Hành trang và sự nghiệp của Đông các Đại học sĩ Lê Nhân Quý
Theo Lê Nhân đại tộc phả ký, khoảng năm 1407, khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của Vương triều Hồ bị thất bại, Lê Nhân Thực, vốn quê gốc ở làng Trà Giai, huyện Đông triều, trấn Hải Dương, đã đưa gia đình vào phía Nam Thanh Hoá ẩn cư. Lúc đầu Lê Nhân Thực vào ở vùng Lương Niệm, huyện Quảng Xương trong thời gian chừng 2 – 3 năm, sau đó, lại dời về vùng Cồn Cách - Mả Ngạ, gần chân núi Đòn sinh sống.
Khoảng năm 1440, cụ Lê Nhân Thực đưa toàn gia đình, cùng với gia nhân dời về phía Đông, chân núi Tháp – nơi có nhà thờ Đại tôn họ Lê Nhân hiện nay, làm nhà, dựng trại ở cố định. Tại đây, Lê Nhân Thực tổ chức dân chúng đắp đê, thau chua rửa mặn, tạo nên những cánh đồng lúa màu mỡ. Vốn là người có tài về quân sự, có con mắt nhìn xa trông rộng, cụ đã tổ chức nhân dân trong vùng thành những đội dân binh để canh giữ làng xóm, bảo vệ thành quả lao động và trấn giữ vùng bờ biển Nam Thanh - Bắc Nghệ, một vị trí yết hầu quan trọng thời bấy giờ.
Khi ấy, Lê Nhân Thực đã có 2 bà vợ và 15 người con, sau lấy thêm bà vợ thứ ba là Đỗ Thị Đô, con gái họ Đỗ, người thôn An Lạc (nay là xã Xuân Lâm) cùng trong huyện Tĩnh Gia, sinh ra con trai út, thứ 16 là Lê Nhân Quý. Sau này, dòng họ Lê Nhân tôn Lê Nhân Thực làm Đệ Nhất thế thuỷ tổvà Lê Nhân Quý làm Đệ nhị thế khởi tổ(Lê tộc tiên tổ duệ hiệu).
Tương truyền, ngay từ khi còn nhỏ, Lê Nhân Quý đã rất thông minh, được thân phụ là Lê Nhân Thực dạy cho các môn võ nghệ, và được ông ngoại là Đỗ Thuần Phu dạy cho văn chương, sử sách. Lê tộc tiên tổ duệ hiệu chép về cụ như sau: “Ngoại tổ Lê triều Tiến sĩ, Giám sát Ngự sử Đỗ Tướng công, tự Thuần Phu…”. Tạm dịch: Ngoại tổ (của họ Lê ta – TG) là Đỗ Thuần Phu, đỗ Tiến sĩ dưới triều Lê làm chức Giám sát Ngự sử.
Về Lê Nhân Quý, sách Lê tộc tiên tổ duệ hiệuchép như sau:
Đệ Nhị thế khởi tổ, dưới triều Lê, là Giám sinh Quốc tử giám trung khoa Hoành từ, khâm thụ chức Hàn Lâm viện, kiêm Đông các Đại học sĩ, Sơn Tây xứ Tán trị công thần, Thừa chính sứ ty Tham chính, Lê Tướng công, tự Nhân Quý, thụy ích Tốn. Được Hoàng triều (tức triều Nguyễn – TG) sắc phong là Dực bảo Trung hưng Linh phù Đoan túc Tôn thần)”. Cũng theo Gia phả họ Lê Nhân, sau khi Lê Nhân Quý thi đỗ khoa Hoành từ, cụ được bổ làm tri huyện Thụy Anh (Thái Bình), sau được thăng làm Tri phủ Thiệu Thiên (Thanh Hoá).
Lê Nhân Quý là một công thần dưới triều Lê sơ, chúng tôi cho rằng sự nghiệp của ông được ghi dấu một cách đậm nét ở ba lĩnh vực dưới đây:
Dẹp loạn Lê Nghi Dân đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội thời Lê sơ
Năm 1428, Lê Lợi, chính thức lên ngôi Hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tổ, đặt niên hiệu là Thuận Thiên (1428 – 1433). Lê Thái Tổ là một anh hùng dân tộc có công lớn trong công cuộc đuổi giặc, cứu nước trước đây và cũng là vị vua đầu tiên của thời Lê sơ đã đặt những cơ sở đầu tiên cho việc phát triển của Nhà nước phong kiến tập quyền sau này. Nhưng một quy luật thường xảy ra dưới thời phong kiến là: Khi mối lo từ bên ngoài không còn nữa, thì “ tiêu tường chi hoạ” (tức cái hoạ bên trong) bắt đầu nảy sinh. Ngay sau khi lên ngôi có một năm, năm 1429, Lế Thái Tổ đã giết hai đại công thần sáng lập nên Vương triều Lê là Trần Nguyễn Hãn và Phạm Văn Xảo. Và cũng vào năm ấy, Lê Thái Tổ cũng bắt giam Nguyễn Trãi - người luôn luôn sát cánh bên cạnh Chủ tướng Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427). Sau này, sử thần Ngô Sĩ Liên giải thích nguyên nhân của hành động nói trên của vị vua sáng lập triều Lê như sau: “Trước kia, Thái tổ tuổi già nhiều bệnh, lại thêm Quận vương (Tư Tề) điên cuồng bậy bạ, vua (tức Thái tử Nguyên Long – vua Lê Thái Tông sau này – TG) thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Đán, Phạm Văn Xảo đều có công giúp nước, rất được người đồng thời trọng vọng. Nguyên Hãn là con cháu nhà Trần, mà Văn Xảo là người Kinh lộ (tức Kinh đô Thăng Long – TG) lo rằng sau này có chí khác, ngoài mặt tuy lấy lễ ý tôn sùng, nhưng trong lòng vẫn ngờ…” (1).
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời, Thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, hiệu là Thái Tông, niên hiệu là Thiệu Bình (1434 – 1439) và Đại Bảo (1440 – 1442). Từ khi Lê Thái Tông lên ngôi trở đi, mâu thuẫn trong nội bộ triều đình nhà Lê càng trở lên gay cấn và khốc liệt hơn. Bấy giờ Lê Thái Tông còn nhỏ, 11 tuổi, nên mọi việc triều chính đều do Phụ chính Đại tư đồ Lê Sát trực tiếp nắm giữ. Năm 1437, lấy cớ Lê Sát chuyên quyền, Lê Thái Tông đã sát hại ông. Sự việc không dừng lại ở đấy, con sóng gió của vương triều Lê càng trở nên dữ dội hơn sau cái chết của Lê Thái Tông ở Trại Vải (Lệ Chi Viên) vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442). Hậu quả tất yếu của các vụ tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong triều đình, dẫn đến cái chết oan khốc của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ngày 16 tháng 8 năm ấy, ông cùng với toàn bộ gia tộc bị giết chết bởi bản án “ Tru di tam tộc” của cái triều đình mà chính ông góp công đầu để tạo dựng lên.
Năm 1443, Thái tử Bang Cơ, con thứ ba của Lê Thái Tông lên ngôi, miếu hiệu là Thái Hoà (1443 – 1435) và Diên Ninh (1454 – 1459). Bấy giờ vua Lê Nhân Tông mới có 3 tuổi, Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, buông rèm nhiếp chính, thực sự quyết đoán mọi việc. Trong thời gian 10 năm đầu, tương ứng với niên hiệu Thái Hoà (1443 – 1453), Thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền bính, nhiều vị công thần khai quốc của nhà Lê, bị giết chết hay bắt giam hoặc bị cầm tù cả gia đình như: Năm 1444, “ bắt giam Thái phó Lê Liệt” (tức Đinh Liệt, gọi Lê Lợi là cậu ruột – TG); năm 1445, “bãi chức Nhập nội đô đốc là Lê Xí” (tức Nguyễn Xí – TG); năm 1451, “giết Thái uý Lê Khả và con là Lê Quát, Từ khấu Trịnh Khắc phục và con là Phò mã Đô uý Trịnh Bá Nhai…”; năm 1452, “bắt giam Thái uý Lê Thụ và con trai là Lê Thi…”. Đến ngày 21, tháng 11 năm Quý Dậu (1453), “vua mới thân coi chính sự, đổi niên hiệu, đại xá cho thiên hạ, lấy sang năm là Diên Ninh thứ nhất (1453)” (2).
Có thể nói, trong khoảng 10 năm, từ năm 1443 đến năm 1453, nội bộ triều đình nhà Lê tiếp tục mất ổn định, nhiều vị công thần khai quốc, nhiều vị đại thần hoặc bị cách chức, bị giết hoặc bị vu hãm, đẩy vào vòng lao lý, tù đày. Tới khi vua Lê Nhân Tông đích thân cầm quyền, nhà vua ngay lập tức ban lệnh ân xá và cứu giúp những người nghèo khổ, cô quả. Đại Việt sử ký toàn thưcho biết: “Ngày 21 tháng 11 năm Quý Dậu (1453). Vua mới thân coi chính sự… Các điều ân xá thì có những việc tặng chức một bậc cho các công thần là: Lê Lễ, Lê Bị, Lê Triện, cấp 100 mẫu quan điền cho bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả, Lê Khiêm, Lê Khắc Phục và thăm hỏi cứu giúp những người không vợ, goá chồng, cô độc, cũng là nêu khen những người nghĩa phu, tiết phụ” (3).
Với những chính sách đúng đắn trên đây, những tưởng vương triều Lê vừa trải qua bao sóng gió, sẽ trở lại yên ổn để rồi phát triển vững vàng… Nhưng một tai hoạ quá thảm khốc đã giáng xuống triều đình Lê Nhân Tông. Sử cũ đã ghi chép lại sự kiện ấy như sau: “Kỷ Mão, năm thứ 6 (1459), mùa Đông, tháng 10, ngày mùng 3, Lạng Sơn vương Nghi Dân đêm bắc thang chia ba đường lên thành cửa Đông, vào trộm cung cấm. Vua và Tuyên từ Hoàng Thái hậu (tức bà Nguyễn Thị Anh – TG) đều bị giết…” (4).
Hành động bất nhân, vô nhân tính nói trên của Lê Nghi Dân không ai có thể biện hộ được. Nhưng nói như Nguyễn Trãi thì “ Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật” (Hoạ và phúc có nguyên nhân sâu xa từ trước, không phải hình thành trong một ngày). Vì sao Lê Nghi Dân lại nhẫn tâm giết em trai của mình là Lê Nhân Tông để cướp ngôi?
Nguyên do là vào đầu năm 1440, vua Lê Thái Tông đã lập con trưởng là Lê Nghi Dân làm Hoàng Thái tử. Nhưng chỉ khoảng 1 năm sau, nhà vua đã truất ngôi vị Hoàng Thái Tử của Nghi Dân. Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 3 năm Tân Dậu (1441). Giáng Dương Thị Bí làm người đàn bà thường. Trước đây Dương Thị Bí, sinh con là Nghi Dân, vua lập làm Thái tử. Dương Thị Bí cậy mình, càng tỏ vẻ kiêu căng. Vua vẫn nín chịu dung thứ, giáng xuống làm Chiêu Nghi, muốn cho đổi lỗi, nhưng Dương Thị Bí càng để lòng tức giận, không kiêng nể gì cả. Vua cho là Dương Thị Bí dụng tâm như thế, thì con đẻ ra chưa chắc đã là người khá, mới giáng xuống làm đàn bà thường, và xuống chiếu cho thiên hạ biết là ngôi Thái tử chưa định” (5). Hiển nhiên, việc bị truất bỏ ngôi Hoàng Thái tử, khiến cho Lê Nghi Dân ôm lòng oán hận vô cùng sâu sắc, chỉ còn chờ đợi thời cơ để giành lại ngôi báu mới khiến y trút bỏ được nỗi uất hận ấy.
Thực ra, để thực hiện trót lọt âm mưu cướp ngôi, Lê Nghi Dân đã lôi kéo và kết thân được khá nhiều viên quan, thậm chí cả những người giữ chức vụ trọng yếu như viên Chỉ huy vệ binh của triều đình Lê Nhân Tông là Lê Đắc Ninh. Trong Đại Việt thông sử, sử gia Lê Quý Đôn chép: “Khi Nghi Dân lớn lên, ngầm nuôi chí khác, nhòm ngó ngôi vua. Vua Nhân Tông coi là chỗ thân tình cho nên không nghi ngờ gì. Ngày mùng 3 tháng 10 năm Diên Ninh thứ 6 (1459), Nghi Dân ngầm xin viên Đô chỉ huy sứ Chỉ huy Vệ binh là Lê Đắc Ninh làm nội ứng, cùng với đồng bọn là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng tụ tập hơn 100 tên vô lại, ban đêm chúng bắc thang chia làm ba lối trèo qua thành, vào cung cấm, giết vua ở tẩm điện. Hôm sau, chúng lại giết Hoàng Thái hậu. Rồi tiếm ngôi, ban ơn cho văn võ bá quan…” (6).
Ngay khi đoạt được ngôi báu, Lê Nghi Dân đổi niên hiệu là Thiên Hưng nguyên niên, lại sai Trần Phong, Lương Như Hộc, Trần Bá Linh sang nhà Minh cầu phong. Vào năm sau, tháng giêng năm Canh Thìn (1460), Lê Nghi Dân phong vương cho những người thân của mình: “Bình Nguyên vương là Trung Thanh làm Gia vương Kinh, Bình vương Khắc Xương làm Cung vương…” (7).
Tất cả những biện pháp và hành vi chính trị nói trên, không phải không có tác dụng củng cố địa vị của Lê Nghi Dân. Khi ngôi báu đã khá vững, bè đảng đã mạnh, trong khi đó bọn chúng lại hết sức cảnh giác và tàn bạo, thì việc lật đổ Lê Nghi Dân là việc vô cùng nguy hiểm và rất khó khăn. Hành động thiếu cẩn trọng và bí mật sẽ dẫn đến cái chết không thể tránh khỏi. Trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn cho biết: “Tháng 5 năm Canh Thìn (1460), sao Xuy Vưu (8) xuất hiện ở phương Đông dài như lá cờ toả sáng ngang trời, lòng người chấn động vì sợ hãi. Các quan Tể tướng đại thần là bọn Đỗ Bí, Lê E, Lê Ngang, Lê Thụ bí mật bàn việc lật đổ (Lê Nghi Dân – TG), nhưng việc bại lộ, đều bị giết…” (9).
Theo Gia phả dòng họ Nguyễn Xí, người khởi xướng và có công đầu trong việc lật đổ Lê Nghi Dân, thì ông bị bọn Phạm Đồn, Phan Ban cho người theo dõi rất sát sao. Nguyễn Xí đã phải giả bị mù, hầu như không bao giờ ra khỏi nhà. Đến giờ phút chót để cho Phạm Đồn tin, Nguyễn Xí phải sử dụng đến “ khổ nhục kế”. Ông đã dằn lòng mà dẫm chết đưa con út chưa đầy năm của mình. Vì sự nghiệp phục hưng triều Lê, vì lẽ phải bảo vệ những con người vô tội chết oan, nhất đó lại là vị vua hiền minh Lê Nhân Tông, ông đành quên tình nhà để đền nợ nước.
Nhắc lại thời khắc khó khăn và nguy hiểm sau khi Lê Nghi Dân cướp ngôi, để chúng ta phần nào hình dung được tấm lòng trung nghĩa và tinh thần quả cảm của những vị đại thần có công lao phế Nghi Dân đưa vua Lê Thánh Tông lên ngôi, trong số đó có Tổng tri Ngự tiền Trung quân quan Nội hầu Lê Nhân Quý. Sách Đại Việt sử ký toàn thưchép: “Ngày mùng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết bọn phản nghịch [Phạm], Đồn, [Phan] Ban. Giáng Nghi Dân làm tước hầu, đón Gia vương (tức Lê Tư Thành – TG) lên ngôi Hoàng đế… Tháng 10, tâu trình những người có công trong việc tháng 6 (tức việc phế Nghi Dân, rước Thánh Tông lên ngôi – TG). Tổng đốc Nguyễn Xí và Đồng đốc Đinh Liệt tâu bày các quan trong các phiên, các quân trong ngự dinh, và họ tên của những người trước sau xướng nghĩa chém bọn nghịch thần [Phạm] Đồn, [Phan] Ban:
- Xướng nghĩa trước và hạ thủ đầu tiên là Lê Nhân Thuận, có công chém nghịch Lăng.
- Xướng nghĩa là bọn Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Lê Nhân Quý, đến Lê Lật gồm 49 người” (10).
Trong sách Đại Việt thông sử, sử gia Lê Quý Đôn chép rõ về việc các vị đại thần bí mật bàn bạc trước khi khởi sự và chức quan, tước phong của Lê Nhân Quý trong khi tham gia vụ lật đổ Lê Nghi Dân, như sau: “… Đến tháng 6, các vị đại thần có công lao cũ và các vị Khai phủ Nghi đồng Tam ty Nhập nổi kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, Á quận hầu Thái bảo Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nhập nội Kiểm hiệu Thái uý Bình chương quân quốc trọng sự, Á thượng hầu Lê Lăng, Xa Kỵ Tổng tri Lê Niệm, Tổng tri Ngự tiền Hậu quân, Á hầu Lê Nhân Thuận, Tổng trị Ngự tiền Trung quân, Quan nội hầu Lê Nhân Quý… cùng bí mật bàn nhau rằng: “Nghi Dân cùng đồng đảng là bọn Phạm Đồn, Phan Ban giết vua và quốc mẫu (mẹ vua – TG), tội ác không gì lớn hơn. Chúng ta xấu hổ làm bề tôi có công lao cũ, phải chứng kiến việc đó, phải nên cùng nhau dốc lòng trung nghĩa, khuông phù xã tắc. Nếu lại chịu ở dưới quyền kẻ bội nghịch, đứng trong triều đình của kẻ thoán thí làm kẻ có tội muôn đời, thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở dưới đất nữa” (11).
Sau khi giết bọn đầu sỏ phản nghịch là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng hơn 100 tên, các đại thần gồm Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Nhân Thuận, Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Lê Nhân Quý, Lê Lật…, ngay ngày hôm ấy (mùng 6 tháng 6), đem xe kiệu đến đón Hoàng tử thứ tư của Lê Thái Tông là Lê Tư Thành về cung. Đồng thời, các vị đại thần quyết định giáng Lê Nghi Dân xuống làm Lê Đức hầu.
Ngày mùng 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), Lê Tư Thành lên ngôi ở điện Tường Quang, miếu hiệu là Thánh Tông, đổi niên hiệu là Quang Thuận năm thứ 1, đại xá thiên hạ.
Như vậy, với việc làm trên đây, Lê Nhân Quý cùng với các vị đại thần khác như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Nhân Thuận… đã góp phần quyết định trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng, mâu thuẫn nội bộ kéo dài dưới triều các vua Lê Thái Tông (1434 – 1442), Lê Nhân Tông (1443 – 1459), Lê Nghi Dân (1459 - 1460), và quan trọng hơn đưa vương triều bước vào thời kỳ thịnh trị với việc lập Hoàng tử Tư Thành, tức Lê Thánh Tông, lên làm vua vào năm 1460. Lê Nhân Quý và các vị đại thần khác dưới triều Lê sơ đã không nhầm khi gửi gắm niềm tin của mình, khi trao vận mệnh đất nước vào tay một vị hoàng tử đủ thông minh và tài đức làm rạng rỡ cho non sông Đại Việt vào gần bốn thập niên cuối thế kỷ XV. Nước Đại Việt dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) là một quốc gia hùng mạnh, thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Việt Nam …
Tham gia cuộc chiến tranh chinh phạt Chiêm Thành, mở rộng biên giới phía Nam của Đại Việt
Vua Lê Thánh Tông lên ngôi năm Canh Thìn (1460), khi mới 18 tuổi, đúng 10 năm sau, vào năm Canh Dần (1470), ngày mùng 6, tháng 11, nhà vua xuống chiếu chinh phạt Chiêm Thành. Thực ra, cuộc chiến tranh này, nói như Lê Thánh Tông, trong bài Chiếu “ Tuy việc dùng binh là thánh nhân cực chẳng đã” (12), bởi lẽ vua Chiêm Thành là Trà Toàn, nhiều lần đem quân thuỷ, bộ đánh cướp Hoá Châu và quấy nhiễu biên giới phía Nam Đại Việt. Cuộc hành quân do vua Lê Thái Tông đích thân chỉ huy, từ tháng 11 năm Canh Dần (1470) đến tháng 2 năm Tân Mão (1471), thì tiến vào tới Kinh đô Chà Bàn của Chiêm Thành. Sách Đại Việt sử ký toàn thưchép: “Ngày 28 tháng 2, vua tiến vây thành Chà Bàn. Ngày 29, vây sát chân thành mấy vòng. Tháng 3 ngày mùng 1, hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém được hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống được Trà Toàn rồi đem quân về” (13).
Trà Toàn bị bắt và trên đường giải về Kinh đô Thăng Long, đến Thanh Hoá thì chết, bị chặt đầu đem về Kinh.
Tháng 7 năm 1471, Lê Thánh Tông lấy đất mới chiếm được của Chiêm Thành đặt làm đạo Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện, tăng số đạo trong cả nước lên 13 đạo.
Lê Nhân đại tộc phả kýcho biết trong cuộc chiến tranh chinh phạt Chiêm Thành nói trên, Lê Nhân Quý cũng trực tiếp tham gia và có công lớn trong sự nghiệp bình Chiêm, mở rộng biến giới phía Nam của Tổ quốc. Sử sách không thấy chép đến tên Lê Nhân Quý, nhưng điều này có thể tin là sự thực, vì vào năm 1460, ông đã là một võ quan cao cấp, chức Tổng tri Ngự tiền rung quân của triều Lê. Và ông được vua Lê Thánh Tông lựa chọn là một trong những viên tướng thân cận đi đánh Chiêm Thành là điều cũng dễ hiểu.
Với chiến thắng Chiêm Thành vào năm 1471, Lê Thánh Tông góp phần đẩy mạnh công cuộc Nam tiến của dân tộc kể từ đời Lý hơn 400 năm trước, và tạo nên những điều kiện mới cho các đời sau phát triển thuận lợi hơn, mau chóng hơn.
Thực hiện chủ trương của triều đình Lê sơ khôi phục sản xuất nông nghiệp
Lê Nhân Quý tiến hành đắp đê Hoàng Các khẩn hoang vùng đất bồi ven biển Nam Thanh Hoá.
Năm 1460, Lê Thánh Tông lên ngôi, thì ngay năm sau (1461) nhà vua đã ra lệnh cho các quan phủ, huyện, lộ, trấn, xã: “Từ nay về sau, về việc làm ruộng thì nên khuyên bảo quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn đủ mặc, không nên bỏ nghề gốc, theo nghề ngọn, cùng là giả thác buôn bán, kỹ thuật, chơi bời dông dài. Người nào có ruộng đất mà không chăm cấy trồng thì quan tư cai quản bắt trình trị tội” (14). Nhà vua hiểu rằng để khôi phục lại nền kinh tế nông nghiệp, vấn đề trước tiên là phải phục hồi lại diện tích cày cấy, giải quyết tình trạng đồng ruộng bỏ hoang.
Một trong những biện pháp để phục hồi diện tích canh tác nông nghiệp là Nhà nước Lê sơ khuyến khích những công cuộc khẩn hoang của tư nhân. Miền đất đồi ven biển và đất hoang vùng trung du là đối tượng của công cuộc khẩn hoang này. Năm 1486, Lê Thánh Tông ra lệnh: “… cho các phủ huyện, xã rằng nơi nào có ruộng bỏ hoang ở bờ biển, mà người ít ruộng tình nguyện bồi đắp để khai khẩn nộp thuế, thì phủ huyện xét thực cấp bằng cho” (15).
Theo Gia phả họ Lê Nhân, thực hiện lệnh trên vào cuối đời Thánh Tông đầu đời Hiến Tông, Lê Nhân Quý đã tổ chức nhân dân trong vùng, đồng thời được sự hỗ trợ của quân lính Nhà nước, đắp con đê Hoàng Các. Đê Hoàng Các chạy từ Đông núi Tháp đến Mả Nghè, thôn Vinh Quang dài khoảng gần 1 km. Đê hoàn thành có tác dụng thau chua, rửa mặn tạo nên một khu đồng ruộng phì nhiêu trải dài từ đê Hoàng Các đến chân núi Đòn, ước khoảng hơn một nghìn mẫu Bắc bộ. Cụ Lê Nhân Quý đem số ruộng trên chia cho 5 làng lân cận là: Ngọc Lâm, Trung Dịch, Cao Lư, Vinh Quang và Kim Cốc. Bốn làng trên được chia toàn bộ số ruộng thuộc nửa phía Đông, còn lại một nửa phía Tây, Lê Nhân Quý chia cho làng Kim Cốc.
Triều đình Lê Sơ thưởng công cho Lê Nhân Quý 14 mẫu, vòng ao ngoài, từ Cồn Tra, Cồn Chằng đến giáp đê Hoàng Các làm Tư điền. Ngoài ra, làng Kim Cốc còn để lại hơn 1 mẫu, vòng ao trong (gọi là Đầm Voi) sát vườn nhà thờ họ Lê Nhân làm Học điền (ruộng học), lấy hoa lợi chu cấp cho những gia đình có con học giỏi, đỗ đạt cao.
*
* *
Gia phả họ Lê Nhâncho biết: Đông Các Đại học Lê Nhân Quý làm quan trải ba triều vua: Lê Nhân Tông (1442 – 1459), Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và Lê Hiến Tông (1498 – 1504), nhưng không cho biết cụ mất vào năm nào. Gia phả và Văn tế chỉ ghi Lê Nhân Quý qua đời vào ngày mùng 9 tháng 11 âm lịch, mộ táng tại yên ngựa trên đỉnh núi Tháp (Tháp Sơn). Sau này, người dân địa phương nhớ ơn Lê Nhân Quý đã xây bên cạnh mộ cụ một ngôi Tháp, để tưởng niệm người đã tổ chức khẩn hoang, biến những bãi xú vẹt ngập mặn thành hàng nghìn mẫu ruộng canh tác hai vụ giúp họ ổn định đời sống.
Chính vì có công với dân chúng, cho nên tại đình làng Kim Cốc, Đông các Đại học sĩ Lê Nhân Quý được thờ làm thần Thành hoàng. Hiện nay, tại Nhà thờ họ Lê Nhân ở Kim Cốc còn lưu giữ được 2 đạo sắc phong dưới triều Khải Định: một đạo năm 1917 và một đạo năm 1924 phong cho “ Vị tôn thần Đông các Đại học sĩ, Tán trị công thần Tham chính, ích Tốn (tức Lê Nhân Quý) làm Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần”. Người xưa có câu: “Sinh vi Tướng, tử vi Thần” (Sống làm Tướng, chết làm Thần), và “Thông minh chính trực vị chi thần” (Những bậc thông minh, chính trực, mới được gọi là Thần). Tôi thiết nghĩ, những lời nói đó thật đúng với sự nghiệp và hành trang của Danh nhân lịch sử Lê Nhân Quý.
____________
1. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội. H. 1972, tập 3. tr. 83.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập 3, tr. 162.
3. Như trên, tr. 162 – 163.
4. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập 3, tr. 168.
5. Như trên, tr. 129.
6. Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3: Đại Việt thông sử. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1977, tr. 226.
7. Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3: Đại Việt thông sử. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1977, tr. 227.
8. Sao Xuy Vưu: giống như sao Chổi, nhưng đuôi cong như lá cờ.
9. Đại Việt thông sử. Sđd, tr. 227, 228.
10. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập 3, tr. 177.
11. Lê Quý Đôn toàn tập. Sđd, tập 3: Đại Việt thông sử, tr. 228.
12. Như trên, tr. 232.
13. Như trên, tr. 236.
14. Đại Việt sử ký toàn thư– Sđd, tập 3, tr. 179.
15. Đại Việt sử ký toàn thư– Sđd, tập 3, tr. 297.