Động kinh trong dân gian còn gọi là làm kinh, kinh giật, phong xù khác với co giật khi sốt cao, có nhiều biểu hiện tuỳ theo đó là loại cơn nào: - Cơn động kinh điển hình là động kinh cơn lớn hay động kinh toàn thân thường diễn ra rất đặc trưng, bởi những cơn co giật và bất tỉnh.
Có những hiện tượng trước khi cơn xảy ra vài giờ hay vài ngày như: đau nửa đầu, dị cảm, rối loạn tiêu hoá, hồi hộp, run, thay đổi tính khí, trầm cảm. Ngay trước khi phát cơn, có tiền triệu chứng xảy ra, bao gồm: Về vận động: nháy mắt, nghiến răng, cử động các chi; về cảm giác: kiến bò, cảm giác có luồng khí chạy khắp cơ thể, cảm giác bỏng, về thị giác (hoa mắt, ảo thị, thấy ánh sáng màu…) về thính giác (ù tai, nghe tiếng chuông, tiếng nói …), về khứu giác (ngửi thấy mùi diêm sinh, mùi khét), về vị giác (vị khó chịu nơi miệng), về nội tạng (nấc, hồi hộp, buồn nôn, nôn…), về tâm thần (lo lắng, nóng giận, hung hãn…). Thông thường mỗi người bệnh động kinh bị một trong các loại tiền triệu nói trên ở tất cả các lần động kinh.
Sau đó, vào cơn động kinh, bệnh nhân kêu lên một tiếng rồi ngã ra bất tỉnh. Khi ngã, bệnh nhân không tránh được các tình huống nguy hiểmnhư ngã vào lửa, nước sôi, vật bén - nhọn, cầu thang, hố sâu, ao nước… nên có thể bị thương. Các chi cứng đơ, lồng ngực và cơ hoành bất động trong tư thế thở ra gắng sức, ngưng thở trong vài giây, bệnh nhân ngạt thở và xanh tím, hàm ngậm chặt, nghiến răng, mắt đảo ngược, giai đoạn này khoảng 30 giây.
Tiếp theo, bệnh nhân có những cơn co giật có nhịp, cường độ mỗi lúc một mạnh thêm nhưng nhịp độ thưa dần. Cơn co diễn ra đồng bộ ở toàn thân, lưỡi từng lúc thè ra ngoài trong khi đó hàm thí nghiến lại, vì vậy bệnh nhân thường cắn vào lưỡi, môi và mặt trong má, sau cơn sẽ thấy những vết thương bên trong miệng. Cơ mặt co giật và tăng tiết nước bọt nên bệnh nhân nhăn mặt và sùi bọt mép. Cơ vòng bị giãn nên bệnh nhân tiểu dầm. Giai đoạn này lâu 2 - 3 phút và kết thúc bằng sự giãn tất cả các cơ, bệnh nhân thở ra một tiếng dài.
Sau đó bệnh nhân nằm bất tỉnh, tiếng thở rống và xanh tím giảm dần, người bệnh như đang ngủ say. Giai đoạn này lâu từ 15 phút đến vài giờ, người bệnh đau khắp mình mẩy, không nhớ chút gì về cơn động kinh đã qua.
Ngoài cơn động kinh, bệnh nhân có thể rối loạn vận động (liệt nhẹ hay co cứng), rối loạn cảm giác (giảm hay mất cảm giác), nhìn mờ, cơn nóng giận cực độ…
Các cơn thường xảy ra về đêm hoặc sáng sớm,lúc đầu còn cách xa, dần dần gần hơn .
Trên thực tế, cơn động kinh rất đa dạng không điển hình, không đầy đủ như mô tả trên. Có nhiều loại như: động kinh cơn nhỏ, động kinh cục bộ, động kinh liên tục… Vì thế, trước một bệnh nhân có nhiều sẹo, thương tích trên người mà không có nguyên nhân chính đánh, thầy thuốc phải nghĩ đến động kinh khi có 1 trong 4 đặc điểm sau đây:
- Trước đó có những lần ngất xỉu hoặc té ngã mà không rõ nguyên nhân.
- Xuất hiện đột ngột tình trạng nói sảng mà không phải do những nguyên nhân thường gặp.
- Sự xuất hiện đột ngột các rối loạn tâm thần ở một người bình thường.
- Trước đó có những cơn giống nhau với đặc tính xuất hiện đột ngột và hồi phục tự nhiên.
Vai trò của điện não đồ rất quan trọng trong chẩn đoán động kinh, nhất là động kinh cục bộ, ổ động kinh có thể được tìm thấy ở 25 - 50 % trong nhóm này.
Xét theo bệnh căn học, động kinh có hai loại:
- Động kinh nguyên phát hay động kinh vô căn: chiếm đa số các trường hợp động kinh, có tính di truyền (nghiên cứu cho thấy: một số đặc điểm của điện não đồ bệnh nhân động kinh cũng được thấy ở cha mẹ bệnh nhân, kể cả khi cha mẹ không có biểu hiện động kinh). Không xác định được nguyên nhân hay tổn thương não nào để lý giải căn bệnh. Điều trị động kinh là chính.
- Động kinh thứ phát hay động kinh triệu chứng: có một bệnh căn nguyên gây ra động kinh, khi điều trị phải tìm cho được bệnh gốc này. Bệnh căn nguyên có thể từ não hay bệnh toàn thân.
Tại não: bướu não (đôi khi động kinh là biểu hiện duy nhất của bướu não), áp - xe não, nhiễm ấu trùng sán heo, nhiễm Toxoplasma, nhiễm nấm Criptococcus neoformans.Chấn thương sọ não gây chảy máu động mạch màng não giữa, một vết lõm sọ chèn ép não hay xương gãy kích thích vỏ não. Động kinh do sẹo sau chấn thương xuất hiện vài tháng sau thời điểm bị chấn thương. Sang chấn khi sinh đẻ, bệnh não ở trẻ nhỏ.

Khoảng 0,5% dân số bị động kinh vô căn, ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Thời điểm khởi phát cơn động kinh thường vào khoảng tuổi thiếu niên hay thanh niên, ít khi khởi phát sau 20 tuổi và rất hiếm khi khởi phát sau 40 tuổi. Dựa vào tuổi khởi phát cơn động kinh, có thể nghĩ đến nguyên nhân động kinh:
Nếu là động kinh vô căn, ngoài việc điều trị bằng thuốc người bệnh cần có một đời sống năng động (sai lầm của gia đình bệnh nhân là không cho người bệnh làm gì, không được ra ngoài, có xu hướng nhốt bệnh nhân trong phòng vì sợ người ngoài biết hay thấy bệnh nhân trong cơn động kinh); tất nhiên là bệnh nhân phải tránh những hoạt động nguy hiểm như lái xe, bơi lội, đu dây, leo trèo, nấu nướng… có khi phải thay đổi công việc đang làm. Tuyệt đối tránh uống rượu, bia. Luôn luôn mang trong người giấy tờ ghi rõ họ tên, địa chỉ, căn bệnh, đang điều trị tại đâu, thuốc điều trị.