Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 17/09/2005 15:41 (GMT+7)

Họ Khúc và công cuộc xây đắp nền tự chủ Quốc gia Việt Nam

Ở Trung Hoa, sau sự sụp đổ của đế chế Đường (907) là một thời kỳ hỗn loạn “Ngũ đại thập quốc” (907-960), kết thúc bằng sự thống nhất dưới thời Tống, với sự trỗi dậy lại của ý thức - dân tộc nguồn cội của người Hoa Hạ và sự ra đời của một ý thức hệ mới - Tống Nho- mà các nhà Trung Hoa học phương Tây gọi là Tân Nho giáo, thay thế dần Đạo giáo chính thống thời Đường.


Trong bối cảnh chung và khu vực Đông Á ấy, sau hơn ngàn năm chống Bắc thuộc, từ Trưng Vương (40-44) đến Lý Nam Đế (544-546) rồi Mai Hắc Đế (722), Bố Cái đại vương (767-791), cả thế lực nội sinh cùng với thời cơ ngoại sinh (Thời - Thế - Cơ) đã đẩy nước Việt đứng lên dựng quyền tự chủ ở đầu thế kỷ 10.

Người có công đầu trong công cuộc tự chủ đó là họ Khúc ở Hồng Châu (Cúc Bồ, Ninh Giang, Hải Dương ngày nay).

Khúc Thừa Dụ thuộc dòng dõi “hào trưởng lâu đời ở Hồng Châu”. Hào trưởng Khúc là thủ lĩnh địa phương có quyền lực và uy tín ở một vùng sau này gọi là xứ Đông, như phụ thân Ngô Quyền là Ngô Man, hào mục Phong Châu nay là xứ Đoài hay Dương Đình Nghệ là hào trưởng vùng Giàng (Dương Xá) Cửu Chân sau này là xứ Thanh...

1. Tôi vừa đi dự Hội thảo quốc tế ở Tokyo (Nhật Bản) từ 13-20 tháng 5/2003 về Lịch sử 10 thế kỷ của thiên niên kỷ 1 của Đông Á và Việt Nam.

Tại hội thảo đó tôi đã đọc bản tham luận về “Một ngàn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc” của Việt Nam, từ thời Nam Việt Triệu Đà đến thời họ Khúc - Ngô - Đinh - Lê với sự chuyển hóa hai hằng số trong tâm thức Dân chúng và Thủ lĩnh vùng trong cả nước là:

Namđể đối lập, đối diện và đối tác với Bắc (chứ không thừa nhận bất cứ nơi nào là trung tâm thiên hạ)

Việt là để giữ nguồn gốc người (mà tộc người thì không phải là chủng tộc).

Trải thêm một thiên niên kỷ thứ hai, dù vạn vật và đất nước, cư dân có diễn hóa và biến hóa nhưng “Nam quốc sơn hà” thời Lý Thường Kiệt , “Đại Việt văn hiến” thời Nguyễn Trãi hay sau này “Việt Nam - Đại Nam” thời nhà Nguyễn và sau cùng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Thế kỷ 20 và các thế kỷ sau nữa vẫn là thế. Đó là hằng số của dân tộc ta.

Công lao là của nhiều thời, nhiều đời, nhiều người mà hôm nay chúng ta chỉ tập trung bàn về họ Khúc.

Trường phái sử học của Đại học Sư phạm Hà Nội, nối theo sử chính thống từ Đại Việt sử ký toàn thư (TT) đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục (CM) rồi Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim đều gọi thời đại họ Khúc là thời Tự Chủ, chấm dứt thời Bắc thuộc ngàn năm.

Trường phái sử học của Đại học Tổng hợp Hà Nội, nói có phần “mềm dẻo” và “hắc ăn” hơn: với họ Khúc và từ 905, về cơ bản đã kết thúc thời ngàn năm Bắc thuộc, nhưng khi Ngô Quyền cắm cọc Bạch Đằng năm 938, phá tan đoàn thuyền xâm lược của Nam Hán, thì cũng là cắm một cái mốc lịch sử mới cho thời đại độc lập tự chủ của Việt Nam. Ngô Quyền xưng vương, đặt trăm quan, định triều nghi, đóng đô ở Cổ Loa, tỏ ý nối tiếp “Quốc thống” xưa của An Dương Vương - Âu Lạc (CM).

Thì... nói theo tư tưởng của Trung ương, cứ để cho giới khoa học lịch sử tự do thảo luận dài dài, đừng ai tự cho mình là có quyền “nói lời cuối cùng” (theo ý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).


2. Về vấn đề họ Khúc, tôi có 3 ý kiến sau đây:

Nhà Đường, với danh nghĩa cầm đầu trung ương đế chế, chỉ cử được đến viên quan Tiết độ sứ An Nam cuối cùng là Độc-cô Tổn (Họ Độc-cô của người Turc) (889-904) mà người Việt ta gọi là “Ngục thượng thư” (Thượng thư ác). Khi nhà Đường triệu hồi Tổn về Tràng An chưa có ai kịp sang thay thì, viết như Tư Mã Quang (Tư trị thông giám, quyển 165) “Khúc Thừa Dụ nhân loạn coi giữ đất An Nam”, đặt vua Đường ở thế đã rồi, bất đắc dĩ phải phong “năm Thiên Hựu thứ 3 (906) thăng Tĩnh hải Tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ chức Đồng bình chương sự” (tức là đại thần cực phẩm, cũng ngồi làm việc quân quốc trọng sự).

Thế là rõ, nhà Đường không phong chức Tiết độ sứ Tĩnh Hải An Nam (những chức danh đầy chất kỳ thị) cho Khúc Thừa Dụ mà tự họ Khúc chiếm lấy chức ấy. Đấy là hành động rất khôn ngoan cướp chính quyền một cách hòa bình để xây dựng một chính quyền tự chủ trong hoàn cảnh lịch sử ngày xưa.

Không nên tách một sự việc ra khỏi một hoàn cảnh lịch sử. Nhưng cũng có người lại vin cớ họ Khúc chỉ mới xưng là Tiết độ sứ thôi để nói rằng họ Khúc vẫn phụ thuộc vào đế chế Đường. Đó là chủ nghĩa hình thức. Họ không thấy ở thế kỷ 20, khi hoàn cảnh bắt buộc, cụ Hồ vẫn ký hiệp định sơ bộ 06/03/1945, khi phía Pháp chỉ công nhận “Việt Nam là một xứ tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp”.

Có lẽ trong hai việc của họ Khúc thế kỷ 10 và của cụ Hồ thế kỷ 20, ta nên dùng lời bình của Ngô Thì Nhậm đầu thế kỷ 19 là xác đáng nhất: “Gặp thời thế, thế thời phải thế”!

Điều quan trọng hơn là hãy xem chính sự của họ Khúc.

Theo ghi chép của CM thì với họ Khúc, “chính sự cốt chuộng Khoan (dung), Giản (dị) để dân được An (cư) - Lạc (nghiệp)”, đó là một nền chính trị rất hợp lòng dân, đánh trúng tâm lý tiểu nông, cho đến nay vẫn chiếm đa số dân chúng. Người tiểu nông, người dân thường nói chung cần có một chính quyền, có một chính sách “khoan-giản”. Đấy là một định hướng chiến lược lâu dài cho mãi đến cuối thế kỷ 14, khi sắp mất, Hưng Đạo đại vương vẫn khuyên vua làm như thế: “Khoan nhu sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”.

Người dân thường các đời muốn gì?

- Muốn yên (hãy để cho tôi yên).

- Muốn vui (chúng tôi cần một niềm vui sống).

Thế cho nên cách đây hai chục năm, khi Đảng và Nhà nước bàn về chiến lược phát triển, tôi đã nói và viết rằng: “Chiến lược bốn chữ khoan-giản-an-lạc của họ Khúc là một chiến lược vĩ đại, có giá trị lâu dài”. Điều này đã được đưa vào giáo trình đại học.

Ở thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi bàn về Cải cách và Đổi mới (được ghi nhận từ năm 1986), tôi đã phân tích vì nhiều lý do mà cái nền tảng “ba nông”:

Nông dân-Nông nghiệp - Nông thôn là cho một Đại Việt - Việt Nam truyền thống có ít nhà cải cách đối mới, tính bảo thủ của truyền thống rất cao (như trong Tư bản, Mác dẫn câu thành ngữ Pháp: “Người chết níu người sống”). Đi ngược dòng lịch sử ta thấy:

- Thế kỷ 20 có Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh rồi sau này thập kỷ 80 là Nguyễn Văn Linh, Hồ Nghinh, Trường Chinh...

- Thế kỷ 19 có Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch... thất bại não nề và mất nước.              

- Cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 có Hồ Quý Ly, thất bại và mất nước.

- Đầu thế kỷ 10 có nhà cải cách Khúc Hạo, con nối dõi nối quyền của Khúc Thừa Dụ.

Vậy, theo dòng lịch sử, Khúc Hạo là nhà cải cách đầu tiên của thời quân chủ Việt Nam .

Những cải cách của Khúc Hạo là gì? Sử cũ chép quá vắn tắt, sơ sài, bắt buộc ta phải vừa đọc vừa suy đoán.

- Muốn biến đổi một An Nam đô hộ phủ trực thuộc đế chế Đường thành một xứ sở tự chủ, thì trước hết phải cải cách hành chính. Và Khúc Hạo đã làm như thế.

Theo sách An Nam chí nguyên, Khúc Hạo “đổi các huyện hương làm giáp, đặt một người quản giáp, một người phí tri giáp coi việc thu thuế” (An Nam chí nguyên quyển 3, trang 180-181).

Đơn vị hành chính cấp cơ sở là xã. Lần đầu tiên Khúc Hạo thay mặt chính quyền đặt được chức xã quan: mỗi xã có một người chánh lệnh trưởng và một tá lệnh trưởng (CM, tiền biên, quyển 5, 15a). Nông thôn trước cách mạng tháng Tám, ở mỗi giáp vẫn có chức ông lềnh (đọc chệch chữ lệnh) chỉ huy công việc xã hội của giáp (tang ma, cưới xin, đóng thuế thân...).

- Theo đường lối khoan-giản-an-lạc của cha, Khúc Hạo đã sửa lại chế độ tô thuế (điền tôm phú dịch và tạm hoãn việc bắt phu (lực dịch). Với một xã hội nông nghiệp thì việc chính sự chỉ có 3 điều chính trong mối quan hệ với chính quyền trung ương: tô thuế-phu phen-lĩnh trang. Sử cũ chép gọn:

Khúc Hạo “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ tịch, kê rõ họ tên, quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi. Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui” (CM, tiền biên, quyển 5, 15a).

Rõ ràng công cuộc kinh dinh nền tự chủ của họ Khúc đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho xã hội nước Việt Nam mà các triều đại sau đó hoàn thành.

Chỉ xét về danh xưng cũng vậy. Ba cha con họ Khúc, rồi Dương Đình Nghệ mới chỉ tạm xưng là Tiết độ sứ, nhưng thực sự đã làm chủ mọi công việc trong nước.

Đến Ngô Quyền thì đã xưng vương, có triều đình trung ương, có kinh đô.

Đến Đinh Bộ Lĩnh thì đã xưng đế, có kinh đô Hoa Lư, có quốc hiệu là Đại Cồ Việt, có niên hiệu Thái Bình...

Dân ta có tục lệ đẹp: Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Kính mong Hải Dương, xứ Đông đã làm vậy và sẽ vẫn làm vậy với các danh nhân quê hương. Rất mong sớm được thấy tượng Khúc Tiên chúa và khu đền tưởng niệm ông trên bờ Ninh Giang.

Nguồn: Văn Hiến Việt Nam số tháng 8/2005

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.