Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 02/06/2009 15:21 (GMT+7)

Cương vực nước ta dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn

Năm 1466, Lê Thánh Tông chia cả nước ra làm 12 đạo và đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu. Năm 1469, 12 đạo đổi thành 12 thừa tuyên. Thừa tuyên Thuận Hoá thay cho đạo Hải Tây - một miền đất mới kể từ Đèo Ngang vào tới huyện Điện bàn ở phía nam đèo Hải Vân.

Năm 1471, Lê Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, chiếm lấy kinh đô Đồ Bàn (Bình Định nay), rồi lập thêm thừa tuyên Quảng Nam (đại khái từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông). Diện tích nước ta thời đó rộng khoảng 210.000 km2 (gồm cả hai xứ Trấn Biên và Trấn Ninh nay thuộc Ai Lao).

Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê năm 1527, tạo thành cảnh huống Nam triều và Bắc triều, đến năm 1592 mới chấm dứt. Năm 1513, Nguyễn Kim đã trốn sang Ai Lao tìm được con út của Lê Chiêu Tông lập lên làm vua, tức Lê Trang Tông (1533) tạm đóng đô ở Sầm Châu thuộc phủ Trấn Man, Thanh Hoá. Khi ấy có tướng tài giỏi tên là Trịnh Kiểm được Nguyễn Kim gả con gái Ngọc Bảo cho, để ra sức phù Lê diệt Mạc. Năm 1540, Nguyễn Kim đem quân về đánh Nghệ An. Năm 1542, Lê Trang Tông thân chinh về lấy Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1543, thu phục được Tây Đô. Thế là từ Thanh Hoá vào Namtới Quy Nhơn thuộc nhà Lê gọi là Nam triều. Và từ đèo Tam Điệp (ranh giữa Thanh Hoá và Ninh Bình) ra Bắc thuộc nhà Mạc gọi là Bắc triều.

Năm 1545, Nguyễn Kim đem quân lên đánh Sơn Nam , đến huyện Yên Mô (Ninh Bình) bị đánh thuốc độc chết. Binh quyền giao cả lại cho con rể Trịnh Kiểm. Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn cho giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng sợ bị hại, liền nói với chị Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam - một vùng đất mới còn hoang sơ. Năm 1558, Trịnh Kiểm tâu vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được kiêm lãnh trấn Quảng Nam . Diện tích hai xứ Thuận Hoá - Quảng Nam đương thời rộng khoảng 45.000 km2 (1).

Chín đời chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam

1. Thời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng (11558 - 1613)

Khi vào trấn nhậm Thuận Hoá, Nguyễn Hoàng mang theo người họ hàng ở huyện Tống Sơn, cùng những quân lính ở đất Thanh Nghệ, nhiều người đưa cả vợ con theo đi. Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử (Quảng Trị). Năm 1569, Nguyễn Hoàng ra chầu vua ở An Tràng (Thanh Hoá). Năm sau, Trịnh Kiểm lại xin vua cho Nguyễn Hoàng kiêm nhiệm thêm xứ Quảng Nam .

Năm 1572, Trịnh Kiểm mất, Trịnh Tùng lên thay. Năm 1592, Trịnh Tùng lấy lại được Thăng Long. Nguyễn Hoàng đem quân binh và súng ống ra Đông Đô ở luôn 8 năm, giúp Trịnh Tùng đánh đuổi nhà Mạc, lập được nhiều công to. Nhưng Trịnh Tùng vẫn có ý ghen ghét không muốn cho về Thuận Quảng.

Năm 1600, Nguyễn Hoàng giả cách đi đánh bọn nổi loạn chống Trịnh Tùng, liền đem bản bộ tướng sĩ theo đường hải đạo về Thuận Hoá. Có thể nói: từ thời điểm này, nước ta chia ra Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đàng Ngoài gồm 11 thừa tuyên rộng khoảng 155.000 km2 và Đàng Trong gồm 2 thừa tuyên rộng khoảng 45.000 km2.

Năm 1602, Nguyễn Hoàng dựng dinh Chiêm (Thanh Chiêm, Quảng Nam) và sai hoàng tử Nguyễn Phước Nguyên làm trấn thủ dinh Quảng Nam - một xứ phong phú hơn Thuận Hoá nhiều.

Năm 1611, Nguyễn Hoàng bắt đầu đặt phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà. Phủ Phú Yên rộng trên 5.000 km2. Nguyên từ năm 1578 Nguyễn Hoàng đã sai Lương Văn Chánh vào dẹp số quân Chăm bạo ngược ra xấm lấn Quy Nhơn và đem một số lưu dân mà đa số là người Thanh Hoá vào khai hoang lập ấp trong các vùng Cù Mông (sau là Sông Cầu), Bà Đào (sau là Xuân Đài), Bà Rằng (sau là Đà Diễn). Ba mươi năm sau (1578 – 1611), khi vùng đất này đã có đủ số dân khai khẩn ruộng đất; hoạt động kinh tế và xây dựng tạm ổn, thì chúa Nguyễn mới cho lập phủ huyện hội nhập vào đồ bản và văn minh Đại Việt. Sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của các chúa Nguyễn đều theo kinh nghiệm đó: dân làng đi trước, nhà nước theo sau.

Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613 (2).

2. Thời chúa Sài - Nguyễn Phước Nguyên (1613 - 1635)

Nguyễn Phước Nguyên lên nối ngôi cha, tính nết hiền hậu như nhà Phật nên người ta gọi là chúa Sãi. Từ đây mới xưng quốc tích là họ Nguyễn Phước. Chúa Sãi liền cải tổ nền hành chính và cách cai trị cho Đàng Trong khác với Đàng Ngoài. Đàng Trong bỏ sự phân chia lãnh thổ ra thừa tuyên hay xứ, mà ra chính dinh và các dinh ngoài. Dưới dinh là phủ huyện. Chức trách quan lại làm việc trong chính dinh hay các dinh ngoài cũng có những danh xưng mới như Xá sai thì có đô tri và ký lục giữ, ty Tướng thần lại thì có cai ba giữ, ty Lệnh sử thì có nha uý giữ…

Năm 1618, theo biên niên sử Khơ me, cháu Sãi gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chettha II. Hoàng hậu rất xinh đẹp được nhà vua sủng ái và cho đây là một nguồn lực đối trọng với Xiêm La đang mưu toan thôn tính Campuchia. Chúa Sãi cũng đặt tại kinh đô U Đông một sứ bộ thường trực rất hùng hậu. Lưu dân ta bắt đầu sang làm ăn sinh sống ngày một đông, tại kinh đô cũng như trong đồng bằng sông Cửu Long lúc ấy còn hoang vu bát ngát. Năm 1623,, chúa Sãi cho mở hai đồn thu thuế tại Kas Krobey (Bến Nghé) và tại Brai Nokor (ta phiên âm là Sài Gòn tức là Chợ Lớn ngày nay) (3).

Năm 1622, chúa Sãi cho xây dựng dinh Ai Lao tại xã Cam Lộ thuộc huyện Đăng Xương – là nơi có đường liên lạc với các bộ lạc Lục Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp thuộc đất Ai Lao.

Năm 1629, sau vụ Văn Phong làm phản ở Phú Yên, chúa Sãi cho thiết lập dinh Trấn Biên để vững yên bờ cõi. Chúa Sãi - Nguyễn Phước Nguyên mất cuối năm 1635, thọ 73 tuổi.

3. Thời chúa Thượng - Nguyễn Phước Lan (1635 – 1648)

Bản đồ Tavernier năm 1643 - Sông Gianh chia ra Đàng Ngoài (Tonquin) và Đàng Trong (Cochinchine)
Bản đồ Tavernier năm 1643 - Sông Gianh chia ra Đàng Ngoài (Tonquin) và Đàng Trong (Cochinchine)
Chúa Thượng vừa lên ngôi liền cho dời phủ chúa (trước gọi là Chính dinh) từ Phước Yên sang xã Kim Long (huyện Hương Trà). Chúa ít quan tâm đến việc mở mang bờ cõi, song cũng cố cải thiện nộitrị và định ra phép thi cho khoa Chính đồ để lấy người đỗ đạt ra làm quan và khoa Hoa văn để lấy kẻ trúng tuyển ra làm lại (1646).

Chúa Thượng - Nguyễn Phước Lan, mất năm 1648, thọ 48 tuổi.

4. Thời chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần (1648 - 1687)

Năm 1653, vua Chiêm Thành là Bá Tấm xâm lấn Phú Yên, chúa Hiền sai cai cơ Hùng Lộc đi chinh phạt. Bà Tấm xin rút về phía nam sông Phan Rang. Chúa cho lập từ núi Đại Lãnh tới sông Phan Rang hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (nay là địa phận tỉnh Khánh Hoà) rộng trên 5.500 km2.

Tháng 9 năm Mậu Tuất (1658), vua Chân Lạp tức Campuchia là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thuỳ. Chúa Hiền liền sai phó tướng dinh Trấn Biên là Tôn Thất Yếu đến Mỗi Xuy (Bà Rịa) đánh bắt được Nặc Ông Chân, rồi giải về phủ chúa. “Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống”.

Tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679), chúa Hiền cho các tướng cũ nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cùng 3.000 quân được vào Đông Phố (tên cũ của Gia Định) tá túc sinh nhai. Nhóm Ngạn Địch vào cửa Soài Rạp đến đóng ở đất sau gọi Mỹ Tho. Nhóm Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ đến đóng ở Bàn Lân nay là Biên Hoà. Họ đều trở thành dân Minh Hương nhận nước ta là quê hương thứ hai.

Chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần qua đời năm 1687 thọ 68 tuổi.

5. Thời chúa Ngãi - Nguyễn Phước Trăn (1687 - 1691)

Giữa năm 1688, phó tướng Long Môn Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch, rồi thả quân đi cướp bóc. Vua Chân Lạp là Nặc Thu oán giận, bỏ việc triều cống và đắp luỹ ngăn sông làm kế cố thủ. Chúa Ngãi bèn sai phó tướng dinh Trấn Biên (Phú Yên) là Mai Vạn Long đi dẹp loạn quân Hoàng Tiến và hỏi tội Chân Lạp đã mưu kế cố thủ lại bỏ việc triều cống. Sau khi Hoàng Tiến bị hạ, Chân Lạp nhận lỗi và xin nộp triều cống. Nhưng chỉ nộp được một phần nhỏ và hứa hẹn lần lữa mãi. Mai Vạn Long không nỡ tiến quân chém giết. Chúa Ngãi bèn cử cai cơ Nguyễn Hữu Hào thay thế. Chân Lạp, e sợ, lại nộp thêm một phần triều cống nữa, song vẫn còn thiếu nhiều. Nguyễn Hữu Hào cũng không tiến quân trừng trị và cho rằng triều cống không cốt ở số lượng vật thể mà cốt ở chân tình thần phục, rồi rút quân về nước. Tuy Nguyễn Hữu Hào bị khiển trách truất chức, nhưng đã tránh được cuộc chinh chiến có thể đẫm máu và đã đủ để cho Chân Lạp trung thành làm phiên thuộc như cũ.

Chúa Ngãi - Nguyễn Phước Trăn mất năm 1691, thọ 43 tuổi.

6. Thời chúa Minh - Nguyễn Phước Chu(1691 - 1725)

Bản đồ Lê Thành Khôi năm 1955 - Đại Việt dưới thời Lê Thánh Tông
Bản đồ Lê Thành Khôi năm 1955 - Đại Việt dưới thời Lê Thánh Tông
Cuối năm 1692, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh. Chúa Minh liền sai cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc Kính) đi dẹp loạn. Đầu năm 1693, Nguyễn HữuCảnh đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ trốn. Chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành, rồi đổi làm phủ Bình Thuận coi hai huyện An Phước và Hoà Đa, rộng khoảng 11.500 km2.

Tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Minh sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Tới nơi ông Cảnh thấy có hơn 4 vạn hộ dân (khoảng 200.000 người) đã khai hoang được nghìn dặm đất đai. Ông liền lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và dựng dinh Trấn Biên (tại Biên Hoà nay). Đồng thời ông lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình và dựng dinh Phiên Trấn (tại quận 1, Tp. HCM nay). Ông lại đặt phủ Gia Định để thống thuộc hai huyện trên. Hai dinh này rộng khoảng 30.000 km2.

Tháng 8 năm Đinh Hợi (1707), chúa Minh lấy Mạc Cửu làm tổng binh trấn Hà Tiên. Nguyên khoảng năm 1680 Mạc Cửu thấy nhà Minh mất, cứ “để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức Ốc Nha, thấy phủ Sài Mạt nước ấy có nhiều người buôn cá nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc… Nhân chiêu tập dân xiêu dạt đến các nơi Phú Quốc, Cần Bột, Cà Mau lập thành 7 xã thôn. Thấy ở đất ấy tương truyền có người tiên hay hiện ở trên sông, nhân thế đặt tên là Hà Tiên.

Đến đấy, Cửu uỷ cho người bộ thuộc là Trương Cầu và Lý Xã dâng thư xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa chấp nhận trao cho chức Tổng binh. Cửu xây dựng dinh ngũ, đóng ở Phương Thành, nhân dân ngày càng đến đông”. Trấn Hà Tiên rộng khoảng 15.000 km2.

Tháng Giêng năm Tân Mão (1711), “Đôn Vương và Nga vương ở hai rợ man Nam Bàn và Trà Lai (Gia Rai) sai xứ đến dâng sản vật địa phương và trình bày rằng dân họ không chịu nộp thuế, nên không lấy gì để cống”. Sự kiện này chứng tỏ hầu toàn vùng Tây Nguyên rộng lớn khoảng 55.000 km2 đã là địa bàn phên dậu của Đàng Trong từ đầu thế kỷ XVII.

Chúa Minh - Nguyễn Phước Chu mất năm 1725, thọ 51 tuổi.

7. Thời chúa Ninh - Nguyễn Phước Trú (1725 - 1738)

Năm 1732, chúa Ninh “cho rằng Gia Định địa thế rộng rãi, sai khổn thần chia đất đặt châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ” (Vĩnh Long).

Chúa Ninh - Nguyễn Phước Trú mất năm 1738, thọ 43 tuổi.

8. Thời chúa Võ - Nguyễn Phước Khoát (1738 - 1765)

Bản đồ Lê Thành Khôi năm 1955 - Trịnh Nguyễn phân tranh
Bản đồ Lê Thành Khôi năm 1955 - Trịnh Nguyễn phân tranh
Năm 1744, chúa Võ ban hành đổi mới từ y phục, phong tục cho dân chúng và cả triều thần văn võ. Về hành chính toàn xứ, Đàng Trong được phân định ra 12 dinh như sau: 1) Chính dinh Phú Xuân từđây gọi là Đô Thành. 2) Cự dinh ở Ai Tử (Quảng Trị). 3) Quảng Bình dinh ở An Trạch. 4) Lưu Đồn dinh ở Võ Xá. 5) Bố Chính dinh ở Thổ Ngoã. 6) Quảng Nam dinh ở Quảng Nam . 7) Phú Yêu dinh ở Phú Yên. 8)Bình Khang dinh ở Diên Khánh - Bình Khang. 9) Bình Thuận dinh ở Bình Thuận. 10) Trấn Biên dinh ở Biên Hoà. 11) Phan Trấn dinh ở Sài Gòn - Gia Định. 12) Long Hồ dinh ở Định Viễn.

Hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn lệ thuộc vào dinh Quảng Nam thì đặt riêng chức tuần phủ để cai trị. Hà Tiên lại biệt thành một trấn, thuộc chức Đô đốc (họ Mạc).

Năm 1750, hai nước Thuỷ Xá và Hoả Xá ở phía trên nước Nam Bàn vào triều cống. Họ xin đi qua địa phận Phú Yên, vì hai nước ở giáp giới nơi đó.

Năm 1756, sau biến cố vi phạm chủ quyền Đàng Trong vua Chân Lạp và Nặc Nguyên xin hiến hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp, chúa Võ cho hai đất ấy lệ vào châu Định Viễn.

Năm 1757 sau vụ chính biến trong cung đình Chân Lạp, Mạc Thiên Tứ tâu xin chúa Võ cho Nặc Tôn làm quốc vương. Chúa chấp thuận. “Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long. Đất Tầm Bôn, Lôi Lạp, Tầm Phong Long rộng khoảng 25.000 km2. Nguyễn Phước Du và Nguyễn Cư Trinh xin tâu dời dinh Long Hồ đến xứ Tầm Bào (thôn Long Hồ, Vĩnh Long). Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở xứ Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở xứ Hậu Giang. Tất cả thuộc về dinh Long Hồ. Bấy giờ Nặc Tôn lại cắt năm phủ Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ hiến cho triều đình. Chúa cho lệ năm phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên. Thiên Tứ lại xin đặt Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên.

Chúa Võ - Nguyễn Phước Khoát mất năm 1765, thọ 52 tuổi.

9. Thời Chúa Định - Nguyễn Phước Thuần (1765 - 1777)

Chúa Định lên ngôi khi mới 12 tuổi, mọi việc triều chính đều giao cho Trương Phúc Loan - một thần quyền tham tàn thối nát, làm mất lòng cả quan lẫn dân. Đàng Trong rộng lớn trở thành một xã hội lầm than cơ cực và bấn loạn.

Trong hoàn cảnh ấy, năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ dựng cờ khởi nghĩa ở đất Tây Sơn (nay thuộc Bình Định). Năm 1773, Tây Sơn chiếm giữ được thành Quy Nhơn, rồi mang quân xâm lấn nhiều xứ khác.

Năm 1774, Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào chiếm Phú Xuân và Đàng Trong.

Năm 1775, Tây Sơn kéo quân từ Quy Nhơn ra chiếm Quảng Nam . Chúa Định và cháu Nguyễn Ánh chạy vào Nam trước, đông cung Nguyễn Phước Dương chạy theo sau (1776). Bị áp lực, chúa Định phải nhường ngôi cho Nguyễn Phước Dương xưng là Tân Chính Vương và nhận tước vị Thái Thượng vương. Năm 1777, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem quân vào Nam chiếm đất Gia Định. Tân Chính Vương và Thái Thượng Vương kẻ chạy về Vĩnh Long, người chạy đi Cà Mau, đều bị Tây Sơn bắt giết cả. Trừ Nguyễn Ánh chạy được thoát thân.

Chúa Định - Nguyễn Phước Thuần chết năm 1777, thọ 24 tuổi (4).

Tóm lại, xét riêng vấn đề cương vực nước ta tới hết thời các chúa Nguyễn, chúng ta có những dữ liệu sau:

1) Trong thời gian 130 năm, kể từ khi nhà Ngô thâu hồi nền tự chủ (939) tới năm thứ 15 đời Lý Thánh Tông (1069), nước ta chỉ gồm phần bắc xuống đến Đèo Ngang làm giới, rộng khoảng 155.000 km2 (bao gồm cả 2 phủ Trấn Ninh - Trấn Biên sau thuộc Ai Lao).

2) Trong thời gian 402 năm, kể từ khi Lý Thánh Tông vượt Đèo Ngang (1069) tới năm 1471 Lê Thánh Tông đưa biên giới hành chính Đại Việt xuống tới đèo Cù Mông, nước ta có diện tích rộng hơn khoảng 45.000 km2 (gồm cả vùng phía tây Trường Sơn). Đương thời trên phần đất này thiết lập hai thừa tuyên Thuận Hoá và Quảng Nam . Như vậy nước ta lúc ấy rông khoảng 210.000 km2 (155.000 + 45.000).

3) Năm 1600, Nguyễn Hoàng đem bản bộ tướng sĩ về ở hẳn Thuận Hoá, tạo thành tình trạng đất nước phân ly Đàng Trong và Đàng Ngoài. Địa phận Đàng Ngoài rộng khoảng 155.000 km2 và Đàng Trong rộng khoảng 45.000 km2.

4) Trong thời gian 146 năm, kể từ khi Nguyễn Hoàng lập phủ Phú Yên (1611) tới lúc chúa Võ - Nguyễn Phước Khoát thiết lập hoàn chỉnh nền hành chính trong đồng bằng sông Cửu Long (1757), chính quyền các chúa Nguyễn Đàng Trong đã nới rộng được thêm một diện tích khoảng 300.000 km3. Diện tích này gồm 3 phần - a/ 82.000 km2 là diện tích kể từ Phú Yên vào Hà Tiên - nơi đã đặt phủ huyện theo văn minh truyền thống và sẽ được lập địa bạ. b/ 55.000 km2 là diện tích địa bàn các bộ lạc Thuỷ Xá, Hoả Xá, Nam Bàn, Gia Rai, Xương Tinh (Stiêng) nơi phải nộp cống chưa chịu thuế, nay là vùng Tây Nguyên. c/ 163.000 km2 là diện tích thuộc quốc Chân Lạp, tức nước Campuchia, nhận làm phên dậu và nộp triều cống cho chúa Nguyễn Đàng Trong từ năm 1658.

5) Như vậy, ở thời điểm cuối đời các chúa Nguyễn, Đàng Ngoài có diện tích rộng khoảng 155.000 km2 và Đàng Trong rộng khoảng 345.000 km2 (45.000 + 300.000). Nếu cộng chung lại, Đại Việt khi ấy rộng khoảng 500.000 km2 gồm cả diện tích địa phận trực trị và địa phận các xứ phên dậu.

Sự nghiệp mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn thật vĩ đại: từ một đất nước hồi năm 1600 rộng khoảng 210.000 km2 trở thành một giang sơn rộng lớn tới 500.00 km2 vào thời điểm năm 1757. Sự nghiệp ấy thật đáng trân trọng ghi nhớ (5).

Chú thích

1. Trích dẫn theo:Đại Nam thực lục Tiền biên, Tập I, do tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb Sử học Hà Nội, 1962 -Hồng Đức bản đồ, tủ sách Viện Khảo cổ Sài Gòn, 1962.

2. Trích dẫn theo:Đại Namthực lục, Tiền biên, sđd - Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần 6, nxb Tân Việt, Sài Gòn 1958.

3. J. Moura, Leroyaume du Cambodge. Paris 1883, tr 57.

4. Trích dẫn theo:Đại Nam thực lục, Tiền biên , sđd - Lê Quý Đôn,Phủ biên tạp lục, tập I, Lê Xuân Giáo dịch, sách Cổ văn, Sài Gòn, 1972.

5. Dẫn và phỏng tính theo tư liệu:Đào Duy anh,Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học, Hà Nội. 1964 - Tổng Cục Thống kê,Niên giám thống kê 2006. Nxb Thống kê Hà Nội, 2007.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.