Cột khói hình nấm của vụ nổ bom nguyên tử từ đâu ra?
Có 15% năng lượng phát ra dưới dạng phóng xạ, 35% dưới dạng nhiệt và 50% dưới dạng sóng xung kích truyền đi với vận tốc lớn hơn 1.000 km/h, càn quét mọi thứ trên đường đi. Trong vài phần triệu giây sau vụ nổ, bức xạ X khủng khiếp phóng thích ra làm nóng không khí. Một khối cầu khí nóng rực hình thành có đường kính 1 km với sức nóng lên đến vài triệu độ. Không khí nóng nhẹ hơn không khí lạnh nên khối cầu khí sẽ dâng lên cao, tạo thành một dòng không khí mạnh mẽ đi lên, cuốn hút vật chất bị phá huỷ do vụ nổ. Hiện tượng này tạo ra chân "cây nấm".
Chân nấm hình thành ở tầng đối lưu (ở độ cao 15 km), nơi mà cứ lên 1 km, nhiệt độ sẽ giảm 6 độ C. Từ 18 đến 50 km là tầng bình lưu. Giữa hai tầng này là vùng đỉnh đối lưu mà khi tiếp xúc với nó, cái "mũ nấm" sẽ hình thành. Quả cầu lửa đã nguội lại, không còn đủ năng lượng để tiếp tục bốc lên cao nữa và lan rộng theo chiều ngang, làm thành cái mũ trước khi vật chất rơi xuống dần dần.
Tuy nhiên, trái với những gì người ta thường nghĩ, cái nấm lửa đó không phải là đặc thù của một vụ nổ nguyên tử. Thật ra một vụ nổ do chất nổ hoá học thông thường với cường độ mạnh như thế cũng tạo nên cái nấm. Và một vài vụ phún xuất núi lửa có tính chất nổ cũng tạo thành một cái nấm tro, khí và khói.
Nguồn: vnexpress.net 13/9/2005