Đồng hồ sinh học: 24 giờ trong cơ thể con người
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cơ thể, tự bên trong là tình trạng sức khoẻ và tự bên ngoài là những ảnh hưởng của từ trường Trái Đất và vũ trụ. Các nhà khoa học Liên Xô cũ (nay là nước Nga) đã xác định được các số liệu về trạng thái cơ thể trong một ngày đêm của con người. Sau đây là một bảng tổng kết có tính chất thống kê trong một thời gian dài của nhiều lứa tuổi khác nhau.
1 giờ sáng:Lúc này đa số mọi người đều đã ngủ được 3 tiếng đồng hồ, đã trải qua các giai đoạn của quá trình ngủ. Vì thế giấc ngủ tiếp theo nông, dễ tỉnh dậy, rất nhạy cảm với những đau đớn.
2 giờ sáng:Ngoài gan ra, phần lớn các cơ quan khác trong cơ thể đều hoạt động rất chậm. Gan lợi dụng thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh này của cơ thể tranh thủ sản xuất ra những chất mà cơ thể đòi hỏi, trước hết là những chất bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể. Lúc này con người như được dọn vệ sinh những chất độc ra khỏi cơ thể.
3 giờ sáng:Toàn bộ cơ thể đều nghỉ ngơi, cơ bắp hoàn toàn thư giãn. Lúc này huyết áp thấp, số lần mạch đập và hô hấp giảm đi.
4 giờ sáng:Huyết áp càng thấp, lượng máu cung cấp vào não ít nhất. Vào giờ này, có rất nhiều trường hợp đã tử vong. Các bộ phận trong cơ thể hoạt động chậm, nhưng thính giác rất nhạy cảm, hơi có tiếng động là tỉnh giấc.
5 giờ sáng:Thận không hoạt động. Con người trải qua các giai đoạn của ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, có khi nằm mơ hoặc không mơ. Ngủ dậy vào giờ này là dễ chịu và sảng khoái nhất.
6 giờ:Huyết áp lên cao, tim đập nhanh, lúc này có muốn ngủ nữa cũng không ngon giấc.
7 giờ:Khả năng miễn dịch của cơ thể rất mạnh. Nếu như cơ thể bị nhiễm khuẩn hay nhiễm độc vào thời điểm này thì khả năng đề kháng cũng nhiều nhất.
8 giờ:Chất độc trong gan hoàn toàn bị thải ra ngoài. Khi đó, tuyệt đối không được uống rượu, nếu không gan phải chịu nhiều gánh nặng.
9 giờ:Tinh thần hoạt bát, cảm giác đau bị giảm đi. Tim hoạt động nhiều.
10 giờ:Tràn đầy sinh lực. Đây là lúc hoạt động và làm việc tốt nhất.
11 giờ:Tim làm việc ổn định, cơ thể cảm thấy không mệt mỏi.
12 giờ trưa:Lúc này phải huy động toàn bộ sức lực của cơ thể. Tốt nhất là nên nghỉ ngơi và ăn cơm.
13 giờ:Gan nghỉ ngơi, một bộ phận đường đi vào máu. Chấm dứt thời gian làm việc của cả buổi sáng. Cơ thể cảm thấy mệt mỏi và phải nghỉ ngơi.
14 giờ:Lúc này phản ứng cơ thể chậm chạp.
15 giờ:Tình hình bắt đầu chuyển biến tốt. Các bộ phận trong cơ thể nhạy cảm nhất, đặc biệt là vị giác và khứu giác. Khả năng làm việc dần dần khôi phục.
16 giờ:Thành phần đường trong máu tăng lên, có bác sĩ gọi chứng tiểu đường sau bữa cơm, nhưng việc này không tạo nên bệnh vì hàm lượng đường trong máu giảm xuống rất nhanh.
17 giờ:Hiệu xuất làm việc cao. Việc huấn luyện cho các vận động viên có thể tăng lên.
18 giờ:Cảm giác đau giảm đi, có thể hoạt động nhiều hơn, sức bật của thần kinh giảm.
19 giờ:Huyết áp tăng lên, tinh thần không ổn định, hay bực bội cãi nhau dù chỉ là một việc nhỏ.
20 giờ:Trọng lượng cơ thể nặng nhất, cơ thể phản ứng nhạy bén. Lái xe vào lúc này ít khi xảy ra tai nạn.
21 giờ:Hoạt động thần kinh bình thường. Học sinh học bài dễ thuộc nhất. Buổi tối trí nhớ tăng lanh, có thể nhớ ra những điều mà buổi sáng không sao nhớ được.
22 giờ:Bạch cầu trong máu tăng lên. Trong 1cm 3khối máu, bạch cầu tăng từ 5.000 - 8.000 đơn vị lên đến 10.000 - 12.000 đơn vị. Nhiệt độ cơ thể giảm đi.
23 giờ:Cơ thể chuẩn bị nghỉ ngơi, tiếp tục công việc khôi phục các tế bào nhỏ.
24giờ:Giờ phút cuối cùng trong ngày. Nếu như lúc 20 giờ cơ thể đã ngủ thì lúc này đã say trong giấc mộng. Ngủ ngon lành.
Căn cứ vào nhịp sinh sống của cơ thể trong một ngày đêm, chúng ta có thể thấy được những điều cần làm và nên tránh trong 24 giờ của cuộc sống.
Nguồn: Khoa học - Ứng dụng (LHH Nghệ An, số 7/8/2005