Hãy tin dân mình như Bác đã tin
Là một nhà cách mạng từng trải, Hồ Chí Minh nhìn rõ sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước gắn bó rất chặt với sự vận động, biến đổi và phát triển của thế giới. Vận mệnh của một dân tộc không thể nằm ngoài sự vận động và phát triển của các dân tộc khác trên trái đất này. Cho nên, nhờ sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại mà tư tưởng Hồ Chí Minh đủ sức soi rọi cho những bước tìm tòi đi tới của dân tộc ta trong một thế giới đầy biến động. Trong đó, kiểu tư duy tuyến tính và kinh nghiệm cũ không đủ cho hành trình dân tộc đi tới trên con đường chưa có bản đồ. Không thấy tính tất yếu của quá trình vận động dẫn đến sự phán quyết của lịch sử đối với chế độ tư bản sẽ không hiểu được quy luật vận động của lịch sử.
Tuy nhiên, nếu không thấy những điều chỉnh để có thể tồn tại và phát triển thì chế độ tư bản hiện đại đang đẩy tới quá trình làm biến đổi hoàn cảnh và con người sống trong hoàn cảnh đó, là quay lưng lại với hiện thực đang vận động, là tự bưng tai bịt mắt mình, tước bỏ mất khả năng hành động phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống. Cuộc chiến đấu căng thẳng trong nghị trình gia nhập WTO vào những ngày đầu tháng 5. 2006 này giúp chúng ta hiểu thêm điều đó.
Không phải đợi đến tận hôm nay, mà ngay từ 1924, với một cách nhìn đầy bản lĩnh do không chịu gò mình vào những khuôn thức được áp đặt, Nguyễn Ái Quốc đã đòi hỏi phải “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản” với lập luận rằng “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước... Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”.
Nguyễn Ái Quốc nhận định rằng, ở VN, “ cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”, để cho “c hủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”, thì ”không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”.
Người lập luận: " Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Người đòi hỏi phải “ xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông” (4).Theo William J. Duiker, tác giả của cuốn sách về Hồ Chí Minh năm 2000 “thì đây là một nghịch lý táo bạo, nhưng lại là một thực tế tuyệt vời”. (5)
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện một cách thật tường minh những nhận định, phán đoán và dự báo độc đáo của mình. Không thể không chú ý đến một sự thật lịch sử là Hồ Chí Minh không hề câu nệ trong quá trình tìm kiếm phương tiện để nhằm thực hiện mục tiêu.
Gần đây, người ta hay nhắc lại một ý tưởng của Người: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta… Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. (6)
Nghĩ kỹ, chúng ta sẽ hiểu ra rằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh” không đơn thuần chỉ là sự vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng lý luận của “học thuyết của C.Mác” vào hoàn cảnh cụ thể ở VN. Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu những phần tinh tuý nhất của học thuyết khoa học và cách mạng đó. Quá trình bôn ba khắp năm châu bốn biển, Hồ Chí Minh đã hấp thu vào mình trí tuệ, văn hoá của cả loài người.
Có được điều đó, trước hết là do Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về dân tộc mình, thấm nhuần lịch sử và văn hoá dân tộc. Nhờ nắm vững phương pháp biện chứng của học thuyết C.Mác gắn với tư duy thực tiễn của người cách mạng VN, Người đã tạo nên một kết hợp hài hòa. Ở Hồ Chí Minh, lý luận không bao giờ trừu tượng. Nó luôn luôn là một cách nhìn sâu sắc và thực tế về những con người, những vấn đề trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Là một nhà chính trị ở tầm cao, Người có khả năng phân biệt được cái gì có tính chất sống còn và cái gì có thể đàm phán, nhân nhượng dù là đau đớn để có thể “dĩ bất biến , ứng vạn biến". Đó là điều đã làm cho Người có đủ bản lĩnh làm chủ mọi tình huống, có thể vận động giữa những lực cản phức tạp.
Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với ba đặc trưng “Độc lập”, “Tự do”, “Hạnh phúc”xuất hiện cùng với Cách Mạng Tháng Tám và ngày lập nước là minh chứng sinh động và thuyết phục đã quy tụ mọi tấm lòng Việt đủ mọi chính kiến, thành phần, tôn giáo tín ngưỡng ở bất cứ đâu. Chân lý là cụ thể, vì thế nó gần gũi, hấp dẫn. Bằng sự nghiệp, trí tuệ, bản lĩnh và phẩm cách của Hồ Chí Minh, chúng ta có một thuận lợi vô song để tiến hành một cuộc Đổi Mới triệt để và toàn diện, vứt bỏ không vương vấn những ràng buộc của quá khứ, những xiềng xích tư tưởng một thời trói buộc đầu óc những ai muốn tìm tòi sáng tạo.
Tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã thực sự là ngọn cờ trong khối óc và trái tim người VN, dân tộc VN. Cũng có thể một số rất ít người Việt nào đó không thừa nhận điều này. Nhưng không sao. Lịch sử và thời gian sẽ xoá đi những nếp hằn được gây nên bởi nhiều nguyên nhân.
"Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của người VN"
Nếu nói thật gọn thì tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của con người VN, dân tộc VN tiên tiến và có hiệu quả nhất. Tư tưởng đó được hình thành từ xa xưa, biến chuyển cùng với lịch sử lâu đời của dân tộc, được làm giàu đẹp và độc đáo thêm trong quá trình tiếp biến hàng ngàn năm với nhiều hệ tư tưởng, nhiều nền văn minh phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, rồi từ thế kỷ XIX với nhiều hệ tư tưởng và nhiều nền văn minh phương Tây, được đột biến và nâng cao về chất. Tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của sự xuất hiện tư tưởng Hồ Chí Minh vào đầu thế kỷ XX khi gặp được luận cương của Lênin về dân tộc và những tư tưởng lý luận của Học thuyết Mác.
Từ đó, tư tưởng ấy tiếp tục phát triển sáng tạo cả trong thực tiễn lẫn lý luận, gắn kết với việc phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc và sự tiếp thu những thành quả hiện đại của tư tưởng loài người. Tiến trình hình thành tư tưởng ấy trong gần 2/3 đầu thế kỷ XX, in đậm dấu ấn riêng của cuộc đời hoạt động, bản lĩnh và nhân cách Hồ Chí Minh, được tiếp nối trong công cuộc đổi mới và phát triển hiện nay của dân tộc ta.
Hồ Chí Minh không là một vị thánh, Hồ Chí Minh là một con người. Là con người VN nhất trong những người VN của thế kỷ XX, thế kỷ “ngang ngạnh” và đầy biến động. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của trí tuệ VN, khí phách và bản lĩnh VN. Dấn bước trên con đường hội nhập, dân tộc ta phải trang bị cho mình vũ khí có hiệu năng lớn lao nhất đó. Tin chắc vào nhân dân mình như Hồ Chí Minh đã tin, dựa chắc vào nhân dân như Hồ Chí Minh đã làm, chỉ như vậy Đảng của Hồ Chí Minh mới có thể chỉnh đốn và đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu như ĐH X đã chỉ ra.
Và, chỉ làm được như vậy khi thực hiện đúng lời căn dặn của Hồ Chí Minh lúc Người từ biệt chúng ta: “ Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. (7)
Tương Lai
Chú thích:
4. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 1, NXB CTQG. 1995 (tr 466,467).
5. Theo William J.Duiker trong “Hồ Chi Minh” Heperion New York 2000
6. Chương trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh.“Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”NXBKHXH.1993 (tr. 84).
7. “Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” NXB TRẺ. 2004 (tr 55)
Nguồn: vnn.vn 18/5/2006