Đánh Trà Long (Nghệ An) - Tầm nhìn chiến lược trong kế hoạch Nam tiến của tướng Nguyễn Chích
Kế hoạch đánh Trà Long...
Như chúng ta đã biết, vào mùa Xuân tháng giêng năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo chính thức nổ ra trên mảnh đất Lam Sơn, Thanh Hoá. Trong 6 năm đương đầu với đại địch trên mảnh đất miền Tây xứ Thanh, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn chưa thoát khỏi vị thế một phong trào địa phương bản bộ. Nghĩa quân Lam Sơn phải chiến đấu trong thế cô lập. Trước yêu cầu cốt tử là đưa cuộc khởi nghĩa phát triển đi lên, mùa Đông 1423, Bình Định Vương Lê Lợi đã triệu tập một cuộc họp với đầy đủ các văn thần, võ tướng dưới trướng của mình, mục đích bàn kế tiến thủ cho cuộc chiến trong giai đoạn sắp tới. Trong cuộc họp, Bình Định Vương nói “chúng ta sẽ đi về đâu để lo việc nước?” (2). Câu hỏi tưởng đơn giản mà thực chất là cả một vấn đề lớn có liên quan trực tiếp đến sự nghiệp thành bại của cuộc khởi nghĩa.
Trước câu hỏi của chủ tướng Lê Lợi, vị thủ lĩnh nông dân Nguyễn Chích đã trình bày một kế sách được coi là đắc dụng, nhằm hoá giải những trăn trở của người chỉ huy tối cao về cuộc khởi nghĩa. Ông nói: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thạo đường đất. Nay trước tiên hãy đánh lấy Trà Long, bình định cho được Nghệ An để làm chổ đứng chân. Rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”(3). Mặc dù lời nói ngắn gọn được diễn đạt bằng ngôn ngữ của một vị tướng nông dân nhưng không làm thay đổi ý nghĩa lớn lao của một kế hoạch tầm cỡ. Nội dung cốt lõi được thể hiện trong tư tưởng của vị dũng tướng tài ba Nguyễn Chích là bằng mọi giá phải đánh chiếm cho được Nghệ An, “biến Nghệ An làm đất đứng chân” thì mục tiêu “dẹp yên thiên hạ” của nghĩa quân Lam Sơn mới hi vọng được thực tiễn hoá. Trong kế hoạch này, Nguyễn Chích chỉ ra rất rõ muốn “bình định được Nghệ An” “trước tiên” phải “đánh lấy Trà Long”. Vậy tại sao Nguyễn Chích lại đề ra “trước tiên” phải “đánh lấy Trà Long” mà không phải là một địa bàn “hiểm yếu” nào khác? Trà Long có vị trí như thế nào trong kế hoạch biến vùng đất Hoan Châu xưa thành đất đứng chân của cuộc khởi nghĩa?
Ta biết rằng chiến lược tiến quân vào Nghệ An là sự cụ thể hoá một bước tư tưởng “bỏ chỗ mạnh đánh chỗ yếu” của nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên ta cũng phải thấy Nghệ An trong đêm trước của cuộc hành quân Nam tiến, dù lực lượng của giặc Minh không đông và mạnh như trên đất Tây Đô, nhưng điều này không đồng nghĩa việc nghĩa quân Lam Sơn có thể đánh chiếm Nghệ An một cách dễ dàng. Tiến quân đánh vào Nghệ An là một kế hoạch sáng suốt nhằm phá vỡ thế cô lập của cuộc chiến ở thời điểm lúc bấy giờ. Nhưng đánh vào đâu để đảm bảo ý nghĩa về chiến lược chiến thuật, giúp cho nghĩa quân có được nhân tố chắc thắng, tránh được thương vong trên con đường hành binh là một vấn đề quan trọng. Để lối đánh “lấy yếu chế mạnh”, “lấy ít địch nhiều” đảm bảo được chắc thắng và kế hoạch “biến Nghệ An thành đất đứng chân” của nghĩa quân Lam Sơn được hiện thực hoá thì mục tiêu đầu tiên nghĩa quân Lam Sơn cần phải thu phục khi tiến quân vào Nghệ An theo Nguyễn Chích là vùng đất Trà Long. Ta biết nếu tiến công vào Nghệ An nhưng theo đường đồng bằng thì đó sẽ là một sự tiến quân liều lĩnh chứa đựng những nhân tố bất lợi. Vì khi tiến vào đồng bằng Nghệ An, nghĩa quân sẽ phải đụng đầu với hàng vạn quân lính nhà Minh đang án ngữ trong hai thành Diễn Châu và Nghệ An. Trong khi đồng bằng không phải là địa bàn lý tưởng cho nghĩa quân Lam Sơn có thể sử dụng cách đánh truyền thống của mình, nhưng lại là địa hình sở trường của quân đội nhà Minh.
Với kinh nghiệm thực tiễn của một tướng lĩnh từng nhiều năm lăn lộn trên chiến trường Nam Thanh Bắc Nghệ, Nguyễn Chích hiểu rằng muốn thâu tóm được Nghệ An tất yếu phải làm chủ được miền đất Trà Long, tức địa bàn rừng núi Tây Nghệ An. Trà Long là một châu miền núi phía Tây phủ Nghệ An, tương ứng với đất Con Cuông và Tương Dương ngày nay. Trung tâm của châu Trà Long thời thuộc Minh là vùng phía trên ngã ba sông Con và sông Lam. Tiến quân đánh chiếm Trà Long sẽ đem lại cho nghĩa quân Lam Sơn những thuận lợi lớn và cơ bản.
Trước tiên là về hướng tiến công. Tiến đánh Trà Long giúp cho nghĩa quân Lam Sơn tránh được hướng tiến quân về đồng bằng ngay lập tức, vì điều đó là bất lợi cho nghĩa quân lúc này. Tiến đánh Trà Long sẽ đem lại sự tiện lợi cho cuộc hành binh của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra trên con đường thượng đạo. Trong kế hoạch đánh chiếm Nghệ An mà Trà Long là điểm mở đầu, thượng đạo là con đường ngắn nhất và có một vị trí xung yếu. Đó là con đường tiến theo lưu vực sông Hiếu, sông Con đi vào lưu vực sông Lam qua địa bàn các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông... Tiến quân trên con đường thượng đạo sẽ rút ngắn được thời gian đối với mục tiêu tiến công nhằm vào hướng Trà Long và sẽ mang lại tính đột biến, bất ngờ cho cuộc hành quân. Đó là thuận lợi thứ nhất.
Mặt khác, đất Nghệ An từng là địa bàn chính trong cuộc kháng chiến chống Minh thời Hậu Trần. Mãi tới năm 1414, giặc Minh mới thoái triệt được phong trào yêu nước nơi đây. Như vậy, so với nhiều địa phương trên cả nước, chính quyền địch ở Nghệ An được củng cố khá muộn. Điều này khiến cho bọn địch nơi đây chỉ lo củng cố trật tự cai trị tại vùng đồng bằng mà bỏ ngõ một khu vực rừng núi Tây Nghệ An rộng lớn. Binh lực địch ở Nghệ An phần lớn bị hút về đóng chốt tại hai thành Nghệ An và Diễn Châu. Trong khi đó cả một địa bàn rừng núi phía Tây xứ Nghệ có vị trí trọng yếu về chiến lược, chiến thuật thì không có bất kì một thành luỹ nào do quân Minh trực tiếp trấn giữ. Chỉ có duy nhất thành Trà Long đóng trên châu Trà Long là có lực lượng của địch án ngữ. Nhưng lực lượng quân địch ở đây lại không đông, không mạnh và phần đa là do ngụy quan, ngụy quân giữ chốt. Đó là cái lợi thứ hai.
Thứ ba, đánh vào Trà Long, di chuyển bằng con đường núi sẽ đảm bảo độ an toàn cao hơn cho cuộc hành quân. Với địa hình lắm sông nhiều núi, rừng cây rậm rạp sẽ là tấm lá chắn tự nhiên, giúp cho nghĩa quân có thể linh hoạt trong tập trung hay phân tán lực lượng. Hoặc giả nếu như ở vào cái thế trước sau đều có địch cũng sẽ không tạo cho nghĩa quân tâm lý “tiến thoái lưỡng nan”. Ngược lại sẽ giúp cho các chiến binh Lam Sơn có thể phát huy, truy lĩnh đến tối đa lối đánh sở trường thế mạnh của mình tại địa bàn Non Lam trước kia, đó chính là lối “đặt kỳ”, “ra phục”. Địa hình thuận lợi là điều kiện quan trọng khiến cho cho mối quan hệ lượng - chất trong tương quan binh lực được giảm xuống mức thấp nhất. Đó là cái lợi thứ ba và cũng là cái lợi quan trọng nhất trên con đường hành binh vào miền Tây xứ Nghệ.
Có thể nói, việc tiến quân nhằm hướng Trà Long khi đưa quân vào Nghệ An thực sự là một hướng đi sáng suốt. Việc tiến đánh Trà Long không những là một hướng tiến quân đúng đắn, có tính khả thi cao, khả năng giành thắng lợi lớn, mà còn là nhân tố quy định về mặt chiến lược chiến thuật, phương châm tác chiến, cũng như công tác chỉ đạo cụ thể trong thực tiễn. Nó giúp cho nghĩa quân Lam Sơn có thể truy lĩnh, phát huy tối đa lối tác chiến sở trường, cách đánh quen thuộc, cho dù chiến trường Tây Nghệ An là một chiến trường hoàn toàn mới. Hướng tiến công đó mang lại cho nghĩa quân Lam Sơn một cuộc hành binh trên thế chủ động, được lập trình một cách khoa học, chi tiết. Tất cả những yếu tố đó chứng tỏ rằng hướng tiến công vào Trà Long là hết sức phù hợp cho đặc điểm tình hình, tình thế nghĩa quân Lam Sơn lúc này. Nó đảm bảo cho một kế hoạch từ lĩnh vực lý thuyết có tính thực tiễn cao khi đem sử dụng trong thực tế. Với việc chọn Trà Long làm điểm mở đầu cho kế hoạch đánh chiếm Nghệ An, một lần nữa Nguyễn Chích đã vận dụng triệt để phương châm “bỏ chỗ rắn đánh chỗ núng”, đánh vào những nơi có vị trí quan trọng về mặt chiến lược mà địch tương đối yếu. Đó chính là sự thông minh của vị tướng nông dân người Đông Sơn, Mạc Xá, xứ Thanh.
Tuy nhiên, việc chọn hướng Trà Long mới chỉ giải đáp cho nghĩa quân một hướng tiến công với khả năng chiến thắng cao, tức là chức năng thực tiễn, tính khả thi của kế hoạch. Nhưng mặt khác, việc quyết định chọn Trà Long làm điểm tựa cho kế hoạch đánh chiếm Nghệ An, biến Nghệ An làm đất đứng chân mới là vấn đề quan trọng nhất trong kế hoạch đánh chiếm Trà Long của tướng Nguyễn Chích. Vậy so với các khu vực có vị trí chiến lược ở Nghệ An, vị trí Trà Long có gì đặc biệt? Đâu là những điều kiện cần thiết quyết định cho Trà Long có thể đảm đương sứ mệnh tiên phong, tạo ra những nhân tố tảng nền làm bệ đỡ cho kế hoạch mang tầm chiến lược, có sức ảnh hưởng lớn, đóng vai trò quyết định cho cuộc bại thành trong kế sách thu phục Nghệ An của tướng Nguyễn Chích?
Ta biết rằng, trong kế hoạch đánh chiếm Nghệ An, Trà Long có một vị trí rất quan trọng về mặt chiến lược.
Về giao thông:Đây là đầu mối của những con đường giao thông thuỷ, bộ quan trọng nhất miền Tây Nghệ An vào thời điểm đó cũng như hiện nay. Từ Trà Long xuôi theo lưu vực sông Lam có thể nhanh chóng tiến xuống vùng đồng bằng Nghệ An, hoặc có thể tiến sang Ai Lao, Vạn Tượng phía Tây bằng cả hai đường thuỷ, bộ đều tiện. Trà Long cũng là một điểm chốt quan trọng trên con đường thượng đạo từ Bắc vào Nam . Đánh chiếm Trà Long, ta không những khai thông con đường thượng đạo trên địa bàn Tây Nghệ An, mà chúng ta còn trực tiếp khống chế con đường có vị trí xung yếu chiến lược đó trên vùng đất này.
Về quân sự :Đánh chiếm được Trà Long cũng đồng nghĩa với việc nghĩa quân Lam Sơn đã làm chủ được một vùng phía Tây Nghệ An rộng lớn, vì tiến được đến Trà Long, nghĩa quân tất yếu phải loại bỏ tất cả những chướng ngại vật cản trở trên con đường thượng đạo từ miền Tây xứ Thanh vào miền Tây xứ Nghệ. Việc sở hữu, nắm trọn vùng đất phía Tây Nghệ An rộng lớn là điều kiện tiên quyết trong việc biến toàn bộ khu vực rừng núi phía Tây này trở thành vùng đất đứng chân trực tiếp, an toàn, với chức năng bàn đạp cho nghĩa quân của Bình Định Vương mở rộng địa bàn đánh chiếm trên đất Nghệ. Trước mắt, nó sẽ tạo ra sự uy hiếp trực tiếp đại binh của địch đang đóng giữ trên núi Lam Thành (thành Nghệ An).
Mặt khác, thâu tóm được Trà Long sẽ là cơ hội tốt cho nghĩa quân Lam Sơn cơ động triển khai lực lượng đưa quân vòng qua lối tắt, đánh chiếm những chỗ tiện lợi có vị trí yết hầu phía trong bằng con đường thượng đạo. Hoặc cũng có thể nhanh chóng tiến theo lưu vực sông Lam tiến xuống hạ lưu tạo ra hướng tiến công đa dạng từ “bốn phương tám hướng”. Trà Long cũng là một vị trí thuận lợi cho nghĩa quân có thể triển khai đập gãy bất kỳ mũi tiến công nào của địch hoặc bằng đường bộ, hoặc bằng đường thuỷ từ đồng bằng lên. Từ đó mở rộng đánh chiếm ra toàn Nghệ An một cách dễ dàng, thuận tiện.
Tóm lại, việc chọn Trà Long làm điểm tựa cho kế hoạch đánh chiếm Nghệ An của tướng Nguyễn Chích là hướng đi đúng và sáng suốt. Tiến công bằng con đường Trà Long sẽ phát huy được ưu điểm, hạn chế được nhược điểm, tận dụng được thế mạnh, khắc phục được điểm yếu của nghĩa quân Lam Sơn trong chiến lược tiến vào Nghệ An, cũng là khoét sâu đánh vào những yếu huyệt mà đối phương không thể chống đỡ.
... và tầm nhìn chiến lược của vị tướng nông dân Nguyễn Chích
Với quan điểm chọn Trà Long làm điểm tựa để thực tiễn hoá kế hoạch do chính mình đề ra đã chứng tỏ tầm nhìn và tài năng của người thủ lĩnh nông dân Nguyễn Chích. Rõ ràng hiểu và nắm vững vùng đất xứ Nghệ chắc hẳn không riêng gì Nguyễn Chích. Dưới trướng Lê Lợi, ngay từ ngày đầu cuộc khởi nghĩa đã có sự góp sức trực tiếp của những người con sinh ra trên vùng đất Nghệ, nổi bật là tướng Nguyễn Xí, Nguyễn Biện… Và trong hàng ngũ tướng lĩnh của Lam Sơn động chủ không ít các võ tướng tài ba, các mưu sĩ thao lược trước khi về với Bình Định Vương đã từng tung hoành vào Nam ra Bắc để kiếm tìm minh chủ. Những con người đó lẽ nào lại không từng đặt chân lên vùng đất được xem là “phên dậu thứ ba ở phương Nam ”(4) tổ quốc một đôi lần. Điều đó để khẳng định những hiểu biết của Nguyễn Chích về vùng đất Hoan Diễn nói chung và mảnh đất miền Tây xứ Nghệ, Trà Long nói riêng, không chỉ là sự hiểu biết về một vùng đất đơn thuần. Nếu không có óc quan sát của một binh gia, một nhãn quan quân sự tầm cỡ, một khả năng phân tích chính xác tài tình của một nhà cầm binh lão luyện, thì làm sao người thủ lĩnh nông dân một thời này có thể biến những kiến thức “đại cương” địa lý một vùng đất chuyển hoá thành những tri thức uyên thâm về quân sự, có thể nhìn nhận Trà Long ở cái thế “một người giữ chỗ hiểm trăm người không địch nổi”, từ một địa danh khô khan miền Tây xứ Nghệ trở thành điểm đầu quyết định cho toàn bộ sự thành bại của cả một chiến lược lớn. Nguyễn Chích xứng đáng là tấm gương sáng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và sáng tạo của nông dân và nhân dân lao động thế kỷ XV.
Tài năng của ông xứng đáng được sách sử lưu danh. Công lao và những cống hiến của ông muôn đời được lịch sử dân tộc khắc ghi, hậu thế truyền tụng. Còn gì đẹp hơn khi nói về người anh hùng nông dân vùng lên giết giặc. Cuối cùng xin được mượn lời của nhà bác học Lê Quý Đôn thay cho lời kết: “Bầy tôi có công khai quốc kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm. Nhưng sở dĩ vua Cao Hoàng bình định được thiên hạ là do mưu chước của Lê Chích... Không cần đánh mà hạ được thành Đông Đô, lấy hoà hiếu mà kết liễu chiến tranh tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng về căn bản mạnh để thu lấy thắng lợi hoàn toàn trước hết thực là bắt đầu từ Lê Chích”(5)./.
Chú thích
(1) Lê Quý Đôn - Kiến văn tiểu lục, Nxb sử học, 1962 (bản dịch Phạm Trọng Điềm), tr.308-310.
(2) Văn bia “Quốc triều tá mệnh công thần Lê Chích” do Trình Thuấn Du - một học giả đương thời soạn năm 1449, ngay sau khi Nguyễn Chích qua đời. Bia hiện vẫn còn ở Vạn Lộc, Đông Ninh, Đông Sơn, Thanh Hoá, và bản phục chế tại viện bảo tàng lịch sử. Bài văn bia được GS. Phan Đại Doãn công bố trong tạp chí Khảo cổ học số 20-1977, tr.5-29.
(3) Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn - Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV, Nxb Khoa học xã hội, 1969, tr.172.
(4) Phan Huy Lê - Căn cứ địa Nghệ An trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb Nghệ Tĩnh, 1981, tr.3.
(5) Lê Quý Đôn - Kiến văn tiểu lục, Nxb sử học, 1962, tr.308-310.
Tài liệu tham khảo
(1). Trình Thuấn Du (1450), Văn bia “Quốc triều tá mệnh công thần Lê Chích”, bản dịch Phan Đại Doãn (công bố trong tạp chí nghiên cứu khảo cổ học số 20-1977); bản dịch Bùi Xuân Vỹ, Nguyễn Thế Bân hiệu đính được in trong sách “Khảo sát truyền thống văn hoá Đông Sơn”, Nxb Khoa học xã hội 1987.
(2). Lê Quý Đôn, (1977), “Kiến Văn tiểu lục”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(3). Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn (1977), “Khởi Nghĩa Lam Sơn”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(4). Phan Huy Lê, “Căn cứ địa Nghệ An trong khởi nghĩa Lam Sơn”, Nxb Nghệ Tĩnh, 1981.
(5). “Đại Việt sử ký toàn thư”, (1993) (ấn bản điện tử), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(6). “Gia phả họ Nguyễn Chích”, bản lưu tại gia đình cụ Nguyễn Nạy - Vạn Lộc - Đông Ninh - Đông Sơn - Thanh Hoá.