Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 16/04/2025 09:47 (GMT+7)

PGS Nguyễn Văn Hộ: Ngọn lửa bền bỉ của Toán học Việt Nam

Suốt hơn 60 năm gắn bó với nghề giáo, PGS.TS.Nguyễn Văn Hộ không chỉ là “cây đại thụ” của ngành Toán ứng dụng mà còn là người thầy mẫu mực, truyền cảm hứng bất tận cho bao thế hệ học trò trong, ngoài nước.

Người gieo hạt mầm tri thức

Sinh năm 1942 tại Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An – vùng đất giàu truyền thống hiếu học, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hộ lớn lên trong một gia đình nhà giáo, sớm thấm nhuần tinh thần hiếu học và đạo lý làm thầy. Chính mảnh đất xứ Nghệ giàu gian khó nhưng nghĩa tình ấy đã hun đúc trong ông một khát vọng lớn lao với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là Toán học.

Ở tuổi 17, ông thi đỗ vào ngành Điện – khóa 4 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, với năng khiếu đặc biệt về Toán, ông được giữ lại trường để bồi dưỡng thành giảng viên Toán học – một bước ngoặt đưa ông vào hành trình hơn 60 năm gắn bó trọn đời với nghề dạy học.

tm-img-alt

Những năm tháng tuổi trẻ đầy vất vả của PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hộ. 

Dưới mưa bom, lửa đạn của những năm chiến tranh, PGS Nguyễn Văn Hộ cùng đồng nghiệp và sinh viên sơ tán lên Lạng Sơn, vừa giảng dạy, vừa duy trì phong trào học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn. Ông luôn truyền cho học trò tinh thần vượt lên mọi thử thách, vì một tương lai tri thức của đất nước.

Gạch nối đầu tiên giữa Toán học Việt Nam và thế giới

Năm 1967, ông được cử đi học nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc. Tại đây, ông xuất sắc bảo vệ luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh, với công trình nghiên cứu về Thống kê phi tham số. Từ đó, ông trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về Toán xác suất thống kê tại Việt Nam.

tm-img-alt

Giáo trình Xác suất thống kê do PGS Nguyễn Văn Hộ biên soạn.  

Trở về nước năm 1972, ông tiếp tục công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tham gia giảng dạy và nghiên cứu không ngừng nghỉ. Những bài giảng logic, sâu sắc, đầy cảm hứng của ông đã in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ sinh viên – trong đó có nhiều người nay là giáo sư, tiến sĩ, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu.

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ xúc động chia sẻ:

"Bài giảng của thầy Hộ rất cuốn hút và logic. Những kiến thức về xác suất thống kê do thầy truyền dạy đã giúp chúng tôi sau này tiếp cận tốt với những lĩnh vực hiện đại như trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu."

Mang tri thức Việt vươn tầm quốc tế

Từ năm 1983, ông được cử sang Pháp nghiên cứu Toán học nâng cao, rồi tiếp tục là chuyên gia giáo dục tại Đại học Quốc gia Thống kê Kế hoạch Algeria. Ở đây, ông giảng dạy bằng tiếng Pháp, xây dựng chương trình đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành xác suất thống kê, được đồng nghiệp quốc tế quý trọng và mến mộ.

tm-img-alt

PGS Nguyễn Văn Hộ trong những năm tháng ở Pháp. 

Không chỉ ở Algeria, tên tuổi PGS Hộ còn được biết đến tại Đài Loan (1999) và Malaysia (2001–2005) trong vai trò giáo sư thỉnh giảng. Ông là cầu nối đưa tri thức Việt vươn ra thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh nhà giáo Việt Nam giàu tâm huyết và trí tuệ.

tm-img-alt

PGS Nguyễn Văn Hộ làm giáo sư thỉnh giảng tại Malaysia 

Người gieo yêu thương bằng cả tấm lòng 

Năm 2007, sau 44 năm miệt mài trên bục giảng, ông chính thức nghỉ hưu. Nhưng đó không phải là điểm dừng. Thầy vẫn tiếp tục giảng dạy trong các chương trình tiên tiến tại nhiều trường đại học, biên soạn hàng loạt giáo trình tiếng Việt và tiếng Anh như Calculus I, Calculus II, Probability and Statistics… Các công trình của ông mang tính ứng dụng cao, là tài liệu quý cho sinh viên và các nhà nghiên cứu.

PGS Hộ còn là một trong 7 nhà khoa học Việt Nam là thành viên của Hội Bernoulli – tổ chức quốc tế uy tín trong lĩnh vực xác suất và thống kê. Ông cũng là ủy viên biên tập của Tạp chí Ứng dụng Toán học Việt Nam, chủ trì nhiều đề tài khoa học các cấp.

Nhiều thế hệ học trò luôn khắc ghi hình ảnh người thầy đĩnh đạc, cẩn trọng, sống giản dị nhưng chan chứa nhiệt huyết. Ông không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn gieo vào lòng người tinh thần học thuật chân chính và đạo làm người.

ThS Lê Thị Thanh Thùy (ĐH Mở Hà Nội) từng chia sẻ:

"Dù đã nghỉ hưu, thầy Hộ vẫn luôn là nguồn năng lượng tích cực, truyền cảm hứng rất lớn cho những người trẻ như chúng tôi."

tm-img-alt

PGS Nguyễn Văn Hộ bên những học trò 

PGS Hộ cũng dành tặng toàn bộ sách và tài liệu nghiên cứu quý giá cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam – như một minh chứng cho tinh thần cống hiến không màng danh lợi.

Với những đóng góp lớn lao, ông được phong hàm Phó Giáo sư năm 1984, được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú năm 1998.

Nhưng hơn tất cả, phần thưởng lớn nhất đời ông chính là sự kính trọng, yêu quý của biết bao thế hệ học trò, đồng nghiệp – những người luôn xem thầy là một “ngọn đuốc sống”, âm thầm nhưng kiên định thắp lên ánh sáng tri thức.

Xem Thêm

Tin mới

Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
Các ý kiến tại hội thảo đều mong muốn: Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần hướng đến việc tạo môi trường phát triển cởi mở, minh bạch và bền vững cho nền báo chí Việt Nam, trong đó tạp chí khoa học cũng như những người làm báo chí khoa học cần được nhìn nhận như một bộ phận quan trọng và không thể thiếu của nền báo chí nước nhà.
Vĩnh Phúc: Thúc đẩy ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số, liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP
Sáng ngày 21/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp thúc đẩy dứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực VAC trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Đề xuất giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL
Ngày 18/4, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp hội) và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” - Những vấn đề đặt ra.
Thái Bình: Tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống
Trong các ngày từ 15/4 – 22/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình đã tổ chức 5 lớp tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống tại một số xã của 2 huyện Kiến Xương và Vũ Thư.
Thảo luận giải pháp đưa bài thuốc, sản phẩm tốt trong Y - Dược cổ truyền Việt Nam đến với cộng đồng
Chiều ngày 20/04, tại Hà Nội, Viện Báo chí và Truyền thông xã hội tổ chức Diễn đàn “Nâng cao giải pháp đưa bài thuốc tốt, sản phẩm tốt trong Y - Dược cổ truyền Việt Nam đến với cộng đồng”. Diễn đàn thuộc Chương trình Y dược cổ truyền Việt Nam: Di sản và Lưu truyền của Viện Báo chí và Truyền thông xã hội.
Tổng hội Cơ khí Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV
Sáng 19/4, tại Hà Nội, Tổng hội Cơ khí Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 2025-2030). Tham dự đại hội có Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch danh dự Tổng hội Cơ khí Việt Nam Phan Xuân Dũng; Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam Đỗ Hữu Hào; bà Nguyễn Tuyết Mai, Đại diện Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai làm Chủ tịch VACPA
VACPA đang phấn đấu trở thành tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, có uy tín trong khu vực và trên thế giới, tiếp tục triển khai các dự án lớn trong tương lai để gia tăng hiệu quả làm việc của hội viên, nâng cao hiệu suất và chất lượng dịch vụ kiểm toán, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc.