Hoằng Nghị Đại Vương thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ
Trần Thủ Độ (1194 - 1264), nhà chính trị xuất sắc có công sáng lập và củng cố vương triều Trần (1225 - 1400), quê tại Bến Trấn, Long Hưng, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sớm theo nghề võ, tham gia đánh dẹp các thế lực cát cứ giúp nhà Lý, được phong chức Điện tiền chỉ huy sứ. Nhân cơ hội nhà Lý suy yếu, ông đã dùng nhiều mưu lược, sắp đặt việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu mình là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông), vào cuối năm 1225, lập nên triều Trần. Gần 40 năm đầu triều Trần (1225-1264), Trần Thủ Độ giữ chức Thái sư, nắm mọi quyền hành ở triều đình, giúp nhà vua nhỏ tuổi, đánh thắng quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ 1 (1258). Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh, quyết đoán nhiều mưu kế, tận tuỵ trong công việc, luôn đề cao phép nước, cư xử nghiêm minh, không vị nể tình riêng.
Một con người có danh vọng và công lao to lớn đối với lịch sử dân tộc như vậy, nhưng bởi nhãn quan hẹp hòi của các sử gia phong kiến trước đây, nên những dòng ghi chép trong sử cũ về Trần Thủ Độ thật hạn chế, nhiều khi sai lạc, thiếu khách quan, không tương xứng với tầm vóc của ông. Có thể nói còn một khoảng trống lớn khi tìm hiểu về quê hương, dòng họ, cũng như con cháu của vị Thái sư đứng đầu triều Trần này. Giới sử học Việt Nam biết quá ít về quá trình hình thành tài năng quân sự cũng như chính trị - tức thời tuổi trẻ của Trần Thủ Độ. Và còn nhiều câu hỏi khác đặt ra đối với chúng ta như: Thân phụ của Trần Thủ Độ là ai ? Thân thế và sự nghiệp của Cụ như thế nào? Từ khi mới sinh ra cho đến khi làm quan với nhà Lý, trong thời gian gần 30 năm (1194 - 1224) Trần Thủ độ sinh sống và đào luyện tài năng ở vùng đất nào ?
Trong khoảng 40 năm lại đây, các nhà nghiên cứu lịch sử, và nghiên cứu văn hoá dân gian ở Hà Nội, cũng như ở Thái Bình, Nam Định - tức xứ Sơn Nam Hà xưa - đất phát tích của triều Trần, đã bỏ nhiều tâm lực và thời gian để trả lời những câu hỏi trên. Với cố gắng của nhiều nhà nghiên cứu, lớp bụi thời gian phủ lên thân thế, gia đình, dòng họ, và quê hương của Thái sư Trần Thủ Độ dần dần được xoá bỏ. Và từ đó, chúng ta có được dòng thông tin quí báu dưới đây về thân phụ, gia đình Trần Thủ Độ.
Năm 2001, trong lần tái bản tập kỷ yếu Hội thảo khoa học Thái Bình với sự nghiệp thờiTrần(tổ chức tại thị xã Thái Bình ngày 9 - 10/4 - 1986), các tác giả Dương Quảng Châu và Phạm Hoá trong bài nghiên cứu khá công phu Đất và người Tinh Cương - Long Hưngtrong sự nghiệpphù Trần(bổ sung bài viết đã công bố năm 1995) cho biết về cụ Trần Hoằng Nghị, thân phụ của Trần Thủ Độ như sau: “Chi phái họ Trần giờ đây ở làng Mẹo, xã Thái Phương vẫn kêu là “HoằngNghị đại vương”,mỗi khi giỗ chạp, lễ tế. Như có duyên với đất ấy, Trần Hoằng Nghị lớn lên đã bỏ hẳn nghề chài lưới ven sông, để làm nông nghiệp. Con cháu họ Trần hiện nay ở Thái Phương vẫn còn truyền khẩu về 4 người vợ của cụ Hoằng Nghị mang tên huý hiệu là: Tô Thị Nàng, Quê Huê Nàng, Dong Huê Nàng và Hoàng Đức Mây” (1).
Trong bộ sách Thuyết Trần - sử nhà Trần, ấn hành năm 2003, tác giả Trần Xuân Sinh, khi chép về Nguồn gốc nhà Trần, có viết: “Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, có thể còn có con khác nữa mà phả cũ không chép. Trần Hấp sinh năm 1135, theo cha từ An Sinh sang lập nghiệp tại Tức Mặc, kế nghiệp hành nghề đánh cá biển và làm ruộng càng thêm thịnh vượng.
Trần Hấp sinh Trần Lý và Trần Hoằng Nghị (2) (Hoằng Nghị sinh ra An Quốc, An Hạ và An Bang, tức Trần Thủ Độ) (3). Có lẽ, chúng ta cần ghi nhận đây là lẩn đầu tiên một tác giả chính thức chép rõ “thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị”trong một bộ lịch sử dòng họ Trần. Trong lời đề Tựa sách Thuyết Trần - sử nhà Trầncủa Hoà Thượng Thích Thanh Tứ (Trần Văn Long) - Trưởng Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam, đã ghi nhận tính xác thực và khoa học của tập sách này: “ Thuyết Trầnlà cuốn lịch sử họ Trần do cụ Trần Xuân Sinh 91 tuổi (sinh năm 1912) dày công biên soạn. Đây là cuốn sách “Trần sử” khá đầy đủ, nhiều tư liệu quý báu...” (4).
Qua những tư liệu vừa dẫn trên đây, chúng ta có thể khẳng định: Trần Hoằng Nghị (hay Hoằng Nghị Đại Vương) là người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, dạy dỗ Thái sư Trần Thủ Độ – một danh nhân lịch sử, vị anh hùng dân tộc trong kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên lần thứ nhất (1258), người sáng lập nên vương triều Trần, một triều đại với võ công oanh liệt và văn trị rực rỡ trong lịch sử dân tộc ta.
Thật may mắn là trong nhiều đợt đi điền dã về Thái Bình, NamĐịnh và Hà Nam , chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu của các bạn đồng nghiệp, đặc biệt là hậu duệ của cụ Hoằng Nghị đại vương sinh sống tại thôn Phương La, xã Thái Phương, Hưng Hà ngày nay. Dưới đây là những ghi nhận của chúng tôi qua các đợt điền dã và khảo cứu trong thư tịch về cụ Trần Hoằng Nghị.
Về quê hương và gia đình của Trần Hoằng Nghị
Như trên chúng ta đã biết quê hương của Trần Hoằng Nghị, cũng tức là quê gốc của Trần Thủ độ là khu Bến Trấn - nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tại thôn ứng Mão (tức làng Mẹo) xưa, nay là Phương La còn lại một ngôi miếu nhỏ, toạ lạc bên gốc đa cổ thụ, nên người dân địa phương quen gọi là Miếu Gốc Đa. Miếu thờ cụ Trần Hoằng Nghị, trước đây khoảng 40 năm, còn khá to lớn nên gọi là Đền Nhà Ông. Vì sao lại gọi là đền Nhà Ông? Các cụ cao niên trong thôn Phương La giải thích vì Trần Hoằng Nghị ở vào “bậc ông của vua Trần Thái Tông”, nên có tên như vậy. Cũng có thể là như vậy, nhưng theo chúng tôi, chữ “Ông” trước kia (và cả ngày nay), trong khẩu ngữ nhằm để chỉ một người có quyền thế, có danh vọng trong vùng, (như trong thành ngữ “Con Ông, cháu Cha” chẳng hạn), ở đây để chỉ cụ Trần Hoằng Nghị.
Hiện trong Miếu nhỏ còn lưu giữ được một tấm bài vị có ghi dòng chữ:
“Phụng Đại Vương Thượng đẳng Phúc thần Trần Hoàng Nghị, đồng tứ vị phu nhân” (Nghĩa là: Nơi đây phụng thờ vị Đại vương được phong làm Thượng đẳng Phúc thần là Trần Hoàng Nghị cùng với bốn bà phu nhân của ngài).
Dòng chữ trên cho chúng ta biết: cụ Trần Hoằng Nghị đã từng được tôn làm Phúc thần của làng ứng Mão - Phương La. Trần Hoằng Nghị được tôn vinh làm “Thần làng - Tổ họ”. Cụ cũng chính là một trong số những người đầu tiên về nơi đây khai canh lập ấp, vào những thập niên cuối thế kỷ thứ XII. Nhưng điều đặc biệt là cụ được thờ tại Đền Nhà Ông, chứ không phải tại đình làng như thường thấy ở các nơi khác.
Việc cụ Trần Hoằng Nghị cùng với người dân mở mang vùng đất Bến Trấn vào cuối đời Lý còn để lại các dấu ấn lịch sử tại đất Phương La - Xuân La - Trác Dương. Cả hai thôn Xuân La và Trác Dương cùng đều thờ Hoằng Nghị đại vương làm thần thành hoàng: Đình Phương La, hiện thờ “Lục vị thành, hoàng (6 vị) - tương truyền là sáu anh em họ Trần - đã tiếp nối sự nghiệp của Trần Hoằng Nghị, tổ chức khai khẩn làng xã, xây dựng thôn trang, giúp nhà vua dẹp loạn, đánh giặc giữ nước...
Như trên đã nói, Trần Hoằng Nghị có 4 bà phu nhân. Có lẽ, cụ sinh được khá nhiều con, nhưng sử sách và thần tích chỉ còn ghi chép được 3 người con trai, đó là: Trần An Quốc, Trần An hạ và Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ).
Về Trần An Quốc, chính sử của ta có nhắc tới ông. Đó là vào năm Giáp tý (1264), tháng Giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết. Sách Đại Việt sử ký toàn thưcho biết: “Thái tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần , thị thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng thì việc triều đình sẽ ra làm sao?. Vua bèn thôi” (4).
Sự kiện trên không chỉ cho biết nhân cách cao, đức độ lớn của Trần Thủ Độ, mà còn hé mở cho chúng ta thấy Trần An Quốc cũng là một nhân vật có tài năng. Rõ ràng tài năng, đức độ của Trần An Quốc phải vượt lên trên nhiều vị trong hoàng tộc nhà Trần thời bấy giờ, nên vua Trần Thái Tông mới có ý định cử ông làm chức Tể tướng đứng ngang hàng với Trần Thủ Độ.
Nhưng tư liệu điền dã đã khoả lấp sự thiếu hụt này. Hiện nay, tại thôn Vũ Bị, xa Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vẫn còn lưu giữ được những di tích liên quan tới Trần An Quốc. Tại đây, còn có Phủ Dũ, vừa thờ Phật, vừa thờ thần. Các vị thần được thờ, chính là Trần An Quốc với phu nhân là bà Thiềm Hoa công chúa và người con trai là Cự Việt Tín hầu. Trong phủ thờ, chúng tôi đã đọc được 5 đạo sắc phong (2 đạo phong cho Thiềm Hoa công chúa, 1 đạo phong cho An Quốc chi thần và 2 đạo phong cho Cự Việt Tín hầu tôn thần).
Người anh thứ hai của Trần Thủ Độ là Trần An Hạ thì không thấy chính sử của ta ghi chép một dòng nào. Tuy nhiên, tại Đình Miễu, thôn Kênh, xã Đông Quang và Đình Quán, thôn Quán, xã Đông Xuân, cùng thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đều có thờ An Hạ và phu nhân là Đàm Chiêu Trinh làm thần thành hoàng. Tại đình Miễu, chúng tôi được đọc 2 đạo sắc phong (một phong cho An Hạ đại vươngvào năm Tự Đức thứ 6 (1853) và một phong cho Lý Triều An Hạvương phu nhân tôn thần(tức bà Đàm Chiêu Trinh) vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Còn tại Đình Quán, có tới 5 đạo sắc phong, nhưng chỉ có 1 đạo sắc năm Khải Định thứ 9 (1924) là phong cho An Hạ đại vươnglàm Thượng đẳng thần. Đây có thể là khu điền trang, thái ấp của vợ chồng An Hạ Đại vương và Đàm Chiêu Trinh.
Còn người con trai thứ ba của Hoằng Nghị Đại Vương là Trần An Bang, tức Trần Thủ Độ, thì sử sách đã chép tương đối rõ ràng về ông. Có điểu một câu hỏi đặt ra đối với chúng ta: Tài năng quân sự và chính trị của Trần Thủ Độ chắc chắn hình thành từ rất sớm - trong khoảng thời gian từ khi ông 16,17 tuổi đến 24, 25 tuổi (Năm 1224, khi tròn 30 tuổi, đã được “uỷ nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình” (5), vậy ai là người dạy dỗ và luyện rèn tài năng cho ông?
Chúng đã biết vào cuối đời Lý, các thế lực phong kiến phân tán rất mạnh. Các quý tộc được phong tước, cấp đất làm chủ thái ấp của mình, hay trấn trị các địa phương xa, có rất nhiều gia nô, thần thuộc, có quân đội riêng, và có lực lượng kinh tế ở trong tay. Một số hào trưởng địa phương thuộc các cự tộc, tuy không được phong tước cấp đất, nhưng thực tế vẫn nắm quyền hành ở các địa phương. Nhân tình trạng suy yếu của chính quyền trung ương, họ cũng nổi dậy đánh chiếm các miền xung quanh, lợi dụng danh nghĩa chống triều đình trung ương, tập họp được một lực lượng quần chúng đáng kể vốn sẵn lòng bất bình với nhà Lý.
Sử cũ chép rõ người anh trai của Trần Hoằng Nghị, bác ruột của Trần Thủ Độ là Trần Lý vốn làm nghề đánh cá, sau khi trở nên giàu có, nhân loạn chiếm cứ miền Hải ấp. Sau nay, Trần Lý bị chết, con thứ là Trần Tự Khánh thay cha thống lĩnh binh chúng, xưng là Thuận Lưu Bá, đóng quân ở Thuận Lưu. Trong điều kiện xã hội và hoàn cảnh chính trị loạn lạc như vậy, rõ ràng Trần Hoằng Nghị không thể không tổ chức binh chúng và thao luyện võ nghệ để tự bảo vệ gia thuộc và đất đai của mình. Tương truyền Trần Hoằng Nghị đã bị chết trận cùng với một số binh lính dưới quyền của ông.
Có thể đoán định rằng: Trần Thủ Độ đã được chính cha của mình là Trần Hoằng Nghị dạy cho các bài học đầu tiên về quân sự và chính trị. Tài năng xuất chúng về đánh giặc cũng như cai trị đất nước của Trần Thủ Độ, chắc chắn được gieo mầm và vun xới, tưới tắm từ mảnh đất Bến Trấn – ứng Mão - Phương La quê ông. Vào đầu triều Trần, khi ông nói với vị vua nhỏ, cháu mình (Trần Thái Tông) rằng: “Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp” (6), ấy là chỉ muốn bảo rằng ông không được học Nho giáo (Tứ thư, Ngũ kinh) và không đọc được chữ Hán - cái thứ chữ ngày xưa phải bỏ ra hàng gần 10 năm đèn sách mới có thể đọc và hiểu nghĩa, chứ không phải là ông chưa từng được đọc gì.
Về công lao sự nghiệp của Trần Hoằng Nghị đối với quê hương và lịch sử
Theo chúng tôi, vùng đất Sơn nam Hạ xưa, tỉnh Thái Bình và Nam Định nay, có 4 vùng đất, tựa như 4 cột trụ tạo dựng nên vương triều Trần, đó là: Tức Mặc (Nam Định), Lưu Xá, Thái Đường và Bến Trấn (Thái Bình). Sử sách của ta đã bàn nhiều về vị trí quan trọng của 3 vùng đất trên (Tức Mặc - Lưu Xá - Thái Đường), nhưng cho đến gần đây, vẫn ít chú ý tới vị thế của Bến Trấn.
Khu Bến Trấn tức vùng đất Phương La - Xuân La - Trác Dương xã Thái Phương ngày nay là một khu vực kinh tế phồn thịnh, làm hậu phương vững chắc cho dòng họ Trần. Họ Trần tạo dựng thế lực, tiến tới thay thế nhà Lý, công lao ấy, đầu tiên phải kể tới công lao, tài trí của cụ Trần Hoằng Nghị, người cha tài năng của Trần Thủ Độ. Chúng ta cần chi nhận công sức của cụ trên các lĩnh vực nổi bật dưới đây:
Phát triển nghề nông tại khu Bến Trấn
Ký ức dân gian vùng đất này đèu ghi nhận cụ Trần Hoằng Nghị là người đầu tiên tổ chức dân chúng khai canh, lập ấp, lập nên khu Bến Trấn trù mật. Tương truyền để tránh sự xâm canh của cư dân làng khác với vùng đất mới khai khẩn, cụ Trần Hoằng Nghị đã đem cối đá lỗ giăng:
“Thượng chí Vô Tè; hạ chí Cống Cách
Tây chí Tú Mậu - Đồng Trang” để làm mốc giới.
Toàn bộ vùng đất này, khá rộng, ước chừng vài km2. Nếu lấy Đền Nhà Ông làm tâm điểm, quay một bán kính khoảng 1,5km là ôm trọn đất hoang xưa của cụ Trần Hoằng Nghị. “Thượng chí Vô Tè”, có nghĩa phía Bắc giáp với Làng Tè, xã Phú Khánh; “Hạ chí Cống Cách” có nghĩa phía Nam giáp với khu Cống Cách (nay thuộc làng Diêm, xã Minh tân), “Tây chí Tú Mậu - Đồng Trang”, tức phía Tây đến thôn Tú Mậu, thôn Đồng Trang, thuộc xã Hồng An.
Một vấn để được đặt ra là khu Bến Trấn vừa được khai khẩn vào cuối đời Lý nằm trong loại hình sở hữu ruộng đất nào?
Như chúng ta đã biết, ngay từ khi thành lập, nhà Lý (1010-1225) đã thừa hưởng được di sản ruộng đất quốc hữu của các triều đại Đinh và Tiền Lê trước đó. Hanh vi của vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi xa giá đến châu Cổ Pháp (Đình Bảng, Tiên Sơn – Bắc Ninh)... sai các quan đo đất vài mươi dặm làm cấm địa thuộc sơn lăng” (7), và sau đó, năm 1011, “xá thuế ba năm cho cả nước, phàm những thuế các năm trước còn thiếu đều xoá bỏ cả” (8), thể hiện rõ quan niệm về quyền sở hữu của Nhà nước đối với toàn bộ đất đai trong nước đã ăn sâu vào tiềm thức của giai cấp thống trị đương thời. Sự tồn tại của chế độ sở hữu Nhà nước về ruộng đất ở thời Lý - Trần là một thực tế được khẳng định.
Tuy vậy bên cạnh đó, sự tồn tại một số trang ấp nhỏ như trang ấp của Trần Hoằng Nghị vừa kể trên, chứng tỏ rằng, nhà Lý vẫn cho phép tồn tại hình thức sở hữu tư nhân về ruộng đất. Như vây, điều đáng chú ý ở đây là, trong khi khẳng định quyền sở hữu tối cao của mình đối với toàn bộ lãnh thổ đất nước, chính quyền Lý, cũng như Trần vẫn cho phép nhân dân sử dụng, hưởng thụ mọi hoa lợi của núi rừng và khai khẩn đất hoang để làm ruộng tư hay ruộng công làng xã.
Như vây, có thể thấy Bến Trấn, hoặc làng Mẹo là trang ấp riêng của Trần Hoằng Nghị trong buổi dầu khai canh lập ấp. Không phải ngẫu nhiên, tại đây có tới 12 dòng họ: Trần, Vũ, Đoàn, Đinh, Lê, Phạm, Nguyễn, Đỗ, Đào, Đặng, Bùi, Linh, thì họ Trần là họ có số người đông nhất (12 chi họ) và cũng cư trú lâu đời nhất.
Cũng không phải ngẫu nhiên, ngoài làng Mẹo (ứng Mão - Phương La) còn một số di tích, ký ức tồn tại ở nơi khác cũng nhắc đến cụ Trần Hoằng Nghị.
Ở ngay hai làng bên cạnh làng Phương La là Xuân La và Trác Dương cũng đều thờ cụ làm thành hoàng. Tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, hiện còn lưu giữ được một tư liệu quý liên quan đến vấn đề này. Đó là Bản khai Thần tích – Thần sắc(9) của xã Xuân La, tổng Lập Bái, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình do viên Lý trưởng (không rõ tên) và viên Chánh hội Hoàng Văn Chẩn thực hiện theo yêu cầu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO) vào khoảng 1935. Theo như lời khai của viên Lý trưởng và viên Chánh hội xã Xuân La thì xã này và xã Trác Dương (tức làng Then) ở bên cạnh, đều thờ cụ Trang Nghị Đại Vương làm thần thành hoàng. Trong bản Thần tích - Thần sắc được kê khai năm 1938, có tới 8 đạo sắc phong: 3 đạo sắc phong cho Đức Trang Nghị Đại Vương; 3 đạo sắc phong cho Đức Trấn Quốc Đạo Vương và 2 đạo sắc phong cho Thiên Quan Đại Vương.
Vào khoảng cuối tháng 6 năm 2006, chúng tôi đã trực tiếp về nghiên cứu ngôi đình thôn Xuân La và đọc các sắc phong còn lưu giữ tại đây. Ngày nay các cụ cố lão của Xuân La chỉ còn giữ được 3 đạo sắc: 1 đạo phong cho Đức Trang Nghị Đại Vương, vào niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1738) đời vua Lê Hiển Tông, 1 đạo phong cho Trấn Quốc đại vương, vào niên đại Khải Định thứ 9 (1924) và 1 đạo phong cho đức Thiên Quan đại vương cũng có niên đại Khải Định thứ 9 (1924).
Trong sắc phong của thôn Xuân La, tên Hoằng Nghị Đại Vương đều được ghi là Trang Nghị Đại Vương, đấy là gọi theo một mỹ tự mới mà triều đình phong cho Ngài. Vả lại, trong đạo sắc này, ngay dưới mỹ hiệu Trang Nghị Đại Vương, ngài còn được ban hai chữ Cương Nghị, vì thế nếu gọi ngài là Cương Nghị đại Vương cũng chẳng sai. Có thể khẳng định Trang Nghị Đại Vương được thờ làm thần thành hoàng ở đình thôn Xuân La, không thể là ai khác, ngoài Hoằng Nghị Đại Vương, vì một lẽ đơn giản đất này, xưa kia nằm trong phạm vi “Thượng chí Vô Tè, hạ chí Cống Cách...”, tức là trang ấp của Ngài. Hơn nữa, chúng ta nên chú ý: hai vị thần Trấn Quốc Đại vương và Thiên Quan Đại vương cũng là hai vị trong “Lục vị thành hoàng” được thờ tại đình Phương La.
Cần ghi nhận rằng, đất đai của cả một vùng rộng lớn ôm trùm lấy ba làng: Phương La - Ứng Mão(Mẹo) - Xuân La và Trác Dương (Then) trở nên “thục điền”, đất đai màu mỡ, lúa dâu tốt tươi là bởi tài năng, nghị lực to lớn của cụ Hoằng Nghị Đại Vương đem lại. Và chính việc các làng xã này, từ xưa thờ Cụ làm thần thành hoàng đã chứng minh điều nhận định trên đây.
Dạy dân trồng dâu, chăn tằm dệt vải và mở chợ
Quan sát đồng đất khu Bến Trấn xưa, Phương La - Xuân La - Trác Dương nay, ta thấy đó là vùng đất phù sa được các con sông bao quanh bồi đắp mà tạo thành. Loại đất thổ nhưỡng này, từ khi mới được khai khẩn đã thích hợp với hai loại cây trồng chính là: Lúa và dâu.
Từ lâu đời, người dân Phương La và kể cả một số làng lân cận đều ghi nhớ: Cụ Trần Hoằng Nghị là người đã truyền dạy cho dân làng biết trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải lụa. Đương nhiên, cũng cần nói rõ, Trần Hoằng Nghị chỉ là người đem nghề dệt vải lụa dạy cho người dân nơi đây, chứ không phải là Ông Tổ nghề dệt tại Phương La. Nghề dệt sợi bông và sợi tơ tằm đã phát triển tại nước ta từ lâu đời. Sử sách xưa còn để lại cho ta nhiều dấu ấn về các loại cây này: Sách Hán Thưviết; “Người Lạc Việt biết trồng dâu nuôi tằm”. Sách An Namchí lượcvà An Nam chí(nguyên) đều chép: “Mỗi năm có hai vụ lúa và 8 lứa tằm, dâu gai có đầy đồng nội”. Sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu (Trần Cương Trung) ghi chép trong tập An Nam tức sự: “Những vườn dâu nho nhỏ, mỗi nhà có năm, ba mẫu”.
Vào đầu thế kỷ XV, khi viết bộ Dư địa chí làm sách giáo khoa địa lý để dạy vị vua nhỏ Lê Thái Tông (1435), Nguyễn Trãi cho biết: “Cả lộ (Sơn Nam ) nhiều vải nhỏ (10). Lộ Sơn Namđầu thời Lê gồm đất các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, NamĐịnh ngày nay. Nghề dệt vải nhỏ nói ở đây, chính là nghề dệt vải, nghề thủ công truyền thống tồn tại trong các làng quê Việt Nam .
Sự phát triển thủ công nghiệp vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả cho việc mở rộng sự trao đổi hàng hoá. Khá nhiều các loại chợ: chợ thôn, chợ huyện, chợ chính, chợ xép, chợ phiên, chợ chiều... mở ra khắp nơi ở nông thôn, chứng tỏ sự trao đổi hàng hoá nhộn nhịp giữa các làng xã. Hoạt động này không thể không bao gồm và chịu sự tác động của thủ công nghiệp.
Chúng ta thấy qui luật của sự phát triển thủ công nghiệp và kinh tế hàng hoá nói trên, cũng từng chi phối đời sống của người dân làng Mẹo dưới thời cụ Trần Hoằng Nghị. Ngày nay, hầu hết người dân Phương La đều ghi nhớ và kể rất rõ câu chuyện cụ Trần Hoằng Nghị đã nhận lời thách đố của dân làng Then (Trác Dương) chỉ với một gánh trên vai, mà gánh được toàn bộ ngôi chợ (bao gồm mọi mặt hàng, từ rau, thịt cá, gạo đến nồi niêu, vải vóc... thứ nào ra thứ ấy) về đặt tại làng Mẹo. Từ đấy, làng Then mất chợ, và làng Mẹo thì có chợ như ngày nay. Chúng tôi cho rằng đây là một câu chuyện huyền thoại đẹp về một nhân vật có tài năng trác việt là Trần Hoằng Nghị.
Tuy nhiên, mọi câu chuyện thần thoại này hay huyền tích, nếu bóc tách đi cái phần hoang đường phủ bên ngoài, chúng ta sẽ phát hiện ra hạt nhân hợp lý của nó. Vây, câu chuyện gánh chợ của cụ Trần Hoằng Nghị thực chất phản ánh một sự thực lịch sử gì? Chúng tôi tán thành cách lý giải của nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Xuân Thông về vấn đề trên. Khi về điền dã nghiên cứu tại làng Then (Trác Dương), ông Ngô Xuân Thông cho biết ở làng này còn vết tích các lò gốm cổ còn dấu tích của miếu thờ Bà Chúa Lò (tức chủ các lò gốm trước kia). Vào cuối thời Lý, khi nghề gốm sứ tại làng Then phát triển, một chợ làng được hình thành, gọi là Chợ Lò (vì toạ lạc bên các lò gốm). Nhưng việc nghề dệt vải lụa của làng Mẹo phát triển mạnh, cùng với việc làm ăn sa sút của nghề gốm tại làng Then, một quy luật kinh tế tự nhiên đã đưa tới hệ quả tất yếu là xảy ra việc “chuyển chợ” từ đây về bên Mẹo. Chợ Mẹo giữ vị trí trung tâm trao đổi hàng hoá của cả vùng đất vì nó được đặt tại một làng có đời sống kinh tế khá cao, nhu cầu tiêu thụ mạnh hơn làng Then và kể cả làng Xuân La. Nhưng vì sao, người dân lại gắn việc chuyển chợ từ Then sang Mẹo cho cụ Trần Hoằng Nghị? Điều đó, theo chúng tôi có thể giải thích bởi hai lý do: - Từ nguyên dân gian muốn giải thích từ “Mẹo”, tên làng mình, nhưng không hiểu là gì? nên họ đã tạo ra câu chuyện “mưu mẹo gánh chợ” của Trần Hoằng Nghị để cắt nghĩa chữ Mẹo, nhằm thoả mãn phần nào nhu cầu hiểu biết của dân địa phương... Qua câu chuyện gánh chợ nói trên, một lần nữa họ muốn “thần thánh hoá” nhân vật mà họ tôn kính, nhớ ơn, đó là Trần Hoằng Nghị.
Trần Hoằng Nghị một danh nhân lịch sử có công lao thật đáng ghi nhận trong quá trình dựng nghiệp của dòng họ Trần, đặc biệt ở thời kỳ chuẩn bị tiềm lực kinh tế, quân sự và chính trị để gánh vác trọng trách mà quốc gia Đại Việt giao phó vào thế kỷ XIII. Từ cụ Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoằng Nghị, đã hình thành nên 2 ngành họ Trần cư trú tại đất Long Hưng, sau này là Nhân Hưng, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Từ ngành Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần thị Dung và Trần thị Tam Nương. Trần Thừa sinh ra Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), vị vua mở đầu vương triều Trần.
Từ ngành Trần Hoằng Nghị sinh ra Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ). Trần Thủ Độ chính là người đặt Trần Cảnh, 8 tuổi lên ngai vàng, sáng lập triều Trần.
Có điều ngành cụ Trần Lý là trực hệ của vua Trần Thái Tông nên được sử sách nhắc đến, còn người em trai của cụ là Trần Hoằng Nghị, hầu như không được ghi chép một dòng nào trong sử cũ. Chúng tôi thiết nghĩ, đó là điều bất công đối với một bậc tiền nhân có công lao đáng kể đối với lịch sử dân tộc là Trần Hoằng Nghị.
Tuy nhiên, nhân dân thường là người “ghi chép lịch sử” khách quan hơn các sử gia. Chúng ta đã thấy, cụ Trần Hoằng Nghị, cho dù chưa được ghi chép trong chính sử, nhưng đã được nhân dân “ghi chép” trong tâm khảm và tự nguyện lập đền thờ phụng, sùng bái.
----------------------
1. Sở Văn hoá Thông tin Thái Bình: Thái Bình với sự nghiệp thời Trần, Thái Bình, 2001, tr 91.
2. Nhiều tư liệu ghi tên cụ thân sinh ra Trần Thủ Độ là:
a - Trần Hoàng Nghị
b - Trần Hoằng Nghị
c - Trần Hồng Nghị
d - Trần Hoành Nghị
3. Trần Xuân Sinh - Thuyết Trần - sử nhà Trần- NXB Hải Phòng, 2003, tr9.
4. Đại Việt sử ký toàn thư- NXB KHXH. H - 1998 - tập 2, tr 34.
5 . Đại Việt sử ký toàn thư- Sđd, tập 1, tr.338.
6. Đại Việt sử ký toàn thư- Sđd, tập 1, tr.430
7. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. NXB Giáo dục - H. 1998 Tập 1, tr 285, 8. Nt - Sđd. Tập 1, tr.287
8. Nt- Sđd. Tập 1, tr 287
9. Bản Thần tích - Thần sắc này có ký hiệu T-TS, FQ4 18/VIII - 13 hiện lưu giữ tại Thư viện nghiên cứu Hán Nôm.
10. Nguyễn Trãi toàn tập- NXB KHXH. H - 1976, tr 223.
Nguồn : TC Xưa - Nay, số 267, 9/2006