Gia Lai: Kích thích hứng thú học tiếng Anh
Cô Trang cho biết: Năm học 2011-2012, tôi được nhà trường phân công giảng dạy môn tiếng Anh ở khối lớp 9. Qua kết quả đợt kiểm tra chất lượng đầu năm cho thấy đa số học sinh chỉ đạt mức độ trung bình yếu (Yếu kém chiếm 25,3%, trung bình chiếm 57%, không có học sinh giỏi). Trước tình hình chất lượng học môn tiếng Anh như vậy, tôi đã làm cuộc điều tra nhỏ. Câu hỏi tôi đưa ra: em có thích học tiếng Anh không? Kết quả tới 80% số học sinh được hỏi trả lời là không thích. Nguyên nhân các em cho rằng từ vựng tiếng Anh khó đọc quá, lại khó nhớ, dễ quên, cấu trúc lại khó hiểu… Từ thực tế đó tôi trằn trọc suy nghĩ làm thế nào tạo sự hứng thú cho các em khi nghe giảng môn tiếng Anh, giúp các em yêu thích, say mê học môn tiếng Anh. Trước tiên làm cho các em thấy được cái hay, cái thú vị và niềm vui trong quá trình học nên tôi đã có một số giải pháp kích thích sự hứng thú để nâng cao chất lượng học tập của các em.
Giải pháp thu hút sự chú ý của học sinh đối với môn học thông qua nhưng trò chơi với quan điểm: Học mà chơi – chơi mà học” để tạo không khí sôi nổi, kích thích các em tập trung vào tiết học. Ngoài áp dụng những trò chơi đặc trưng của bộ môn, cô Trang còn phát triển thêm những trò chơi mới phù hợp với nội dung bài học như trò chơi: “Present - Past - past participle”; trò chơi: “Tìm vị trí”; “Cặp đôi hoàn hảo”; “Cây bút vàng”; “Tongue - twister”… Các em muốn tham gia trò chơi, các em phải hiểu người khác đang nói gì hay đã viết gì và các em phải nói ra hoặc viết ra những điều để trình bày quan điểm riêng của mình hoặc cho người khác hiểu. Rèn cho học sinh kỹ năng nghe, đọc, viết. Từ đó các em phát triển vốn từ vựng, cải thiện cách phát âm…
Giải pháp còn sử dụng âm nhạc trong quá trình giảng dạy, đó là giới thiệu chủ đề bài học thông qua âm nhạc. Mỗi bài học cô Trang đã sử dụng các bài hát có nội dung liên quan để khơi gợi cho các em đoán được chủ đề của bài học. Từ đó dẫn dắt các em vào bài học một cách tự nhiên đầy thú vị. Ôn từ hoặc củng cố bài học thông qua một số bài hát tiếng Anh. Cô giúp các em nhớ từ thông qua việc sưu tầm hoặc sáng tác các bài hát dựa vào nền nhạc của một số bài hát quen thuộc.
Ngoài ra, cô Trang tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh nhằm giúp các em học theo kiểu học nhóm, lập ra tủ sách dùng chung. Đến câu lạc bộ, các em tự tổ chức giải câu đố vui, nghe kể chuyện các nhà văn, nhà thơ người Anh và một số phong tục, ngày lễ thú vị ở Anh, thi tìm từ, điền từ, viết văn, kể chuyện…
Ứng dụng bản đồ tư duy để tổng kết, ôn tập kiến thức cũng là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức bằng cách kết hợp đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với tư duy tích cực, được thiết kế trên giấy, bìa, bảng phụ, hoặc trên phần mềm máy tính…Nói là bản đồ nhưng mỗi em có cách vẽ khác nhau, diễn đạt khác nhau, giúp cho các em phát huy tối đa tiềm năng của não bộ, học tập một cách tích cực.
Cô Trang còn phổ biến cho các em một số kinh nghiệm học tiếng Anh như học tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi; luôn tự tin nói và giao tiếp bằng tiếng Anh; xem phim ảnh, tin tức và nghe nhạc bằng tiếng Anh; viết nhật ký bằng tiếng Anh…
Giải pháp của cô Trang có khả năng áp dụng rộng rãi và xuyên suốt trong quá trình giảng dạy. Ví dụ trò chơi “Present - Past - past participle” ở tiết học 7 lớp 9 : Unit : Lesson 6: Language Pocus. Tiết học này học sinh ôn lại thì hiện tại hoàn thành và cách đổi sang câu bị động. Giáo viên hướng dẫn trò chơi để cả lớp cùng biết thể lệ: Bạn đầu tiên đọc lên một động từ tiếng Anh ở thì hiện tại với điều kiện là động từ đó phải có quá khứ phân từ. Bạn thứ hai cạnh bên sẽ đọc động từ đó ở thì quá khứ, bạn thứ ba sẽ đọc động từ ở thì quá khứ phân từ. Cứ thế tiếp tục bạn khác, nếu bạn nào đọc sai hoặc không nhớ động từ, đọc chậm, đọc lặp lại bạn trước sẽ bị phạt (Phải đứng cuối lớp). Cuối cùng mỗi người bị phạt phải đọc động từ mà mình mắc lỗi 10 lần, to, rõ ràng. Sau khi tổ chức trò chơi này, kết quả thật bất ngờ: đa phần các em được hỏi đều trả lời tự tin và chính xác. Tùy theo tiết học mà cô giáo sử dụng các trò chơi khác nhau…
Việc áp dụng những giải pháp mà cô Trang triển khai tại trường đã mang lại hiệu quả. Về phía giáo viên, họ phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, nắm bắt thông tin để cung cấp, mở rộng kiến thức, từ đó giúp cho chuyên môn ngày một tốt hơn, các em gần gũi, thân thiện, cởi mở hơn với giáo viên. Đối với học sinh, các lớp cô Trang dạy gần 95% đã có hứng thú học tiếng Anh, chất lượng học được nâng lên rõ rệt: học sinh khá, giỏi chiếm 25,5%; trung bình chiếm 54,55, yếu kém chỉ còn 10,5%.