DANH NHÂN ĐÀO TẤN (1845-1907)
Đào Tấn tên đầy đủ là Đào Tăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang, Mai Tăng, Mộng Mai thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở đất Đàng trong đầu thế kỷ XVII. Ông người làng Vinh Thạnh nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Cha là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan. Ngay từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là thông minh dĩnh ngộ.
Năm 22 tuổi Đào Tấn là một trong số mười tám người đỗ cử nhân khoa thi hương Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định (bao gồm sĩ tử từ Quảng Ngãi tới Khánh Hòa). Bốn năm sau, vào năm Tự Đức thứ 24 (1871), ông được bổ quan rồi thăng tiến rất nhanh: Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình) (1874), Phủ doãn Thừa Thiên (1882). Ông thường cùng Tự Đức bàn luận văn chương, vua tôi rất tâm đắc. Những năm này triều đình Nguyễn ươn hèn liên tiếp nhượng bộ, mà thực chất là từng bước dâng đất nước cho thực dân Pháp. Là người nặng tư tưởng trung quân, Đào Tấn dường như đứng ngoài cuộc kháng chiến của toàn dân đang sôi sục khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng mặt khác, ông lại là người yêu nước, thấy nước nhà lâm nguy mà không cứu, tự thấy hổ thẹn với chính mình. Ông viện cớ cha mẹ yếu xin từ quan về phụng dưỡng nhưng không được chấp nhận. Mãi khi cha mất ông mới được phép về quê.
Cuộc binh biến ở kinh thành Huế ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) của phái chủ chiến do Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Huyết đứng đầu thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần Vương đã thổi bùng ngọn lửa cứu nước. Ở Bình Định phong trào Cần Vương do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo phát triển mạnh mẽ, nhưng Đào Tấn vẫn đứng ngoài cuộc, từ chối lời mời tham gia phong trào của nghĩa quân, rồi đến chùa Linh Phong (Phù Cát) ở ẩn. Đồng Khánh lên ngôi, vốn là chỗ cố tri, lập tức cho mời ông tiếp tục tham chính. Đào Tấn trở lại triều đình nhậm chức, trải thăng tới Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) năm 1889, Công Bộ Thượng thư (1897)… Năm 1904 vì chống tên việt gian Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn. Ba năm sau (1907), ông mất, thọ 62 tuổi.
Cuộc đời chính trị của Đào Tấn, cứ nhìn vào các chức vụ mà ông đã trải qua, các tước vị mà ông đã đạt được, có thể nói là hanh thông. Nhưng đặt trong hoàn cảnh đất nước thời kỳ này thì thái độ ứng xử quả có nhiều điều đáng chế trách, dù vẫn biết ông là người yêu nước, là vị quan nổi tiếng liêm khiết, là nhà nho thanh bạch giản dị. Tuy nhiên, cái làm nên một danh nhân Đào Tấn không phải là sự nghiệp chính trị, là những thành đạt chốn quan trường, mà là sự nghiệp văn hóa của ông.
Nói đến Đào Tấn là nói đến những cống hiến lớn lao của ông đối với nghệ thuật tuồng. Sân khấu tuồng đã có ở Việt Nam từ rất sớm. Đến đầu thế kỷ XIII đã xuất hiện nhiều vở nổi tiếng còn truyền lại đến ngày nay. Tuy nhiên, bấy giờ bộ môn nghệ thuật này chưa được tổ chức mang tính chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn, bằng những đóng góp xuất sắc của ông, với lòng say mê, tài năng và tâm huyết, nghệ thuật tuồng Việt Nam đã đạt đến bước phát triển rực rỡ. Ông lập Ban hiệu thư ở Huế chuyên sáng tác, Học bộ đình ở Bình Định chuyên đào tạo diễn viên. Hàng năm vở tuồng nối tiếp nhau ra mắt công chúng, trong đó có 30 vở của Đào Tấn. Các vở tuồng xuất sắc của ông, có thể kể đến như Quần trân hiểu thoại, Tứ quốc lai vương, Tam bảo thái giám hữu bửu, Cổ thành, Quan công quá quan, Tâm dã Đồn, Hoàng Phi Hổ quá quan, Trần hương các, Hộ sanh đàn, Khuê các anh hùng… và nhuận sắc một số vở như Tam nữ đồ vương, Sơn hậu, Ngũ hổ bình tây, Nguyệt cô hóa cáo… Trong lịch sử tuồng Việt Nam đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất. Ngoài ra ông còn có công trong việc hoàn thiện âm nhạc tuồng. Đào Tấn còn là người đầu tiên hệ thống hóa các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng, từ trang trí, phục trang đến đạo cụ… Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc đào Tấn xứng đáng được hậu thế suy tôn là “Hậu Tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Cũng không thể không nhắc đến một Đào Tấn văn sĩ. Thơ ông được nhiều nhà nho đương thời khen ngợi. Những tác phẩm của ông gồm Mộng Mai thi tồn, Mộng mai từ lục, Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai văn sao, đều viết bằng chữ Hán, trong đó về thơ có tới hàng trăm bài, nhiều bài có giá trị.
Mặc dù không giống nhiều sĩ phu bấy giờ, trước sự ươn hèn của vua tôi nhà Nguyễn, đã đứng về phía nhân dân hoặc phất cờ cùng nhân dân chống Pháp nhưng trước sau Đào Tấn vẫn là một người yêu nước. Điều này thấy rõ qua thơ văn của ông, đặc biệt qua nội dung các vở tuồng do ông sáng tác. Tuồng Đào Tấn nêu cao những tấm gương nhân nghĩa, lòng yêu nước, thương dân, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa, đồng thời lên án mạnh mẽ bọn người xu nịnh, bọn quan lại hèn nhát. Dường như trong mỗi vở tuồng Đào Tấn đều gởi gắm vào đó cả nỗi lòng mình. Những năm cuối đời, Đào Tấn về quê sống ẩn dật. Xa lánh chốn quan trường nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật tuồng. Ông lo trước về “hậu sự” của mình, chọn núi Hoàng Mai làm nơi an nghỉ ngàn thu. Ông mất, người nhà theo ý nguyện của ông đã an táng ông tại nơi đây.
Công lao và những đóng góp của Đào Tấn đối với nền văn hoá dân tộc từ lâu đã được khẳng định. Nhân 150 năm ngày sinh của Đào Tấn, Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức kỷ niệm tại quê hương ông. Càng ngày khách tới thăm viếng mộ Đào Tấn càng đông. Họ là những văn nghệ sĩ, những người yêu thích nghệ thuật tuồng, là đông đảo nhân dân, ở Bình Định, ở khắp mọi miền đất nước đến đây để tưởng niệm, để tri ân người đã có công lớn trong việc kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc.