Đặng Thùy Trâm - Người thắp lên ngọn lửa
Giữa nước mắt và đau thương, con người vẫn đứng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. N.A Ostrotsky đã nói rằng: “Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời: sự nghiệp giải phóng loài người”. Đặng Thùy Trâm đã sống và chiến đấu đúng với ý nghĩa cao cả ấy. Chị đã không sống hoài, sống phí tuổi xuân mình. Chị đã gạt bỏ tình cảm riêng tư của mình, dành trọn con tim mình cho những người đang đau đớn dưới làn tên mũi đạn của lũ giặc khát máu. Có lẽ vì thế, đối với những bệnh nhân ấy, chị như một nàng tiên áo trắng dịu dàng, ân cần. Tình cảm mà San, Kỳ và biết bao nhiêu người khác dành cho chị là tình cảm chân thành, hay nói đúng hơn là một sự tôn thờ. Qua cái nhìn của họ, Đặng Thùy Trâm hiện lên thật đẹp. Phải chăng chị là hiện thân của vầng trăng dịu mát giữa đêm đen giá lạnh của cuộc chiến tranh. Chị đã yêu con người bằng một trái tim đôn hậu, một bàn tay ân cần.
Đặng Thùy Trâm dường như đã ôm lấy tất cả nỗi đau trong vòng tay nhỏ bé của mình. Có ai hiểu được nỗi đau mất cha, mất em của Thuận như Thùy (tên thân mật của Trâm). Những chiến sĩ như Đường, Khiêm có hiểu rằng sự hy sinh của họ với Trâm là một điều đau đớn nhưng cũng cao cả và thiêng liêng vô cùng. Những mất mát tưởng chừng như không gì có thể bù đắp nổi ấy đã nuôi cho lòng căm thù của Thùy càng thêm sâu sắc, làm cho Thùy hiểu rằng cuộc chiến mà chị và các bạn đang ngày đêm xả thân là hoàn toàn chính nghĩa. Chỉ có kẻ thù kia thật man rợ và vô lý khi đã cướp đi của những người mẹ những đứa con thân yêu như mẹ của Khiêm, cướp đi của Phượng người mà cô yêu quý, cướp đi của Trâm những người bạn mà trái tim cô như đập cùng nhịp với họ. Người con gái ấy đã chiến đấu, hy sinh âm thầm mà không đòi hỏi gì cho mình. Cái gì đã tạo cho người con gái trí thức Hà Thành ấy nhận ra đâu là lý tưởng của đời mình? Phải chăng đó là tình yêu gia đình, yêu tha thiết phố Lò Đúc nhỏ bé, có thể lắm chứ! Nhưng cao hơn những tình cảm ấy là tình yêu nồng nàn với Đảng, với Tổ quốc. Chính tình yêu ấy đã là nguồn sống, nguồn động viên an ủi vô bờ bến với Thùy trong những ngày đau thương nhất. Nó cũng giúp chị lạc quan hơn giữa những đau thương mất mát: “Thùy ơi! Cô gái giàu yêu thương kia ơi! Đôi mắt cô đang long lanh nước mắt, dù chỉ là nước mắt tập trung của rất nhiều nỗi buồn đọng về trong đó. Cô hãy cười như nụ cười luôn nở trên môi, đừng để ai đó tìm được sau nụ cười ấy một tiếng thở dài. Hai lăm tuổi rồi, hãy vững vàng chín chắn với tuổi ấy”. Đó là nguồn sức mạnh giúp chị gạt đi những mong muốn tầm thường, những vị kỷ nhỏ nhen: “Ơi cô gái với bao suy nghĩ kia ơi, nghĩ làm gì cho nhiều để rồi phải nặng những đau buồn. Hãy cứ tìm lấy niềm vui đi, hãy cứ sống giàu lòng tha thứ, giàu sự hy sinh một cách tự giác đi. Đừng đòi hỏi ở cuộc đời quá nhiều nữa”. Nào chị có đòi hỏi gì đâu, chị chỉ: “Ước gì có cánh bay về căn nhà xinh đẹp ở phố Lò Đúc để cùng ba má và các em ăn một bữa cơm rau muống và nằm trong tấm chăn bông ấm áp ngủ một giấc ngon lành”.
Tác giả của cuốn nhật ký quý giá đã cho ta thấy một con người rất thật bên cạnh một con người phi thường. Con người ấy cũng biết xót xa khi niềm khao khát cháy bỏng của mình là được đứng vào hàng ngũ của Đảng gặp nhiều khó khăn. Cô gái mạnh mẽ tưởng chừng như không gì có thể khuất phục nổi cũng không ít lần đau đớn khóc than cho số phận mình và bao người thân yêu khác. Cuộc chiến ấy không chỉ cướp đi của Trâm những người bạn khiến chị đau đớn mà chị còn buồn đau khi phải chia ly với mối tình đẹp đẽ của tuổi hai mươi lăm tràn trề nhựa sống. Vẫn biết là giữa cuộc chiến ấy con người ta không được phép nghĩ quá nhiều cho mình, nhưng làm sao Thùy có thể tránh khỏi nỗi nhớ thương người yêu và nghe nỗi buồn gặm nhấm khi phải chia tay với mối tình ấy. Một khó khăn nữa đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của chị: được sinh ra và lớn lên trong tầng lớp trí thức, hơn ai hết Đặng Thùy Trâm hiểu rằng để đi đúng con đường mình đã chọn, cô phải vượt qua bao chông gai thử thách. Có một nhà hiền triết đã nói rằng: “Điều khó khăn nhất là con người ta phải vượt qua chính bản thân mình”. Vâng, Đặng Thùy Trâm đã vượt qua chính mình, vượt lên cái tôi của bản thân để hòa làm một với cái ta chung của cả một dân tộc đang cháy rực ngọn lửa đấu tranh. Điều đó làm ta khâm phục, tự hào.
Ai đã từng đi qua cuộc chiến, và những ai chưa từng một lần nếm trải khi đọc quyển nhật ký cũng không khỏi bồi hồi xúc động. Với tôi, quyển nhật ký được người đọc đón nhận một cách chân thành tựa như một nén hương thơm thành kính dâng lên những con người đã nằm xuống cho quê hương xứ sở hồi sinh từ bùn lầy của đêm đen nô lệ.
Nguồn: baokhanhhoa.com.vn12/9/2005