Cử nhân Lê Phạm Bá Khánh – người sáng tạo hệ thống kéo dãn cột sống
Ý tưởng sáng tạo từ cuộc sống
Anh Khánh chia sẻ: “Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắt chứng đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống… ngày càng tăng ( kéo dãn cột sống là một phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả cho những bệnh lí trên). Trong khi đó chất lượng điều trị của các giường kéo thủ công chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, với loại giường kéo này, người vận hành mất thời gian, vất vả vì phải canh thời gian kéo, bê tạ đặt vào hệ thống kéo và bê tạ trở ra khi kéo xong. Đối với giường kéo Nhật Bản, tuy chất lượng tốt hơn nhưng loại giường này có những nhược điểm chưa phù hợp với điều kiện ở Việt Nam như: trụ cố định quá rộng khi kéo bệnh nhân vai hẹp làm cho bệnh nhân rất mỏi; khóa giường rất khó thao tác; bánh xe trược lên thanh sắt lâu dần dẫn đến rỉ sét ảnh hưởng đến quá trình kéo và điều quan trọng là giá thành rất cao (trên 180 triệu đồng), theo đó là chế độ bảo trì, bảo dưỡng, khi xảy ra lỗi hoặc hư hỏng rất khó sửa chữa, linh kiện thay thế phải do chính hãng cung cấp nên giá thành rất cao”.
Từ hạn chế của hai loại giường trên, anh Khánh bắt đầu nghiên cứu, quyết tâm thực hiện ý tưởng sáng tạo chiếc giường đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Anh luôn quan niệm điều đầu tiên phải tuyệt đối an toàn cho người sử dụng, sau đó mới đến hiệu quả điều trị, giá thành, khả năng áp dụng.
Hơn 10 năm nghiên cứu, đầu năm 2012 anh chính thức bắt tay thực hiện. Sau gần 6 tháng tự mình mày mò tính toán chiếc giường đầu tiên được hoàn thành. Hệ thống của anh được kiểm định đảm bảo các thông số như trọng lượng kéo, về thời gian kéo nghỉ phù hợp với thông số cài đặt ban đầu, góc kéo, đai kéo, sự an toàn của máy…đúng quy định. Hệ thống đã được Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 2012 bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Hiệu quả được khẳng định
Kỹ thuật viên Huỳnh Thị Thanh Như,Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, nhận xét: “Tôi đã vận hành nhiều loại giường kéo cột sống, nhưng riêng chiếc giường anh Khánh chế tạo tôi thấy rất thuật lợi trong việc vận hành, sau khi chọn máy tự động thực hiện các thao tác. Chúng tôi cũng không phải bưng bê, lắp những quả tạ tốn công sức và canh giờ kéo như giường kéo thủ công. Còn đối với các giường ngoại nhập, hai trụ cố định quá rộng khi điều trị cho những bệnh nhân vai hẹp làm bệnh nhân rất mỏi ;khóa cứng khó thao tác; đai kéo phức tạp khó sử dụng; bánh xe giường kéo trực tiếp lên thanh sắt dễ rỉ sét ảnh hưởng đến quá trình kéo... Chiếc giường của anh đã khắc phục được những nhược điểm trên, điều đặc biệt mà chưa có chiếc gường nào làm được, khi gặp sự cố cúp điện hệ thống vẫn hoạt động, đây là yếu tố giúp người sử dụng không bị gián đoạn cho việc trị bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị”.
Anh Ngô Văn Lương, Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để điều trị bệnh đau thần kinh tọa. Bác sĩ chỉ định anh sử dụng giường kéo cột sống và bệnh thuyên giảm thấy rõ. So sánh giữa việc sử dụng chiếc giường ITO TM:400 (Nhật Bản) và hệ thống M-01, anh Lương nói: “Kéo bởi cùng một khối lượng nhưng hệ thống M-01 cho lực kéo mạnh hơn, làm cho lưng thẳng ra, tư thế nằm cũng thoải mái vì có đai lưng cố định phần trên. Các thao tác đơn giản nên tôi thấy rất thuận tiện trong quá trình điều trị”.
Hệ thống kéo dãn của anh Khánh gồm 2 bộ phận, bộ phận máy kéo và bộ phần giường kéo. Bộ phận giường kéo được anh chế tạo dựa trên mẫu giường kéo hiện có của Nhật Bản (TM400-ITO) tuy nhiên anh cũng cải tiến thêm một số chi tiết để khắc phục những điểm không phù hợp nhằm tạo ra giường kéo đơn giản dễ sử dụng, phù hợp với người Việt Nam hơn.Bộ phận máy kéo là một thiết kế hoàn toàn mới, đầy sáng tạo. Máy kéo hoạt động tạo ra lực kéo do trọng lượng tạ rơi tự do và một hệ thống điện để tạo ra tính tự động cho máy kéo. Máy kéo này đảm bảo đầy đủ các tính năng cần có ở một giường kéo hiện đại. Cấu tạo máy kéo cơ bản gồm:mặt điều khiển thể hiện các phím chức năng gồm: nút kéo nghỉ, nút kéo liên tục, volume chỉnh thời gian tổng, chỉnh thời gian kéo giữ và thời gian kéo nghỉ; Bên trong máy kéo là hệ thống tạ gồm một tạ 3 ký và 24 thanh tạ, mỗi thanh nặng 1 ký, tất cả được định vị bởi 2 trục dọc để các thanh tạ trược lên và xuống luôn đúng vị trí; bảng chọn khối lượng gồm 25 cặp lỗ tương ứng từ 3-27 ký. Cũng bên trong thân máy, hệ thống tạ được nối với dây cáp, qua bộ truyền lực nối với motor điện, motor này điều khiển bởi hệ thống mạch điện. Đây là sự kết hợp giữa cơ học và điện tử nên cho trọng lượng kéo và thời gian kéo chính xác.
Theo đánh giá bác sỹ Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh “Hệ thống M-01 do anh Khánh chế tạo là hệ thống hoạt động tạo ra lực kéo do trọng lượng tạ rơi tự do và hệ thống điện để tạo nên quá trình kéo – nghỉ nhịp nhàng, đây là đặc điểm nổi bật mà chưa có hệ thống kéo dãn nào tại Việt Nam có được; các thao tác thực hiện dễ dàng, khi kéo tạo sự thoải mái cho bệnh nhân”. Bác sỹ Thức chia sẻ thêm về giá trị kinh tế: “Hệ thống M-01 có những chức năng tương đương với giường kéo do Nhật Bản sản xuất, nhưng giá thành chỉ 25-30 triệu, bằng 1/7 -1/8 so giường kéo Nhật Bản sản xuất”.
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ V (2012-2013), hệ thống M-01 được nhiều đại biểu “dùng thử” quan tâm khen ngợi. Với hiệu quả đích thực, giá thành phù hợp nên sản phẩm của anh có nhiều người ngỏ ý đặc hàng để trang bị tại nhà. Công trình của anh đã lọt vào vòng chung khảo Hội thi, được Hội đồng giám khảo đánh giá là giải pháp có tính sáng tạo và tính thực tiễn ứng dụng cao, đặc biệt là hiểu quả kinh tế- xã hội và chấm giải Nhất duy nhất, đồng thời tuyển chọn tham gia Hội thi toàn quốc lần thứ 12.
Anh Lê Phạm Bá Khánh tâm sự: “Ngoài bốn chiếc giường tôi sản xuất đã được một số cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh đón nhận tích cực, mong muốn các cấp ngành quan tâm nhân rộng đến các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa những vùng khó khăn, để tạo điều cho nhiều người được sử dụng, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, qua đó góp phần nâng cao với sức khỏe cộng đồng.