Điều trị vàng da nên phân biệt rõ thể bệnh
Hai điều 187, 236 trong sách Thương hàn luận đều thuộc loại bệnh phát hoàng này. Nhưng thể phát hoàng nói trong điều 153 sách Thương hàn luận lại không thuộc loại bệnh này. Điều này nói: sắc mặt vàng xanh (thanh hoàng) là thuộc âm chứng bần huyết; cho nên điều văn nói là “nan trị” (khó điều trị). Cuối điều 153 nói: sắc vàng nhẹ mà không xanh là biểu hiện của chứng bần huyết chuyển tốt. Liên hệ với câu: “tay chân ấm” ở dưới; ta có thể hiểu là sắc chuyển sang hồng nhuận, cho nên điều văn nói “dễ khỏi”.
Chứng phát hoàng trong sách Đông y mang các tên như: hoàng đản, cốc đản, tửu đản, nữ lao đản, hắc đản, dương hoàng, âm hoàng, cấp hoàng, ôn hoàng; khái quát lại, chứng phát hoàng phát sinh do các cơ chế: thấp nhiệt phát hoàng, hàn thấp phát hoàng, ôn độc phát hoàng, ứ huyết phát hoàng, thuộc thực chứng, hư chứng khác nhau. Trong chẩn đoán nên phân biệt rõ, để có trị pháp thích đáng.
Trường hợp lầm dùng hoả pháp điều trị gây ra biến chứng vàng da, điều 111 sách Thương hàn luận nói như sau:
“Chứng thái dương trúng phong, nếu như dùng hoả pháp phát hãn, phong tà bị hoá nhiệt bức bách, huyết khí lưu hành mất quy luật bình thường. Phong tà và hoả tà giao nhau hun đốt, người bệnh thân thể sẽ phát ra sắc vàng, nhiệt thịnh bức bách huyết đi lên dễ chảy máu cam. Âm hư, tân dịch bất túc ở dưới làm cho tiểu tiện khó. Khí suy hao, thân thể sẽ khô ráo, chỉ có vùng đầu ra mồ hôi, đến cổ thì ngừng, mà bụng đầy trướng, phát suyễn nhẹ, miệng khô họng loét, hoặc là đại tiện không thông. Nếu bệnh kéo dài, sẽ phát sinh nói năng rối loạn, nghiêm trọng hơn, sẽ xuất hiện nấc, tay chân vật vã không yên, lần áo sờ giường... là các triệu chứng nguy hiểm. Khi đó, nếu như tiểu tiện còn thông lợi, thì người bệnh còn có thể cứu trị”.
Chứng thái dương trúng phong, thầy thuốc không dùng phương tễ điều hoà vinh vệ, giải cơ phát hãn điều trị, mà lầm dùng hoả pháp phát hãn, đến nỗi gây ra rất nhiều biến chứng. Phong thuộc dương tà, gặp hoả cũng thuộc dương; phong và hoả kết hợp với nhau, trước hết làm cho khí huyết vận hành mất quy luật bình thường, Hai loại dương tà phong và hoả hun đốt dẫn tới da thịt khắp người phát ra sắc vàng, dương tà thịnh, bức bách huyết đi lên thì gây ra chảy máu cam. Âm khí hư mà tân dịch suy hao thì tiểu tiện khó. Khí và huyết đều hư không thể sung nhuận da lông, thì thân thể khô héo. Chỉ có đầu ra mồ hôi, thân thể không ra mồ hôi, rõ ràng chứng minh tân dịch bất túc, biểu hiện của dương tà thịnh ở trên. Tình hình này tựa như đồng nhất với dương minh phát hoàng chỉ có đầu ra mồ hôi là do cơ chế thấp và nhiệt giao nhau bốc lên ở phần lý, tân dịch không thuộc hư chứng. Chứng nói trong điều 111 chỉ có đầu ra mồ hôi là thuộc cơ chế dương tà đơn độc thịnh ở trên mà khí huyết đều hư. Do dương tà quá thịnh, tỳ phế cũng thương tổn, sở dĩ thấy có các biến chứng bụng trướng, suyễn nhẹ, miệng khô, họng loét hoặc không đại tiện. Lâu dài, thì tân dịch càng hao vị gia táo thực mà phát sinh nói sảng. Nếu phát triển thêm một bước thì thấy phát nấc, tay chân vật vã, lần áo sờ giường... làm các triệu chứng ác hiểm. Bệnh phát triển đến bước này là tới giai đoạn nguy hiểm nghiêm trọng. Trong tình hình này, một tuyến sinh cơ là tiểu tiện còn thông lợi; từ đó có thể biết là tân dịch vẫn chưa kiệt hết; âm dương tuy nhiên đại hư, nhưng còn có thể cứu trị. Nếu như hoàn toàn không tiểu tiện là hoả nguyên đã tuyệt, dù có linh đan cũng không cứu được. Một kinh nghiệm lớn được rút ra là khi tàn khí thịnh chính khí hư đến giai đoạn trầm trọng lấy dấu hiệu tiểu tiện có hay không để quyết định tiên lượng tốt hay xấu. Kinh nghiệm này có một giá trị khoa học trong chẩn đoán lâm sàng, chúng ta nên lưu tâm nghiên cứu.
Theo kinh nghiệm điều trị của các danh y, trường hợp này nên dùng, phương tễ tân lương song tiết biểu lý; có thuyết nói tới chủ yếu là thanh lý nhiệt, tư âm dịch như bạch hổ gia nhân sâm thang. Các y gia cận đại, dựa vào biện chứng luận trị, coi trọng trị pháp thanh lý nhiệt, tư âm dịch hơn là trị pháp tân lương song tiết biểu lý.
Trường hợp thân thể phát ra sắc vàng, người bệnh như cuồng, điều 125 sách Thương hàn luận nói: “bệnh thái dương, người bệnh thân thể phát ra sắc vàng, mạch tượng trần kết, bụng dưới cứng rắn, tiểu tiện không thông lợi, là biểu hiện không có súc huyết. Nếu như tiểu tiện thông lợi, người bệnh như cuồng không yên là căn cứ xác thực của chứng súc huyết; chủ yếu dùng để đương thang điều trị”.
Điều văn này nói rõ trọng điểm biện chứng của chứng súc huyết phát hoàng (ứ huyết phát hoàng):
- Mạch tượng trầm kết.
- Bụng dưới cứng rắn.
- Tiểu tiện thông lợi.
- Như cuồng.
Đầy đủ cả bốn nhân tố thì chẩn đoán xác định là chứng súc huyết không còn nghi ngờ gì. Mạch tượng trầm kết, trầm là bệnh tại phần lý, kết là mạch tới động mà có lúc dừng, là biểu hiện của khí huyết ngưng trệ. Bụng dưới cứng là hiện tượng tà nhiệt và ứ huyết kết tụ ở bộ vị bàng quang, hạ tiêu. Chứng phát hoàng nói chung, đều là do thấp nhiệt uất lại, bốc lên tạo thành. Nhưng súc huyết có lúc cũng phát ra sắc vàng. Nguyên nhân của chứng phát hoàng này khác với chứng thấp nhiệt phát hoàng. Chủ yếu là do cơ chế huyết dịch đình ứ, vinh khí không phu bố tạo thành.
Trong điều 125, vàng da không phải là triệu chứng chủ yếu, mà chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của ứ huyết đình trệ, có khả năng phát sinh. Cho nên về phương diện điều trị chủ yếu vẫn là dùng để đương thang phá ứ trục huyết; ứ huyết vận hành thì vàng da tự rút.
Phân biệt thấp nhiệt phát hoàng và súc huyết phát hoàng tối chủ yếu là ở dấu hiệu tiểu tiện thông lợi hay không thông lợi, thấp nhiệt phát hoàng là do thấp nhiệt ứ trở từ không tiết ra đi xuống được; cho nên tiểu tiện không thông lợi; súc huyết phát hoàng là thuộc cơ chế tà tại phần huyết, không can thiệp tới phần khí, cho nên tiểu tiện vẫn thông lợi. Thấp nhiệt phát hoàng, mạch tượng phù hoạt mà sác, hoặc là nhu sác, đồng thời cũng không có triệu chứng bụng dưới đầy trướng, cứng rắn, như cuồng, phát cuồng. Sắc vàng của thấp nhiệt tươi sáng như vỏ quýt, săc vàng của súc huyết như chất dầu, hơi ám tối.
Nếu tiểu tiện không thông lợi thì tuy có đủ ba nhân tố kia cũng chỉ là thuộc chứng “súc nịch phát hoàng” (tiểu tiện không lợi phát vàng da) thuộc chứng nhân trần ngũ linh tán (nhân trân, trư linh, bạch linh, bạch truật, trạch tả, quế chi).