Côn trùng hại trái táo
1) Sâu đục trái táo:gồm nhiều loài khác nhau, nhưng phổ biến nhất hiện nay là sâu đục trái mầu hồng (vì thế có người gọi là sâu hồng) loài sâu này thuộc họ ngài đêm (Noctuidae), bộ cánh phấn (Lepidoptera). Theo điều tra của các nhà chuyên môn tại Đồng Tháp và Cần Thơ (năm 1995) thì hầu như 100% số vườn điều tra đều thấy có loài sâu này gây hại. Con trưởng thành của loài sâu này là một loại bướm nhỏ mầu nâu, sải cánh rộng khoảng 12-14 ly, chiều dài thân khoảng 6 ly. Con cái đẻ trứng rải rác ở gần cuống của những trái táo còn non. Sau khi nở sâu non đục vỏ trái chui vào bên trong để cắn phá phần thịt trái, đặc biệt chúng rất thích ăn những hột còn non và phần thịt trái xung quanh hột. Chỗ vết đục hơi nổi u, muốn biết đó có phải là đường đục của sâu hay không chỉ cần lấy dao mỏng gọt nhẹ lớp vỏ sẽ thấy có đường đục mầu thâm tối. Ngoài ra còn có những lỗ đục lớn như đầu chân nhang, những lỗ này thường có phân thải ra ngoài. Nếu gặp mưa hoặc nước sương xung quanh, lỗ đục sẽ dần bị thối và chuyển thành mầu nâu. Bổ những trái bị sâu hại ra sẽ thấy sâu non nằm bên trong (có trái có tới 4-5 con sâu non). Sâu non có mầu hồng hoặc mầu hồng tím, đầu mầu nâu đen. Sâu gây hại từ khi trái còn non cho đến lúc thu hoạch. Khi đẫy sức sâu lớn cỡ đầu chân nhang, và dài khoảng 1 phân, chui ra ngoài nhả tơ kết phân thành một cái kén mỏng rồi hoá nhộng bên trong kén ngay gần cuối trái.
2) Ruồi đục trái táo:Có tên khoa học là Bactrocera dorsalis, thuộc họ ruồi đục trái cây (Trypedidae) bộ hai cánh (Diptera). Về mặt gây hại ruồi đục trái có thể được xếp thứ hai sau sâu đục trái, chúng thường gây hại nhiều cho vườn táo vào mùa mưa. Ruồi trưởng thành nhìn nhỏ hơn con ruồi nhà một chút, nhìn bề ngoài chúng có vẻ giống con ong hơn là con ruồi nhà. Con cái dùng râu để chọn những trái táo sắp chín rồi dùng ống đẻ trứng chích vỏ trái đẻ trứng thành từng ổ 5-10 quả vào bên trong thịt trái. Vết chích rất nhỏ nên rất khó phát hiện. Như vậy ruồi đục trái thường gây hại từ khi trái già sắp chín trở đi. Trứng ruồi rất nhỏ, màu trắng. Sâu non (con giòi) có mầu trắng ngà và không có chân (rất dễ phân biệt với mầu sâu non của sâu đục trái). Sau khi nở giòi đục ăn phần thịt trái xung quanh chỗ ổ trứng, càng lớn giòi càng đục sâu vào giữa trái làm phần này bị thối và loang dần ra xung quanh, có thể bắt gặp nhiều con giòi sinh sống và gây hại trong cùng một trái táo.
Để hạn chế tác hại của nhóm con trùng hại trái táo có thể áp dụng một vài biện pháp chung như sau:
–Thu hoạch trái sớm hơn bình thường, đừng để trái chín đeo quá lâu trên cây.
– Thu gom những trái bị rụng, những quả bị sâu, giòi đem tiêu huỷ hoặc đem chôn, để hạn chế mật độ sâu ở các lứa sau.
- Thường xuyên tỉa bỏ cành già, cành tăm, cành bị sâu bệnh… để vườn luôn được sạch sẽ và thông thoáng.
Ngoài những biện pháp áp dụng chung cho cả hai loại côn trùng đã nêu trên, có thể áp dụng một vài biện pháp riêng cho từng loại như sau:
- Đối với sâu đục trái:nếu vườn thường xuyên bị sâu gây hại nặng hoặc vườn có khoảng 3% số trái bị nhiễm sâu thì có thể sử dụng một trong các loại thuốc hoá học như: Regent 800 WG; Fastac 5EC; Sherpa 10EC, Decis 2,5EC, Sumi-alpha 5EC; Sevin 85WP… xịt vào các đợt cây ra trái non, nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng có in trên nhãn thuốc, chú ý bảo đảm thời gian cách ly của thuốc.
- Đối với ruồi đục trái:có thể rải Basudin 10H, Vibáu 5H/10H; Padan 4G/10G, Regent 0,2G/0,3G… xuống xung quanh gốc táo để diệt nhộng đang nằm dưới đất. Dùng “thuốc nhử ruồi” VIZUBOND để dẫn dụ và diệt ruồi đực sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của giòi rất lớn, biện pháp này nếu vận động được nhiều bà con trên một vùng rộng lớn cùng làm thì mới có kết quả cao.
Không nên dùng thuốc hoá học phun trực tiếp lên trái táo khi trái táo sắp được thu hoạch vì rất dễ gây ngộ độc cho người sử dụng, hết sức chú ý bảo đảm thời gian cách ly của thuốc.
Nguồn: Kinh tế nông thôn cuối tuần, số 35 (107)