Hiểu thêm về cách gọi người Hoa
Tên của một dân tộc, có tên gọi chính thức, được tôn trọng và nhiều khi cũng có tên gọi không chính thức, không được tôn trọng. Một dân tộc có nhiều tên gọi thì cần phải hiểu, phân biệt cho rõ tên nào được tôn trọng và tên nào không được tôn trọng để giao tiếp tốt hơn theo tinh thần các dân tộc đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Những người từ đất nước Trung Quốc di cư sang sinh sống ở nước ta cho đến nay có nhiều tên gọi khác nhau như: Hán, Hoa, Quảng, Tiều, Chệch… Dựa vào những cứ liệu về lịch sử, văn hoá trong giao tiếp và ngôn ngữ, chúng tôi phân tích, lý giải các cách gọi mà nhiều người chưa hiểu đúng.
Từ hàng ngàn năm trước cho đến nay, có nhiều đợt di dân từ Trung Quốc sang Việt Nam , phần đông là dân tộc Hán nên ta gọi họ là người Hán. Trung Quốc còn gọi là Trung Hoa nên ta cũng gọi họ là người Hoa. Hiên nay, Hoa là tên tự xưng cho họ, dùng để gọi chung cho tất cả các dân tộc từ Trung Quốc sang Việt Nam .
Từ những thập niên cuối thế kỷ XIX cho đến những thập niên gần đây có nhiều đợt di dân lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam , và định cư chủ yếu ở Sài Gòn, Chợ Lớn và miền Tây Nam Bộ. Họ là những người từ các địa phương khác nhau, nói các phương ngữ khác nhau đến. Và xuất hiện tên gọi theo địa phương hay phương ngữ để phân biệt các nhóm người này, đó là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu… Ngoài ra còn có tên gọi là Ba Tàu, Chệch, Tiều mà nhiều người chưa biết tại sao.
Về cách gọi Ba Tàu, từ trước đến nay có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng tựu trung lại có 2 cách lý giải sau:
- Cách thứ nhất cho rằng, ngày xưa người Trung Quốc sang Việt Nam bằng 3 chiếc tàu cho nên được gọi là người Ba Tàu.
- Cách thứ hai cũng cho rằng người Trung Quốc sang Việt Nam bằng tàu. Khi lên bờ giao tiếp với người Việt, người trên tàu gọi người Việt bằng anh, người Việt gọi lại là chú ba (tàu), hay chú khách (Khách cũng là một cách người Việt gọi người Hoa ngày xưa, hiện nay không thấy dùng nữa).
Quả là thời gian cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có nhiều nhóm người Hoa vào Việt Nam bằng tàu, nhưng không phải là 3 chiếc tàu. Vả lại người Hoa sau khi vào Việt Nam thì lên bờ tìm đất sinh sống thì ai mà biết là họ đi mấy tàu mà gọi họ là Ba Tàu? Nếu có sống buôn bán trên tàu đi nữa thì phải có nhiều chiếc chứ đâu phải là 3 chiếc!
Theo Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895), người Việt Nam thấy người bên Trung Quốc qua lại buôn bán bằng tàu nền gọi là người Tàu. Ông không đưa mục từ Ba Tàu vào từ điển.
Hiện nay nhiều địa phương không biết, không dùng tên Ba Tàu mà chỉ biết tên Tàu mà thôi. Thí dụ hàng Tàu, đồ Tàu, xe Tàu. Không ai nói xe Ba Tàu.
Như vậy yếu tố ba và tàu không phải lúc nào cũng đi với nhau, và có lẽ yếu tố tàu không đồng thời xuất hiện với yếu tố ba. Yếu tố ba chỉ mới xuất hiện sau này, thời Huỳnh Tịnh Paulus Của cũng chưa có hoặc là có sử dụng nhưng còn mới, không chính thức, nên ông ấy mới không đưa Ba Tàuvào từ điển (chỉ đưa Tàu).
Nếu chỉ đi bằng tàu để vào Việt Nam rồi sau đó lên bờ để sinh sống thì khó có thể để lại ấn tượng làm cho người ta gọi đó là người Tàu.
Cách giải thích đúng đắn hơn về lý do người Việt gọi người Hoa là người Tàu, vì người Hoa gắn liền với đặc điểm buôn bán, sinh sống, đi lại trên tàu. Còn ba yếu tố cần phải bàn thêm.
Cách gọi người Hoa bằng Ba Tàu thường được thêm yếu tố chú đằng trước (chú Ba Tàu) hay gọi tắt là chú Ba. Dựa vào điều này, có thể nói yếu tố ba không phải là số 3 chỉ số lượng, mà ba chính là thứ 3 sau người thứ 2 trong gia đình.
Để có được quan hệ giữa người Việt và người Tàu (người đi trên tàu) như là quan hệ anh em trong gia đình - quan hệ anh hai, chú bathì phải có thời gian tiếp xúc đặc biệt, lâu dài.
Cách đây khoảng vài chục năm, ở miền Tây sông nước, người Hoa buôn bán trên tàu, trên ghe, bán đồ hàng bông (tạp hoá), bán thuốc theo kiểu Sơn Đông mãi võ. Giữa người mua và người bán thì người mua được tôn lên vai lớn. Ở miền Tây, theo thói quen xã giao ngoài xã hội, giữa hai người đàn ông thanh niên với nhau, ai lớn là anh hai, nhỏ là chú ba.
Hơn nữa, người Hoa còn được gọi là Chệch. Cách gọi này góp phần lý giải tại sao người Tàu được gọi là chú Ba Tàu, hay Ba Tàu.
Ban đầu, khi tiếp xúc với người Việt thì được người Việt gọi là chú Ba hay chú Khách. Về sau có mối quan hệ lâu dài với người Việt, khi tiếp xúc với thế hệ con cháu, thì một bộ phận người Hoa Triều Châu, xưng là chệch(chệch là tiếng Triều Châu, dịch sang tiếng Việt là chú,và chú trong trường hợp này là chú lớn).
Được gọi là chú, nhưng người Triều Châu vẫn thích xưng là chệch. Giữa gọi và xưng không khớp thì xảy ra hiện tượng người Việt chuyển sang dùng cách xưng hô của người Triều Châu (hiện tượng này rất phổ biến, có ảnh hưởng sâu sắc đến cách xưng hô của người miền Tây Nam Bộ), nghĩa là người ta tự xưng như thế nào thì mình gọi người ta như thế ấy.
Đây là cách xưng hộ lạ, người Việt chỉ hiểu Chệchlà một từ chỉ dùng để gọi người Triều Châu, chứ người Viêt không hiểu chệchlà chú,chệchlà một từ chỉ quan hệ thân tộc được dùng trong xưng hô như các từ khác. Chệch sinh con ra và cũng được gọi là Chệch. Và sau này người ở miền Tây Nam Bộ gọi tất cả những người từ Trung Quốc sang Việt Nam là chệch.
Người Quảng Đông, người Triều Châu được gọi tắt là người Quảng, người Triều.
Tiều có phải chính là do đọc chệch âm của Triều trong Triều Châu hay không, vấn đề này cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn.
Quả là trong một vài phương ngữ của tiếng Việt có hiện tượng “ tr” phát âm thành “ t”. Thí dụ: Bến Trephát âm thành Bến Te; Ba Triphát âm thành Ba Ti. Cho nên Triềuphát âm thành Tiều.Cách lý giải này khó chấp nhận được vì các địa phương có hiện tượng này thì lại rất ít người Triều Châu cư trú, và cũng không phải là nơi đầu tiên người Triều Châu từ Trung Quốc sang cư trú. Hiện nay từ Tiều dùng để gọi người Triều Châu (cũng có nhiều người nhầm lẫn dùng để gọi cho tất cả người Hoa) được dùng chủ yếu ở các tỉnh phía nam sông Hậu, mà nơi này lại hoàn toàn không có hiện tượng ngữ âm như trên.
Cách lý giải khác là do người Việt nói chệch âm trực tiếp của tiếng Triều Châu.
- Triều - âm Hán Việt.
- /tio/5 - âm Triều Châu.
- Tiều (tìu - phương ngữ Nam Bộ) - âm Việt đọc chệch từ âm Triều Châu.
Khi giao tiếp với người Việt, người Triều Châu tự giới thiệu mình là /tio/5. Khi đó người Việt nhắc lại, lặp lại không thể hoàn toàn giống như âm của người Triều Châu nói, người Việt nói /tio/5 thành Tiều hay Tìu.
Việc sử dụng tên gọi tộc người Hoa thì cần lưu ý như sau:
Ba Tàu và Chệch là cách gọi không đúng (như giải thích ở trên), và cũng không phải là tên tự xưng, tên được tôn trọng của các nhóm người này. Trong cuộc cộng cư va chạm với người Việt, cách gọi như thế dẫn đến những hiểu lầm không hay làm xuất hiện một số thành ngữ, quán ngữ có nghĩa xấu chứa từ Chệch. Vì vậy, nó đã trở thành tên gọi khiếm nhã.
Tiều là cách nói chệch âm của từ /tio/5, chỉ được dùng để gọi riêng nhóm người Triều Châu.
Dùng từ Tiều để gọi cả cho người Quảng Đông, người Phúc Kiến thì cũng trở thành khiếm nhã.
Từ năm 1979 đến nay, trên danh mục chính thức của Nhà nước, cộng đồng người Hoa ở nước ta đều thống nhất gọi là dân tộc Hoa.
Nguồn: Dân tộc và Thời đại, số 62, 1/2004