Cồng chiêng Tây Nguyên
Tiếng cồng chiêng trong lễ “thổi tai” cho đứa trẻ lọt lòng có ý nghĩa công nhận chính thức, kết nạp thêm một thành viên nữa vào cộng đồng, có nghĩa vụ và quyền lợi như mọi người. Khi đến tuổi thành niên, lấy vợ, lấy chồng, tiếng chiêng trong lễ “trao vòng” (lễ cưới) có ý nghĩa như lời nhắc nhở, dặn dò đôi trai gái phải tuân thủ những truyền thống của cha ông. Tiếng chiêng ấy có ý nghĩa sâu sắc ít khi được nhắc lại trong một đời người.
Tiếng chiêng thúc giục khi có chiến tranh giữa các sắc tộc, hay khi có thú dữ về phá hoại nương rẫy. Đó là sự thôi thúc trai tráng phải quên mình vì sự sống còn của cộng đồng. Khi thắng trận trở về, tiếng chiêng trong lễ đâm trâu lại dồn dập, tưng bừng. Đó là lễ ăn mừng chiến thắng. Dân làng đổ về nơi tụ hội, cùng góp rượu thịt, góp tài năng để biểu hiện sự hân hoan.
Tiếng chiêng chậm chạp, u hoài, ảm đạm, nặng nề báo tin trong dòng họ có người qua đời. Nỗi đau được chia sẻ theo chiều dài vang vọng của tiếng chiêng, gửi tâm tình bay qua chín núi mười sông. Qua tiếng chiêng mọi người xích lại gần nhau hơn, nhắc nhở đoàn kết, thương yêu, vượt qua những khó khăn.
Nhiều khi quanh bếp lửa, giữa những ghè rượu no tròn, cần vút cong, lúa đầy bồ, bắp treo chật bếp, thịt rừng thơm phức, rạng rỡ những khuôn mặt mọi người. Đó là lúc tiếng chiêng ấm áp không gian trong đêm ning nơng ( nghỉ ngơi). Dưới trời trăng sáng trai gái quây quần múa hát, tỏ tình. Những đêm hội tụ ở nhà rông, tiếng chiêng tràn ngập cả núi rừng, vang vọng chín núi, mười sông, gọi trai làng về nhà rông tụ hội. Đến khi từ giã cõi đời, tiếng chiêng vẫn vang vọng tiễn đưa, mãi đến khi sau lễ “bỏ ma” (pơthi), người đời mới thực sự quên.
Cái cồng, con chiêng đã ăn ở với con người đời đời kiếp kiếp. Tiếng cồng chiêng thể hiện đầy đủ tâm tư, tình cảm mộc mạc, chất phác, vui mừng, buồn đau, yêu thương, căm giận của mỗi con người. Cồng chiêng đã đi vào đời sống, vào cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển của đồng bào Tây Nguyên. Tiếng cồng chiêng đã xuyên suốt cuộc đời người, thật sự là linh hồn, là xương, là thịt của mọi thành viên trong tất cả cộng đồng.
Đồng bào Tây Nguyên quan niệm rằng: cuộc sống luôn có hai thế giới sống, chết cùng song song tồn tại. Đó là cuộc sống thực sự mà họ đang sống và cuộc sống của các vị thần linh. Chính vì vậy, cồng chiêng là ngôn ngữ của con người giao tiếp với thế giới siêu nhân. Trong tất cả các phong tục tập quán, cồng chiêng đã giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, như chế độ nhà dài, chế độ già làng, nhà rông, việc cưới hỏi, ma chay, lễ bỏ mả, phạt vạ, ma lai,... đến các ngày lễ hội, như lễ sắm rang đầu năm, lễ ăn cơm mới, lễ thần đất, thần núi, thần sông, thần trời, lễ chúc sức khoẻ, lễ đâm trâu, thần cây đa, tế Yang.... là những biểu hiện sống động cho sự gắn bó giữa nghệ thuật với cuộc sống.
Nếu xét về mặt nghệ thuật âm nhạc, trong các lễ hội, cồng chiêng giữ vai trò trụ cột. Thông qua độ vang tiết tấu, âm sắc của cồng chiêng, mọi tâm tư, tình cảm được thể hiện và thông hiểu nhau hơn. Cồng chiêng chẳng những có giá trị về mặt nghệ thuật và phong tục tập quán xã hội... mà còn có giá trị kinh tế cao. Có những bộ chiêng trị giá 35 - 50 con trâu, là biểu hiện của sự giàu có, hùng mạnh và chiến thắng của các dân tộc Tây Nguyên.
Cồng chiêng có giá trị đặc biệt trong đời sống của các dân tộc Tây Nguyên và đã có lịch sử khá lâu đời. Lần giở lại những trang sử thi của các dân tộc Ê - đê, M’nông, Gia - rai, Ba - na... chúng ta sẽ thấy từ thời cổ đại người Tây Nguyên đã sử dụng cồng chiêng như một thứ bảo bối của dân tộc.
Về nguồn gốc của cồng chiêng, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Câu hỏi “cồng chiêng ở Tây Nguyên có từ bao giờ? Được nhập từ nơi nào vào Tây Nguyên hay do chính đồng bào dân tộc đúc nên mà cho đến ngày nay nó vẫn được quy tụ tại vùng đất naà một cách phong phú đến thế?”.
Một số nhà nghiên cứu âm nhạc đã xác định cái nôi của cồng chiêng chính là ở Tây Nguyên. Qua nghiên cứu thực tế về tên các loại chiêng mà đồng bào vẫn dùng để gọi cho các bộ chiêng và các bài bản chiêng, chúng tôi thấy đồng bào các dân tộc thường gọi là chiêng Lào, chiêng Gioăn, (của người Kinh đúc), chiêng Kur.... Qua một số tên gọi như vậy, chúng tôi cho rằng: cồng chiêng phải do đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên đúc nên. Một vấn đề quan trọng nữa là ở Tây Nguyên đồng bào các dân tộc còn đang ở nền văn minh nương rẫy, thì chưa có kỹ nghệ cao để đúc được chiêng.
Vậy cồng chiêng chỉ có thể được nhập từ nơi khác đến:
- Chiêng Lào: đã được đưa từ Lào sang, có người còn cho rằng chiêng Lào thực ra đã được đúc từ Myanma, qua con đường trao đổi, buôn bán đã đến Tây Nguyên. Đây là loại chiêng rất quý được đúc bằng đồng có pha bạc, tiếng kêu to và vang xa.
- Chiêng Gioăn: do người Kinh đúc. Đây cũng là vấn đề còn được bàn luận khá sôi nổi. Tại sao người Kinh đúc chiêng mà lại không sử dụng? Có lẽ thuở bấy giờ người Kinh đã tìm thấy một thị trường lớn tiêu thụ cồng chiêng rồi sản xuất và đưa lên Tây Nguyên trao đổi, luôn bán.
- Chiêng Kur: được đưa từ Campuchia sang.
Nếu theo nhận định trên thì nguồn gốc của cồng chiêng Tây Nguyên đã tạm thời được xác định. Song một vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu còn tranh luận là: cái nôi của cồng chiêng ở đâu?
Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc Maxêđa ở Viện nghiên cứu âm nhạc Đông Nam Á năm 1983 về thăm Gia Lai - Kon Tum, khi tiếp xúc với cồng chiêng ở đây và bước đầu so sánh với cồng chiêng trong khu vực Đông Nam Á, đã đề xuất một luận điểm: “Dãy Trường Sơn có thể xem như cái nôi sản sinh và truyền bá toàn khu vực nền văn hoá âm nhạc độc đáo của cồng chiêng”.
Tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk cũng nằm trong khu vực này và theo thống kê bước đầu của các nhà nghiên cứu trong nước thì các dân tộc Ê - đê, Gia - rai, Ba - na còn bảo lưu được một lượng cồng chiêng lớn nhất so với các dân tộc khác: dân tộc M’nông ở Đăk Lăk, dân tộc Mạ, Stiêng ở Lâm Đồng, dân tộc Mường ở Hoà Bình, dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm ở Kon Tum... cũng có những bộ cồng chiêng và những phong tục, sinh hoạt cồng chiêng lâu đời và phong phú.
Ngược dòng thời gian về mấy ngàn năm trước, qua hoa văn của trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ nổi tiếng, ta cũng thấy khắc nổi những dàn cồng chiêng. Từ đó có thể kết luận là cồng chiêng đã ra đời nếu không trước trống đồng thì ít nhất cũng cùng với thời gian trống đồng xuất hiện.
Nhìn sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Malaixia, Inđônêxia... chúng ta cũng đều thấy các dân tộc ở những nước này sử dụng cồng chiêng. Tuy hình thức sử dụng thang âm, điệu thức, phương pháp diễn tấu mỗi nơi mỗi khác, song nhìn chung đều có những yếu tố cơ bản giống nhau là được chế tác bằng đồng và có hình dáng, cấu trúc tương đối thống nhất.
Như vậy, cồng chiêng được phân bổ, bao trùm khắp cả vùng Đông Nam Á và duy nhất chỉ ở vùng này mới có cồng chiêng. Ở mọi địa danh và các trung tâm văn hoá lớn thế giới, cho đến nay chưa một nhà nghiên cứu nào phát hiện thấy dấu vết của cồng chiêng.
Tuy các vòng phân bổ cồng chiêng lan rộng cả vùng Đông Nam Á, nhưng sự hình thành những nhu cầu của một nền văn hóa bản địa ở Tây Nguyên nói chung đã quy tụ cồng chiêng và trở thành một đặc điểm điển hình. Chính đặc điểm điển hình ấy là nguồn ảnh hưởng rất quan trọng để cồng chiêng du nhập đến Tây Nguyên, tồn tại, định hình mãi đến ngày nay và trở thành nền âm nhạc bản địa chính thống. Sau này cho dù các trào lưu văn hoá phương Bắc, phương Tây luôn tìm đủ mọi cách để xâm nhập đến, nhưng nó vẫn luôn định hình và tồn tại....