Dân tộc Thổ - nguồn gốc và quá trình tộc người
Người Thổ cư trú chủ yếu ở miền tây tỉnh Nghệ An (các nơi khác rất ít hoặc không có) trong các huyện: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương và nhiều nhóm khác nhau với số dân khoảng trên dưới 70 ngàn người, trong đó đông nhất là ở huyện Nghĩa Đàn (với các nhóm: Họ Kẹo, Mọn) có tới trên dưới 30 ngàn người (Tạp chí Dân tộc học số 97, tháng 12 - 2006, tr 3).
Nguồn gốc và quá trình hình thành dân tộc Thổ khá phức tạp, có nhiều vấn đề chưa được khoa học giải đáp đầy đủ..
Theo một số tài liệu nghiên cứu gần đây và theo sự tìm hiểu trực tiếp của chúng tôi, thì dân tộc Thổ ở miền tây Nghệ An nói chung do 3 bộ phận sau đây cấu thành:
- Bộ phận thứ nhấtlà người Việt, thể hiện rõ trong ngôn ngữ. Theo Nguyễn Văn Tài ( Về các phương ngôn tiếng Mường trong “Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam ”, 1981) thì: “ đồng bào thổ Mọn nói theo phương ngữ Mường (thuộc ngữ hệ Nam Á); đồng bào Thổ Cuối nói theo tiếng Cuối. Đây là 2 ngôn ngữ thuộc nhóm các ngôn ngữ Việt - Mường. Trong hai thổ ngữ này tiếng nói của nhóm Thổ Mọn gần với tiếng Việt hiện đại; còn tiếng Cuối gần với tiếng Việt cổ đại hơn...”.
Theo GS. Ninh Viết Giao (Sđd) thì “ Nhân dân các xã ở hạ huyện Nghi Lộc (Nghệ An), khi phát âm, có rất nhiều tiếng na ná tiếng Thổ. Trong ngôn ngữ của đồng bào ở phía nam Hà Tĩnh cũng có khá nhiều tiếng cổ tương tự tiếng Thổ. Điều đó khẳng định các nhà ngôn ngữ học xếp ngôn ngữ Thổ ở miền tây Nghệ An nói chung vào ngôn ngữ Việt - Mường là chính xác”. Trên thực tế, truyền thuyết Đan Lai - Ly Hà nói, xưa kia tổ tiên họ ở vùng Thanh Lĩnh - Thanh Hương (huyện Thanh Chương - Nghệ An) sau vì thuế khoá nặng nề, lao dịch khổ ải, họ vùng lên đấu tranh và bị đàn áp khốc liệt, buộc phải bỏ làng ra đi “ Theo dấu chân nai đi trồng hạt lúa; theo dấu chân cọp đi tìm hạt ngô”, chạy mãi lên ngọn nguồn sông Giăng, sông Con... Cuối cùng thành người Đan Lai - Ly Hà.
Người Việt từ miền xuôi, do nhiều yếu tố tác động, nhất là những biến động của lịch sử - xã hội, họ đã từ các huyện đồng bằng bị xô đẩy lên miền núi cao, cư trú lâu ngày và dần bị miền núi hoá, như các cụ già người Thổ ngày nay thường nói đùa câu: “ Kinh già hoá Thổ”.
![]() |
Nhà sàn của người Thổ ở huyện Tương Dương - Nghệ An |
- Bộ phận thứ balà những luồng thiên di của người Mường từ Thanh Hoá sang. Trong cuốn: “ 40 năm - một chặng đường”, Nxb Nghệ Tĩnh, 1985, Trương Văn Sinh cho biết: “ Có hai luồng thiên di đã diễn ra ở đây. Hướng đông – nam, người Việt từ Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An) lên. Hướng đông - bắc, người Mường và một phần người Việt từ Như Xuân, Ngọc Lặc (Thanh Hoá) xuống ... quá trình tiếp xúc và hào hợp lâu dài dần dần giữa cư dân cũ và mới, hình thành nên dân tộc Thổ hiện nay”.
Trên thực tế cho thấy, yếu tố Mường thể hiện rất rõ trong nhóm Thổ có tên là Họ, Mọn (ở Quỳ Hợp là chủ yếu). Nhóm này nói theo phương ngữ Thổ Mọn là chính. Phương ngữ Thổ Mọn có đầy đủ các đặc điểm của tiếng Mường về tất cả các cấp độ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp mà nhiều công trình của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và nước ngoài đã miêu tả tỉ mỉ, đầy đủ những điểm cốt yếu. Ngoài tiếng nói, đi sâu tìm hiểu về phong tục - tập quán, văn hoá - nghệ thuật... trong cộng đồng 2 nhóm Thổ ơ Quỳ Hợp (Mọn và Họ) cho thấy văn hoá Mường từ phía đông - bắc (Thanh Hoá, Hoà Bình...) như một dòng chảy ngược về đây và đọng lại thành một vùng riêng biệt tại miền tây xứ Nghệ rộng lớn này.
Về thời gian của các luồng thiên di, nhất là luồng của người Mường ở Thanh Hoá sang, cuốn “ 40 năm - một chặng đường” như đã dẫn ở trên, tr 194, cũng cho biết là vào khoảng thế kỷ XIII - XV. Sách: “Lịch sử huyện Quỳ Hợp - sơ thảo” - Nxb Nghệ An, 2004, tr 27 cho rằng người Mường và người Cuối ở Thanh Hoá chuyển cư vào miền tây Nghệ An khoảng từ thế kỷ XV...
Như vậy cơ cấu dân tộc Thổ hiện thời (theo sự thống nhất của nhiều nhà nghiên cứu) thì có 3 nguồn gốc cơ bản: Nguồn gốc Việt - với các nhóm Kẹo Đan Lai - Ly Hà; nguồn gốc bản địa với các nhóm Cuối và Tày Poọng; nguồn gốc Mường với các nhóm Mọn, Họ. Tuy nhiên, theo cuốn “ 40 năm - một chặng đường”, Trương Văn Sinh cũng nói thêm: “Các nhóm Thổ ở Nghệ Tĩnh có liên quan thân thuộc với các nhóm Tày - Chăm, Tày - Pum, Tày - Hung, Tày - Tum ở tỉnh Khăm Muộn (Lào)”....
Nguyễn Văn Tài, khi bàn về người Thổ ở Tân Kỳ (Nghệ An) cũng viết: “ Thật ra, không thể xác định một cộng đồng cư dân nào đó là một dân tộc mà chỉ bó hẹp việc xác định trong một đơn vị hành chính (dù đơn vị hành chính đó là cấp tỉnh) khi bà con đồng tộc của họ còn sinh sống ở địa bàn khác nữa. Ngoài ra, cũng không nên né tránh một vài tên gọi do một sự mặc cảm nào đó để ảnh hưởng đến tính chính xác của việc xác định thành phần dân tộc” (theo Ninh Viết Giao: Tân Kỳ - truyền thống và làng xã - Nxb KHXH, 1992, tr 74 - 76).
Nguyễn Văn Tài (Sđd, tr 77) còn cho rằng: Theo thống kê của chúng tôi, trong vốn từ tiếng Thổ ở Giai Xuân (Tân Kỳ - Nghệ An), Tam Hợp (Quỳ Hợp – Nghệ An) và Lam La (Nghĩa Đàn - Nghệ An) có xuýt xoát 80% giống vốn từ Mường Bi. Một ngôn ngữ và một nền văn hoá giống nhau đến như vậy, lẽ nào là ngôn ngữ của hai tộc khác nhau? Đáng lẽ nên xếp bộ phận Thổ Mọn ở Nghệ Tĩnh (Kể cả Mọn, Họ, Kẹo) vào cùng một dân tộc với đồng bào của họ ở Thanh Hoá.... Nhưng rất tiếc là họ được ghép với các cư dân Cuối, Đan Lai - Ly Hà, Tày Poọng ( các cư dân khác Thổ Mọn cả ngôn ngữ lẫn văn hoá) để thành dân tộc Thổ...! Tuy nhiên, tộc Kẹo (hay Kéo, Keo) là tên người Thái gọi người Việt (cần Keo - nói theo cách giải thích của GS. Phạm Đức Dương).
Theo Nguyễn Bạt Tuỵ, thì từ “Keo” được phiên âm Hán - Việt là “Giao” trong “Giao chỉ” “Mọn” là tên tự gọi của Mường (mol, nghĩa là Người). “Tày Poọng” là cách gọi của người Lào (Phoong, poọng, Phống) để chỉ người “Khạ” có nguồn gốc Môn - Khơ - me - cư dân tiền Việt Mường (theo cách gọi của GS. Phạm Đức Dương). Tộc danh “Họ” là cách người Lào gọi người Hán. Có thể đó là những người Minh Hương (Hán đã Việt hoá) từ Phù Thạch lên chăng, hay từ xa xưa còn lại? Nếu như vậy thì đã có 3 lớp người Thổ ở miền núi Nghệ An: Việt cổ (Tiền Việt - Mường); Việt gần đây (Hậu Việt - Mường), mà thỉnh thoảng vẫn có người Thổ Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn hay Tân Kỳ về miền xuôi tìm họ gốc tổ tiên của mình. (Theo chú thích của Ninh Viết Giao trong: Địa chí huyện Quỳ Hợp, Sđd, tr 140 - 141)...
Như trên đã trình bày, quá trình hình thành tộc danh Thổ khá phức tạp, còn nhiều vấn đề chưa thực sự sáng tỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu và trên thực tế, cho thấy tộc danh “Thổ” đã được đồng bào chấp nhận với đại đa số như một lẽ tự nhiên và cũng rất tự giác, mang tính khoa học. Ở Việt Bắc, Tây Bắc nước ta, người Thái, người Tày... một thời cũng được gọi là “Thổ”. Chấp nhận tộc danh Thổ là hợp lý, vì cộng đồng này (dù ở đâu đến, bị “hoá” đến mức độ nào) đều được xem là người bản địa, người Việt - Mường, do nhiều hoàn cảnh của lịch sử - xã hội đã sống biệt lập khỏi người đồng tộc lâu đời và “hoá” thành một tộc khác. Điều này cũng phù hợp với “ quy luật tích hợp văn hoá tộc người” đối với những cộng đồng nhỏ có chung cội nguồn, gắn bó với nhau, và cùng thống nhất một tên gọi chung (theo GS, Phạm Đức Dương)...
Dân tộc Thổ ngày nay đã có nhiều thay đổi, đời sống ngày càng phát triển theo tiến trình đổi mới của dân tộc anh em trên địa bàn miền tây Nghệ An rộng lớn, đồng bào Thổ có một nền văn hoá cổ truyền, đậm đà bản sắc dân tộc rất lâu đời, nhưng chưa được chú ý khai thác, gìn giữ và phát triển cho tương xứng với sự phát triển về mọi mặt hiện nay của đồng bào. Nhiều nét văn hoá cổ truyền mang đậm bản sắc riêng biệt của người Thổ đang có nguy cơ mai một trước những thay đổi từng từng ngày của xã hội mới và sự xô bồ của nhiều nền văn hoá mới lạ ập đến trong thời kỳ đất nước mở cửa! Rất mong được các nhà khoa học, sử học, dân tộc học... tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn và nhiều hơn nữa về cộng đồng này trong tiến trình đổi mới của đất nước, nhằm làm cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam hiểu sâu hơn, rõ hơn về dân tộc Thổ ở miền Tây Nghệ An.