Đạo đức người làm báo và những trăn trở trong báo giới hiện nay
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo PBKT “Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí và truyền thông”. Ông Lê Công Lương - Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng, Liên hiệp Hội Việt Nam và ông Phạm Bích San – Nhà Xã hội học chủ trì hội thảo.
Ông Lê Công Lương - Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng, Liên hiệp Hội Việt Nam
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Công Lương - Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng, Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp và xã hội. Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo còn gọi là đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí.
Trong thế giới ngày nay, vị trí và vai trò của báo chí ngày càng được nâng lên. Báo chí đang trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống xã hội không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của con người. Báo chí còn tham gia vào tiến trình lịch sử, cùng lúc có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực của đời sống.
Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy định đạo đức không được ghi trong đạo luật, nhưng được chấp nhận trong giới báo chí và được duy trì bởi sức mạnh của dư luận xã hội. Đó là những nguyên tắc, những quy định hoặc quy tắc về hành vi đạo đức của nhà báo.
Bà Phạm Thị Bích Hồng – Phó trưởng ban Ban TT&PBKT, Liên hiệp Hội Việt Nam
Ông Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Thường trực, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cho rằng, đạo đức là vấn đề cốt tử, sống còn đối với nghề nghiệp báo chí và truyền thông. Điều này đòi hỏi nhà báo càng phải coi trọng tu dưỡng về đạo đức nghề nghiệp. Cốt lõi của đạo đức báo chí là sự chính trực, trung thực, khách quan... Do vậy, khi nhà báo viết trên các ấn phẩm chính thức hay khi tham gia mạng xã hội, thì vẫn là con người đó, trái tim, khối óc đó, phải luôn luôn bảo vệ các giá trị tốt đẹp, vì lợi ích thiết thân của người dân, lợi ích tối cao của đất nước và dân tộc.
Nói cách khác, dù nhà báo sử dụng mạng xã hội như một “cư dân mạng” thì cộng đồng xã hội dễ hiểu đấy là quan điểm của nhà báo, và ít nhiều mang quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc. Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm riêng trên mạng xã hội cũng cần cẩn trọng, nghiêm túc, chuẩn mực giống như khi tác nghiệp báo chí.
Ông Nguyễn Danh Châu - Phó Tổng biên tập, Báo Tri thức và Cuộc sống
Ông Nguyễn Danh Châu - Phó Tổng biên tập, Báo Tri thức và Cuộc sống cho biết, gần đây đã xuất hiện những Nhà báo, Phóng viên trở thành những “anh hùng” bàn phím chuyên “xào nấu” lại thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng để giật tít, câu View…, một số nhà báo vì những lợi ích cá nhân hay xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau đã sử dụng những thông tin trên mạng xã hội đưa tin sai sự thật, đưa tin không kiểm chứng... gây ảnh hưởng đến việc nhận thức, tiếp nhận, nắm bắt tin tức của công chúng.
Chính vì thế, theo ông Châu thì cần có những quy định cụ thể, chế tài chặt chẽ về việc quy trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý các đơn vị báo chí; việc tự từ chức, cách chức khi để xảy ra sai sót; hay kịp thời tiến hành công tác bồi dưỡng và tập huấn về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm công tác báo chí, thì tin chắc rằng việc vi phạm đạo đức báo chí sẽ được hạn chế một cách triệt để.
Công tác này không chỉ dựa vào sự quản lý có hiệu quả của các cơ quan chức năng cùng sự giám sát của nhà nước và công chúng, mà quan trọng hơn là phụ thuộc vào nhận thức và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác báo chí.
Ông Lê Văn Hồng, Phó trưởng ban biên tập trang vusta.vn
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến như các cơ quan báo chí cần nâng cao trách nhiệm, thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo; Các cơ sở đào tạo về báo chí cần bổ sung, tăng thời lượng các môn học giáo dục đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cho đội ngũ những người làm báo trong tương lai.
Quang cảnh buổi hội thảo
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chi hội, Hội Nhà báo trong việc giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo; Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có lồng ghép các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, tăng tính hiệu lực đảm bảo việc thực thi một cách nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động báo chí được diễn ra một cách lành mạnh, chuyên nghiệp; Tăng cường sự giám sát, quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí và nhà báo.
HT