Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 01/03/2010 18:26 (GMT+7)

“Đánh bài chòi” xuất phát từ đâu?

“Đánh bài chòi” xuất hiện khá lâu đời, phổ biến nhất là tại các vùng nông thôn hai tỉnh Bình Định – Phú Yên vào khoảng giữa thế kỷ XX.

Hình thức và tính cách của trò chơi “Đánh bài chòi” thì ai cũng biết, nhưng về mặt cấu trúc nội dung, từ hình vẽ đến chữ viết và tên gọi của mỗi lá bài trong một bộ bài gồm 3 pho, mỗi pho gồm 27 đơn vị tên gọi riêng… thì không phải ai cũng dễ dàng tường tận.

1. Pho Văn: Ông Ầm, Trán Hai, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Ruột (còn gọi là Ngũ Rún hay Đổ Ruột), Sáu Miểng (Sáu Mập), Bảy Liễu, Tám Miễn, Chín Gan (hoặc Chín Cu), Chín Gối (hoặc Chín Đối)…

2. Pho Vạn: Bạch Huệ (Bạch Huệ Khai), Nhứt Trò, Nhì Bá, Tam Quang, Tứ Ghế (Tức Móc), Ngũ Trượt, Lục Trạng (lục Chạng), Thất Vung, bát Bồng, Cửu Chùa…

3. Pho Sách: Ông Tứ (Tứ Cẳng), Nhất Nọc, Nhị Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách (hoặc Tứ Sách), Ngũ Dụm (Ngũ Đất), Sáu Bường (Lực Hột), Bảy Thừa, Tám Dây (Tám Dừng), Cửu Điền (Cửu Điều)…

Gọi tên các lá bài trong 3 Pho trên như đây, khiến cho các cụ Nho học phải nhiều phen lúng túng đã đành mà kể cả những người nghiên cứu “cổ ngữ’ đương thời, cũng đã tỏ ra “bất lực” khi được phát biểu về ca từ của bộ môn Hô Bài chòi này trước khán – thính giả gần xa. Đáng chú ý trước hết là ở đó có sự pha trộn giữa tiếng Hán với Nôm trong tất cả những con bài… khi thì gọi Lục Chạng, Bát Đồng… Khi thì gọi Sáu Bường, Ba Bụng (?!), còn nghĩa của nó thì… chỉ có Thánh may ra mới hiểu nổi! Tứ Cẳng, Ngũ Đít, Nhất Nọc… mang nghĩa là gì, hay đó chính là tên gọi dành cho những anh nông dân nào đó hoặc để ca ngợi các chị dệt lụa, kéo tơ (?). Cũng có thể do tính dễ dãi, chất phác của người bình dân trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, khiến cho người ta cứ việc “gọi bừa” như đã gọi. Đó là chưa kể tới khi nhìn vào hình vẽ trên các lá bài… khi thì giống như các hình ảnh tượng trưng của người Hồi giáo, khi thì giống như những nét vẽ của người Ai Cập trên các nấm mồ xưa hoặc trên các đền đài ở Nam Mỹ… cũng có một số lá bài đầy vẽ chơn chất như lá bài Ba Gà hoặc lá bài Sáu Hộc dù đôi lúc chúng cũng mang những nét vẽ nghệch ngoạc giống như trường phái Hội hoạ siêu thực, lập thể hoặc giống với kiểu vẽ tranh của Picaso trên các lá bài mang tên Nhị Nghèo, Tứ Tượng…

So với các lá bài khác, trên lá bài chòi không ghi chữ Hán như ở trên lá bài tứ sắc chẳng hạn. Xưa kia, người ta thấy phía trên đầu mỗi lá Bài chòi thường có ghi bằng chữ Nôm. Nhưng sau đó không hề ghi chữ trên lá bài hoặc nếu có thì ghi bằng chữ Việt (dạng La tinh).

Quan sát bộ bài Tây, trên mỗi lá bài thấy có vẽ hình người (từ hình nàng công chúa chơ tới hình các danh tướng, hoàng tử hoặc các bậc vua chúa thời xưa…) rất sinh động, hấp dẫn. Trong lúc đó nhìn đến những lá Bài chòi chỉ có những nét vẽ lăng quăng hoặc vòng tròn tròn, trông giống hệt với mấy “con trùn” của cụ Trạng Quỳnh “đi thi vẽ” vậy!

Những nét thiếu nhất quán nói trên, có thể cho chúng ta thấy rằng “Bài chòi” xuất phát từ những “câu hô”, “lời xướng” để rồi hình thành cùng với nguyên tắc của trò chơi… nên có cùng đặc điểm truyền khẩu theo hướng văn học dân gian. Sản phẩm văn hoá riêng của Bình Định và Phú Yên này xuất hiện từ lúc nào, đến nay vẫn chưa có sự xác định rõ ràng…

Theo nhà thơ Quách Tấn (1910 – 1992) thì Bài chòi đã có từ khá lâu đời… Nhưng, bày ra “điện hô” (Hô Bài Chòi) thì mới xuất hiện cách nay khoảng chừng 50 – 60 năm (1) (tính đến thời điểm 1986). Trước đó, ông Vũ Ngọc Phan đã từng cho rằng… Thời xưa, Bài chòi là một trong các loại Bài thường xuyên được nhân dân ta đưa vào hàng đầu danh sách những trò chơi “Vui xuân” tại các tỉnh Nam Trung bộ (2). Khi nói về các loại hình sinh hoạt dân ca, tác giả Đặng Văn Lung viết: “Hô Bài chòi” là hình thức hô hát bắt nguồn từ trò chơi “bài bạc”, song khi nó phát triển lên cao hơn thì “Bài chòi” cũng đã trở thành một thể loại Dân ca độc đáo của người dân Liên khu V (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà) (3). Cũng như ông Quách Tấn và ông Vũ Ngọc Phan, ông Tạ Chí Đại Tường cũng chỉ đưa ra một số ý kiến xung quanh những nét dân dã đáng được trân trọng trong tinh thần văn hoá dân tộc nói riêng về thể loại Bài chòi mà thôi, còn về phần tìm hiểu cội nguồn, tuổi tác của Bài chòi… vẫn phải tìm hiểu lại nơi các tác giả xưa kia.

Về vấn đề đang bàn, người ta chú ý tới một Giáo sĩ Cơ đốc - người rất đam mê nghiên cứu hầu hết các thể loại âm nhạc nước ta: Giáo sĩ G. L Bouvier, người Pháp gốc Phần Lan – Ông Bouvier từng có mặt tại Việt Nam trong nhiều năm đầu thế kỷ XX, Sir Bouvier đã dành riêng một chương viết đặc biệt với tựa đề La Chanson Populaire de L’ Annam(trong quyển La Rousse Musicale) của mình để nói về “Bài chòi”. Ông cho rằng, Bài chòi được hình thành và phát triển mạnh sau những năm Nam tiến của người Veịet, tức là sau 1470 (4). Trong chương này, ông còn đề cập rất kỹ đến “Bài chòi” kể cả phần so sánh, phân tích những câu chữ bình dân của “Bài chòi” với một số câu chữ bình dân trong Dân ca ở tận xứ sở Algerie (trong đó có câu “Avee un sac plain de piastre surses épaules, même parlent à tort et à travers on est toujours très écouté”) (5).

Sau khi nêu ra những so sánh thú vị đó, Bouvier cho biết thêm… khi đã là cư dân trên những vùng đất từ Amaravati đến Pandaranga (từ Quảng Nam đến Bình Thuận) những cư dân mới này đã cật lực khẩn hoang liên tục trong nhiều thập niên.. và họ đã thành công trong xây dựng kinh tế, văn hoá… ở vùng châu thổ Vifaya (gồm Bình Định, Phú Yên). Được như vậy là nhờ có sự tổng hợp rộng khắp một cách hợp lý cùng một lúc với các dân tộc anh em tại địa phương. Trong số đó có nhiều người cùng mang truyền thống văn hoá lâu đời trên khắp mọi miền ở phía Bắc.

Vốn có sự tập trung phong phú, đa dạng về mặt văn hoá như thế, người người đều có điều kiện kết hợp, hoà nhập nhanh chóng cùng với nền văn hoá của đồng bào sắc tộc Chăm (đã sống lâu đời ở vùng đất này), cải cách một số Dân ca – Dân vũ phù hợp với nếp sinh hoạt cộng đồng vào thời điểm đó. Và trong phần tổng hợp, cải cách quan trọng đó, dù trải qua hơn nửa thiên niên kỷ cải tiến không ngừng về mọi mặt, đến nay vẫn còn một số làn điệu Dân ca giữ lại được bản sắc gốc của nó… như các điệu hò, điệu lý (hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò kéo vải… hoặc lý ngựa ô, lý con sáo, lý quét nhà…). Đồng thời khai sinh thêm hai bộ môn trình diễn mới, đó là Hát bộ (hát bội) và Hô Bài chòi (6). (Từ dạng Hô Bài chòi đến nghệ thuật Sân khấu Bài chòi để rồi dần dần trở thành nhiều “Đoàn hát Bài chòi” chuyên nghiệp, giống như tổ chức các Đoàn hát Cải lương - Nam bộ hôm nay).

Nếu “Hát bộ” hình thành qua vị sư tổ Đào Duy Từ (con trai cụ Đào Tá Hán - gốc Nghệ An - học rất giỏi mà không được vào “Trường thi” chỉ vì ông là con một gia đình “xướng ca” thuở ấy (Xướng ca vô loại cơ mà). Đào Duy Từ tìm đến Bình Định nương thân (ở huyện Bồng Sơn). Dịp này, ông vận dụng vốn trí thức xuất sắc của mình trong việc chuyển hoá các tác phẩm nổi tiếng về ca kịch của Trung Hoa trở thành những vở diễn Việt Nam với tên gọi nôm na là “Tuồng hát bội Bình Định”… (qua sự kiện này, ngày nay có 2 tiết điệu Khách và Namtrong cùng điệu Hát bộ - Tiết điệu Khách: từ nước ngoài đưa vào, Tiết điệu Nam : Tiết điệu Thuần Việt)… thì “Bài chòi mang quá trình hình thành như sau:

Tại những vùng định cư mới như đã nêu trên, từ việc xây cất nhà cửa, khai khẩn rẫy, nương, ruộng, vườn…. đều phải dựa vào phần lớn kinh nghiệm của người địa phương. Nhà ở, nhà kho, chòi giữ rẫy đều phải làm dựa theo dạng Nhà sàn, nhằm tiện cho việc dễ dàng tháo gỡ mỗi khi cần chuyển vùng canh tác… cũng như để phòng chống thú dữ tấn công. Trong những điều kiện sinh hoạt như thế, cộng đồng dân cư cần có những trò chơi giải trí cho nhau. Do vậy mà người trong cuộc nghĩ đến cách thức cấu tạo “câu hò”, “câu hát” sao cho phù hợp với những phương tiện trước mắt - trong đó có cả những khu Chòi cao – hô, hát đối đáp với nhau giữa đơn vị này với các đơn vị khác. Tất nhiên, “bạc bài” không thể không xảy ra trong tính cách sinh hoạt nhàn nhã như vậy. “Đánh bài chòi” xuất hiện từ khung cảnh hấp dẫn đó của người xưa.

Chú thích:

1. Quách Tấn,Nước non Bình Định - Nam Cường xuất bản năm 1967.

2. Vũ Ngọc Phan,Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam - Nxb Khoa học xã hội tr 743, 1978.

3.Nghiên cứu khoa học số 5, 1973.

4.Nguồn gốc và tương quan giữa Bài chòi, Hát bộ, Cải lương - Tân văn Sài Gòn, số 4, tháng 8 - 1968.

5. G. L Bouvier- Impriemerue de I’ union , 457 Rue du Catinat, Avrril 1912.

6. Tư liệu của Đoàn Việt Hùng -Văn nghệ Nghĩa Bình Xuân Đinh Mão 1987.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.

Tin mới

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.