Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/06/2011 21:11 (GMT+7)

Hoa Dành dành

1. Mở đầu

Dành dành là một loài cây hoang dại, thường mọc ở bờ suối, bờ sông hay các lùm bụi vùng ẩm thấp của nước ta. Chúng phân bố từ vùng rừng núi cho đến đồng bằng và cả vùng cát ven biển.

Các loài Dành dành thường có hoa màu trắng, quả chín màu vàng, có thể dùng làm thuốc, làm phẩm màu thức ăn không độc nên được nhân dân ta ưa dùng.

Theo một số sách của Trung Quốc, Dành dành còn có tên là Nam hương, Chi tử, Mẫu đơn hay Bạch hải đường[5]. Về mặt khoa học, Dành dành thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) với đặc điểm rõ rệt là lá mọc đối, có lá kèm, cành hoa hợp và có bầu dưới [2].

Chi Dành dành được nhà khoa học Ellis đặt tên là Gardenia vào năm 1761 để tưởng nhớ nhà tự nhiên học người Mỹ Alexander Garden. Đến nay trên thế giới có khoảng 124 loài Dành dành phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới [6].

Trong nội dung bài báo này chúng tôi muốn nêu cách sử dụng Dành dành làm cây cảnh ở địa phương mà lâu nay ít được chú ý.

2. Tổng quan về cây Dành dành

2.1. Các loài Dành dành có ở nước ta

Theo một số tư liệu ở nước ta hiện đã ghi nhận có 13 loài Dành dành [2, 4] được trình bày ở bảng 1.

Bảng 1. Các loài Dành dành ở Việt Nam

STT

Tên khoa học

Tên Việt Nam

1

Gardenia angkorensis Pit., 1923

Dành dành Ăng-co

2

G. annamensis Pit., 1923

Dành dành Trung Bộ

3

G. angusta (L) Merr., 1935

Dành dành Tàu, Chi tử

4

G. cambodiana Pit., 1923

Dành dành Cam Bốt

5

G. chevalieri Pit., 1923

Dành dành Chevalier

6

G.coronaria Buch.-Ham, 1800

Dành dành vành

7

G. lucida Roxb., 1820

Dành dành bong, Mẫu đơn

8

G. obtusifolia Roxb. Ex Hook.f., 1877

Dành dành lá tù

9

G. panduriformis Pierre ex Pit., 1923

Dành dành hình đàn

10

G. philastreu Pierre ex Pit., 1923

Dành dành láng

11

G. Sootepensis Hutch., 1911

Dành dành Thái Lan

12

G. stenophulla Merr., 1922

Dành dành lá hẹp

13

G. tubifera Wall. Ex Roxb., 1824

Dành dành ống

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã thu được 3 loài Dành dành sau:

a. Dành dành Trung Bộ - Gardenia annamensis Pit.

Loài này có thể gặp khắp nơi, phổ biến ở các vùng khe suối, bờ ao, lùm bụi ẩm. Cây gỗ nhỏ, cao từ 1-3m, không có lông, phiến lá hình bầu dục, gốc lá nhọn, có 12-14 cặp gân phụ. Hoa đơn độc ở nách lá, đài dài 1,5cm, ống hoa cao 3cm, 5 cánh màu trắng ngà, thơm, nhị 5. Quả có hình cái chén, có múi, dài 2,5-5cm, có đài tồn tại. Hạt dẹp. Quả chín có màu vàng đậm.

b. Dành dành Tàu, Chi tử - Gardenia angusta (L.) Merr.

Loài này ở Huế và một số nơi được trồng làm cảnh vì có hoa thơm nên còn gọi là Bạch hải đường.

Cây gỗ nhỏ cao từ 1-3m. Lá có phiến thon, không lông. Hoa ở đỉnh cành, to, có cuống. Đài có 5-6 tai kéo dài xuống thành ống, tạo các múi hẹp và sâu. Cánh hoa xếp thành nhiều tầng, ít khi cánh đơn, có màu trắng, chuyển dần sang màu vàng ngà. Hoa rất thơm. Có 5 nhị. Vòi hình đùi. Quả có thịt màu cam đỏ.

c. Dành dành lá hẹp - Gardenia stenophylla Merr.

Loài này thường gặp ở vùng đầm lầy bờ bụi vùng cát, cây thấp nhỏ, lá có phiến thon, hẹp, nhọn đầu, lá kèm nhỏ. Hoa mọc ở đỉnh cành, đơn độc. Đài cao 2cm, lá đài nhọn. Ống hoa cao 3,5cm, cánh hoa hình bầu dục, màu trắng.

2.2. Giá trị sử dụng Dành dành

- Dùng làm thuốc chữa bệnh và phẩm màu

Trong Đông y, rễ Dành dành được dùng để chữa sốt, lỵ, chữa bệnh ngoài da, đau mắt, có tác dụng lợi tiểu. Quả Dành dành để chữa viêm gan, vàng da, viêm kết mạc, loét miệng, đau răng, chảy máu cam, đái ra máu, đái đường, thấp khớp, đau đầu [1, 3].

Dành dành Tàu có chứa các alcaloide như gardenosid, schangizid, acrocetin dùng để nhuộm vàng thức ăn và vải. Ngoài ra người ta còn dùng để chống có kinh, ngừa thai, làm sanh sớm, làm giảm mật trong máu, làm kháng sinh. Rễ dùng trị ung thư [1, 3].

- Làm cây cảnh

Trong số các loài Dành dành trên thì loài Dành dành Tàu (G.angusta) được trồng chậu để làm cây cảnh. Loài này phát triển nhanh, mạnh, cho ra hoa nhiều đặc biệt vào mùa hè. Cây có hoa màu trắng đẹp, rất thơm nên đã được gây giống để bán trên thị trường hiện nay.

Một loài khác cũng được trồng làm cây cảnh đó là loài G. lucida - còn gọi là Mẫu đơn, cho hoa trắng đẹp và thơm.

Loài Dành dành Trung Bộ ( G. annamensis) ở Thừa Thiên Huế thường được dùng làm cây cảnh gắn vào non bộ, cho vào bể cá cảnh vì có thân đẹp, cho hoa trái nhiều, cho bộ rễ trắng trong nước rất đẹp. Cây có thể phát triển tốt trong bể cạn chứa nước, người ta hay gắn đá bọt lên phần gốc thân và cho rễ phát triển trong nước. Dành dành sống lâu năm rất khó chết, phát triển mạnh nên thường xuyên phải cắt tỉa để tạo thế, tạo dáng giống như các loài hoa cảnh khác.

Người ta đào các gốc Dành dành ở bờ sông suối, mang về cắt hết cành già và các loại rễ lớn, sau đó ghép với nhau để tạo thành hình dáng ưa thích có thể là thú vật (long, lân, quy, phụng) hoặc nhân dạng có đầu, mình, tay, chân của người hay các loài động vật khác để tạo thành một hòn non bộ xanh, hoặc kèm thêm các loại đá bọt, đá núi có hình dáng đẹp phụ họa thêm. Cho tất cả lên trên một giá sàn bằng các loại sắt không gỉ hay gỗ cứng…làm sao để ngập 1/3 thân cây Dành dành và cho vào nơi im mát. Sau 2-3 tuần, Dành dành sẽ đâm chồi và ra rễ. Có thể dùng chất kích thích để chúng phát triển. Khi trồng trong bể nước, tránh không cho các sợi tảo lục bám vào rễ Dành dành làm mất vẻ đẹp của bộ rễ cây. Dành dành được trồng không chỉ để trang trí không gian ngôi nhà của bạn mà còn là biện pháp hữu hiệu giúp làm trong sạch môi trường vì mùi nhựa cây Dành dành có tác dụng xua đuổi ruồi.

3. Kết luận

Dành dành là cây hoang dại có ý nghĩa với đời sống con người, cây vừa có công dụng làm thuốc, phẩm màu vừa dùng làm cây cảnh.

Dành dành có thể sống trong nước sạch, trong bể cá cảnh và chịu bóng, nên có thể trồng trong bể cá để trong nhà làm vật trang trí và nhựa cây còn có thể làm cho ruồi xa lánh.

Vùng đồi núi, đồng bằng kể cả vùng ven biển tỉnh ta có rất nhiều Dành dành, chúng ta có thể khai thác, nhân giống để tạo nên một số mặt hàng mới phục vụ trong các ngày lễ hội đồng thời tiếp tục nghiên cứu về mặt dược lý để làm thuốc phục vụ cho cộng đồng rộng rãi hơn trong thời gian tới.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.