Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Chào buổi sáng
Tuy vậy, tìm hiểu cội nguồn của cách chào này không phải là không có gì thú vị và bổ ích, nhất là khi đem so sánh nó với những cách chào hỏi quen thuộc và thông dụng của người Việt chúng ta.
Khi gặp cũng như khi chia tay với một người quen, dù có hay không có quan hệ họ hàng gì với ta, người Việt thường chào nhau bằng một câu có từ chào kèm theo một từ dùng để gọi người mà ta muốn chào như: Chào ông, chào bà, chào cụ, chào bác, chào chú, chào cô, chào anh, chào chị, chào em, chào cháu, chào cậu, chào dì, chào bạn,v.v... tùy theo tuổi tác của người ấy và mối quan hệ vốn có giữa hai người.
Ở đây thường có một sự tỉnh lược(bỏ bớt) đại từ chỉ người chào (như tôi, em, cháu,v.v..., vì người được chào dĩ nhiên đã biết sẵn ai chào mình) nhưng nếu có sự chênh lệch đáng kể về tuổi tác và cương vị giữa người chào và người được chào thì sự tỉnh lược này có thể bị coi là không được lễ độ cho lắm).
Người chào thường phải tự xưng một cách hiển ngôn và dùng thêm chữ xinđặt trước chữ chào, chẳng hạn khi một học sinh tiểu học chào cô giáo của mình, em học sinh ấy thường phải nói: Em (xin) chào cô ạ!chứ không phải Chào cô!(như thế gọi là "chào trống không", khiến người được chào có cảm giác là em học sinh không được lễ độ cho lắm.
Việc nói rõ thời gian chào (buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, v.v...) tuyệt nhiên không cần thiết và không đúng chỗ, cho nên nói Chào (ông) buổi sáng; Chào (bà) buổi trưa; Chào (cô) buổi chiều; Chào (cậu) buổi tối; Chào (cháu) ban đêm; Chào (em) buổi khuya;v.v... nghe rất thiếu tự nhiên, thậm chí buồn cười, cho nên chỉ có thể gặp khi người chào có ý đùa cợt mà thôi. Bất cứ một từ ngữ nào đặt ngay sau chữ chào đều được hiểu là bổ ngữ trực tiếp của từ chào: Chào ai, chào cái gì?
Cho nên người nghe câu Chào buổi sángcó xu hướng hiểu là người nói muốn chào cái buổi sáng hôm ấy, chứ không phải chào mình. Buổi phát hình đầu tiên của đài truyền hình một số nước cũng mở đầu bằng một câu chào (hay nói cho đúng hơn: Một câu chúc mừng có kết cấu như là Dobroje utro, Rossijacó nghĩa là "Nước Nga ơi, xin chúc Người một buổi sáng tốt lành!" (chứ không phải Chào buổi sáng).
Trong các thứ tiếng châu Âu, người ta chào nhau bằng cách chúc nhau một ngày tốt lành, một buổi sáng tốt lành, một buổi tối tốt lành, v.v...: Đó chính là nghĩa của những lời chào như Good morning, Good evening, Bonjour, Bonsoir, Dobroje utro, Dobryj den v.v... Riêng Good night, Bonne nuit, Spokojnoj nochi (1),v.v... thì dĩ nhiên không phải là Chào buổi tốihay Chào ban đêm, mà phải hiểu là Chúc ngủ ngon, chứ không thể hiểu cách chào gì khác.
Good appetite!, Bon appétit!cũng chỉ có thể dịch là Chúc ngon miệng! Còn Merry Christmas! Happy Birthday! Happy New Year!thì là những câu Chúc mừng lễ Giáng sinh,hay Chúc mừng sinh nhật, Chúc mừng năm mớimà thôi.
------------
(1) Câu tiếng Nga có nghĩa nguyên văn là "Chúc một đêm yên tĩnh" vì muốn tránh những ý liên tưởng không hay khi nói Dobroj nochi" - Chúc một đêm vui sướng (?).
Nguồn : Lao động ; nhandan.org.vn 22/4/2006