Công nghệ làm mềm nước cứng
Bằng phương pháp lọc và trao đổi ion, hệ thống công nghệ này loại bỏ hết các tác nhân gây cứng trong nước, đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt 1329 của Bộ Y tế.
Công nghệ đã được kiểm nghiệm và ngay sau đó đã được đặt hàng và chuyển giao cho các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Nội với số lượng lớn. Đây là những vùng có nguồn nước được đánh giá có nhiễm đá vôi lớn. Nguồn nước nơi đây (nước cứng) thường chứa các ion như: Ca, Mg... mà khi ở nhiệt độ từ 70-100oC sẽ kết tủa hoặc kết hợp với ion âm trong nước tạo váng, có cặn trắng ở đáy. Chẳng phải ở vùng miền núi mà ngay nguồn nước máy một số vùng Hà Nội và vùng đồng bằng, tình trạng nước nhiễm kim loại nặng, khi đun có cặn hoặc váng cũng khá phổ biến.
Nước cứng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm các thiết bị nồi hơi cáu cặn, gây ăn mòn thiết bị, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Trong y tế, sử dụng nước cứng sẽ làm hỏng quy trình sản xuất thuốc, các phép phân tích nghiên cứu sẽ không chính xác. Đối với sức khỏe con người, nước cứng sẽ gây hại cho sức khỏe qua ăn uống, qua đường tiêu hóa tạo các bệnh sỏi mật, sỏi thận, sỏi bàng quang, gây bướu cổ, ảnh hưởng đến men răng...
Thực tế người dân ở những vùng nước có nhiễm đá vôi phải đun sôi nước để lắng cặn, gạn lấy nước trong để ăn uống hoặc đun sôi để nguội, lọc qua bình lọc vừa tốn kém, mất thời gian lại không đạt hiệu quả cao.
Hệ thống lọc nước cứng HT-17 hoạt động theo nguyên lý cơ học và không sử dụng nguồn điện đã khắc phục những tồn tại đó, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nước lọc theo quy định. Nguồn nước (cứng) đầu vào được dẫn qua hệ thống lọc thô (là bông sợi thủy tinh) có kích thước 5 micron sẽ loại bỏ hoàn toàn các tạp chất cơ học trong nước. Tiếp đó, nước sẽ được dẫn qua 3 hệ thống trao đổi để loại bỏ các thành phần gây nên tính cứng của nước. Tại đây, nước cứng sẽ kết hợp với các hạt trao đổi, hạt trao đổi ion sẽ giữ lại các thành phần kim loại, chất cứng theo các phản ứng hóa học kết hợp trao đổi. Nước sau khi qua 3 hệ thống trao đổi đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt của Bộ Y tế (độ cứng nhỏ hơn 250 mg/l)
Ông Vũ Việt Hùng, Giám đốc công ty cho biết, nước cứng khi lọc bằng công nghệ này không gây hại cho các thiết bị sử dụng nước, không dùng điện và các nguồn nhiệt khác để tách kim loại; không gây tác dụng phụ khi sử dụng nước vì các thiết bị của công nghệ được chế tạo từ vật liệu inox, nhựa bền và trơ về mặt hoá học, không bị ăn mòn. Với công suất lọc khoảng 30 lít liên tục trong ngày (khoảng 900 lít/tháng), các hạt trao đổi ion sẽ được hoàn nguyên để trở lại tình trạng ban đầu bằng cách pha 3 lít nước với 2 kg muối. Khi lọc thô, sau khi lọc khoảng 5.400 lít nước sẽ phải thay.
Dự kiến trong tháng 10 này, công nghệ lọc này sẽ được đưa ra thị trường với giá khoảng 1,2 triệu đồng. Ông Hán Văn Thăng, Trưởng phòng thương mại của công ty cho biết, công nghệ sẽ tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên... và một số vùng của Hà Nội. Công ty cũng đang có kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ sang Lào.
Ngoài việc áp dụng cho hộ gia đình với công suất khoảng 30-60 lít/h, công nghệ này còn có thể dùng cho cơ quan, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, xí nghiệp với công suất 1.000 lít/h trở lên.
Nguồn: cesti.gov.vn