Gặp những Việt kiều nổi danh thế giới
Có thể đã quay trở lại Việt Nam hay đang ở nước ngoài, những con người này vẫn đang ngày đêm làm giàu cho Tổ quốc bằng tài năng và tâm huyết của mình. Sự đóng góp của họ không chỉ dừng lại ở hoạt động kinh tế, bản thân họ như những chiếc “cầu nối” đang bắc nhịp giữa Việt Nam và thế giới.
Dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến độc giả chân dung một số Việt kiều tiêu biểu trong Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2, đang được tổ chức tại TP.HCM.
Johnathan Hạnh Nguyễn:Là Việt kiều Philippines, người đã tham gia quá trình mở đường bay TP.HCM – Manila. Trong thời kỳ đầu mở cửa nền kinh tế ông đã vận động được 26 liên doanh bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị gần 250 triệu USD.
Hiện nay ông vẫn đang tích cực đóng góp vào việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, và là một trong những “nhịp cầu” nối liền Việt Nam – Philippines. Với những thành tích này ông đã được Chủ tịch nước trao tặng huân chương hữu nghị, huân chương lao động hạng 3, và nhiều bằng khen khác.
Giáo sư Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê:Là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam nổi danh toàn thế giới. Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức.
Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, nay ông trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho TP.HCM 420 kiện hiện vật quý liên quan đến âm nhạc.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đại Phúc
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đại Phúc:Hơn 46 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân tại Pháp, GS.TS Trần Đại Phúc đã đi nhiều nơi trên thế giới và tích tụ nhiều kinh nghiệm quý về nguyên tử cũng như hạt nhân. Hiện nay ông đã trở về sinh sống tại Việt Nam và hiện đang công tác tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tháng 7/2010 ông đã tặng 2.000 cuốn sách liên quan đến nhà máy điện hạt nhân thu thập được trong quá trình làm việc ở hải ngoại cho bộ Khoa học và công nghệ. Mục đích chính là đưa tư liệu cho các chuyên gia và sinh viên khảo cứu và phục vụ chương trình điện hạt nhân của nước ta. “Mỗi người nên tìm cách sống để có ích cho cộng đồng, dù có tan thành cát bụi thì vẫn có ích cho tương lai” – điều đó được được ông chia sẻ như một triết lý sống của mình.
Họa sĩ Văn Dương Thành (Ảnh: T.T)
Họa sĩ Văn Dương Thành:Nữ họa sĩ Văn Dương Thành nổi tiếng trên thế giới với 65 triển lãm quốc tế. Nhiều bức tranh trong số 1.600 tác phẩm của bà đã được các bảo tàng ở Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Thụy Điển chọn lưu giữ tại các bộ sưu tập. Năm 2007, bà đã đuợc trao tặng danh hiệu “Vinh danh đất Việt” và “Đại sứ văn hóa của Việt Nam”.
Hiện nay bà đang là giảng viên mỹ thuật tại trường cao học công dân, và nhiều trường cao học khác tại Thụy Điển. Bà cũng giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà chia sẻ, “buổi gặp gỡ lần này không chỉ là dịp để gặp gỡ, mà còn là thời gian để mọi người trao đổi, ủng hộ các kế hoạch của nhau”.
Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng
GS Nguyễn Quốc Vọng:Người có 12 năm kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản, 28 năm công tác tại Australia và hiện là giảng viên tại Đại học RMIT Melbourne Vic 3001 (Australia). Ông mong muốn có thể góp một phần trí lực vào sự phát triển giáo dục nước nhà, đặc biệt là giáo dục đại học.
Năm 2007, ông đã tự nguyện về Việt Nam, đảm nhiệm cương vị cố vấn cho Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. “Tôi mồ côi cha khi mới hai tuổi. Cha tôi không chịu khuất phục, nên đã bị giặc Pháp tra khảo, thiêu cháy". Đó là một trong những điều luôn thôi thúc ông nhớ về và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của quê hương.
Tiến sĩ Đặng Lương Mô
Tiến sĩ Đặng Lương Mô:Ông là Việt kiều Nhật Bản, được coi là nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam trong những năm qua. Ông hiện là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đồng thời là cố vấn Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trong sự nghiệp của mình, ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh sáng chế được công nhận tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Ông cũng tích cực tham gia hợp tác thiết kế và chế tạo thử nghiệm thành công con chip vi xử lý 32 bit đầu tiên tại Việt Nam là VN1632.
Giáo sư Trần Thanh Vân
Giáo sư Trần Thanh Vân:Ông hiện sinh sống tại Pháp. Giáo sư Vân được đánh giá là một nhà vật lý nguyên tử hàng đầu thế giới, với hàng trăm công trình nghiên cứu quan trọng. Ông cũng là người đã đưa ra sáng kiến tổ chức các hội thảo Rencontrers de Moriond (Gặp gỡ Moriond), Rencontres de Blois (Gặp gỡ Blois) và Rencontres du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam) nhằm kết nối các nhà khoa học thế giới và Việt Nam.
Ông đã được trao nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu lớn như, bằng tiến sĩ danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Nga, huy chương Tate… Ông cùng phu nhân đã gửi khoảng 3 triệu Euro về Việt Nam để trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhằm giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, nhất là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Tôn Vinh
Giáo sư Hà Tôn Vinh:Ông từng là một trong số 200 DN trẻ thành đạt ở Mỹ vào năm 1989. Giáo sư Vinh đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế tại nhiều khu vực trên thế giới. Ông cũng đã từng làm chuyên gia tư vấn cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và làm Cố vấn phát triển chiến lược cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia.
Giáo sư Vinh đã tham gia giảng dạy hơn 13 năm qua các môn về quản trị kinh doanh và quản lý công tại Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư Vinh hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo, và Tư vấn Quản lý Stellar Management và là Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục & Đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp của Đại học Tổng hợp California Miramar University (CMU) tại Việt Nam.