”; ngày nay, phẫu thuật được coi như một cách điều trị của một bệnh nào đó, như hội chứng ống cổ tay chẳng hạn; nên mất dần thói quen phân chia rõ rệt “nội – ngoại”.
Khi nào nghĩ đến chẩn đoán?
Trên 80% là phụ nữ, tuổi vào khoảng tiền mãn kinh.
Theo kinh điển, người bệnh đến khám vì chứng dị cảm đầu chi, thường là cả hai bên và không đối xứng, kiểu cảm giác kiến bò, kim châm nhói nhói hay tê cóng trong địa phận cảm giác của dây thần kinh giữa; xảy ra từng cơn sau nửa đêm, đến sáng thì khỏi đi một khoảng thời gian ngắn hay khi người bệnh rẩy rẩy bàn tay.
Có nhiều hình thể lâm sàng, ngoài hình thể kinh điển vừa tả; thí dụ: dị cảm trở thành cơn đau hẳn hoi xảy ra ban ngày, đau cả bàn tay, đau lan lên phía trên đến cả bả vai.
Khám lâm sàng cả hai bên, vì 80% bệnh nhân mắc phải cả hai bàn tay. Khoa triệu chứng học ghi vài test đơn giản khi khám: gõ trên ống cổ tay (test Tinel); bấm đè mạnh lên ống cổ tay gây dị cảm (test Mac Murphy); giữ cườm tay trong tư thế thụ động gấp lại, trong thời gian dưới 30 giây, là xảy ra dị cảm (test Phalen).
Trong lâm sàng cũng cần tìm dấu hiệu nói lên hội chứng ống cổ tay tiến sang giai đoạn nặng: đó là giảm cảm giác tại phân nửa múp ngón tay trong địa phận dây thần kinh giữa. Dấu hiệu thứ hai là mô cái bị teo.
Dĩ nhiên, cũng cần biết vài bệnh lý về thấp thường kết hợp, hay hội chứng dây thần kinh trụ bị đè nén trong khu Guyon, hay ở khuỷu tay phía trên.
Nguyên nhân là gì?
Thể tự phát, không biết nguyên nhân rõ rệt, là thường gặp nhất (trên 80% các trường hợp), bệnh nhân theo kinh điển là nữ giới, tuổi tiền mãn kinh.
![]() |
Có khá nhiều thể thứ phát! Rất dễ hiểu: là một đường hầm cứng rắn, dây thần kinh giữa chui ngang qua với 9 sợi gân. Có thể là có thay đổi số vật chứa trong đường hầm: cơ thùa, cơ giun bàn tay bám gần, có mặt một gân cơ gan bàn tay vắt chéo phía trên dây thần kinh giữa. Có thể là ống xương có thay đổi: gãy, sai khớp đi lệch. Có thể là mô bị thâm nhiễm (bệnh gút, bệnh sarcoid, bệnh dạng tinh bột, bệnh thấp, nhiễm khuẩn, các loại u…). Có thể là bệnh nghề nghiệp… Là nhà lâm sàng ta lưu ý đến trường hợp mang thai gần ngày sinh: chữa trị bằng tiêm ngấm, thường khỏi, sau sinh, nhưng có thể tái phát. Trường hợp của bệnh đái tháo đường là nghiêm trọng, vì có kèm theo bệnh nội khoa tổng quát là đái tháo đường.
Có cần xác định chẩn đoán?
Là nhà lâm sàng ta khám toàn bộ hệ thần kinh ngoại biên, đường đi của dây thần kinh giữa và thần kinh trụ. Ghi điện cơ đồ rất hữu ích; các khám nghiệm cận lâm sàng khác, tùy nhu cầu chẩn đoán và điều trị.
Các cách chữa trị là như thế nào?
Thể tự phát (thể chủ quan: người bệnh muốn đổi chỗ làm việc trong xí nghiệp), các thể bệnh: khởi đầu, của người mang thai, chờ ngày hẹn mổ: Trị nội khoa. Khuyên mang khi ngủ một nẹp tháo lắp ở tư thế trung gian. Tiêm ngấm corticoid chậm (xem hình).
Thể kháng điều trị nội khoa hay khách quan: trị ngoại khoa.
Tiêm ngấm: thanh trùng da. Tiêm ngấm khoảng giữa các gân quay gập của cổ tay và gân cơ bàn tay dài, kim đâm ở nếp gần gan bàn tay. Kiểm tra không đâm vào mạch, không gây đau nhói và dữ dội hay gây tê cóng. Nếu xảy ra, rút bớt kim ra vài milimet và tiêm ngấm quanh dây thần kinh chớ không vào trong dây thần kinh. Cần ghi thời gian hiệu nghiệm. Trên 3 tháng mà triệu chứng không nặng thêm, có thể tiêm lại một lần nữa. Không quá 2 lần. Lạm dụng tạo nguy cơ teo vĩnh viễn dây thần kinh. |