Góp ý với bài Lan man chuyện “họ”… và “tên”
Dù thế nào thì bên Tàu cũng không dùng họ vua để đặt tên cho triều đại, mà dùng tên đất (nơi phát tích quê hương của kẻ lập nên triều đại ấy) để gọi (ví dụ nhà Minh, nhà Thanh…).
Trái hẳn lại, chỉ có họ bên ta mới rắc rối phức tạp, chứ họ bên Tàu sáng sủa, rõ ràng hơn nhiều. Chắc ông Phạm Lưu Vũ không đọc cuốn Bách gia tính, trong đó ghi rõ tên từng họ, và nói họ ấy phát tích ở tỉnh nào. Thí dụ: họ Tô gốc gác ở tỉnh Phúc Kiến, hồi có vụ “nạn kiều”, những người Việt gốc Hoa họ Tô khi trở về Trung Quốc đều được người họ Tô ở Phúc Kiến – sau khi trong gia phả tìm ra ở chi nào - giúp đỡ về vật chất để ổn định đời sống. Hồ Quý Ly là con cháu Hồ Hưng Dật từ Chiết Giang sang ta. Dòng họ này là con cháu Hồ Côgn Mãn, hậu duệ của vua Thuấn. Khi nhà Chu nhất thống thiên hạ, phong cho con cháu vua Thuấn là Hồ Công Mãn thực ấp ở Chiết Giang để nối thờ phụng vua Thuấn. Vua Thuấn lấy quốc hiệu là Ngu, cho nên Hồ Quý Ly khi làm vua nước ta lấy quốc hiệu Đại Ngu, chứng tỏ mình là con cháu vua Thuấn, Ngu không phải là tên đất mà là tên triều đại, cũng như Đường là tên triều đại của vua Nghiêu (sử Tàu chép Đường Nghiêu, Ngu Thuấn). Minh không phải tên đất. Thanh cũng không phải là tên đất mà là từ tên nước Kim. Ở Mãn Châu đổi sang: Họ Đào từ đời Tấn có Đào Tiềm không phải là tên đất Đào mà quê ở Bành Trạch. Phạm Lãi mới về ở đất Đào cho nên lấy hiệu là Đào Chu Công, con cháu vẫn giữ nguyên họ Phạm. Họ Trần nước ta, cụ tổ Trần Lý từ Phúc Kiến sang đây. Cụ Trần Lý có em là cụ Trần Hoằng Liệt sinh ra hai con: con cả là cụ Trần An Quốc, thờ ở phủ Vũ thôn Vũ Bị xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, con thứ hai là cụ Trần Thủ Độ, thờ cụ Trần An Quốc ở đền thôn Thành Thị (Vọc) huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Vùng này là thái ấp của cụ Trần Thủ Độ, nên có những thôn: Thành Thị, Thiết Khoán (do chữ đan thư thiết khoán: khoán ước như sắt, giấy viết bằng son), Trần Thái Tông nhớ ơn Trần Thủ Độ chú mình đã đưa mình lên ngôi vua, nên đã ban một tờ khoán ước (contrat) giao hẹn khi nào còn dòng họ vua Trần thì dòng họ cụ Trần Thủ Độ vẫn đương giữ nguyên tước lộc. Con cháu Trần Thủ Độ sau này là bà Trần Thị Lan tức lô Tư Hồng, đã đấu thần phá thành Hà Nội (Thăng Long cũ). Còn nhiều chuyện về dòng họ cụ Trần Thủ Độ, nhưng tôi không tiện kể ở đây. Họ Trần hiện vẫn còn gia phả, nên không có chuyện như ông Phạm Lưu Vũ nói ông tổ họ Bùi là con cháu cụ Trần Thủ Độ. Họ Bùi đã có Thịnh Liệt (làng Sét) từ lâu đời. Có tiến sĩ Bùi Xương Trạch đời Lê Thánh Tông, bảng nhãn Bùi Vịnh đời Mạc, tiến sĩ Bùi Huy Bích, Bùi Dương Lịch đời Lê… đâu phải là con cháu Trần Thủ Độ – ngay đời Trần đã có Bùi Phóng cùng với Mạc Đĩnh chi là học trò Trần Ích Tắc, con Trần Thái Tông, gọi Trần Thủ Độ bằng ông chú. Họ Bùi còn có họ Bùi của cụ Bùi Bằng Đoàn, nhà văn Bùi Huy Phồn, Bùi Lão Kiều (Huyền Kiêu), họ Bùi của các cụ Bùi Dị, Bùi Thức, Bùi Kỷ. Chuyện gọi là phi y (không áo) tức Trần, nghe như truyện tiếu lâm, bất kính với tổ tiên, người họ Bùi chắc không làm thế.
Còn Trần Bình Trọng cùng họ với Lê Tần. Lê Tần con cháu Lê Đại Hành theo giúp nhà Trần lập được công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất nên được Trần Thái Tông cho để tên Lê Phụ Trần và được lấy bà Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng). Đến Trần Bình Trọng thì được ban quốc tính, từ đó trở đi con cháu vẫn mang họ Trần (như Trần Khát Chân).
Không hề có chuyện “Lê Thánh Tông xuống chiếu… cho phép những ai đã “trót” bị “ban” quốc tính được trở về họ cũ”.
Khi khôi phục cho Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông chỉ truy phong ông làm Tán trư bá (tức là còn thấp hơn tước quan phục hầu, đã rất thấp so với các bậc khác trong hàng tước hầu, không khôi phục quốc tính, nên người ta vẫn chỉ chép Nguyễn Trãi). Sau khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, con cháu chạy thoát được đã đổi sang họ Bế (sau có nhà thơ Bế Kiến Quốc). Đời Lê Trịnh vẫn còn chuyện ban quốc tính, như Nguyễn Cảnh Mô ở Nghệ An, được chúa Trịnh ban họ Trịnh, cho nên gọi là Trịnh Mô, đến đời con là Nguyễn Cảnh Kiên lại trở về Nguyễn Cảnh.
Còn chuyện bắt đổi họ, vì chữ Lý là tên ông tổ họ Trần (Trần Lý) nên nhà Trần bắt con cháu nhà Lý đổi là họ Nguyễn (con cháu họ này sau có những danh nhân: Nguyễn Thật, Nguyễn Án, Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Triệu Luật).
Con cháu họ Mạc sau này đổi họ có “thảo đầu”, nhưng không phải là dòng họ Phạm họ Hoàng như ông Phạm Lưu Vũ viết. Họ Phạm đã có Phạm Tu từ thời Tiền Lý Nam Đế, con cháu họ sau này có những danh nhân Phạm Ngũ Lão, Phạm Nhữ Dực… đến thế kỷ XVI, XVII dời vào miền Nam. Còn họ Hoàng của phó bảng Hoàng Tăng Bí, bộ trưởng Hoàng Minh Giám, nhà văn Hoàng Hiển Mô (Hà Ân); họ Hoàng của cụ Hoàng Văn Tuấn, nhà văn Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), Hoàng Minh Giám (Chu Thiên); họ Hoàng của nhà thơ Hoàng Phan Thái, họ Hoàng của Hoàng Diệu, Hoàng Tụy, Hoàng Phê, Bảo Ninh; họ Hoàng của Hoàng Thụy Ba, Hoàng Thúy Toàn, Hoàng Hưng; họ Hoàng của Hoàng Cao Khải, Hoàng Trọng Phu, họ Hoàng của Hoàng Văn Hoan; họ Hoàng của nhạc sĩ Hoàng Giác, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm; họ Hoàng của cụ Huỳnh Thúc Kháng; họ Hoàng của Huỳnh Phú Sổ… Nếu không tìm được gia phả thì không thể biết được các họ Hoàng ấy có chung một ông tổ hay không, cũng như không thể biết được là từ họ nào đổi sang. Chẳng lẽ tất cả những họ Hoàng ấy đều là từ họ Mạc đổi sang hay sao?
Theo sách Thuyết Mạccủa Thi Nham Đinh Gia Thuyết, con cháu họ Mạc chỉ đổi họ thành họ Lều (viết nôm có thảo đầu), con cháu họ này có chữ họa sĩ Lều Thị Phượng, và một vài họ khác ở Cao Bằng.
Còn họ Mạc ở Hà Tiên lai từ bên Tàu sang (viết chữ Mạc bên cạnh có liễu leo, để chứng tỏ khác với dòng họ Mạc khác, họ có các danh nhân như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh…
Trần Văn Lộng, Trần Kiện theo hàng giặc Nguyên Mông bị đổi thành họ Mai là họ mẹ, theo luật “Cải tùng mẫu tính” (đổi theo họ mẹ) sao lại bảo là “thật là oan ức cho những nhà họ Mạc vốn vẫn có tài tước” – nhà Bửu Đình, cháu bốn đời của vua Minh Mạng những hoạt động cách mạng nên bị Tôn nhơn phủ bắt đổi sang họ mẹ là họ Tạ, gọi là Tạ Đình.
Chuyện “họ” ở Việt Nam còn nhiều, nhưng e bài quá dài, chri xin có mấy lời trao đổi về bài viết của ông Phạm Lưu Vũ, mong bạn đọc cho khất đến dịp khác lại cùng hầu chuyện.