Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 23/06/2006 00:43 (GMT+7)

Đà Lạt và công nghệ nhân cấy mô thực vật

Từ những thành công đầu tiên của việc ứng dụng công nghệ nhân cấy mô thực vật trên đối tượng cây khoai tây, nhiều đối tượng cây trồng khác cũng đã được nghiên cứu, nhân cấy thử nghiệm và nhân giống đại trà thông qua kỹ thuật này. Tập trung chủ yếu vào các giống cúc (Chrysanthemum), hoa hồng (Rose), cẩm chướng (Caryophylla), đồng tiền (Zherbera), sao tím (Limonium), bibi (Grypsophylla), lys (Lilium), địa lan (Cymbidium), một số loại phong lan (Phalaenopsis, Catleya, Dendrobium, Vanda, Oncidium, Miltonia, Odontoglossum…)…

Những thành công ban đầu vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 đánh dấu một bước trưởng thành của các phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tại thành phố Đà Lạt mà đơn vị đầu tiên là Phòng thí nghiệm nhân cấy mô thực vật của Phân viện Sinh học Đà Lạt - tiền thân của Trạm nuôi cấy mô thành phố Đà Lạt - hiện nay là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp Lâm Đồng.

Trong những năm đầu ứng dụng kỹ thuật nhân cấy mô thực vật tại Đà Lạt, các đơn vị quan tâm đầu tư vào công nghệ này bao gồm Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Khoa sinh học - trường Đại học Đà Lạt, Phân viện Sinh học tại Đà Lạt, Trung tâm nghiên cứu cây thuốc, Trạm nuôi cấy mô thành phố Đà Lạt… Đây là những đơn vị do Nhà nước đầu tư, có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ và là những người đầu tiên được đào tạo về công nghệ cấy mô thực vật tại Đà Lạt. Các đơn vị này đều tập trung vào công tác nghiên cứu, trong đó đơn vị đi sâu vào lĩnh vực ứng dụng là Trạm Nuôi cấy mô thành phố Đà Lạt. Từ năm 1978 cho đến 1995 Đà Lạt chỉ mới có khoảng trên dưới 10 hoste laminaire phục vụ cho công tác cấy mô thực vật, các đối tượng nhân cấy chủ yếu là cây khoai tây với nguồn giống do CIP cung cấp, một số giống địa lan cymbidium, giống hoa ngắn ngày, giống cây thuốc và thực hiện được một giống lan lai mới thông qua kỹ thuật gieo hạt trong ống nghiệm…

Từ sau năm 1995, với chính sách mở cửa thu hút đầu tư của Nhà nước, đã có một số công ty nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đà lạt, mang theo hàng loạt chủng loại giống cây trồng mới và trình độ canh tác tiên tiến đã thổi một luồng sinh khí mới vào ngành nông nghiệp của Đà Lạt - Lâm Đồng.

Việc các công ty này đưa các giống cây trồng mới cùng với kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất đã kích thích sự tìm tòi, học hỏi, thay đổi nhận thức trong canh tác nông nghiệp của nhiều hộ nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó lĩnh vực giống cây trồng mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và ứng dụng khoa học tại địa phương. Trong thời gian này, do chưa có điều kiện nhập khẩu giống mới nên phương pháp nhân nhanh các giống cây trồng, đặc biệt là các giống hoa ngắn ngày thông qua ứng dụng kỹ thuật nhân cấy mô thực vật là phương pháp rất được chú trọng nhằm làm giảm giá thành đầu tư cây giống và tạo được một nguồn cây giống sạch bệnh với số lượng đủ để đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Có thể coi năm 1995 là mốc đánh dấu thời điểm kỹ thuật nhân cấy mô thực vật thực sự đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác giống cây tại Đà Lạt.

Từ thời điểm này, xuất phát từ nhu cầu cần cây giống sạch bệnh, hàng loạt phòng thí nghiệm nhân cấy mô thực vật tư nhân được hình thành, đáp ứng được nhu cầu cây giống cho sản xuất tại Đà Lạt cũng như tại các vùng lân cận thuộc huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Lạc Dương… Kỹ thuật nhân cấy mô thực vật không còn là độc quyền của các phòng thí nghiệm do Nhà nước đầu tư mà đã mở rộng sang khu vực kinh tế tư nhân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Đà Lạt hiện nay có trên 27 cơ sở nhân cấy mô thực vật với 128 hoste laminaire, lực lượng lao động kỹ thuật ở lĩnh vực này hiện có 175 người, trong đó cán bộ kỹ thuật chuyên ngành công nghệ sinh học với trình độ đại học và trên đại học là 70 người (chiếm khoảng 44%), lực lượng kỹ thuật viên đã qua đào tạo là 105 người (56%). Hàng năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường cây giống tại chỗ khoảng 4,7 triệu cây giống đầu dòng và xuất khẩu khoảng 1,5 triệu củ giống hoa sạch bệnh thông qua kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật.

Trong 09 cơ sở Nhà nước đầu tư, được trang bị 42 hoste laminaire các loại với 41 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học, trên đại học và 21 kỹ thuật viên. Các cơ sở này hoạt động chủ yếu phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, lưu trữ ngân hàng giống và ứng dụng chuyên ngành. Hàng năm cũng tham gia cung ứng khoảng 20% nhu cầu cây giống cho ngành trồng trọt Đà Lạt.

Cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Bonnie Farm, đóng tại xã Xuân Trường - Thành phố Đà Lạt. Có quy mô đầu tư phòng thí nghiệm cấy mô thực vật hiện đại với lực lượng công nhân kỹ thuật đông đảo. Chủ yếu là sản xuất củ giống hoa thông qua kỹ thuật nhân cấy mô thực vật để xuất trực tiếp sang Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, New Zealand, Hà Lan…, với 44 hoste laminaire, hàng năm đơn vị này xuất khẩu trực tiếp 1,5 triệu củ giống Arum sạch bệnh.

Trong 17 cơ sở nhân cấy mô do tư nhân trong nước đầu tư đang hoạt động tại Đà Lạt hiện nay có 42 hoste laminaire, 34 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học, 44 kỹ thuật viên đã qua đào tạo. Cơ sở vật chất kỹ thuật như phòng cấy mô, phòng pha môi trường, phòng sáng, phòng nuôi giống cách ly,… hầu hết là tận dụng, cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi từ chức năng nhà ở sang chức năng phòng thí nghiệm.

Lao động kỹ thuật chính là chủ cơ sở, việc thuê mướn kỹ thuật viên cũng như lao động kỹ thuật rất hạn chế.

Hàng năm các cơ sở này cung cấp cho thị trường cây giống của Đà Lạt và các vùng phụ cận khoảng 3,5 triệu cây giống đầu dòng (chiếm 80% thị phần). Chủng loại cây giống do các đơn vị này cung cấp cho nhu cầu sản xuất rất đa dạng, trong đó chủ yếu các giống hoa địa lan, phong lan và các giống hoa cắt cành mới, nhiều nhất là các giống hoa cúc, cẩm chướng, đồng tiền, sa lem… và hiện nay là các giống địa lan mới nhập nội. Chủng loại giống hoa luôn được các cơ sở nhân cấy mô tư nhân nhập cập nhật và thay đổi liên tục để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.

Ngoài việc đáp ứng cho nhu cầu cây giống tại chỗ, một số đơn vị cũng đã bước đầu tìm kiếm thị trường ngoài nước để xuất khẩu cây giống thông qua kỹ thuật nhân cấy mô với những chủng loại cây trồng mới do đối tác yêu cầu.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm (1995 - 2005), kỹ thuật nhân cấy mô thực vật đã phát triển khá nhanh trên địa bàn thành phố Đà lạt và là một trong những công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghệ sinh học, nó thực sự trở thành một công cụ quan trọng trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào (cây giống sạch bệnh) cho ngành sản xuất nông nghiệp địa phương.

Kỹ thuật nhân cấy mô thực vật ngày nay đã trở thành một kỹ thuật phổ biến, thể hiện rất rõ ở quy mô đầu tư ngày càng tăng của khu vực tư nhân. Trong đó, đã có những cơ sở mạnh dạn đầu tư từ 5 - 10 hoste laminaire và sử dụng lao động có tay nghề với số lượng lớn, cung ứng cho thị trường hàng năm khoảng 1 triệu cây giống đầu dòng với nhiều chủng loại đa dạng theo nhu cầu của thực tế sản xuất. Thực tế cho thấy sản phẩm cây giống của khu vực tư nhân đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường cây giống sạch bệnh trên địa bàn so với khu vực có đầu tư của nhà nước.

Có thể nhận thấy việc phát triển nhanh các cơ sở ứng dụng kỹ thuật nhân cấy mô thực vật tư nhân tại Đà Lạt trong thời gian qua là do các yếu tố sau:

Kỹ thuật nhân cấy mô thực vật ngày nay không còn là một kỹ thuật quá phức tạp và là độc quyền của các cơ sở nghiên cứu khoa học. Tính phổ biến này một phần là do điều kiện khí hậu, nhiệt độ tại Đà Lạt hết sức thuận lợi cho việc xây dựng một phòng thí nghiệm cấy mô thực vật với chi phí thấp.

Đà Lạt có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành công nghệ sinh học khá dồi dào và năng động, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế ở lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào thực tế.

Thị trường cây giống sạch bệnh là một thị trường rất tiềm năng và có khả năng mở rộng trong tương lai, kể cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, nếu có đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, con người cũng như chiến lược tiếp thị.

Mặc dù có những bước phát triển đáng kể trong những năm qua, nhưng nhìn chung các cơ sở nuôi cấy mô thực vật tại Đà Lạt, kể cả khu vực nhà nước cũng như khu vực tư nhân, còn những hạn chế nhất định như sau:

1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn mang tính chắp vá tạm bợ; trang thiết bị kỹ thuật còn rất hạn hẹp, chưa được đầu tư một cách đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của một cơ sở sản xuất mang tính khoa học, công nghiệp và hiện đại. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học hoạt động trên lĩnh vực này chiếm một tỷ lệ đáng kể nhưng cũng chỉ mới dừng lại công đoạn nhân cấy đơn thuần mà chưa có nhiều đầu tư mang tính chất đột phá vào các hướng đi mới như công tác chọn tạo, nhân giống mới thông qua kỹ thuật nhân, nuôi cấy mô hoặc cải tiến quy trình công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

2. Công tác quản lý và chọn lựa nguồn giống khi đưa vào nhân cấy vô trùng chưa thực hiện một cách khoa học. Hiện nay chỉ mới có thể chọn lựa mẫu sạch nấm, khuẩn mà chưa thể chọn mẫu cấy sạch virus do không có điều kiện thử mẫu để chọn lựa nguồn giống sạch bệnh.

3. Các cơ sở nhân cấy mô thực vật, nhất là ở khu vực tư nhân, đã thực hiện được việc ứng dụng công nghệ này vào thực tế sản xuất và thương mại hoá được sản phẩm nhân cấy mô nhưng cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng mức của chính quyền các cấp cũng như của các cơ quan hữu quan.

Trên cơ sở những kết quả ứng dụng thành công rộng rãi kỹ thuật nhân cấy mô thực vật trong nhiều năm qua tại Đà Lạt - Lâm Đồng, kết hợp với chương trình phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của Tỉnh, lĩnh vực cung ứng cây giống chất lượng cao cho nhu cầu sản xuất nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp và từng bước tham gia vào thị trường xuất khẩu cây giống đầu dòng sạch bệnh là một trong những hướng đi cần quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, để giải quyết một cách hiệu quả những hạn chế của việc ứng dụng kỹ thuật cấy mô thực vật tại Đà Lạt - Lâm Đồng, tạo điều kiện phát triển một lĩnh vực hoạt động kinh tế có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, các cấp chính quyền và cơ quan hữu trách cần quan tâm một số lĩnh vực sau:

1. Xây dựng các cơ chế chính sách thích hợp cho đầu tư phát triển kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng, làm cơ sở cho việc đầu tư hàng năm của tỉnh vào lĩnh vực này (có thể gắn vào chương trình phát triển khoa học công nghệ hoặc chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao).

2. Đầu tư, trang bị 01 phòng thí nghiệm Test Eliza để thử mẫu cho các cơ sở nuôi cấy mô thực vật trước khi đưa vào nhân cấy nhằm bảo đảm về mặt chất lượng cây giống. Phòng thí nghiệm này nên giao cho cơ quan chuyên ngành quản lý và điều hành hoạt động theo phương thức hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh.

3. Hỗ trợ các cơ sở nuôi cấy mô tư nhân thích hợp về đất đai, vốn …để có điều kiện nâng cấp cơ sở và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Với những lợi thế nhất định về điều kiện khí hậu tự nhiên, về trình độ của lực lượng kỹ thuật và đặc biệt là kinh nghiệm của trên 20 năm ứng dụng công nghệ cấy mô vào thực tế, Đà Lạt - Lâm Đồng hoàn toàn có khả năng phát triển ngành kỹ thuật này trở thành một lĩnh vực hoạt động kinh tế có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ của địa phương, thực hiện đúng chủ trương của tỉnh và việc phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao trong những năm sắp tới.    

* Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt

Nguồn: Thông tin khoa học và công nghệ số 4 - 2005

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.